Monday, October 3, 2011


Tản mạn
bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp 

Mùa thu &
tấm khăn lụa Hermès





Mùa thu. Trên cây phong đầu phố đã có những chiếc lá chuyển sang màu vàng và màu đỏ rực. Trời dường như nhiều mây hơn. "Mây năm xưa đã phiêu du trở về…, như lại vừa nghe ai đó đọc sáng nay khi thức dậy. Trời bắt đầu trở lạnh rồi đây. Và mỗi sáng mỗi chiều đi trong trời mát lạnh mùa thu, có phải đôi khi em cảm thấy khí thu dường như thấm vào đôi vai gầy. Và chợt nghĩ tới vòng tay vẫn thường khăng khít khi đi bên nhau dưới bóng chiếc ô tròn xoe. Và cũng có thể trong phút giây đó em chợt  nhớ tới một vuông khăn lụa của thời mới giã từ sân trường, bước vào đời.
Vậy thì, dưới bầu trời mùa thu chập chùng mây và thấm lạnh hôm nay, anh xin nói với em -như đã nói hôm nào khi trời mới chớm thu- về những vuông khăn lụa nổi tiếng của nhà Hermès. Có phải, từ bé dại đến giờ, em vẫn hằng yêu những chiếc khăn như thế không. Thì đây...

  


   Tất cả bắt đầu từ một tai nạn ở lâu đài hoàng gia xứ Monaco. Bà hoàng Grace Kelly -em biết rồi đấy, cả anh và em đều mê nhan sắc và đức hạnh của bà- bà hoàng bị gãy tay, đúng ngay hôm trước ngày hội hàng năm của Sporting Club. Hôm sau, bà xuất hiện trước công chúng trong chiếc áo dài trắng, một tay bị bó bột được nâng đỡ bằng chiếc khăn lụa, mà người ta có thể nhận ra những hình vẽ kiểu khăn "Les Brides de Gala", chiếc khăn của nhà Hermès. Lúc ấy là năm 1958, bức ảnh được gửi đi khắp thế giới: mảnh lụa vuông được truyền đến những đời sau.
   Cho đến lúc đó, tác phẩm Hermès bán chạy nhất này đã được tái xuất 12 lần, với 62 sắc màu và bán ra hơn 200.000 chiếc. Nó ra đời năm 1957, nhờ tài năng của Hugo Grygkar, là một tác phẩm nghệ thuật thật sự, có nhiều "tín đồ”, câu lạc bộ người yêu thích và được bán đấu giá.
   Thế nhưng, phải đợi cho đến lúc bà hoàng Grace Kelly "lancer" nó, thì tác phẩm của Hermès mới thật sự đạt tới đỉnh cao của cơn cuồng mê thời trang. 870 mẫu đã được đưa ra cho đến ngày nay, chiếc khăn vuông trọng lượng 75gram và kích thước 90cm mỗi cạnh, vẫn giữ tính đồng nhất, đã đi vào truyền thuyết. Qua năm tháng, khăn Hermès được xem như một gạch nối, một dấu hiệu nhận biết của một thế giới đài trang và thanh lịch.




   Nếu Hermès thành công trong lĩnh vực mà nhiều người khác thất bại, hẳn ông đã có một bí quyết, bí quyết đó được Jean-Louis Dumas Hermès định nghĩa như sau: "Làm việc không mệt mỏi, yêu nghề thủ công, say mê cái đẹp, nghĩ đến truyền thống, mãi mãi giữ óc sáng tạo và tính chính xác của một sản phẩm được xem như một tác phẩm nghệ thuật". Tới đây, thiết tưởng cần nói thêm những chi tiết như: 2,000 tấn chỉ tơ nhập cảng mỗi năm từ Trung Quốc hay Brazil, 300,000 tập hàng mẫu được lưu trữ, và khoảng 300 người, khi thì ở Paris khi thì ở Lyon chuyên thiết kế những mẫu khăn để đưa vào bộ sưu tập hàng năm. Người ta thấy một xu hướng bền vững là một bản khắc tỉ mỉ và gần như bách khoa, trình bày hệ động vật hay thực vật của một vùng (xích đạo 1988; Texas 1987…), phương tiện vận chuyển thời xưa (xe thư, 1953; Những kỳ công của hơi nước, 1958; Ghe và thuyền tam bản, 1990; xe biến thể 1965), y phục, đền đài…




   Điểm đặc biệt là chiếc khăn vuông đã cố gắng là nhân chứng của thời đại nó, khi trình bày những biến cố lớn của thế kỷ qua. Không có mảnh vải vuông vẽ con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, nhưng có mẫu chuyện phiêu lưu trong không gian với chuyến bay đầu tiên của phi thuyền Hermès.
   Một mẫu phải tôn trọng tuyệt đối qui luật: Không dùng màu sắc sặc sỡ, không liên quan đến một sự mê tín dị đoan nào, không mang ý thức  tiên phong gây hấn, không quá thực dụng... Và nhất là không có những hình vẽ mà người ta không thể kiểm tra những biến dạng do những may rủi của nếp gấp.





    Nghe có ghê không em: Số sản xuất trung bình mỗi năm là 1 triệu chiếc, trong đó phải đốt đi 80.000 chiếc vì bị xem như không xứng đáng mang dấu ấn (signature) Hermès. Cuối cùng khi mảnh vải vuông đã vượt qua mọi cửa ải xét duyệt, thì chỉ còn việc cắt nó ra, viền cuốn mép bằng tay, xếp nếp, rồi đặt trong một chiếc hộp màu cam in hình chiếc xe ngựa trần bốn bánh màu hạt dẻ.
   Biết được như vậy, em sẽ hiểu hơn vì sao lại có sự hâm mộ của những người sưu tập đối với những tác phẩm nghệ thuật này. Paul Studler, chuyên chế tạo gan ngỗng vỗ béo ở Landes, bắt đầu sưu tập khăn Hermès khi mới 20 tuổi. Ông có khoảng hơn 200 chiếc khăn, cái ông thích hơn cả là mẫu "Mare aux Canards". Còn Alina Jones, một nữ diễn viên ở New York đã có được một niềm vui lớn lao. Cô đã thắng trong cuộc bán đấu giá, giành được chiếc khăn độc đáo Regina, với giá nhiều ngàn đôla... Ngoài ra, còn nhiều chiếc khăn nữa được trưng bày, mang những cái tên rất đẹp: Hoa hồng nước Anh, cúc gai xứ Ecosse, cỏ ba lá Irlande, tỏi tây xứ Galles trên nền đen, một bức vẽ sáng tác năm 1972, nhân dịp nữ hoàng Elizabeth sang thăm Pháp.



    Thi sĩ John Keats nói: A thing of beauty is a joy forever (vẻ đẹp là niềm vui vĩnh cửu, có phải thế không em?) Đêm nay, trong khí thu lành lạnh, anh lên net vào gian hàng Hermes Shawls với ý định táo tợn là tìm mua tặng em giữa mùa thu này một chiếc khăn lụa màu hoa lilac. Em nhớ không, anh đã nói đi Macy's mua cho em chiếc áo màu hoa hiên kiểu cắt ngắn rất trẻ và rắt đẹp, và sang nữa, với giá chỉ có 60 bucks (mình nghèo mà em!). Bây giờ có thêm chiếc khăn lụa Hermès nữa thì hơn cả tuyệt vời. Nhưng em ơi, khi nhìn tới giá tiền thì anh té ngửa: tới 399 bucks lận. Em nghĩ xem, thân viết mướn như anh, ngày đêm  ngồi vắt tim nặn óc gõ bàn phiếm viết cho báo người thì lấy mô ra mà mua khăn lụa Hermès tặng em . Vậy thì e phải chờ tới kiếp sau, em ạ. Này, khăn shawl ơi hỡi khăn shawl!Mùa thu ơi, mùa thu!  

NXT



1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete