Sunday, October 17, 2021

SÁCH MỚI

 Văn Hc Press
 
22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
 
 
Trân trọng giới thiệu:
  

ĐÊM
 
tập thơ
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2021
 
Tựa:
Tô Thẩm Huy
 
Tranh bìa:
Phạm Cung
 
Ký họa chân dung Nguyễn Thị Khánh Minh:
Đinh Cường – Trương Thìn – Lê
Thánh Thư – Bảo Huân – Trương Đình
Uyên – Phan Tấn Hải
 
            Viết về Nguyễn Thị Khánh Minh:
          Phan Tấn Hải – Nguyễn Xuân Thiệp – Trần Thị   
      Nguyệt Mai – Lê Lạc Giao – Hoàng Xuân Sơn – Hồ
        Đình Nghiêm – Trịnh Y Thư – Lê Giang Trần – Tô
                    Đăng Khoa – Nguyễn Lương Vỵ
 
@@@
 
Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE
Ấn phí: US$20.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:
https://www.barnesandnoble.com/w/dem-nguyen-thi-khanh-minh/1140209036?ean=9781668553664
 
@@@
 
LỜI CỦA THƠ
–––––––––––––––––––––
Nguyễn thị Khánh Minh
và thi tập
Đêm
Bóng Sáng – Bóng Tối
 
 
Night, the shadow of light,
and life, the shadow of death.
A.C. Swinburne
  
-Sao gọi là lời?
-Thưa: logos
-Là?
-Là ẩn ngữ ân điển từ cõi trời Hy La uyên nguyên vọng về.
-Vọng về điều gì?
-Thưa: Có một lỗ thủng màu trắng trên nền trời đen tối.
Trăng buồn
Lỗ thủng trắng
Trời đêm
-Thật vậy sao? Làm sao nghe ra tiếng vọng ấy?
-Thưa ấy là từ thuở con người vẫn hiểu tiếng nói của chim muông, cây cỏ, biết nghe tiếng đêm, biết tan vào bóng tối mà ẵm bóng sáng vào lòng.
Dằng dặc đêm. Trăng hoài không rơi
Vắng trong tôi. Tôi hoài không lời
Chịu không nổi. Một cành cây đập gió
Nghe thấy không? Trong đêm dằng dặc, một cành cây đang đập gió. Mà trăng hoài vẫn cứ không rơi. Làm sao chịu nổi! Cây ơi, ngừng lại, đừng đập gió nữa.
Tôi không nói
Chỉ có hàng cây gió thổi
Và bóng. Tối
Tôi không ngủ
Chỉ có đêm đang trôi
Có lẽ sẽ một lời
Để đừng tan vào bóng tối
 
Thi sĩ là ai trong đêm đang trôi? Thưa là bức tường xôn xao ở lại cùng bóng sáng sau khi cửa sổ đã bay đi:
Bóng trôi ra ngoài cửa sổ
Như với theo
Cái gì đó vụt bay
Gió bay đi
Đêm bay đi
Giấc mơ bay đi
Chiếc cửa sổ bay đi
Nỗi chờ đợi cũng bay đi
 
Và:
Rưng trên tay
Bóng sáng
Người để lại
 
Thi tập “Đêm” gom lại những bài thơ tác giả viết đây đó những 20 năm thao thức, sắp xếp theo những chủ đề xoay quanh hai dòng ý tưởng: Bóng Sáng và Bóng Tối.
Sao gọi là bóng sáng? Đã bóng sao lại sáng?
Thưa nếu không thế thì làm sao có thể làm đầy những lỗ hổng của giấc mơ:
Bầu trời sâu
Kéo đêm lên là những chấm sao
Bóng tối sâu
Đang vực tôi lên là đường tròn
Một đường tròn
Chở bóng sáng trong
Một đường tròn
Đang dịu dàng tròn mãi
Dựa vào nó
Tôi đi trên con đường khúc khuỷu của mộng
Dựa vào nó
Tôi làm đầy những lỗ hổng của giấc mơ trong cuộc sống.
 
Sao là những lỗ hổng của giấc mơ? Từ nay liệu chúng ta có thể yên tâm để mơ về những giấc mộng không còn lỗ hổng chăng?
Thế bóng tối là sao? Đã bóng thì hẳn phải tối chứ?
Thưa chuyện ấy cũng còn tùy. Phải bật lên đã, thì đêm mới tối:
Bật đêm lên
Một điểm bất ngờ
Vành trăng úp mặt hổ ngươi
Rồi phải với lấy vầng trăng đang trôi nổi trong đêm:
Sợ xa thêm ánh sáng vì sao
Sợ chìm xuống trong khuya sâu
Tôi với lên một vừng trăng đang nổi
Sau đó phải đi vời áng mây trắng:
Tìm trong đêm, mây trắng
Hỏi xem nhà ta đâu
Đêm cúi nhìn im lặng
Cả ba buồn như nhau
Đã có ai trò chuyện với mây, lặng lẽ nhìn đêm, mà ngậm ngùi thương nhớ người thân?
Nếu cho ba điều ước
Tôi xin đừng nhìn ngược
Tôi xin đừng nghe xuôi
Và ước mơ lúc nào cũng chờ tôi phía trước
Ước chi ai ai lúc nào cũng nhớ ba điều ước ấy.
Khi tôi nắm vào trong tay
Ít nắng
Thì cùng lúc tôi nắm vào chút nhỏ nhoi của bóng tối
Khi tôi ôm vào lòng
Ít gió
Cũng là lúc tôi đầy trống không, im lặng
Khi tôi bắt đầu một giấc mơ
Cũng là lúc tôi đã chìm sâu
Giấc ngủ
Và để biết có giữ được gì không
Tôi bắt đầu hy vọng
Và từ niềm hy vọng ấy:
Tôi nhóm lên một ngọn lửa
Gió thổi tắt đi
Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa
Gió lại thổi tắt đi
Khi tôi không còn hy vọng
Thì gió
Lại làm những que tàn kia bắt lửa…
 
Và niềm hy vọng từ đấy sẽ mãi mãi phục sinh trên thân phận chúng ta:
Tôi hút vào bóng tối
Đôi mắt mù không hay
Ánh sáng trong tôi nói
Cái sáng từ tôi đây
Hãy dùng nó làm khiên
Hãy dùng nó làm đèn
Hãy dùng nó để tỏ
Với lòng ngươi đêm đen
-Sao gọi là Minh?
-Thưa Minh có thể là nhật giao thoa với nguyệt mà chan hòa ánh sáng:
Mặt trời
Trong phút giây thức dậy đẹp đẽ nhất
Chàng mở mắt
Và trái đất có bình minh
Trăng
Nơi cao lồng lộng
Nàng hỏi bằng ánh mắt thơ ngây nhất
Và đêm có đêm rằm
Từ đó, khi nghe gọi tên:
Ánh sáng chọn
Ngày
Để tan ra
Ánh sáng chọn
Đêm
Để lấp lánh
Tôi chọn ánh sáng
Để tự vệ với bóng tối
Nơi mình
Đó cũng là tên
Khi người ấy gọi tôi
Âu yếm
(Gọi Tên)
 
Mà Minh cũng có thể là tiếng hót đến từ chiếc lưỡi của cánh chim đang chao lượn trong gió mà nếu không có vầng trăng trầm mình dưới mặt giếng tĩnh lặng thì làm sao nó có thể hân hoan xao xuyến với về tấm lòng trong thanh tơ trắng của Tố Như Tử: Trạm trạm nhất phiến tâm, Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
Không rộn lòng dâu bể
Tỉnh thủy vô ba đào
Nếu mà không hạt lệ
Thử tâm chung bất dao…
Nếu mà không trăng sáng
Làm sao nối xưa sau…
Và nếu không có bóng trăng lặng trên mặt giếng thì làm sao đêm có thể mọc lên từ bức tranh?
Đêm mọc lên từ bức tranh
Ứ đầy tĩnh lặng…
…Trên con đường ánh mắt đang đi
Đêm thiếu nữ. Òa vỡ…
 
Từ đấy, logos trong “Đêm” trở thành bức tranh chan hòa mầu sắc của lời thơ Khánh Minh:
Nếu bảo tôi vẽ bóng tối. Tôi sẽ vẽ
Những đôi cánh của chiêm bao mọc ra từ trái tim trong suốt. Vầng trăng trên gối ngủ bài thơ. Ngọn đèn cô đơn bên trang bản thảo.
Tôi sẽ vẽ cả tôi đang vượt qua đêm dài. Tôi sẽ vẽ làm sao để người xem tranh thấy được. Bóng tối chỉ là ảo ảnh…
 
Phải chăng vì đời sống chỉ là bóng hình của cái chết?
Và hỡi những họa sĩ thân yêu trên trần gian này, tôi xin được làm cậu Hoàng Tử Bé của St Exupery, yêu cầu quý vị vui lòng vẽ hộ tôi – không phải con cừu đang gặm cỏ trên tinh cầu xa xôi – mà làm ơn vẽ hộ tôi bức tranh của bóng khuya – không phải là bóng khuya lúc đang ngồi tỉ tê cạnh bóng đêm, mà là lúc đang lững thững đi dạo dưới trăng – để tôi có dịp được ngắm bức tranh vẽ lúc “bóng về” của họa sĩ Khánh Minh:
Ai vẽ được bóng khuya đi
Cho tôi đọ với bóng về. Của tôi
Lời của thơ trong “Đêm“ là tiếng nói của con người nguyên sơ mà chúng ta đã lâu ít còn được nghe thấy ai nói, đến gần như đã quên mất. Xin mời nghe lại mấy lời:
Gió vườn nhà êm ả
Ai nói gì qua lá
Mà khuya đầy trăng thơm
Đêm ngó trời. Cao quá
Hỏi trăng gần, trăng xa
Đâu là chốn quê nhà…
 
Sáu câu thơ tuyền những lời giản dị mà vang vọng một trời âm nhạc, êm đềm mà man mác thớ vị chua xót, ngân nga trong đêm u hoài tiếng ai thầm thì qua lá. Và chao ôi, sao hai chữ “cao quá” trong lời thơ ấy nghe thất thanh, lặng ngắt một nỗi sợ hãi bâng quơ, đơn côi, nhỏ bé!
Thế giới của “Đêm” trong thơ Khánh Minh trừu tượng những hình ảnh tươi mát ban đầu, chan chứa những ý tưởng tinh khôi, ẩn hiện những tâm tình thanh cao, diệu vợi. Thế giới ấy trước khi bước vào thật nên làm theo lời khuyên của Tagore mà tắm gội, tẩm mình bằng hương trầm, để đón vọng:
Một mảnh trăng vắt cong ngoài cửa sổ
Yên bình đến nỗi
Để thưởng thức nó
Tôi có cảm giác như mình đang phạm lỗi…
 
Tôi cũng thế. Tôi cũng nhiều khi có cảm giác như mình đang phạm lỗi – những lúc đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.
Bốn câu thơ trên là những lời sau cuối của “Đêm”. Những câu thơ “sau dấm chấm hết”. Vậy nên tôi xin được có thêm lời ước thứ tư: Rằng chúng ta sẽ còn được thêm nữa nhiều đêm hạnh phúc nghe lời Khánh Minh trò chuyện.
Thật may mắn những ai thường được gặp gỡ, gần kề với cái thế giới tinh khôi ấy.
 
TÔ THẨM HUY
Houston, Tiết Đại Thử, tháng 7, 2021
 
Ký họa chân dung Nguyễn Thị Khánh Minh.
Đinh Cường.
 

No comments:

Post a Comment