Đỗ
Hồng Ngọc
(Nhân
đọc sách Tổng Quan Về Nghiệp của thầy Tuệ Sỹ) (i)
Sách của thầy Tuệ Sỹ
Có
hay không có Nghiệp? Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian? Có hay
không có một Linh hồn? Thật là những câu hỏi choáng váng đặt ra trong cuốn sách
“Tổng Quan Về Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ do Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản năm 2021.
Nghiệp,
là kinh nghiệm được tích lũy và tồn tại trong nhiều đời sống. Không có thời
gian, không có ký ức thì lấy đâu cho nghiệp vận hành, tạo tác, lưu trữ, lưu xuất,
dị thục, nhân quả? (ii)
Có
thực không có nhiều đời sống? Một đời trước và đời sau - những đời sau- để cho
ký ức gợi lại, nhân quả. Bằng chứng đâu?
Nhưng,
nếu hỏi tôi tin không? Tôi tin. Tại sao tin? Không biết! Phải chăng, thỉnh thoảng
ta gặp một người nào đó thấy như đã từng hẹn nhau từ muôn kiếp trước, hay một
nơi chốn thấy như về mái nhà xưa?
Ký
ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp?
Khoa
học não bộ trả lời: ở hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng
với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệm cả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu
nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh). Thế nhưng, khi
thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức
được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăng “ngoài cơ
chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất
thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến
trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó”?
Có
Tự ngã không?
Đức
Phật dạy: Có nghiệp được tạo tác, có quả dị thục được lãnh thọ, nhưng
không có người tạo tác, không có người lãnh thọ. Phật giáo không cho
có cái gọi là Tự ngã, tiểu ngã, đại ngã, linh hồn, nhưng tin có “Nghiệp mang
theo” để “trả quả”. Cái gì mang Nghiệp theo? Thần thức tái sinh, luân hồi?
Nhà
khoa học bảo: “Có design nhưng không có designer”. Não bộ là một hệ thống được
phân bố rất cao trong đó nhiều chức năng xuất hiện đồng thời và không có điều
phối viên.
Không
có designer, không có điều phối viên? Nhưng sao chim bồ câu thì cứ bay ngàn dặm
về đưa thư, cá hồi cứ bốn năm lại quay về chốn cũ để sinh đẻ rồi chết? Ngày
nay, sinh vật từ hạt đậu đến chuột bọ, khỉ vượn… cũng được can thiệp vào gène để
tạo ra những “dị thục” những “quả” bất ngờ, gọi là transgenic.
“Je
pense, donc je suis – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Descartes). Vậy tôi không
tư duy, thì không… có tôi? Phải chăng “vô niệm” thì vô ngã?
Ta
cũng có thể nói đơn giản hơn: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở
thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn
có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn
còn đó chứ, sao không? Tôi lúc đó cũng lại ở trong bào thai Mẹ (bào thai
Như Lai) chứ? Tôi mới phải mang nghiệp theo để trả quả chứ? “Thường, Lạc, Ngã,
Tịnh” ở đây chứ không chỉ Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh…
Rồi
có cái gọi là Thời gian để cho Nghiệp vận hành không? Tính thể của thời gian là
gì? Thời gian được tri giác bằng giác quan nào?
Câu
trả lời là chính ta đã tạo ra thời gian cho mình. Thành ngữ kālaṃ
karoti, “nó tạo tác thời gian”, nghĩa là nó chết. Thời gian được biết đến từ
tri giác về sự sinh thành và hủy diệt của một đời người. Thời kinh
nói: “Thời gian đến, chúng sinh chín muồi; thời gian đi, chúng sinh bị hối
thúc. Đây là tri giác về thời gian theo chu kỳ sống chết của sinh loại”. Tri
giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết. Kāla cũng được hiểu là
do gốc động từ kal (kalayati) thúc giục, hối thúc, thường trực, sự chết đang hối
thúc ta.
Tồn
tại trong quá khứ và vị lai là những thực thể vi tế, ẩn áo, không phải tri giác
thường nghiệm mà có thể bắt nắm được.
Nhưng
với “Thuyết Tương Đối Rộng” ngày nay, ta biết thời gian sẽ chảy chậm trong con
tàu vũ trụ chạy nhanh. Với một vận tốc nào đó thời gian đứng lại. Cho nên Từ Thức
lạc động Thiên thai là chuyện có thực.
Có
một sự gọi là Luân hồi không để nghiệp vận hành? Câu trả lời là có một “nguyên
lý tồn tại” mà không phải hồn jīva hay ātman. Nguyên
lý đó nói: có nghiệp, có dị thục của nghiệp, nhưng không có tác giả và thọ giả. Đây
là một nguyên lý cực kỳ nghịch lý.
Nhưng
may thay, các nhà Duy thức chứng minh được sự tồn tại của thức a-lại-da, hy
vọng giải quyết được vấn đề nghiệp-dị thục và chủ thể luân hồi.
“Trong
kinh Tăng nhất của Thuyết nhất hữu bộ cũng mật ý nói đến thức này với tên gọi
là a-lại-da. Kinh nói: “yêu a-lại-da, vui a-lại-da, mừng a-lại-da, thích a-lại-da.”.
Trong
bài “Ký Ức và Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ ở sách “Tổng Quan Về Nghiệp” này nêu ra
những câu hỏi có thể làm ta chới với mà lại cảm thấy vui, mừng, yêu, thích. Vì
chính trong ta đôi khi cũng gợi lên những câu hỏi như vậy mà không dám trả lời.
May thay có Thầy Tuệ Sỹ, à không, có nhà thơ Tuệ Sỹ hóa giải giùm, bởi như Thầy
đã nói trong sách nói trên, chỉ có “Thơ dẫn kinh nghiệm vượt ra ngoài
kinh nghiệm”.
Ta
hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,
Ngoài hư không có dấu chim bay?
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời. (iii)
ĐHN
(I) Tuệ
Sỹ: Tổng Quan Về Nghiệp. Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản qua mạng
Amazon, 2021.
(II) Chú
thích: Tất cả các câu in nghiêng (italic) trong bài này là những câu trích từ
sách “Tổng Quan Về Nghiệp”.
(III) Tuệ
Sỹ: bài thơ Phương Nào Cõi Tịnh, trong tập thơ Giấc Mơ Trường
Sơn. Hương Tích Phật Việt, 2020. Trích trong bài viết của thầy Tuệ Sỹ
“Nhân đọc tác phẩm ‘Cõi Phật Đâu Xa’ của Đỗ Hồng Ngọc.”
No comments:
Post a Comment