Saturday, June 16, 2018

BA CHA BỐ TÍA

Hồ Đình Nghiêm

Cha và con

Vợ chồng anh có được một cậu con trai. Nó chào đời ở bệnh viện L’Hôtel-Dieu.

Dạo đó vợ chồng anh vừa bỏ xứ sang tới. Đen đúa, xác xơ lấm bụi trần, hai đứa chưa học hỏi những điều khác biệt giữa văn minh và lạc hậu nhưng nhìn nhận ra ngay, đâu là thấm đẫm tình người phương này và đâu là ác đức bất nhân phương kia.

Khi vợ đau đẻ chuyển bụng, anh gọi taxi và cả hai chạy u vào nhà thương nhờ tài nghệ lòn lách cực giỏi của một ông già bạc tóc cầm lái. Đó là bệnh viện mà anh luôn hộ tống vợ đến để theo dõi tiến trình phát triển của thai nhi. Để nghe họ tận tuỵ bày vẽ mọi phương thức nhằm bảo vệ giọt máu đang tượng hình trong bụng bầu. Giải đáp chi li mọi thắc mắc với tấm lòng thành y như ruột thịt. Hơn cả bà con xa, hơn cả láng giềng gần, hơn vạn lần xã hội mà anh vừa từ bỏ.

Khác với dự đoán, thật bất ngờ, những người phụ trách ca đỡ đẻ hôm đó đã bắt tay anh, trấn an anh, rồi biểu anh thay đổi xiêm y cho giống họ: Ông nên đứng trên đầu giường trong khi chúng tôi giúp vợ anh mang cháu ra khỏi cửa mình. Anh phải trực tiếp theo dõi chứ chẳng thể lóng cóng ngồi nhấp nhổm trên ghế kê ngoài hành lang đón đợi “lộc trời ban”. Ô-kê?

Ngồi chờ rung sụng không được, buộc lòng anh lóng cóng theo họ vào căn phòng “khủng khiếp” hơn vạn lần phòng the. Ê-kíp đỡ đẻ cho vợ anh gồm có hai bác sĩ nam và ba cô y tá. Phòng lạnh toát, đèn sáng loà và mặt vợ anh xanh cắt không ra giọt máu. Diện mạo anh e cũng thế, như tàu lá chuối, vì tạng người yếu bóng vía, sợ nhìn cảnh máu đổ thịt rơi. Tuy không nói ra, những người “mát tay” kia như ngầm chuyển tới thông điệp: Mày phải chứng kiến cơn đau chẻ dọc người mà vợ mày đang hứng chịu. Nếu biết ca dao, họ sẽ ngâm nga: Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển lôi thôi hai người.

Thằng bé khóc rõ to khi thông báo cùng chư vị rằng tôi đang hiện diện. Cô y tá hát bè, giọng thính phòng: Mon Dieu, nó bô giai quá thể. Bác sĩ đồng thanh hợp xướng: Thuận buồm xuôi gió, xin chúc mừng ông bà nhé. Oe oe oe xong mới tới he he he. Khóc hay cười cũng đều là liều thuốc bổ.

Tàu nằm trong vịnh phẳng lặng không gió máy đúng bốn ngày, theo quy định phải nhổ neo về lại chốn giang hồ. Vô sản khi đi vô, trở ra lại giàu sụ vì cục vàng bề thế nặng hơn ba ký ngu ngoe trên tay ôm. Và giang hồ, chốn ấy nay đã đổi thay, nhà nước hàng tháng cứ đều đặn rót ngân lượng bồi dưỡng cho quý tử gọi là tiền sữa. Cho cháu “bú” mệt nghỉ tới tuổi 18 mới ngưng chi viện. Luật lệ gì đáng yêu quá thể, và người ký luật nhắn nhủ, chúng tôi rất hoan hỉ nếu bạn mặn chuyện đẻ. Đẻ như gà thì tiền sữa gửi tới nhiều như lá mùa thu. Eo ôi, chắc quý vị không biết, ở xứ tôi cho phép mỗi gia đình chỉ được đẻ ra hai mặt con thôi. Thế mới gọi là thiên đường xã hội chủ nghĩa chứ. Có ai như quý vị, lạc hậu, kém văn minh quá mạng!

Thằng bé lớn nhanh, năng động, ưa xông xáo. Nó ưa đá banh và biểu anh làm thủ môn cho nó phát huy sức mạnh chân cẳng. Nó ưa đạp xe cùng anh ra công viên, dọc theo con sông đào, rồi dần dà rất hứng thú đi khám phá những thành cổ nằm ở ngoại ô. Đó là khoảng thời gian còn ngồi ở bậc tiểu học, lên trung học cu cậu bắt đầu “chây lười lao động”. Tiếng Việt dần dà cà lăm cà cặp, đặt câu lộn xộn nhớ trước quên sau. Tâm sinh lý đổi thay, ít trửng giỡn, ít cười đùa, ít tâm sự. Ưa làm mặt nghiêm, ưa cố thủ trong phòng và vô tình, nó làm cho bố mẹ đẻ phải thắt thỏm âu lo đâm sợ nó. Sợ con buồn, sợ con đang phải lòng ai kia, sợ con xa lánh sách đèn, sợ con chưa đủ lông cánh đã bày đặt đòi bay xa.

Con chuẩn bị bay trong khi mẹ âm thầm nuôi dưỡng một cuộc cách mạng giết người không gươm dao. Cách mạng thành công, chị bỏ anh đột ngột, đành đoạn như một người xét thấy đã làm xong những bổn phận, đã chu toàn thứ hợp đồng chẳng liên hệ tới vấn đề tình cảm. Đó là lúc mà con anh đã xong đại học và tìm ra việc làm ở thành phố kề cận. Trống hoác ập tới giữa khúc đời ghẻ lạnh, anh chống đỡ tai ương khó hiểu bằng thái độ của đứa khánh kiệt dần chất lửa. Không dậm cẳng kêu trời, chẳng mồm năm miệng mười bù lu bù loa trách tình nhân thế. Chỉ biết co rúm người lại tịnh khẩu như bình. Chẳng hiểu sao “tiếng thơm” của anh lan truyền về tận cố quận, và thằng cháu bên đó đã gửi email sang kèm tấm ảnh chụp ấn tượng. Nó ngồi ngay ngắn ở bàn học, trên vách dán tấm bìa đỏ lổn ngổn hàng chữ vàng bắt mắt: “Sống chiến đấu, lao động, học tập KHÔNG theo gương chú Hồ nhỏ bé”. Thư chẳng ỉ ôi xin xỏ tiền bạc gì cả nhưng anh đã gửi về cho nó 100 đô với hàng phi lộ: Chút chút tượng trưng để cháu có mà ăn quà vặt nhằm nâng cấp chất xám. Tao rất yêu chất phản động mà mày dành cho ông chú tha phương.

Để phù hợp với hoàn cảnh mới, anh tìm thuê một căn hộ nhỏ như cái lỗ mũi mong sớm tối có chỗ ngã lưng. Cái vỏ của một con ốc sên thì đâu có gì to lớn kềnh càng, khiến nhọc thân? Thiền giả rút êm vào thạch động, bợn lòng chỉ thông báo cùng đứa con ruột rà và người bạn thân duy nhất. Người bạn này có gia đạo an vui, nhà êm cửa ấm nhưng không hiểu sao hắn luôn hứng chịu tiếng ong ve, bị liệt kê vào hội viên hội sợ vợ. Hắn nhún vai, thì đã sao, nhất vợ nhì trời. Mày có thể coi thường, không sợ ông bà Trời nhưng mày phải biết cách xử thế với nửa kia để tai qua nạn khỏi. Tao đồ chừng cái hậu quả mày đang hứng kia e do trước đây mày không biết “lễ độ” chăng? Bạn hỏi: Con mày thế nào rồi? Nó làm đồng minh phe mẹ hay sao? Nó có thường “đi đêm” với mày không? Anh phá ra cười với chữ dùng của bạn. Anh cám ơn những thăm hỏi, những chất vấn; và trong mọi tình huống cười trừ là cách thế nên biểu tỏ. Để chứng minh, dù sao đi nữa, bi thảm cách gì thì ta cũng nên vui sống. Có điều kiện để thụ hưởng của ngon vật lạ lại càng hoan nghênh. Bạn gật gù. Hai đứa con tao đôi khi ngó bắt nản, bởi chúng chúa “phân biệt chủng tộc”, mother’s day chúng mua quà hoành tráng mà tới father’s day thì chúng ì xèo nay tặng cái kềm mốt tặng cây búa. Mẹ nó chứ, làm cha thì thiếu gì thứ để ngứa tay vọc vào, sao cứ bắt làm thợ mộc làm thợ nề thợ dựng xây thợ cơ khí cố xá thế kia! Đừng đổ oan cho tớ là sợ vợ nhé, bảo tớ làm hội viên hội sợ con mới đúng, nhớ?

Thường thì cùng ra ngồi quán cà phê với nhau không được lâu. Điện thoại thông minh dấu trong túi áo bạn ré kêu giật thót, ba chừng bảy đỗi. Thôi tao dông, bả mới ký sứ vụ lệnh ở chợ Maxi’s bán sale giấy vệ sinh 16 cuốn chỉ 3 đồng 99, mười cái đùi gà mà có 2 đồng 99… Bạn dông thật, điệu bộ lật đật quờ quạng như gà nuốt giây thun. Quen rồi, nên câm lặng mà chẳng càm ràm than vắn thở dài khi cuộc chuyện trò chưa ngã ngũ, nói chưa sướng miệng. Anh ngồi một mình, nhâm nhi cho hết cốc cà phê đắng chát. Tiếng chuông reo mơ hồ, có vẻ không thực. Lần này thì nó phát ra từ máy anh. Ấp a ấp úng một lát anh mới lại thần hồn, bên kia đường truyền của sóng là tiếng nói người con. Bao giờ cũng vậy, trao đổi cùng con anh luôn mang nặng một hối tiếc, một ước ao, phải chi mà hai bố con đều nói được tiếng mẹ đẻ. Như thế, có phải dễ cho anh khi dốc lòng tâm sự cùng nó? Tiếng Anh tuy chẳng cà lăm nhưng anh cực lòng sử dụng để chuyện trò cùng con, nghe nó xa cách làm sao ấy!

Nó thông báo sẽ lái xe về thăm anh, cỡ sáu bảy giờ gì đó là có mặt. Nó mang anh đi nhà hàng ăn tối rồi trao quà đặc biệt cho anh. Biết không dad, hôm nay là Father’s day. Anh mường tượng ra trong đầu hình ảnh một anh chàng kỹ sư luôn diện đồ lớn, vét tông cà vạt đủ thứ. Tóc ướt cắt tỉa theo thời trang rối rắm một cách có chủ ý. Cạo râu hàng ngày để dưới da mặt xanh thẩm tượng hình một vùng quai nón. Có thứ nước hoa dịu ngọt ám đâu đó trên thân thể… Như đoạn phim chiếu ngược, chàng kỹ sư kia thời còn bé, với anh luôn là đôi bạn chân tình, khắng khít. Nhớ lúc mang nó về nhà, bệnh viện có cử cô y tá đến chăm nom chỉ bày cách săn sóc con hàng tuần. Cô bảo khi tắm bé, nên vọc con chim nó, nhẹ nhàng để kéo lớp da quy đầu lui. Tất cả như một giấc mộng, khởi đi từ lòng nhân ái của vùng đất mới cho tới sự lập thân vững chãi của đứa con anh.

Con anh thuê hotel vì chỗ anh ở không thể chứa chấp thêm ai khác. Đó thực sự là ổ chuột dưới mắt người con quen sống trong tiện nghi. Nó trao cho anh chiếc chìa khoá. Cái gì vậy? Anh hỏi. Con ở phòng 105, bố ở 107. Chỉ một đêm thôi. Đã gọi là ngày của cha thì buộc phải khác thường. Nó vỗ vai anh, vẻ như trấn an, như khích lệ, như dọn lòng đón đợi một bất ngờ. Đúng theo chương trình nó sắp xếp, một bữa ăn ở nhà hàng đình đám diễn ra. Tàn cuộc, nó chở anh về khách sạn, ở đó có người con gái chực sẵn. Quà của con đó, bố khui giờ này hay sao? Đây là Sylvie, đây là ông già tôi. Hai người nên thụ hưởng cuộc vui nhé.

Anh chẳng có phản ứng, anh rất vụng cư xử khi xét thấy mọi thứ đã lỡ làng, đã sắp đặt. Anh yên lặng để cho người con gái áng chừng ngoài đôi mươi nắm tay anh lôi đi, ân cần, âu yếm, quan hoài, tận tuỵ. Phòng 107 mở rộng, đèn bật cháy. Một chiếc giường, một cái TV là vật thể đập vào mắt anh trước tiên. Sau đó là áo xống được cởi ra, ném lên mặt nệm, dụt xuống tapis. Da lụa là trắng muốt, bầu ngực căng mọng với hai núm hồng. Phía dưới là rừng lá thấp, những tóc vàng sợi nhỏ. Và hơi thở nóng thơm mùi bạc hà. Có nói tôi mới tin, ông chẳng ra là bố của anh Mike rất mực hào hoa phong nhã kia. Anh Mike giao tôi một trọng trách, chìu chuộng ông rất mực suốt năm canh này. Chúc mừng ngày lễ của cha.

Anh nhắm mắt lại, sung sướng đón nhận một trọng lượng nồng ấm vừa phủ chụp xuống cơ thể mình. Đôi khi người ta đã dùng chữ lầm lạc, tại sao lại mừng khi trút bỏ được gánh nặng? Hãy đè xuống người anh bao lực nặng mà em có, để chứng minh sức mạnh ở em đã mang anh về lại thuở trung niên cường tráng. Sylvie, cho anh được gọi tên em là Huyền nhé, người vợ đã chối từ anh. Huyền, anh yêu em. Ít ra thì em đã cho anh một thằng con quý tử. Ôi, cuộc đời vẫn đẹp thay!

H ĐÌNH NGHIÊM
21 tháng 6. Tạ ơn Cha.

No comments:

Post a Comment