Tố Nghi
Cầu Ông Lãnh
ngày xưa
Nhất Linh ở xóm cầu mới. Tui ở xóm cầu cũ. Xóm mới hổng biết
có cầu không, nhưng xóm cũ có một cái to đùng mang tên ông lãnh. Ông lãnh có thể
là lãnh binh Nguyễn Ngoc Thăng thời pháp thuộc một ngàn bảy trăm lâu lắm, ông lập
một hơi 5 cái phòng, tên mỗi phòng được dùng đặt cho 5 ngôi chợ quê thời nẳm :
bà Hạt, bà Chiểu, bà Điểm, bà Hom và bà Quẹo. Nhiều vợ nên chắc đông con, rồi vợ
con đùm đề kiểu nớ thì giờ đâu ra để theo phong trào kháng chiến chống ngoại
xâm, thành hổng hiểu tin tức nọ chánh xác được nhiêu phần. Mà rồi thiệt sự ông
lãnh là ai, mần chi tới có tên đặt cho cây cầu thì tui hổng biết, và cũng hổng
tò mò muốn biết. Tui xa xứ quá lâu rồi, quê nhà chừ mờ nhạt như giấc chiêm bao.
Thỉnh thoảng nghe những chuyện quen quen, xong hổng chắc có biết thiệt hay chỉ
nghe kể lợi. Vậy nhưng những kỷ niệm ấu thời lại cứ chờ dịp ló ra làm mình làm
mẩy thốn tim hết biết !
Hình cầu ông lãnh trên kia chắc là chụp hổng lâu trước khi
gia đình tui dọn tới… Tấm hình gợi lại cả một thời thơ ấu cũ.... Hồi đó cầu Ông
Lãnh còn là chữ L. Nhánh trên bắc qua rạch Bến Nghé. Nhánh dưới đổ xuống ngay
trước cửa nhà. Dưới chơn cầu ông lãnh là khoảnh đất công cộng, được dân chúng
quanh vùng tuỳ nghi xử dụng. Hồi đầu đây là chỗ vui chơi của đám con nít bàn
ngày. Quí nữ và thằng Việt (con ông Việt hùng lối xóm) hay ra đây chọi loong,
úynh cù, hoặc xúm nhau chơi u với trẻ lối xóm. Bàn đêm dưới hầm cầu là chỗ hò hẹn
của đám trai thanh gái lịch xóm trong - tuy giàu tình nhưng rất yếu địa -
Đám con nít chơi hoài một thứ rồi cũng chán, chúng bèn day
sang sắm đứa một dàn ná. Cơm nước xong, thành phố vừa lên đèn, cả đám rủ nhau
lòng dzòng quanh hai cái cột đèn mà thi nhau xạ tiển. Hai cái cột thoạt tiên là
cột dẫn điện, sau trong chương trình đô thị hóa đường phố của chánh phủ, nhà
đèn Sài Gòn mới cho gắn ở lưng chừng bên trên cột điện nớ những bóng đèn vàng.
Và những bóng đèn đường ni đã biến thành đích nhắm của đám thiện xạ trẻ tuổi
tài cao, trong đó có một thị mẹt.
Dần dà về sau, dân xóm đông lên… Đông vậy nên khoảnh đất
công cộng chơn cầu từ từ biến thành nơi phóng uế và đổ rác. Chỗ chơi của trẻ
nít thu hẹp lợi, chỉ còn xung quanh hai cây cột điện. Chỗ chơi của "trẻ lớn"
tiêu luôn. Đèn đường bể bóng dữ dội hơn, rác rến dưới chơn cầu tăng nhanh theo
cấp số nhơn, và đám phố mặt tiền sanh tật thích thưa gởi nhà chức trách sở tại.
Dzồi để giải quyết vấn đề - và giải một cách cấp kỳ - cảnh sát buộc lòng phải
đi tuần mỗi bữa. Giấy phạt được phát lia chia cho đám tội phạm kinh niên (xui xẻo
có thể bị khiêng về bót 1-2 bữa hổng chừng) đã hổng ngó trước ngó sau nên bị bắt
quả tang đang phạm tội ác. Bọn thiện xạ nhỏ dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng dính.
Thì lượm cục đá nhỏ tra vào ná, rồi đang... một mắt ngó lên bóng đèn, mắt kia
nhắm tít đặng nhìn đích cho rõ thì... teng teng teng tèng... thinh không cảm thấy
tai bị xoắn lợi, hai chơn có thể bị nhấc hỏng lên. Đứa tội đồ xanh mặt thiếu điều
té đái.
Màn cảnh cáo thể lực nớ được coi là sương sương, bạo phát bạo
tàn, sợ đó nhưng rồi bảo đảm sẽ quên ngay tắp lự. Nhưng cũng có thể nó bị áp tải
dzìa nhà, giao cho tía má giáo huấn dùm. Màn này mới dễ sợ, bị vì cảnh sát cần
quả tang, tía má thì không, và luật nhà vốn là... luật miệng ! Tui có bị hù một
bận chớ không sao. Thì chưa kịp ra tay đã dính chấu. Rồi tui khóc bù lu bù loa
tới nỗi ông cảnh sát hết hồn, phải dẫn sang bên kia đường trả lợi cho tía má
kèm với lời... an ủi, rằng thôi nín đi, chú có la con đâu nào ! Dĩ nhiên bữa đó
qúi nữ được tía thưởng một cây roi mây quắn đít, và má thì nước mắt lưng tròng
thương đứa ngịch tặc. Cũng may là... con này ham vui nên chóng quên, bữa trước
bữa sau là nó lại tỉnh bơ, ngựa quen đường cũ !
*
Trong tấm ảnh nọ, bên dưới phía trái có 3 mái ngói to đùng
của 9 căn phố rộng rãi khang trang (3 căn chung một mái). Một trong số ấy là viện
bảo sanh, cạnh bên phòng mạch BS Trần Minh Tùng, do cô thư ký trẻ đẹp phụ tá điều
hành trông coi giấy tờ sổ sách. Phòng mạch đông khách, có má là bịnh nhơn hầu như thường trực. Đây là thời còn hàn vi,
hồi hoạn lộ hanh thông, BS Tùng trở thành đại tá cục trưởng quân y, tổng trưởng
y tế rồi cả thượng nghị sĩ quốc hội, danh giá lắm lận !
9 căn phố mái ngói trung lưu được phân chia ranh giới cách
biệt với 5 căn mái lá nghèo hèn bằng một đường mương nhỏ xíu, người lớn lách
qua hổng lọt. Trẻ nít đi tè trong đường mương nọ, rồi xài nó như một shortcut để
ra thẳng đường lộ Bến vân đồn, thay vì đi lòng vòng hai ba con hẻm. 5 căn mái
lá trong hình chắc là hồi đó, lúc nhà tui dọn tới thì đám mái lá nọ đã thành
mái tôn, mùa hè nóng đổ lửa. Hai căn đầu hổng nhớ của ai. Căn thứ ba là tiệm đồ
gỗ Lưu-đô. Căn thứ tư nhà tui (mái sậm màu nhứt) Căn thứ năm là tiệm may Việt-hùng.
Sau tiệm Việt hùng là con hẻm nhỏ dẫn vào xóm trong, nhà trong hẻm nọ có dấu suyệc
thứ nhứt (số nhà có 1 gạch). Ngay sau nhà tui là một con hẻm khác, thẳng góc và
đổ vô con hẻm suyệc-1 nọ. Trong con hẻm
sau ấy, số nhà có tới hai dấu suyệc (2
cái gạch). Nhà cửa được chia được ngăn thêm nữa cho hạp cung cầu, địa chỉ các
căn nhà xóm trong tự động cơi tầng, 3-suyệc, 4-suyệc. Đại khái hẻm càng chằng
chịt rắt rối, số nhà càng nhiều suyệc nhiều gạch cho... dễ kiếm ! Hổng hiểu rồi
đám bưu điện làm cách nào để đưa thư tới đúng nơi đúng chỗ nữa lận !
Đất đai chiếm đóng bất hợp pháp, lâu dần được hạp thức hóa
để trở thành cái xóm lao động nghèo, trong đó nhà tui là thành viên. Ông Lưu đô
tướng ngũ đoản, chăm chỉ làm ăn. Vợ ông hiền lành y chang ông. Hy hữu cái là...
cả ông lẫn bà đều có em sanh đôi, rồi họ giới thiệu nhau cái phiên bản của mình
cho đủ bộ. Thình thoảng cặp kia tới thăm cặp này, rồi tiện dịp giúp một tay,
vác đám đồ mộc xuống mấy chiếc ghe đậu bên kia đường chở về lục tỉnh. Hai cặp bốn
người, in hệt nhau thong thả tới lui qua đường, một cảnh tượng lạ lùng vui mắt Tiệm Việt hùng, VH, nhỏ và nông. Hồi đầu là
tiệm may của một cặp bắc kỳ, có ông VH là thợ phụ. Rồi ông chủ thợ chánh rước
phòng nhì dzìa ở chung, mới 1-2 tháng thì phải sang tiệm lợi cho thợ phụ vì...
"3 company's" thiếu chỗ sanh hoạt.
Hàng xóm hẻm 2-suyệc-
sau nhà, lần lượt kể ra như sau :
- Phía bên này hẻm, có căn nhà nhỏ và nông sau lưng tiệm
may VH nọ, rồi tới nhà tui. Kế đó là nhà năm sương sâm, một căn khác tới nay
tui chưa nhớ ra, trong cùng là nhà ông hai đan rổ rá.
- Phía bên kia hẻm, là vựa ốc của ông năm, kế đó là nhà sáu
vịt. Kế nhà sáu vịt là chú ba bò viên. Trong cùng và đối diện với ông hai đan rổ
rá là chú tiều hủ tiếu, một chú ba khác có xe hủ tiếu bán rong.
Cùng con hẻm cụt mà một bên (bên tui) có tới 6 căn, bên kia
chỉ có 4, bời vì nhà năm ốc và tiều hủ tiếu có bề ngang hơi rộng. Trong xóm
tui, phần lớn người ta sống trên gác lầu, nhà dưới là chỗ làm ăn buôn bán, trừ
những nhà có "kinh doanh" tiến hành nơi khác - như nhà ông sáu vịt chẳng
hạn -
Gia đình ông bà Năm sương sâm, chuyên vò sương sâm cho bạn
hàng tới lấy mối bán lẻ. Sớm tinh mơ các bà các cô đã thúng gánh tới lấy hàng đặng
bán rong. Quang gánh sương sâm bao giờ một đầu cũng là cái thau nhôm chứa vật dụng
(ly muỗng đường), đầu bên kia là cái thau nhôm khác chứa sương sâm, một trong
hai cái thau có thể có nắp và trên nắp ấy là một sô nước nhỏ dùng "rửa"
ly muỗng đã xài xong.
Sương sâm luôn luôn phải để trong nước, nên dzồi gánh sương
sâm có thể nặng hổng chừng. Người yếu ớt khi bán xong thì vòng lợi lấy thêm và
dĩ nhiên là đổi địa điểm vị trí buôn bán luôn thể. Cũng có những bạn hàng khoẻ
sức, hoặc tính toán lợi hại đường xa, lấy 2-3 thau một lần, rồi kê hai thanh
tre mà đặt thau nọ chồng lên thau kia, thùng nước rửa thì tới đâu hứng phông
tên công cộng tới đó.
Sáng sớm qúi nữ thường thức dậy với tiếng huyên náo bán
buôn ngay sau nhà, lúc ông bà năm giao hàng cho khách. Ông bà năm có hai con thị
mẹt. Thị lớn lớn bộn dzồi, thị nhỏ đâu đó hơn qúi nữ nhà bên đây 1-2 tuổi. Cả
hai thị đều nhu mì hiền lành ăn nói nhỏ nhẹ đoan trang. Mà chúng giỏi và siêng
lắm cà, chớ đâu hoang đàng chi địa như nghịch nữ lối xóm. Trưa trưa đi học dzìa
tới, hai thị mẹt nớ cơm nước bài vở xong mới xuống thang lầu, săn tay áo siêng
năng phụ tía má chúng vò sương sâm.
Sương sâm là một loại lá cây, ngó giống giống như lá rau dấp
cá bự, được ông năm xuống miệt Bà Quẹo bà Điểm chở dzìa. Ông chạy mô-bi-lết,
phía yên sau, hai cần xé lá tổ chảng hai bên bánh, cần xé thứ ba cột ngay yên
chính giữa. Cột cách nào thiệt hổng hiểu, nhưng hổng nghe có tai nạn bao giờ.
Trung bình với ba cần xé nọ, ông bà bán được nguyên tuần. Cũng có khi thấy hàng
được giao tới tận nhà bằng xe ngựa.
Y hình đám lá nớ khi hái ra đã được để héo bớt thì phải, mục
đích tiết kiệm chổ chứa và gia tăng công suất chuyên chở. Tại nơi vò, chúng được
bỏ vào những lu sành nhỏ cỡ 6-8 lít, có tên riêng là diệm. Mỗi diệm sương sâm hẳn
có thể tích lá cố định sẳn (mà tui hổng biết cỡ bao nhiêu) Trước tiên người ta
bỏ nước sấp sấp vô diệm rồi vò nhẹ vài cái, cốt để rửa đám lá cho sạch bụi cát,
xong mới đổ nước ấy đi và bắt đầu vò thiệt. Tới giờ nghĩ lợi, tui vẫn chưa hết
ngạc nhiên về tánh cần cù kiên nhẫn của người dân lao động dắt việt.
Nước đổ vào diệm sương sâm vẫn sấp sấp, rồi người thợ phải
vò bằng hai tay theo kiểu nhồi bột, cứ vò miết vậy cho tới khi sương sâm ra hết
nước, nước lúc này xậm màu y chang ly rau má, được chia ra đổ vào các diệm
khác. Rồi thì lại có thể cho thêm nước, vò thêm nữa và chia nữa trong những diệm
ấy, cốt sao cho các diệm sương sâm có phẩm chất y hệt nhau. 4 người tám cánh
tay, 4 mạnh 4 yếu ấy, sau một buổi lao động cật lực hộc xì dầu thì ra thành quả
cách mạng, đâu đó khoảng 2-3 chục diệm, được kê tre rồi chồng lên nhau thẳng tắp
và cho ngủ yên giấc một đêm. Sáng sau... sâu hóa bướm, nuớc sương sâm đặc lợi
thành tảng, xanh biếc một màu, chờ bạn hàng tới cất dzìa.
Lúc giao sương sâm, ông bà năm đổ vào diệm chút nước cho
"trơn" rồi mới cầm dao cắt ra, y chang như mình cắt bánh vậy. Những
"thỏi" sương sâm ấy có tên gọi là "con" (kỳ quá xá), rồi bạn
hàng muốn mua mấy con thì cứ việc. Con sương sâm được "bắt" ra khỏi
diệm, bỏ vào thau nhôm của bạn hàng, chút xíu nước được đổ vào thau, rồi một mảnh
lá chuối được đặt gọn lên trên, cốt khi gánh đi, tránh sóng sánh để sương sâm hổng
lắc hổng bể.
Ông năm sương sâm và hai thị mẹt hiền lành tới củ mỉ cù mì,
trong khi ấy bà năm lanh lợi vui vẻ hết biết. Sáng sớm tiếng bà rộn rã liếng
thoắng như tiếng chim, ghé bên này hỏi thăm, ghé bên kia chọc cười. Bạn hàng
thích gặp bà nghe chuyện, nhưng bù lợi thích mua bán với ông, vì ông năm tánh
tình sởi lởi, ai than phiền con (sương sâm) này nhỏ hơn con kia, hoặc diệm
(sương sâm) này lỏng quá hổng đủ cứng là... a lê hấp, ông đổi liền cho họ chớ hổng
cố nài cố ép như vợ. Chiều tối vò sương sâm xong, bà năm ngồi võng trên lầu, mở
la dô nghe cổ nhạc, chồng bà dưới đất mở nước xịt rửa sàn và lau chùi quét dọn.
Vậy dzồi... thinh không lối xóm xầm xì, rằng bà năm sương
sâm đang đi ngang về tắt với em trai bà sáu vịt. Nhà ông sáu là hàng xóm sát
vách nhà năm ốc, đâu mặt với nhà năm sương sâm (và năm sương sâm sát vách nhà
tui). Nghe "đâu" vậy tưởng là xa chớ thiệt sự quá xá gần, cũng bởi
con hẻm 2-suyệc nớ bề rộng chưa đủ hai thước tây. Hồi cơi lầu cơi gác, nhà nào
cũng cố gắng gia tăng diện tích bằng cách cho bao lơn (balcon) de ra
càng nhiều càng tốt. Nên dzồi... bao lơn nhà Sáu vịt và nhà Năm sương sâm bỗng
sát gần lại với nhau.
Ông bà Sáu vịt có sạp bán buôn ngoài chợ cầu Ông Lãnh. Vịt
được ông sáu chở thẳng từ nơi cung cấp tới lồng chợ giao cho bà Sáu, hết buổi
chợ lại chở về hãng trả lại cho chủ rồi thanh toán tiền nong. Ông bà Sáu có con
hay không tui thiệt sự hổng nhớ, chỉ biết bà có đứa em trai công tử vườn, lên
sài gòn ở với chị đặng phụ việc nhà. Rồi hổng hiểu cách nào, nó và bà Năm sương
sâm chớp đèn sáp lợi.
Nghe kể rằng mỗi bận ông Năm về Bà Quẹo Bà Điểm cất hàng
thì ở nhà... thằng nọ leo bao lơn qua nhà bà Năm pha cà phê đãi người tri kỷ.
Đi đêm hẳn có lúc phải gặp ma. Một bữa bà Năm ốc ể mình khó ngủ, ra hàng hiên
hóng gió trời, thấy thằng nọ đang leo dzìa. Lối xóm xì xầm dị nghị mà ông Năm
sương sâm vẫn đực ra hổng biết ất giáp chi. Cho tới một bữa... Bà sáu vịt kêu
bà Năm sương sâm ra nói chuyện, xin bà Năm tha cho thằng em nhỏ của mình, thằng
ni vốn tốt bụng nên rất... dại gái ! Bà Năm dãy đong đỏng, la làng chuyện oan ức,
rồi bà khóc lóc làm mình làm mẩy với chồng, bắt ông phải sang nhà Sáu vịt phải
quấy. Hổng biết đã xảy ra chuyện chi bên nhà Sáu vịt mà... Năm sương sâm dzìa
nhà dáng cho vợ một bạt tai thiếu điều ngã chúi vô đám diệm sương sâm, diệm lớp
bể lớp mẻ, sương sâm đổ linh láng ra đất.
Qua sáng bữa sau, bà Năm sương sâm lôi tổ tiên gia tộc tía
má của "ai đó" ra nói trỏng, cho nếm đủ món ngon vật lạ hi hữu trên đời.
Hàng xóm thất kinh hổng ai dám lên tiếng khuyên can, sợ mang họa. Bà Năm sương
sâm chửi hết một buổi rồi bới đầu tóc cắp giỏ ra đi. Đâu mấy bữa sau thì...
gương vỡ lại lành, bà được chồng chở mô bi lết dzìa nhà xum họp. Bà sáu vịt dẫn
thằng em trai hiền lành dzìa xứ, đi coi mặt vợ cho nó và sửa soạn cưới xin
luôn. Con hẻm nhỏ lại thanh bình như trước.
T.N
No comments:
Post a Comment