Saturday, September 23, 2017

TẢN MẠN VĂN HỌC, NÓI CHUYỆN VỚI LƯU NA.(I)


Nguyễn Mạnh Trinh & Nhã Lan


Tác phẩm Lênh Đênh của Lưu Na

Nguyễn Mạnh Trinh: Trong văn học Việt Nam hải ngoại, một đề tài được chú ý nhất không phải với người Việt riêng thôi mà còn cả với người bản xứ là tiến trình hội nhập của người Việt tị nạn. Ở văn chương Hoa Kỳ tác phẩm của những người di dân là một phần tiêu biểu thí dụ như những tác phẩm của Monique Truong, của Aimee Phan, của Nguyễn Minh Bích, của Lan Cao, củaKim Thúy, của Nguyễn Thanh Việt… ở Pháp thì Linda Le, Trần Huy Minh…Đó la những tác giả có  tác phẩm viết bằng Anh ngữ  hay Pháp ngữ.
Tình cờ, chúng tôi đọc một tác phẩm mới của một nhà văn nữ cũng rất mới  bằng Việt ngữ. Đó là tác phẩm  Lênh Đênh của tác giả Lưu Na. Tôi cũng là một người tị nạn nên khi đọc những trang sách trong truyện của Lưu Na  như thấy lại những chuỗi ngày đã qua của đời lưu lạc với những  nhân vật mà nét hiện thực đời sống tỏ lộ hết sức rõ ràng. Lưu Na không chỉ là người kể truyện mà còn là một chứng nhân của những cuộc đổi dời mà thời thế như những trận cuồng phong cuốn xoay mọi người miền Nam vào những cơn bão tố khủng khiếp.
Từ những cảm nhận trên, trong chương trình Tản mạn Văn Học hôm nay, chúng tôi, Nhã Lan và Nguyễn Mạnh Trinh, đã mời nhà văn nữ Lưu Na  nói về tác phẩm vừa hoàn tất của mình. Hy vọng, chúng tôi cống hiến được cho qúy thính giả một chương trình thú vị về một tác giả mới nhưng có bút pháp đặc sắc và có triển vọng để tiến xa hơn. Những suy tư của cô tuy riêng mình nhưng nhiều khi trở thành của chung nhiều người…
Nhã Lan :   một tiểu sử ngắn. Lưu Na sinh ở Sài Gòn. Học  năm thứ hai Đại Học Kinh tế sau năm 1975. Vuơt biên  và định cư ở California năm 1981. Hiện sinh sống tại Orange County. Đề cãp đến chuyện viết lách cô tự nhận :”góp chữ với đời là chuyện tình cờ và cũng vẫn là viết cho riêng mình”. Nhã Lan sẽ tìm hiểu chuyện tình cờ của Lưu Na ra sao và dù viết cho riêng mình nhưng đã thành chuyện của trường văn trận bút thế nào?
 Lênh Đênh là truyện  của người trong  thế hệ tị nạn  một rưỡi đã trải qua những cảnh ngộ với người Việt tị nạn thì có thể bình thường nhưng với người bản xứ thì là những tháng năm của bản trường ca đầy nỗi đoạn trường và chuyện sống chết chỉ là những giây phút rủi may oan nghiệt.
Sau ngày đau thương 30 tháng tư năm 1975, cả toàn dân miền Nam đã chịu chung số phận của những người thua trận. Trong đó có những người ở tuổi đôi mươi đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ đã  chứng kiến biết bao nhiêu tình cảnh ly biệt đau thương của cả một xã hội rối loạn và đang trên đà đi xuống không kềm giữ được. Trường lớp   qua sự điều hành của người thắng trận đã thành  môi trường của hoang mang, ưu tư sẽ không biết đi về đâu trong không khí nghi kỵ đe dọa. Họ bắt buộc phải lựa chọn hoặc theo thời để mong có chân đứng trong xã hội mới, hoặc nín thở qua sông, hoặc chống đối đương đầu, hoặc chọn vượt biên vượt  biển băng rừng ra khỏi nhà tù lớn ở quê hương  . Lư na là người chọn phương cách ấy. Vượt biển , may mắn đến đảo tạm dung rồi định cư ở Mỹ, cái tiến trình xây dựng tương lai ấy có lẽ chung của mọi người. Nhưng với Lưu Na đặc biệt hơn là thân phận cô đơn sống một mình và  đương đầu cũng một mình với bao nhiêu trở ngại  của cuộc sống lưu lạc xứ người.

Những câu hỏi với Lưu Na.
1.     Nguyễn Mạnh Trinh:Lưu Na vừa xuất bản tác phẩm đầu tay Lênh Đênh. Cô có thể cho biết tác phẩm này đã hoàn thành như thế nào? Cũng như có chuyên chở một  ý hướng hoặc thông điệp nào đến độc giả?

LN xin thưa, viết LĐ là vì muốn viết lại những ý nghĩ những cảm xúc của mình.  Trường hợp viết LĐ là cuối năm 2010 đầu năm 2011 vì một sự tình cờ mà LN viết, rồi cái tình cờ này dẫn đến cái tình cờ khác, rồi LN cứ viết tiếp, viết tiếp, viết hoài, đến một lúc nào đó LN nghĩ rằng những gì mình đã mang trong lòng cũng cần được viết lại, nên viết lại.  Viết lại, trước hết là nhìn lại chính mình, và cũng đúc kết lại quãng đời mình đã đi qua (để biết) có những gì.  Có thể nói đó là một sự chia sẻ, và cũng là một cách mình đóng lại cánh cửa quá khứ vì nếu mọi sự cứ theo mình hoài mà không giãi bày không chia sẻ thì cũng không đóng lại được (quá khứ) và cũng không biết sẽ đi tới đâu.  Nghĩ như vậy thì LN bắt đầu viết lại, nhưng khi viết lại cả một quãng đời dài như vậy không phải  dễ.  Mình quên nhiều điều, nhiều chi tiết, mà giờ đây nghĩ lại, cái mình nghĩ bây giờ khác với cái mình đã nghĩ khi đó khi nó đang xảy ra, nên khi viết lại LN phải ngẫm nghĩ và phải viết từ từ bằng cách viết từng chuyện nhỏ, phân đoạn ra là: quãng đời đầu tiên khi cộng sản chiếm miền Nam (LN) còn đi học, kế đến tại sao mình bước chân xuống thuyền, lên đảo sống như thế nào, khi định cư ở Mỹ quãng đời hội nhập có những gì lưu lại trong lòng, khi đã đứng lại và nhìn lại quãng đời đã qua mình đã có những cảm xúc gì…  Thật sự có nhiều chi tiết đã quên mà nếu viết lại bằng kiến thức của tuổi 50 bây giờ sẽ không đúng, nên khi viết LN chú trọng là ở giai đoạn đó đã có sự việc gì xảy ra và mình đã có cảm xúc gì, nghĩ gì vào lúc đó.  Không thể nào viết hết, vắn gọn chỉ là những gì đã ghi đậm trong lòng, đã cho mình một ý nghĩ sâu xa để theo mình thì viết lại mà thôi.  Nói tình cờ thì cũng tình cờ, nhưng không hoàn toàn chỉ là tình cờ.

2.     Nguyễn Mạnh Trinh: Cô có nghĩ đề tài về người tị nạn đã bão hòa bởi vì có quá nhiều tác giả đã khai thác về đề tài này?

Xin thưa em là một người tị nạn, đề tài tị nạn đã hết tính thời sự, mức độ nóng hổi của vấn đề cũng đã bão hòa vì đã có quá nhiều người viết về đề tài tị nạn, nhưng em cũng đồng ý với anh NMT, đề tài tị nạn nói 100 năm cũng không hết vì nó cũng thuộc một vấn đề lịch sử.  Bản thân em là một người tị nạn, cho đến chết dù có quốc tịch Mỹ em vẫn là một người tị nạn.  Nói bao nhiêu cũng không đủ, nói bao nhiêu cũng vẫn còn chỗ để mà nói, nhưng riêng với em và Lênh Đênh khi viết em có nhắc đến một phần đời tị nạn vì đó là khởi đầu của em trên đất Mỹ này, và điều đó cũng hình thành một con người mới nơi này.  Nếu còn ở Việt Nam em đã là một con người khác, bây giờ đến đây là một người tị nạn, sống ở đây với tư cách một người tị nạn thì cũng hình thành một con người khác.  Đề tài tị nạn đã bão hòa, nhưng LN muốn nhắc rằng trong quá khứ khi mọi người nhắc đến nói đến tị nạn thường là kể đến những thảm họa, những đau thương, những sự kiện, những tình tiết.  Với LN khi nhắc lại những gì mình đã đi qua LN chú trọng đến cảm xúc của mình.  Cũng cùng một vấn đề mỗi người có một cảm xúc riêng, một ý nghĩ riêng, LN chỉ xin chú trọng đến cảm xúc và ý nghĩ trước vấn đề đã thấy.  Sự kiện thì vẫn phải nhắc tới, nếu nhiều người đã lập lại rồi mình không nhất thiết phải nói lại, nhưng nếu có một cảm xúc riêng vì một chỗ đứng riêng thì chỉ xin nói đến những cảm nghĩ ấy.

3.     Nhã Lan : Cơ quan tuyên huấn chỉ đạo văn chương ở trong nước cho rằng đề tài về người tị nạn chỉ có tính nhất thời và không có giá trị lâu dài trường cửu. Lưu Na nghĩ sao về luận cứ này?

Trong câu hỏi này xin nói 2 vấn đề.  Thứ nhất là tính cách nhất thời và thứ hai là giá trị lâu dài trường cửu.  Nói nhất thời thì xin được nói, Thiên An Môn, Cách Mạng Dù Vàng, Cách Mạng Hồng, Cách Mạng Hoa lài, Cách Mạng Ba Lan, tất cả đều ngắn ngủi và đều qua đi, nhưng chúng ta có nói đó (những cuộc Cách Mạng đã nêu) là nhất thời không?  Không.  Chúng ta nói nhất thời khi nói đến những phong trào ăn diện như thời trang, hay vui chơi như ở Việt Nam có dạo chơi trượt Pa-te và qua đây chúng ta chơi game, chơi Pokemon, đó là phong trào; hoặc ở VN nuôi chim cút, ở đây chúng ta uống (bán) bô-ba.  Chúng ta nói (nhất thời) những việc ăn uống vui chơi hay làm ăn kiếm lời cấp tốc.  Những việc có liên quan đến cả một xã hội, thay đổi cả một khuynh hướng, chúng ta không (thể) nói đó là nhất thời.  Gọi phong trào vượt biên là nhất thời là muốn gán ghép với chuyện (tính cách) a dua, đua đòi, theo thời trang theo chuyện ăn diện vui chơi.  Na nghĩ nói như vậy (“nhất thời”) phần nào bôi bẩn ý nghĩa của chuyện vượt biên và phần nào đó để phản bác lý do người ta vượt biên.  Không có ai…  Để theo một phong trao ăn diện vui chơi làm tiền cấp tốc (người ta) bỏ tiền ra mà (nếu) mất thì thôi; người vượt biên liều mạng ra đi để đổi lấy sự sống thì không thể bảo là a dua.  Không có ai liều mạng để a dua để đua đòi theo thời trang.  Người vượt biên bỏ hết của cải, bỏ gia đình, thân thuộc máu mủ, bỏ quê hương bỏ lối xóm ra đi, nếu đi được họ mất tất cả - mất quê hương mất tình máu mủ, mất tình vợ chồng anh em.  Đó là đi được, họ vẫn mất, mà nếu không đi được sẽ mất gia sản và ở tù.  Nếu điều đó gọi là mode thời thượng…, liều mạng để đi tìm đường sống không thể nào là theo mode thời thượng. 


4.     Nhã Lan : anh Nguyễn Mạnh Trinh đã nêu rằng LN viết Lênh Đênh là một sự tình cờ, không biết thuở học sinh LN có tham dự vào công việc viết lách?
Xin thưa, nói một chữ “viết” thì điều đó hoàn toàn tình cờ, vì thưa thật khi còn đi học trong nước LN làm luận lúc nào cũng rớt, mà học Anh văn bên này thì cũng rớt hoài, nên LN không bao giờ nghĩ có một ngày mình cầm viết để “viết.”  Chuyện viết là hoàn toàn tình cờ, mà cái tình cờ đó khi nãy LN cũng có trả lời anh NMT – cái tình cờ này dẫn đến cái tình cờ khác rồi cái tình cờ khác nữa, nên khi viết Lênh Đênh thì LN đã viết được 5 năm.  Lênh Đênh là tác phẩm đầu tiên LN in ra giấy, và in ra cũng chỉ để tặng bè bạn, (vì) có bản điện tử trên trang mạng Văn Học của T-vấn và Bạn hữu.net.  In trên giấy thì Lênh Đênh là tác phẩm đầu tiên (được in), và cũng là tác phẩm đầu tiên LN có chủ ý.  Bình thường LN viết từng bài riêng rẽ, với Lênh Đênh khi viết từng bài/chuyện ngắn LN có chủ ý là phải gom lại cho thành một quyển sách, nên nếu nói đầu tiên thì không phải (truyện) đầu tiên viết, nhưng là đầu tiên in ra giấy và đầu tiên viết có chủ đích để gom lại thành sách chứ không như những bài rời đã viết để post.

5.  Nhã Lan:  Đã viết những bài rời, LN có nhớ bài rời đầu tiên đã viết là gì không?
Lưu Na nhớ.  Xin được bỏ qua tựa của bài đầu tiên ấy.  Bài viết tình cờ đầu tiên với Na cũng là một thách đố.  Đó là, có một quyển sách ai cũng đọc mà LN không đọc, ai cũng nói tới mà vì người ta nói tới nhiều quá thì LN không đọc (!!!).  Sau cùng thì LN cũng đọc, đọc rồi người đó hỏi LN nghĩ thế nào.  Nghĩ thế nào, cả một quyển sách dài không thể một hai câu nói hết ý nghĩ, và nghĩ câu trước quên câu sau, nên LN hẹn là sẽ ghi xuống giấy cho đầy đủ ý nghĩ.  Hẳn hoi đó là chuyện tình cờ và chuyện thách đố, vì LN chưa bao giờ nghĩ mình viết để làm gì viết cho ai.  Không ngờ bài viết được đón nhận và trong vòng thân hữu cũng được post.  Từ cái tình cờ đó đẩy đến chỗ viết cái nữa xem sao, rồi lại cái nữa xem sao, từ từ LN cũng viết được khá khá. 


6.     Nguyễn Mạnh Trinh: LN tự khai viết cho mình.  Tôi nghĩ viết cho mình chưa đủ, có thể viết cho người mẹ, viết cho người tình hay viết cho thân thuộc, và cũng có thể cho cả đất nước.  Đó là thắc mắc của tôi, LN nghĩ sao, nghĩ vậy có xa quá không?
Em xin đính chính một chỗ: không (dám) viết cho người tình, vì viết cho người tình là bị bỏ liền!!!  Viết cho mẹ hay cho quê hương, xin thưa nói vậy cao cả quá.  Thành thật là viết cho mình, xin chia sẻ một điều riêng tư: những năm tháng đầu tiên sống nơi đây (LN) không có gia đình cha mẹ anh chị em thân thuộc, cũng không có bạn bè nhiều.  Khi cô đơn như vậy biết làm gì, trong 10, 15 năm đầu em viết nhật ký rất nhiều, mà viết nhật ký là viết cho mình.  Bây giờ tình cờ viết thì cũng là theo những dòng viết nhật ký đó mà viết.  Viết, cho mình, là bởi khi viết là suy nghĩ bằng chữ, khi viết mình lọc lựa suy nghĩ của mình nên gọi đó là viết cho mình, thực sự là vậy.  Bây giờ có độc giả thì không thể nói hoàn toàn là viết cho mình, nhưng chủ đích đầu tiên là vậy.

7.      Nguyễn Mạnh Trinh:  Tôi đọc trong Lênh Đênh có đoạn cô lên chuyến xe để vượt biên thì mẹ không có nhà, nhưng khi cô đã ngồi trên xe thì bà mẹ đạp xe về.  Cảm giác đó tôi đọc rất xúc động vì cũng nhiều lần cũng ở trong hoàn cảnh đó…  Chủ quan tôi nghĩ cô viết cho mẹ, gửi tâm tư vào đó dù chỉ một chi tiết nhỏ nhưng gợi cảm và làm liên tưởng đến những vấn đề khác.
Nhờ anh NMT nhắc em mới nhận ra, thực sự mẹ của LN đến sau, trong suốt 15 năm dài (LN) sống một mình.  Bây giờ nhắc, thì…, rất súc động,…, Na vẫn còn nhớ cảnh đó,.., nhớ giây phút… mình không được từ giã mẹ mình, lúc ra đi …, Na vẫn nhớ…, Na xin lỗi vì chuyện đó mang lại cho mình nhiều cảm xúc,…, mình ra đi như vậy… mà mẹ mình cách mình chỉ một con đường…, mẹ đứng bên kia con đứng bên này…, mà không nói được một lời…, Na khóc bao nhiêu năm dài…, mà đến bây giờ Na vẫn khóc…, Na xin lỗi… cái chuyện mà…, bởi vậy ai nói là chuyện đó (vượt biên) nhất thời…, Na nghĩ cái đó phỉ báng lắm…  Không thể nào nói nhất thời…, mẹ.. không được từ giã con, mình da đi như vậy, mà phải nhớ là khi mình tới bến bờ có nghĩa là, cái thuở đó không có chuyện về thăm, không có chuyện Việt kiều về nước, Na không bao giờ gặp lại má.  Càng nghĩ càng đau lòng, suốt một thời gian trên đảo Na khóc, mười mấy năm ở đây Na vẫn khóc, bây giờ… Na ở đây gần 40 năm, nhắc lại Na vẫn khóc.  Không bao giờ Na quên chuyện đó.  Không bao giờ Na quên nỗi đau lòng đó, và anh NMT nói đúng, suố..ố..t mười mấy năm dài Na ở nơi đây khi gia đình và mẹ chưa qua, bất cứ lúc nào Na cũng nghĩ đến mẹ.  Thật sự mà nói, có ai hướng dẫn mình đâu, lúc nào cũng nghĩ… gặp một chuyện (thì) nghĩ oh, nếu là má thì má làm gì, nếu mình làm vậy thì má nghĩ sao…  Đại khái.. tất cả những chuyện như vậy, cho dù Na không có ý hướng viết truyện này cho mẹ đọc, nhưng khi viết hình ảnh người mẹ luôn ở trong lòng Na.  Có thể anh Trinh là người đọc thì nghĩ là Na viết cho mẹ vì Na luôn luôn nhắc đến má, (nhưng) khi Na viết Na không nghĩ là viết cho má, Na nghĩ là Na viết cho Na, nhưng thật sự Na luôn nghĩ đến má.  Na xin lỗi vì chuyện này làm Na xúc động đến nỗi phải khóc, nhưng cho đến chết có ai nhắc lại chuyện đó Na vẫn khóc.

HẾT PHẦN I

No comments:

Post a Comment