Monday, October 18, 2021

CUNG TÍCH BIỀN RA MẮT SÁCH MỪNG 65 NĂM CẦM BÚT

Phan Tấn Hải


Nhà văn Cung Tích Biền & Tác phẩm

Quang cảnh buổi Ra Mắt Sách
 
Từ phải: Cung Tích Biền và Hoàng Thị Kim,
Nhã Ca, Đặng Thơ Thơ
 
Nhà văn Cung Tích Biền hôm Thứ Bảy 16/10/2021 đã thực hiện buổi ra mắt sách tại quán Café & Té, Fountain Valley, với tham dự của nhiều văn nghệ sĩ.
 
Nhà văn Đặng Thơ Thơ trong lời giới thiệu nói rằng buổi ra mắt sách này cũng là tròn kỷ niệm 65 năm viết văn, và là tròn 55 viết văn với bút hiệu Cung Tích Biền.
 
Hiện diện trong buổi ra mắt sách có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, ca sĩ, họa sĩ… trong đó có: Nhã Ca, Phạm Phú Minh, Trịnh Y Thư, Trịnh Thanh Thủy, Vương Trùng Dương, Nguyễn Thanh Huy, Đặng Thơ Thơ, Paulina Đàm, ca sĩ Thu Vàng, Thân Trọng Mẫn, Đặng Phú Phong, Lê Giang Trần, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Đình Thuần và phu nhân, Mai Tất Đắc và phu nhân, Mai Phước Bốn và phu nhân…
 
Cùng nổi bật trong buổi ra mắt sách là phu nhân của nhà văn Cung Tích Biền. Người sắp xếp, mệt nhọc nhất trong buổi ra mắt sách này là chị Hoàng Thi Kim, phu nhân của nhà văn, cũng là người mà nhà văn Cung Tích Biền từng ghi nhận rằng: “Từ năm 2000 đến nay Hoàng Thị ăn chay trường. Thuộc nhiều kinh Phật, nghiên cứu kinh Dịch, rất giỏi phong thủy. Sớm mai thường trực tụng kinh. Chiều chiều đi chùa. Nói chung, tôi xin cảm ơn Phật Bà Quán Thế Âm.” (Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử, trang 97)
 
Trong các sách nhà văn Cung Tích Biền giới thiệu hôm Thứ Bảy có ba sách được nhiều nhà phê bình văn học chú ý thời gian qua:
— Bạch Hóa, tập truyện ngắn, 230 trang.
— Nhạc Điệu Của Bầy Ong, tập truyện ngắn, 250 trang.
— Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử, tuyển tập các bài phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền thực hiện bởi Lý Đợi, Mặc Lâm, Đặng Thơ Thơ, Tuần báo mạng Da Màu, Phạm Viêm Phương, 328 trang.
 
Nhà văn Cung Tích Biền nói rằng ông trước giờ chưa từng ra mắt sách, nhưng qua đây là cơ duyên hy hữu nên muốn tiếng nói được nghe nhiều hơn. Ông dự kiến sẽ ra mắt 5 cuốn sách mới vào tháng 4/2022. Ông nói đó là những tác phẩm chưa từng được in chính thức ở Việt Nam, mà khi còn ở Việt Nam ông chỉ in chui một số với ấn phẩm hạn chế, đó là một thời vô cùng cực khổ, qua đây thật là hạnh phúc lớn lao.
 
Trả lời phỏng vấn riêng của Việt Báo, nhà văn Nhã Ca đã nói: “Trước 1975, cùng thời, đã đọc sách Cung Tích Biền. Sau 1975, hoàn toàn không gặp nhau. Gần đây, nhà văn Cung Tích Biền tới Hoa Kỳ, lại viết. Thế là lại đọc. Sẽ đọc cuốn sách mới và biết rằng, lối viết Cung Tích Biền càng già như gừng, càng già càng cay. Mừng nhà văn Cung Tích Biền.”
 
Cả ba sách trên đều do nhà xuất bản Thao Thao ấn hành. Độc giả có thể đặt mua ở email: info@thaothao.net
 
Trong tuyển tập truyện ngắn Bạch Hóa, nơi Phụ Lục 2, trang 226, có ghi nhận định của nhà thơ Du Tử Lê về văn chương Cung Tích Biền:
“Với tôi, Cung Tích Biền là một biệt lệ. Càng bước gần tuổi tám mươi, bút lực của ông càng sung mãn; với một tâm thái bát ngát minh triết, chứa chan những hồi chuông nhân bản, lai tỉnh xã hội càng lúc càng biến dạng. Quái thai.
Chọn cho mình một chân trời chữ nghĩa mới. Chân trời hư huyễn máu, xương, những trang văn của Cung Tích Biền như những tấm gương chói lọi nỗi buồn và niềm đau kín kẽ. Ông mặc khoác cho hư huyễn, cho ẩn dụ văn chương của ông, chiếc áo thời thế. Ông đi giầy, mang vớ cho hư huyễn truyện của ông… Rất nhiều thành tựu ngời ngợi chữ-nghĩa-hôm-nay của Cung Tích Biền.
Tôi muốn nói, dù phải sống với oan khiên, như vết chàm, như chiếc bóng định mệnh bất hạnh đời mình, nhưng, cuối cùng, họ Trần vẫn không hề lỗi hẹn với văn chương. Chẳng những thế, ông còn cho chữ và, nghĩa của ông, những khấp báo trầm thống!
Ông là một nhà văn miền Nam, sau biến cố 1975, xứng đáng với hai chữ Nhà-Văn-viết-hoa.” (Bạch Hóa, trang 226)
 
Truyện “Anh em cùng một mẹ” của nhà văn Cung Tích Biền, in trong tuyển tập truyện ngắn “Nhạc Điệu Của Bầy Ong” ghi nhận hình ảnh bi thảm quê nhà. Nơi đó, bà mẹ có những đứa con hai bên chiến tuyến. Nhân vật tên Bá Quyền là anh, từ Bắc vào Sài Gòn sau 1975, tới thăm đứa em trai là một thương binh Việt Nam Cộng Hòa. Trích đoạn nơi đây là trang 92-94, cô gái trong trích đoạn này là con của anh thương binh VNCH:
 
“…Bá Quyền nhìn người chống nạng, hỏi:
– Bao nhiêu năm xa cách, lúc gặp nhau chú không chào tôi à?
Người chống nạng trả lời:
– Anh phải là người mở lời trước.
– Sao vậy?
– Vì sao các anh đã hiểu.
Cô gái rót hai tách nước lã. Lễ phép vòng hai tay trước ngực mời khách:
– Dạ, mời bác uống nước.
Bá Quyền nhìn cô gái xinh đẹp nói:
– Có gì phải vòng hai tay?
Người cụt chân nói:
– Đây là Miền Nam. Giáo dục của chúng tôi là vậy. Lễ phép với mọi người. Hòa nhã, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em, người già cả. Ra đường gặp đám tang, nhường đường, đứng yên, ngả mũ chào. Xã hội này lạ lẫm với các anh nhiều lắm.
 
Quyền nhận ra người chống nạng, một người em ruột của mình, đang tỏ rõ thái độ. Người em không hề là kẻ đầu hàng, cần sự quỵ lụy người thân thế để nương nhờ, nên Quyền bẻ ngang câu chuyện. Anh ta hỏi về người em ruột khác, tức là anh ruột người cụt chân – kẻ đang chống nạng không chịu ngồi thân mật trò chuyện – với một giọng hách dịch:
– Vậy chú Tần đang ở đâu? Chạy sang Mỹ chắc?
– Chạy đi đâu? Chiến đấu tới phút cuối cùng ở phòng tuyến Xuân Lộc. Bây giờ đang trong trại tù của các anh.
 
Bá Quyền rao giảng:
-Trung tá ngụy thì phải trình diện học tập chớ. Mà tội lỗi các chú nhiều lắm. Các em trai của tôi hồi nhỏ đứa nào trong cùng một nhà với tôi đều hiền từ, sau này các chú lại đi theo giặc, trở nên tội lỗi với nhân dân. À, mà chú cũng đại úy ngụy hà? Nghe chú làm quận trưởng?
Người cụt chân không trả lời. Ông chống nạng bước ra hàng hiên, rít một hơi thuốc. Gót chân nạng không được bọc cao su. Tiếng gỗ lịch kịch trên sàn nhà. Một dội vang đều đều, âm vang của kỳ ngộ giữa hoạn nạn với máu xương một đời người. Ông nghe chỗ vết thương cũ, trận chiến đã trôi qua nhiều năm, nay tuy lành lặn nhưng vẫn nhói đau. Đau xa xăm. Một nỗi đau có-nắng-có-đau, còn-mưa-còn-nhớ.” (Nhạc Điệu Của Bầy Ong, truyện Anh em cùng một mẹ, 92-94)
 
Trong tuyển tập Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử, nơi đây xin trích đoạn câu hỏi cuối của Lý Đợi và câu trả lời của Cung Tích Biền:
Lý Đợi: Trước khi đi uống rượu, qua bài phỏng vấn này, ông có muốn thỉnh cầu một điều gì không?
 
Cung Tích Biền: Nhân đây tôi có một thỉnh cầu (không phải kêu xin, vì nếu làm đơn xin thì 30 năm nay tôi đã làm rồi) với Nhà nước CHXHCN Việt Nam như sau:
CHỈ GIÙM TÔI NƠI CHÔN CẤT HAI NGƯỜI ANH RUỘT CỦA TÔI.
Người thứ nhất: ông Trần Ngọc Biền, vào bộ đội năm 1952, chết năm 1969, tại vùng núi Nghĩa Đàn, Nghệ An. Anh có nhiều huy chương và bằng khen thưởng, có cả chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Người thứ hai: ông Trần Ngọc Tấn, sĩ quan cấp tá quân lực VNCH. Có đi trình diện sau tháng Tư 1975, đi học tập và chết trong trại cải tạo. Gia đình chỉ được thông báo cái chết từ năm 1978 mà không biết nơi chôn cất.
Tôi, Trần Ngọc Thao, năm nay 2007 cũng đã ở tuổi cổ lai hy, nếu được quy kết mộ  ông anh ruột cũng là một thỏa lòng. Nhà nước giúp tôi việc này cũng là phù hợp với Đạo lý Việt Nam.” (Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử, trang 99-100)
 
Có thể nói ngắn gọn rằng, trong khi viết văn, Cung Tích Biền đã cùng lúc ghi lại cả những phần đau đớn một thời trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều người chúng ta chỉ còn trong ký ức thời đi học về huyền thoại một mẹ trăm con như là cổ tích rất xa. Nhưng Cung Tích Biền đã nhìn thấy như hình ảnh tiên báo, không phải như một huyền thoại nghìn năm trước, nhưng đó là chuyện rất gần, rất thực. Trong truyện, đó là những người mẹ cổ tích nhìn con chia ly trong đời thường, những người mẹ có đàn con – không chỉ chứng kiến các con chia lối đi hai bờ núi/biển nhưng mẹ đã kinh hoàng, đã đau đớn khi thấy các con săn lùng bắn giết nhau. Để rồi rất nhiều người con đã chết bờ, chết bụi ở cả hai miền trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Nơi đây, trang giấy Cung Tích Biền đang vọng lại âm vang tiếng khóc sụt sùi của những người mẹ trăm con hai miền.
 
Độc giả quan tâm có thể đặt mua ở email: info@thaothao.net
  

No comments:

Post a Comment