Wednesday, October 27, 2021

NHÀ SƯ JUNG-KWANG: MỘT HỌA SĨ ĐỘC ĐÁO

Nguyên Giác
 
Nhà sư Jung-kwang (trái), bé gái ngồi thiền (giữa), và Bồ Đề Đạt Ma (phải).
 
Ông là một nhà sư dị thường, và cũng là một họa sĩ dị thường. Giới văn nghệ sĩ Hàn quốc gọi Jung-kwang -- cũng được phiên âm theo cách đọc là Junggwang (1935–2003) --- vì kiểu cách dị thường là một nhà sư khùng, hay nhà sư điên.
Một sách tiếng Anh của nhà sư này cũng tự gọi là the mad monk-dù vậy, các họa phẩm của nhà sư từ lâu đã được các hãng đấu giá và nhiều bảo tàng viện ưa chuộng.
 
Jung-kwang sinh ngày 5 tháng 3/1935 với tên khai sanh là Go Chang-ryul, tại đảo Jeju Island, đảo lớn nhất của Hàn quốc, nơi thường được quốc tế gọi là “South Korea’s Hawaii” (Hawaii của Nam Hàn) – mệnh danh là thiên đường đảo quốc, nơi thu hút du khách quốc tế. Và nhà sư Jung-kwang từ trần ngày 5 tháng 1/2003, trụ thế 68 tuổi, an táng tại tỉnh South Gyeongsang.
Jung-kwang nổi tiếng về các họa phẩm có nét vẽ khác thường. Ông có một đời sống rất nghệ sĩ, như dường cửa Thiền là nơi ông chỉ ghé tạm thôi. Jung-kwang xuất gia từ năm 25 tuổi, rồi bị dòng tu trục xuất năm 1979, tức là có 19 năm trong tu viện.
Vào mùa thu năm 1977, Giáo sư Lewis Lancaster của Đại học University of California cùng đi với nhà sư họa sĩ Jung-kwang du hành qua nhiều nơi tại Hàn quốc, từ đó một cuốn sách dựa theo chuyến đi này đã được xuất bản. Tác phẩm đó có tên là “The Mad Monk: Paintings Of Unlimited Action” (Nhà Sư Khùng: Họa Phẩm của Hành Động Vô Hạn) của tác giả Jung-Kwang, với Lời Giới Thiệu của GS Lewis R. Lancaster, xuất bản năm 1979.
 
Tranh của Jung Kwang: 2 tranh về Đức Phật, và 2 tranh về phố thị.
 
Nhà sư được mời sang Hoa Kỳ triển lãm nhiều lần. Năm 1979, sư Jung-kwang biểu diễn vẽ trước một lớp học về hội họa trong 1 trường trung học Hoa Kỳ, hoàn tất 1 bức tranh trong chớp nhoáng, như lời kể giai thoại này là ông vẽ chỉ trong vài giây đồng hồ. Dĩ nhiên, “vài giây” chỉ là một kiểu nói. Nghĩa là, vẽ nhanh.
 
Năm 1980, Jung-kwang được mời tới thuyết trình tại các đại học University of California at Berkeley và Stanford University.
 
Các họa phẩm của Jung-kwang được nhiều bảo tàng viện mua sưu tập, trong đó có bảo tàng Asian Art Museum tại San Francisco), phòng triển lãm Asia Society Gallery của hội Rockfeller Foundation tại New York, bảo tàng Anh quốc The British Museum.
Năm 1983, một tác phẩm tiếng Anh của sư được xuất bản với nhan đề “The Dirty Mop: Unlimited Action Paintings And Poems” (Giẻ Lau Bẩn: Hội Họa Và Thi Ca Của Hành Động Vô Hạn).
 
Nhà nghiên cứu về tôn giáo Vincent Biondo giải thích khi viết tác phẩm “Religion and Everyday Life and Culture” (Tôn Giáo và Đời Sống Hàng Ngày và Văn Hóa) rằng nhà sư Jung-kwang “tự mô tả chính ông là một “giẻ lau sàn nhà của Phật Giáo” và giẻ lau này tự làm bẩn nó nhưng làm cho mọi thứ nó chạm tới trở nên sạch bóng.
Tự làm bẩn mình để làm cho thế giới sạch hơn? Chính nhà sư Jung-kwang đã tự gọi như thế trong vài bài thơ. Nhưng lẽ nào các nhà sư lại tự xem mình là như hình ảnh cây giẻ chùi sàn nhà? Do vậy, cộng đồng các nhà sư không hài lòng. Thêm nữa, nhà sư họa sĩ này lại uống rượu makkeolli, một loại rượu truyền thống làm từ gạo. Thêm nữa, nhà sư này cũng hút thuốc lá. Đó là lý do vị họa sĩ tăng sĩ này phải rời cửa Thiền năm 1979.
 
Họa sĩ Jung-kwang từ trần một ngày sau sinh nhật thứ 68. Sức khỏe của ông đã suy yếu trong khoảng 5 năm trước khi lìa đời. Ông được hỏa thiêu ở thị trấn Yangsan, tỉnh South Gyeongsang, Nam Hàn.
 
Bên trái là chân dung Bồ Đề Đạt Ma do Jung-kwang vẽ trình diễn trong 1 lớp hội họa
ở trường trung học Berkeley High School (Bắc California, USA) năm 1979. Bên phải là tranh “Untitled”
(Không đề) của ông.
 
Báo Korea Herald trong bài viết nhan đề “How a ‘mad monk’ captured Zen” (Làm thế nào một nhà sư khùng đã nắm được Thiền) trong ấn bản ngày 7/8/2011, kể rằng nếu ông không phải một nhà sư, người ta có thể nhầm ông với một người khùng.
 
Jung Kwang là pháp danh sau khi Go Chang-ryul xuất gia và trở thành một nhà sư tại tu viện Tongdo Temple ở thị trấn Yangsan City, tỉnh South Gyeongsang.
Theo báo Korea Herald, Giáo sư Lewis R. Lancaster, Giám đốc viện nghiên cứu Institute of East Asian Studies tại đại học Berkeley University, đã gọi nhà sư Jung Kwang là “the Picasso of Korea” (họa sĩ Picasso của Nam Hàn) khi giới thiệu họa sĩ nhà sư này với thế giới phương Tây.
 
Các nhà nghiên cứu hội họa Hàn quốc có cách gọi lịch sự hơn, tránh cách gọi “nhà sư khùng” hay “nhà sư giẻ lau bẩn,” và cũng tránh cách gọi “họa sĩ Picasso của Hàn quốc” vì cũng có tự hào dân tộc, chẳng cần dựa vào bất kỳ ai ở ngoài. Khi tưởng niệm 10 năm họa sĩ Jung Kwang từ trần, trung tâm Seoul Arts Center tại thị trấn Seocho-dong, ở phía nam thủ đô Seoul, tổ chức cuộc triển lãm có tên là “Jung Kwang: The Way of Wandering Monks” (Jung Kwang: Lối đi của các nhà sư lang thang). Nhà sư lang thang? Có lẽ, đây là cách dùng chữ rất nhã, chỉ có ý nói các nhà sư đã lang thang ra khỏi cửa nhà chùa.  Trong cuộc triển lãm tưởng niệm, có khoảng 150 tác phẩm thư pháp, có một số các tác phẩm gốm làm bằng loại đất sét terra-cotta, phóng ảnh các bài thơ viết tay, ảnh và phim…
 
Hầu hết các tác phẩm của ông triển lãm là sau khi cởi áo nhà sư để ra đời. Các tác phẩm nghệ thuật của ông thuộc nhiều lĩnh vực và thể loại sáng tác khác nhau. Vẽ, làm thơ, làm đồ gốm… và uống rượu, hút thuốc lá. Nhưng phong thái hội họa của Jung Kwang hiển nhiên là có dấu ấn Thiền học trong nét vẽ.
 
Trái: nhà sư họa sĩ Jung-kwang; phải: họa phẩm Hạc Thiền (Zen Crane)
 
Tuy là nhà chùa không phải là nơi thích nghi với ông, họa sĩ Jung Kwang được chính quyền đảo Jeju nhìn ông như một tự hào về văn hóa. Chính quyền Jeju đã tìm cách mua lại nhiều tranh của Jung Kwang, tính ra viện bảo tàng của Jeju đã sưu tập được 432 họa phẩm của ông, trong đó có vài tấm ảnh được ghi là “thô tục” – nghĩa là, không thanh nhã như hầu hết các tranh Thiền của ông. Trong bộ sưu tập đó, có nhiều tấm tranh được người sưu tập tặng lại cho chính quyền đảo Jeju, khi chính quyền cho biết sẽ lập một bảo tàng viện cho nhà sư họa sĩ Jung Kwang tại ngôi làng nghệ sĩ Artists' Village tại thị trấn Hangyeong, một nơi ở đầu phía tây đảo Jeju.
 
Hình trái là Jung Kwang tự họa, hình phải có nhan đề là Ngựa.
 
Trong một buổi được giới thiệu các họa phẩm với tổ chức British Royal Asiatic Society năm 1977, nhà sư Jung Kwang (lúc đó, còn là nhà sư) đã đọc bài thơ của sư:
“Nửa như là điên, nửa như không
Đó là đời sống
Ba Cõi Trời bể vụn ra
Và tôi đơn độc chơn thực
Nhảy múa trôi nổi
Tôi là cây giẻ chùi nhà.”
 
Bản Anh dịch: “Half as if mad, half as if not./ That is life./ The Three Heavens crumble to pieces./ And I in true solitude./ Dance floating./ I am a mop."
 
Từ đó trở đi, người dân Hàn quốc gọi sư Jung Kwang là “Reverend Mop” (Đại Đức Giẻ Lau Sàn Nhà). Đó là tiếng gọi thân mật, không hàm ý xấu.
 
Bìa tác phẩm “The Mad Monk: Paintings Of Unlimited Action”
 
Dù vậy, cách sống của nhà sư Jung Kwang càng lúc càng khó thích ứng với tu viện. Một điển hình là, một lần vào năm 1979, nhà sư này tự làm lễ cúng giỗ gia tiên cho chính ông, trong khi ông vẫn còn đang sống tỉnh táo. Những chuyện như thế làm cho Dòng Lâm Tế (Buddhist Chogye Order) từ từ lạnh nhạt với ông. Nhiều năm về sau, Dòng này mời ông vào tu trở lại, nhưng ông từ chối, nói là ông ưa thích sống cuộc đời lang thang.
Và vì là một nghệ sĩ kỳ dị, cho nên những người bạn nghệ sĩ giao du với ông cũng kỳ dị. Một giai thoại kể rằng, họa sĩ Jang Wook-jin từng nói với Jung Kwang rằng trang phục của ông “khá là tuyệt vời cho một nhà sư.”
Nghe thế, nhà sư Jung Kwang liền trả lời về tài năng vẽ nhanh của sư: “Tôi có thể sáng tạo một bức tranh ngay cả nếu tôi quăng cây cọ bất cứ hướng nào.”
 
Tuy là bệnh trong vài năm cuối đời, nhà sư Jung Kwang đã từ trần trong một giấc ngủ bình an. Thi thể được hỏa thiêu ở chùa Tongdosa, thị trấn Yangsan, tỉnh South Gyeongsang.
NG

No comments:

Post a Comment