Thursday, February 25, 2021

THÁNG BA CHIM BAY VỀ NHIỀU

nguyễnxuânthiệp
 
Chim én ở San Juan Capistrano
 
Tháng ba có chút nắng ấm chim bay về nhiều
Bài này được viết từ câu thơ trên của Đinh Cường. Ôi, bạn ra đi mới đó mà đã 5 năm. Mình viết bài này cũng là để tưởng niệm bạn đây.
 
    Bây giờ là tháng ba. Buổi sáng buổi chiều nơi thành phố này chim bay về thành đàn. Chợt nhớ tới Phạm Công Thiện ra đi cũng vào độ tháng ba. Phạm Công Thiện có hai câu thơ về chim mình cũng rất thích
Ồ, chưa bao giờ tôi thương những con chim như chiều nay.
Tôi muốn xây lên một nghĩa địa chim giữa thành phố…
(Phạm Công Thiện – Mặt trời không bao giờ có thực)
    Đúng là mơ mộng của thi sĩ -thật ngây thơ và dễ thương. Những cánh chim của Đinh Cường cũng như Phạm Công Thiện gợi nhớ tới những con hải âu ngày nào đã gặp ở bãi biển Destin xanh màu ngọc thạch. Ngoài ra còn những cánh hải âu trên hồ nước gần bên nhà Nguyễn Xuân Phước ở Irving, Texas -những cánh chim hải âu thật đẹp mà Nguyễn cùng hiền nội đã cùng đứng ngắm. Giờ đây, nắng Tháng Ba rạng rỡ mặt hồ và những cánh hải âu vẫn bay lượn trên sóng nước nhưng hiền nội thì không còn nữa. Trong chuyến đi Cali hồi Tháng Tư năm 2012, cùng với Nguyễn Đình Toàn và Lưu Na dạo chơi ở Huntington Beach, có dịp trò chuyện với một chú hải âu, Nguyễn đã hỏi thăm chú dọc đường bay có bao giờ gặp thấy bóng người trăm năm của Nguyễn không, xin làm ơn chỉ đường cho mình tìm tới.
   Đúng là vớ vẩn, nhưng lúc đó lòng mình xúc động thành thật. Rồi theo một liên tưởng kiểu “vượn chuyền cành”, chợt nhớ Tháng Ba năm 1975 -ôi, vậy mà đã 45 năm rồi đó- mình ra Nha Trang tìm mẹ tìm em di tản từ Pleiku xuống. Cũng những con hải âu bay dưới trời: Hải âu bay xa về đâu / thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn… Rồi những cánh vịt trời bên bờ nước ở gần nhà lúc chiều xuống cũng khiến lòng này thương tưởng đến những hình bóng xưa.
   Nhưng thôi. Ta trở lại với những cánh chim của buổi giao mùa. Hồi mới sang Mỹ định cư ở Oklahoma, Nguyễn đã có dịp thấy rất nhiều chim, chúng mang cho mình bao hy vọng mới.
tháng tư
tôi về lại oklahoma
ngôi nhà. trong rừng parkwoods…
sáng nghe chim hót trong cây
chim tía. chim vàng. chim hồ biếc
chim tháng tư. về theo mây
tôi theo em. về giấc mộng. của lá
hong khô nhánh buồn xưa
tôi cười. với mọi người. hoen lệ
chào buổi sáng. chào hoàng hôn. chào mái
                                       trăng thượng huyền
cuối một chặng đường. ta gặp lại
một niềm vui. một hy vọng…
 
   Bây giờ là Tháng Ba. Mùa này những con chim én có còn bay trên nóc mái nhà thờ Mission của vùng cận duyên San Juan Capistrano như hồi mình mới đến Mỹ? Câu chuyện được kể như sau: Ở tu viện Mission có một hiện tượng được thế giới biết đến là hàng năm vào khoảng cuối tuần lễ thứ ba của Tháng Ba, ngày Mùa Xuân bắt đầu ở Bắc bán cầu là hàng ngàn chim én trốn Mùa Đông từ Goya, Argentina (Á Căn Đình) cách đấy hơn 6,000 miles bay về thánh đường. Loài chim thiên di này có tên là Cliff Swallows (Petrochelidon pyrrhonota), chúng làm tổ bằng loại bùn màu xám trên tường ngay dưới mái nhà thờ bị sụp đổ. “Đất lành chim đậu”, tu viện nằm gần hai con sông nên có nhiều côn trùng làm thức ăn cho chim quanh năm và làm tổ dưới mái giáo đường thì rất kín đáo và an toàn. Linh Mục O’Sullivan theo dõi sinh hoạt của loài chim và ghi nhật ký từ Mùa Xuân cho đến Thu suốt hai thập niên ông ở đây.    
    Và ngày 13 Tháng Ba năm 1939 để loan tin chim én đã trở về, chương trình phát thanh đã trực tiếp truyền thanh từ sân nhà thờ bài nhạc “When the Swallows Come Back to Capistrano” của Leon René đã ngẫu hứng sáng tác. Bài hát đứng đầu nhiều tuần trên làn sóng phát thanh thời ấy. Ngày nay trong tu viện có gian phòng lưu giữ bản chụp bản gốc nhạc phẩm trên, cây đàn dương cầm ông dùng để sáng tác và một số đồ gỗ như bàn ghế do gia đình ông René hiến tặng. Hàng năm chính quyền thành phố San Juan Capistrano bảo trợ 2 tuần lễ hội “Fiesta de las Golondrinas” được tổ chức tại tu viện San Juan Capistrano vào khoảng 19 Tháng Ba (Lễ Thánh Joseph) để đón chim trở về và 23 Tháng Mười (Lễ Thánh John) để tiễn chim bay về Nam.
 
  Bây giờ thì Nguyễn mời người bạn nhỏ của Nguyễn hãy một lần ghé lại thăm giáo đường xưa San Juan Capistrano để thấy lòng mình lắng đọng, nghe tiếng thời gian chừng như trở lại trên từng mái ngói, tường vôi. Và bạn nhỏ hãy cầu xin những điều mình ước nguyện với tất cả niềm tin và lòng thành. Và hãy lặng nghe dư âm vang vọng đâu đây của ca khúc “When the Swallows Come Back to Capistrano” của Leon René:
Hôm xưa
khi đàn chim én lên đường
bay qua biển xa
em thì thầm bên tai tôi
lời tạm biệt
và hứa
sẽ về lại Capistrano
khi đàn chim én trở về...
   Nhưng rồi, buồn thay, kể từ năm 2009 chim én đã không trở về. Một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times ra ngày 22 tháng 3. 2009 ghi nhận như sau: Trong hình, Mike Gastelum đang rung chuông ở nhà thờ Mission của thành phố San Juan Capistrano. Chuông rung suốt tuần lễ mà không thấy những con chim én huyền thoại ngày nào trở về
   Chim én đã không về lại nóc nhà thờ Mission. Buồn quá, phải không bạn nhỏ? Không sao, Tim sẽ kể cho bạn nhỏ nghe một nơi nữa cũng có nhiều chim én. Đó là Đà Lạt. Những năm trẻ tuổi làm việc ở Đài phát thanh Nguyễn cũng đã được nhiều lần chuyện trò với chim én. Mỗi sáng mỗi chiều chúng đều bay lượn dưới mái lầu Hotel du Parc, chúng nhiều cho tới nỗi trẻ con có thể dùng cần câu bằng tre quơ bắt. Và em, mỗi sáng mỗi chiều đứng bên cửa sổ nhìn chim én bay, em có thương cho tuổi mình và những ngày tháng hững hờ trôi đi. Riêng anh cho tới bây giờ vẫn thấy như ngày nào dù đời đã qua biết mấy nhịp cầu chênh vênh:
Em và bầy chim én
vẫn bay trên phố xưa
những mái nâu. cao. thấp
quán sách. hương cà phê
 
Đinh Cường ơi, có còn về lại phố có Nhà Thờ Con Gà để nhìn chim én lượn bay...
NXT
 

No comments:

Post a Comment