Nguyễn
An
Tác phẩm của Ivo Andric
Ivo Andric & Chiếc Cầu Trên Sông Drina
Chiếc Cầu Trên Sông
Drina là tác phẩm của nhà văn Nam
Tư Ivo Andric. Andric viết cuốn truyện
này khi sống bình lặng ở Belgrade trong thời gian Thế Chiến II, và xuất bản nó
năm 1945. Ông được trao giải Nobel năm 1961. Những năm đầu 1970 sống ở Đà Lạt,
làm nhà in và nhà sách Nhân Văn chúng tôi đặc biệt mê Chiếc Cầu Trên Sông Drina,
tìm thấy trong đó nhiều tư tưởng và hình ảnh nhân sinh.
Bài viết dưới đây là
của Nguyễn An, tức bạn Nguyễn Minh Diễm, cựu giám đốc Đài RFA đã ra đi, Nguyễn
chỉ tra cứu Wikipedia thêm một số chi tiết.
Nay xin đăng lại để
tưởng niệm Nguyễn Minh Diễm và tặng Trương Vũ -bạn ta vừa viết một bài tản mạn
rất hay tựa đề Mưa Ướt Vị Thành. Trong bài có nhắc tới Chiếc Cầu Trên Sông Drina.
NXT
Câu chuyện về chiếc cầu trên sông Drina
xoay quanh thị trấn Viýegrad và chiếc cầu
Mehmed Paýa Sokolovic bắc ngang sông Drina. Dàn trải qua bốn thế kỷ dưới
triều đại Ottoman, cuốn sách miêu tả cuộc sống, định mệnh và những mối liên hệ
giữa những người cùng thời cư ngụ cùng trên một mảnh đất. đặc biệt xoáy sâu vào
cuộc sống của những người Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo Chính Thống sống ở Bosnia và Herzegovina.
Cuối thế kỷ thứ 4, vua cuối của đế quốc La
mã là Theodosius đệ nhất chia lãnh thổ làm hai phần Đông và Tây, giao mỗi phần
cho một hoàng tử cai trị, với ranh giới là dòng sông Drina, nay thuộc lãnh thổ
Bosnia trên bán đảo Balkans. Dòng sông không chỉ là một biên giới địa lý, mà
còn là đường phân thủy của hai dòng văn hóa đông tây nữa. Trên bờ phía đông
dòng sông, có một tỉnh nhỏ tên là Visegrad. Đây là nơi đa dạng về văn hóa, chủng
tộc và tôn giáo. Trong khi giới quý tộc theo đạo Hồi, thì giới nghèo theo Thiên
chúa giáo La Mã, dân quê theo Chính Thống giáo còn thương buôn là Do Thái.
Đế quốc Hồi giáo Ottoman lúc thịnh thời có một
quy định đối với các vùng xa, gọi là cống vật bằng máu -huyết cống: thỉnh thoảng
quân lính tràn vào phía bờ tây, bắt trẻ trai đưa về làm nô lệ cho giới quý tộc ở
thủ đô Istanbul. Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh cậu bé người Serbia bị cướp khỏi
bàn tay của người mẹ. Bờ sông Drina chính là điểm chia tay giữa mẹ và con, trước
khi đoàn quân lôi đứa trẻ lên yên, quất ngựa phi nhanh, rồi xuống phà qua sông,
như đi vào cõi vô tận... Trong tác phẩm “Chiếc Cầu Trên Sông Drina”, Andric tả
lại cảnh những bà mẹ chia tay con mình: "Những bà mẹ này chạy theo các
con, vừa chạy vừa kêu khóc, cho tới khi tới bờ sông và đứa nhỏ được đưa xuống
phà. Tới đây thì họ kiệt lực và cũng không thể theo qua bên kia sông."
Vĩnh viễn mẹ con chia cách nhau. Những đứa trẻ sẽ trở thành người Hồi giáo và
mang tên Thổ. Tại thủ đô, những đứa
thông minh, mặt mũi sáng sủa cũng có khi đựơc chọn lựa và huấn luyện để trở
thành quân nhân. Vào cuối thế kỷ 16, một trường hợp vô tiền khoáng hậu xẩy ra,
là một trong các trẻ ấy trở thành tể tướng của đế quốc Ottoman. Vị đại quan ấy
dù đã lên đến tột đỉnh danh vọng, vẫn mang trong lòng một vết thương không kín
miệng, đó chính là dòng sông Drina ngăn cách ông mãi mãi với người mẹ thân yêu.
Chỉ có một cách để hàn gắn vết thương là cho xây một cây cầu nối liền hai bên bờ
ngay tại tỉnh Viýegrad. Đó là chiếc cầu bằng đá trên dòng sông Drina xanh ngắt,
trung tâm của cuốn tiểu thuyết đem đến cho nhà văn và cũng là nhà ngọai giao
Ivo Andric giải Nobel Văn chương năm 1961.
Cuốn tiểu thuyết lấy chiếc cầu như một sân
khấu, mà cũng là một chứng nhân, một sợi chỉ xuyên suốt thời gian hơn 300 năm của
một trong những khu vực đa dạng nhất trên thế giới, vào thời điểm mà những mâu
thuẫn đến lúc không thể dung hợp nhau rồi sẽ đưa đến sự bùng nổ của thế chiến
thứ nhất, cũng là khi cây cầu bị phá hủy.
Việc xây dựng cây cầu khởi sự vào năm 1566
và năm năm sau thì hoàn thành, thay thế cho chiếc phà cũ kỹ đưa người qua sông.
Nhà văn Ivo Andic miêu tả dòng song Drina chảy siết như sau: "Phần lớn
dòng chảy của con sông lao qua những hẻm núi hẹp giữa những sườn núi chớn chở
hay qua những vực song thăm thẳm với những tường đá dựng. Chỉ ở một vài nơi, bờ
sông trải ra hình thành những thung lũng với bờ thoải thoải, một nơi như thế nằm
ngay tại tỉnh Viýegrad, ở đó dòng sông bung vỡ thành một dòng uốn cong."
(Andric 1977, 13). Thị trấn Viýegrad nằm hai bên bờ sông và câu chuyện của tôi
kể về những mảnh đời ở thành phố này và cây cầu bắc ngang sông Drina."
Lúc cây cầu bắt đầu đựơc xây dựng, nỗi uất ức
của những con người đói khát bị đánh đập, hành hạ và lao động khổ sai đã đưa đến
tin đồn là thần linh không muốn cây cầu đựơc hoàn thành. Radisav, người tung
tin đồn đó bị bắt, và bị kết tội chết bằng cách đóng nọc. Hình ảnh kinh hoàng của
một con người giống như ngồi trên một cái sào cao ngất dựng bên cầu đã là động
lực thúc đẩy những con người bất hạnh lao động nhanh hơn, mạnh hơn và chăm chỉ
hơn.
Cây cầu khi đã hoàn thành với cái kapia, giống
như cái bốt gác ở giữa một bên cầu, liền trở thành trung tâm sinh hoạt của
Viýegrad, và cuốn truyện trở thành tập họp của một số chuyện ngắn đa dạng và vô
thường như chính đời sống và lịch sử.
Dòng sông Drina vẫn trôi đi và cây cầu vẫn đứng
đó, ghi nhận bao chuyện buồn vui của kiếp người...
Cô thiếu nữ Fatah quyết không chấp nhận lấy
người mình không yêu đã thản nhiên tiếp đón nhà trai, mặc áo cô dâu, trang điểm
đẹp đẽ bước lên xe hoa về nhà chồng, nhưng khi đến giữa cầu thì tung mình nhẩy
xuống sông. Anh chột Cachot cầu bơ cầu bất bị cả tỉnh khinh khi nhưng đã tỏ ra
tư cách hơn người khi đứng ra bảo vệ thi thể trinh trắng của người thiếu nữ bất
hạnh. Một người lính vì thiếu cảnh giác phạm lỗi khi đứng gác cầu đã tự giác trả
giá bằng chính sinh mạng mình. Một tay mê đỏ đen từng đánh bạc với quỷ ngay
trên cầu. Một ông già luôn luôn nói những điều nghịch lại với cộng đồng bị đóng
tai vào Kapia...Và còn những gì nữa? Đời sống cứ trôi đi, cứ đổi thay, thế hệ
này tiếp theo thế hệ khác như dòng nước chẩy qua chân cầu. Nhưng chính cây cầu
thì vẫn còn đó, với mây bay trên cao và
nước xanh chẩy xiết bên dưới. Cây cầu không nói, không phản ứng mà chỉ ghi nhận...
Những chú bé vẫn ra bờ sông ngồi câu cá nơi mà cha anh đã từng ngồi câu trứơc
đây. Rồi chú lớn lên, đi qua cầu để bước vào một cuộc sống khác. Có khi không
bao giờ trở về, cũng có khi lê bước mỏi trở lại cây cầu với gánh nặng của đời sống
và tuổi tác trên vai, nhưng cây cầu thì vẫn thế, đá vẫn lên nứơc sáng bóng và
nước sông vẫn cứ sủi bọt khi đụng vào chân cầu.
Hình ảnh của "Chiếc cầu trên sông
Drina" khiến không thể không ngậm ngùi nghĩ đến những vần thơ của Ôn Như Hầu:
Cầu thệ thủy ngồi trơ
cổ độ,
Quán thu phong đứng
rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn
khê,
Tang thương đến cả
hoa kia cỏ này.
NGUYỄN
AN
No comments:
Post a Comment