Nguyễn
thị khánh minh
Phan Tấn Hải &
Trần Chí Phúc
Haiku painting. Yujo Buson
Người Tới Như Mộng. Là tựa một truyện ngắn
của Phan Tấn Hải. Tôi mượn để làm đề cho bài viết này. Những truyện ngắn và tản
mạn của ông tôi đọc qua báo giấy và các web Việt Báo,Thư Viện Hoa Sen, khi gặp
tựa đề này thì thốt nhiên tôi nghĩ rằng, A, đúng rồi, Phan Tấn Hải, Người Tới
Như Mộng… Tôi nói thế có gì sai với một người tu hay không tôi không biết,
nhưng tôi thấy yên tâm. Vì trong một e-mail gửi cho tôi và nhà thơ Nguyễn Lương
Vỵ, ông có nói, “… Cho nên rồi cũng phải
bỏ hết tham sân si (hiểu là sẽ tới lúc bỏ hết truyện, thơ?) để về ngồi tụng
kinh, thí dụ ngồi uống café với hai bạn sáng mai cũng là tụng kinh vậy…”
Vâng, lúc tôi tập trung nghe ngóng cảm xúc từ không khí lời của ông, tôi thấy
mình thật sự lọt vào tợ thiền cảnh. Tôi tan nơi riêng bặt của tâm mình, như thể
từ những lời những hình ảnh kia là một tấm gương phản chiếu cho tôi thấy tường
tận hơn, cảm xúc sâu thẳm của tâm hồn vắng lặng. Hình ảnh ấy nó thiện mỹ làm
sao, ý tứ ấy nó đánh thức cái tâm ban sơ người ta đến vậy. Và lời ấy chính xác
là phản xạ của nhịp trái tim, không chút nào là sản phẩm của lý trí. Thế mới
nói cảm động được người đọc, như tôi đây. Đó không thể nói được là tôi cũng
đang tụng kinh hay sao? Nếu lỡ có gì sai phạm với Chánh Pháp, xin dành cho tôi
chút suy nghĩ rằng tôi là người đang chập chững theo ngón tay soi sáng chỉ đường
kia…
Tôi
không thể cắt nghĩa một cách thật rõ, vì sao tôi gắn cái hình ảnh Người Tới Như
Mộng với Phan Tấn Hải. Chỉ trực nhận như thế khi tôi đọc một loạt những truyện
ngắn, tản mạn của ông, ở đó chữ ông lấp lánh cái nhìn tinh khiết, những hình ảnh
thoắt ẩn thoắt hiện, những con người đến đi như sương khói, rồi tất cả nhập vào
phút giây khép nhẹ viền mi, để nhịp tim lắng theo trầm trầm tiếng cầu nguyện, ngày và đêm. Rất đẹp. Nên là Mộng. Đến
nhanh. Thiết tha. Tan mau. Ung Dung. Nên là Mộng. Là ông, hay văn ông. Cùng là
Mộng. Cái dáng ấy lừng lững đến, ngồi đấy, và như những nhân vật của ông, sống
với từng phút giây, rất thực, nhưng rồi sau đó khi ông đứng dậy đi, thì như thể
một ảnh ảo xóa nhòa, đến nỗi tôi bâng khuâng, có thực có người ấy đã đến và ngồi
đấy không, và những lời của ông đã như nắng biến mất trên mặt thềm, chỉ ly café
óng ánh một màu đen có thực. Cảm giác ấy nó tự nhiên mà có, nên mới nói Người Tới
Như Mộng. Đúng như ông đã viết “Những người
như mộng, như thật. Những người đã tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật.
Họ tới để nói rằng cõi đời này là bất khả nghĩ bàn, nói mộng cũng hỏng, mà nói
thật cũng sai.”
Thế nên
đầu tiên, tôi xin cảm ơn ông với nghệ thuật ném tất cả vào mộng để nhắc nhớ phù
du.
Nhà văn
Phan Tấn Hải, cũng là cư sĩ Nguyên Giác. Với tôi, những tác phẩm của cư sĩ
Nguyên Giác, tôi chỉ biết dựa cột mà nghe, mà học hỏi. Những tác phẩm ấy đã chứng
tỏ được giá trị và lợi ích của nó về cả hai mặt Phật Học cũng như Văn Học. Ở
đây tôi chỉ muốn nói đến một Phan Tấn Hải, người nhìn cuộc đời qua lăng kính
trái tim mẫn cảm của một nghệ sĩ. Nên những trích dẫn chỉ là bước chân của tôi
đi theo những mũi tên chỉ đường của cảm xúc, để tìm đến, có thể là một kho báu,
hay một khu vườn có phép mầu của những loài hoa, hoặc giả chỉ là hư ảo một chân
trời bao la đang tan dần theo ánh mặt trời lặn…
Phan Tấn
Hải có lối cấu trúc truyện hư hư thực thực, không gian lẫn thời gian, cái hấp dẫn
của nó là bắt đầu từ mấu chốt thực, rồi lan man đi vào mơ, rồi tan như ảnh ảo.
Một bút pháp không bút pháp, chỉ giản dị như nghĩ tới đâu thì kể tới đó, không
kỹ xảo, không hoa mỹ, nhưng văn có hấp lực ở chỗ chữ vô cùng bình thường nhưng
sức chở thì sâu xa, độc đáo. Nhân vật “Tôi” của ông, nhìn, nghĩ, phản ứng, như
có gì ngây ngô, (có một anh bạn của tôi đã dùng chữ này khi nói về ông “ngây
ngô một cách khiến người ta phải nhìn lại mình”) Tôi cũng đồng ý cái nhân chi
sơ ấy ở ông. Một ngây ngô không dễ gì mà có nếu không có tâm thiện, một tính
lành, một nếp nghĩ, biết trong sáng, một lối hành xử của người có trang bị cho
mình một sức mạnh của tu tập. Một Ngây Ngô viết hoa mà nghĩa của nó đẹp như
nghĩa của Ban Sơ. Cái ngây ngô để chống đỡ với vô cùng giảo hoạt nhiễu nhương cảnh
đời. Phải tập vứt bỏ thế nào để có được cái ngây ngô ấy? Thế mới nói Người Tới
Như Mộng.
Đọc những
truyện như thế của ông, chắc không chỉ mình tôi, đều có cảm giác hoang mang tự hỏi,
chuyện đó nó có xẩy ra không trên chính những trang chữ ấy? nói chi đến có thực
không ở đời. Giống như thể ông đang vẽ hình trên cát, mỗi hình vừa xong lại xóa
đi, rồi lại tiếp một hình khác. Rồi chính người vẽ cũng tự xóa mình, để người
xem ngẩn ngơ với cảm xúc, buồn đeo mối cảm hoài, cho nên ngẫm ra đâu cần thiết
phải hỏi, có thực chứ? Vậy mà theo thói thường, tôi đã hỏi ông một câu ngu ngu
buồn cười như thế. Ông trả lời như có như không, Người Tới Như Mộng…
Ở đây
không dính chút gì gọi là “đọc sách” cả, tôi chỉ muốn nói cảm xúc của tôi trước
một cái nhìn nhân bản về nhân sinh, những khắc họa rất lạ về hình ảnh, những lời
văn đẹp của ông -cái đẹp mặc khải bí ẩn của những vân gỗ không tô chuốt, của cảnh
vật hoang sơ, của khuôn mặt mà ánh sáng được tỏa ra từ hòa ái ánh mắt và nụ cười
giản dị-. Chính vì thế mà những chuyện, như ông nói là chuyện tình, thì đó dường
như là những chuyện tình đẹp nhất máy động đến mấy thức của tâm linh. Mặt khác,
nó là một thông điệp về giá trị thực của hạnh phúc, về quí báu phút hiện tiền,
phải chăng nó được nhìn, được hành xử bởi tâm của một người tu? Điều này tạo
nên một nét khác biệt lạ lẫm ở truyện của Phan Tấn Hải. Đối với tôi, còn có thể
học thêm từ đó nghĩa rất gần gũi của Phật Pháp, không phải là điều gì cao xa,
là từ chính tâm mình.
Trong
giới hạn của một người đang từng bước lẫm chẫm học Phật, tôi giản lược mình chỉ
với tư cách một người đọc để được tung hoành với cảm xúc riêng khi đọc truyện của
ông.
Sáng
nay, trong cái vươn mình khoan khoái của cây lá sau trận mưa, trong nỗi phơi phới
của tấm lòng chờ đón, tôi trang điểm. Đầu ngày mở ra bằng nụ cười có màu son, mẹ
tôi bảo, môi con nhợt nhạt lắm, nhớ tô chút son. A, màu son, nó làm mặt mũi phụ
nữ tươi tắn, và không ngờ nó là một vệt sáng lung linh trong dòng sông tâm hồn
của ai đó, như trong câu truyện này,
VẾT SON
ƠI, QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ
Có thể
nói, kiểu gió thoảng của mối tình -nếu có thể gọi như thế- hai nhân vật trong
đó là ngọn gió đầu mùa chứa đầy năng lượng của sự bắt đầu và thốc tới tâm hồn
ta với vận tốc ánh sáng. Tôi không nói quá đâu, đó là kinh nghiệm tôi trải qua
khi đọc xong đoạn cuối, nỗi cảm động như tiếng chuông ngân nga trong lòng tôi
khi tôi tưởng tượng một người ngồi cầu nguyện trong ánh nắng sớm mai. Cái buồn,
mất, xa, không tồn tại trong tâm người viết, chỉ là tự nhiên nói về một tâm trạng
hiện hữu. Nhưng sao đọng trong tôi một man mác không rời được của nỗi mơ hồ.
… Tôi không nhận được tin gì về nàng nữa, từ
đó. Tôi vẫn cầu nguyện cho nàng khi bắt
đầu các buổi thiền tập hàng ngày. Và biết rằng,
sẽ rất lâu, sẽ còn rất lâu, hình ảnh nàng mới nhạt đi trong tâm mình. Kể cả vết
son.
Chuyện
của vết son kết thúc như vậy. Nhưng hãy nghe cái ban đầu của họ.
… Hình ảnh cô bé chân trần nhảy cò cò ngoài
sân cũng hiện lên trong đầu tôi. Tôi tự nhủ, có lẽ, người ta không cần tới thuyền
để qua dòng sông sinh tử đâu, cứ mãi nhảy cò cò trong chiếc sân cát tuổi thơ
cũng sẽ qua bờ. Tôi nghĩ thế, nhưng không chắc là Phật pháp có ý nào như thế.
Chỉ có điều khó hiểu, vì sao những bước nhảy cò cò cứ mãi in sâu trong hồn mình
như thế.
… Thực ra, hễ nghĩ tới Mai, tôi vẫn tự nhiên
nhớ mơ hồ rằng hồi nhỏ, từ khi còn rất nhỏ, nàng đã ưa đi chân trần … Suýt nữa
là quên nói bí mật này: tôi thích nhất là nhìn thấy hình ảnh “con bé Mai” khi
làm xong các thứ, là đứng dậy nơi sàn xi-măng, nghiêng người, một tay túm nơi đầu
gối hai ống quần, và tay kia cầm chiếc thau nhỏ múc nước tưới vào hai bàn chân
rồi chải hai bàn chân vào nhau cho sạch cát đất.
… Sau này đọc Kinh Phật, tôi nghĩ ra rằng
chuyện mình ưa ngó hình ảnh nhỏ Mai nghiêng người rửa chân được sách gọi là
“tùy phiền não” - nghĩa là, niệm cứ khởi đi, khởi lại về một thứ gì đó. Những
khi nhớ ra như thế, tôi lại như mỉm cười, khi nghĩ rằng, có thể, và có lẽ,
nếu một hôm nào đó, tôi đưa tay nắm lấy bàn chân của nàng, và khi tay nhận
ra bàn chân nàng đầy xương xẩu gầy gò, hẳn là sẽ không bao giờ khởi lên các thứ
hình ảnh như thế nữa. Cũng chẳng biết nữa.
Dường
như cũng bằng những bước cò cò ấy, nàng gặp lại chàng. Quá khứ và hiện tại nối
nhau chỉ vài bước nhẩy cò cò con trẻ, nắng thời ấy đem cái trong suốt đi theo,
cổ tích hóa mọi điều, kể cả không gian một tiệm kem Pasadena,
… Thời đó, cũng cần nói rằng, chưa hề có
smartphone gì cả, cho nên mọi thứ bấy giờ đều đơn giản như cổ tích. Đúng vậy,
chuyện y hệt như cổ tích: hình ảnh cô nàng ngồi với tôi trong một tiệm kem ở
Pasadena, vào buổi chiều vừa nghe pháp từ ngài Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ, chỉ
thiếu lá vàng rơi thôi, là thành một cuốn phim lãng mạn...
… Từ pháp hội Pasadena tới khi tôi viết những
dòng này cũng đã mười mấy năm rồi, nhưng hình ảnh nàng vẫn đôi khi thoang thoảng
hiện trong mơ, trong trí nhớ tôi mơ hồ như khói, phả lên một cặp môi son không
đầy đặn, và đôi mắt nàng đầy các nỗi xao xuyến về cuộc đời … Chưa thấy cái nghe
nào đẹp từ một đôi mắt như vậy.
… Tôi chợt thấy một sợi tóc bạc bên viền tai
bên trái của nàng … Tôi nhìn vào mắt nàng, nói như thì thầm rằng đây là thơ
Neruda nhé, “Tình yêu thì quá ngắn, quên nhau lại quá dài ... Love is so short,
forgetting is so long.”… Tôi lại thấy vài sợi tóc bạc trên đầu Mai. Tôi tự thắc
mắc, không lẽ chỉ trong vài phút, tóc bạc mọc nhanh như thế; hay hồi nãy, mình nhìn nàng không kỹ...
Ngẩn
ngơ, tự hỏi có không thời gian họ ngồi với nhau, và trong chớp mắt hay dài theo
thời gian để sợi tóc bạc đi? Hồi nãy
là hồi nào… Chi tiết mang mang vô vi này khiến cả câu truyện lãng đãng mơ hồ
như sóng vừa tới xóa những vết chân. Thôi hãy nói về vết son.
… Tấm thiệp chỉ có hình một dòng sông, và chiếc
ghe không người đang neo nơi bờ.
Tôi nhìn dòng sông mở ra trên tay nàng. (hình ảnh đẹp, rất
lạ trong mô tả này)
Mai đưa tấm thiệp lên môi nàng, in làn son
trên môi vào trang trắng trong thiệp, rồi đưa cho tôi. Tôi cầm thiệp, chưa kịp
nhìn kỹ, đã thấy nàng quay lưng, bước vội ra ngoài cửa tiệm sách. Tôi nói vói
theo, để anh tìm tập thơ cho Mai đã... nhưng nàng đã mất hút ngoài cửa. Tôi cầm
tấm thiệp có vết môi son, tới xếp hàng nơi quầy, chờ trả tiền. Khi bước ra,
nàng đã như biến vào hư vô.
… nàng đã mất hút ngoài cửa… nàng đã như biến vào hư vô…, không gian ấy
chỉ còn là ẩn hiện của màn sương, và thời gian chỉ còn thỏ thẻ sự hiện hữu của
nó nơi vết son…, nhưng tôi biết nó sẽ theo con thuyền trôi dần vào con sông hư ảo
kia, … Tôi đặt tấm thiệp môi son, dựng đứng
trên bàn, nhìn thấy vết môi son mở ra. Gió từ phố Bolsa tạt từ cửa sổ vào. Người
tôi run rẩy, cái lạnh này còn hơn là cái lạnh trăm sông nghìn núi, tôi nghĩ.
... chờ em, chờ em son nhạt môi, ta lạnh buốt
bên sông ... Hình ảnh nàng hiện lên trong dòng chữ đó. Hiện lên trên vết son
môi nàng để lại trên tấm thiệp, trên đó chiếc thuyền không người lặng lẽ bên
sông. Và để lại trong hồn tôi. Ngày và đêm.
Câu
chuyện luôn gây cho tôi mỉm cười, nhưng cuối cùng, đọc xong tôi chỉ biết ngó
lung vào ngõ nhỏ đang cong lên theo con gió lạnh cuối mùa. Cơn gió đầu mùa của
họ cũng dường như tiên cảm một điều, tôi
và Mai hệt như các nhân vật trong cuốn truyện cổ tích nằm ở các trang cách
biệt, khi trang sách này mở ra, là trang sách kia khép lại, nhưng tiếng động
những trang sách là âm vang của đời người, và lặn vào trong lời cầu nguyện tĩnh
lặng của thời kinh sớm…
MÀU NẮNG
RỰC SÁNG
Một
ngày chan chứa nắng sau ba hôm mưa dầm, nắng, trông lại càng mới dù lúc nào nó
cũng mới, trong một tản văn tôi viết năm 2012 về nắng ở miền nam Calif., “cái
mùi nắng ấy… như ngọn rễ non cho tôi bám vào vùng đất còn đầy xa lạ này… ngày đầu
tiên tôi đến đây… tôi nhớ mình đã thốt lên, y chang nắng ở nhà, vàng mật trưa
Sài Gòn, thơm mùi biển Nha Trang, màu và hương của quê nhà cùng rưng rức trong
óng ả mùa hè Calif. hỏi sao mà tôi không ngất ngư bởi cái ấn tượng giữa quen và
mới mẻ ấy? Rồi khi đi trên phố Bolsa với những bảng hiệu chữ Việt của hàng quán
hai bên đường thì nỗi e dè của tôi đã trở thành một niềm vui rộn ràng, con đường
mình đang bước tới là một nối dài từ nơi mình đã chia xa. Và, tâm trạng bỡ ngỡ
đã được điểm thêm lòng háo hức của kẻ đang dọn đến một ngôi nhà mới, với những
tất bật dự tính, lo toan. Thế có phải nhờ cái buổi ban đầu bén hơi mùi nắng thấy
quen quen?”
Thật là
đồng điệu làm sao khi tôi đọc Màu Nắng Rực Sáng của Phan Tấn Hải, lòng tôi vui kể gì. (mượn câu của ông,
cái duyên của chân chất nằm trong những câu kiểu này). Mở đầu chuyện là, Tôi đã ưa thích màu nắng ở quê nhà từ những
ngày thơ ấu… Màu nắng Sài Gòn đó vẫn còn rực rỡ mãi trong tôi… Tôi vẫn nghĩ
trái tim phải đầy thiên nhiên tính thì mới cảm được trọn vẹn ý tình của nắng
mưa trời đất.
Giờ ta
theo giọng văn óng ả nắng ấy mà đi,
… Tôi vẫn nhớ màu nắng như dường nghiêm trang
hơn trong sân trường, như dường
ngả nghiêng đùa cợt trên các lối đi xe đạp
chen nhau khi tan trường, như dường loang vữa tường rêu ở các hẻm Phố Tàu gần
nhà tôi, và cũng như dường nhảy múa dịu dàng trên mái tóc mấy cô nữ sinh trường
Bác Ái đi xe đạp trên đường Nguyễn Trãi.
… Tôi ngây ngất nhìn màu nắng, và rồi nhìn thẳng
vào mặt trời - chói kinh khủng, chẳng thấy gì … Lúc đó mới biết, tôi chỉ có thể
nhìn được màu nắng trên mọi thứ khác. Lúc đó, tôi đã thấy rằng có một cái không
thấy được, nhưng nó là cái làm cho mọi thứ hiện lên. … tôi thấy nắng chói thật
đẹp trên các tường vôi ngả vàng của tường phố, và thấy lòng mình như chết trong
màu nắng. Không hiểu sao lại thấy thế.
… Nghĩa là, một tuổi thơ của tôi ngập nắng,
lòng cực kỳ hồn nhiên, và các phố Tàu Sài Gòn -nơi vẫn quen gọi là Chợ Lớn- là
một phần đời của tôi, một mảng da thịt tim óc của tôi. Đó cũng là lý do sau
này, khi từ Virginia về thăm Quận Cam, nhìn thấy màu nắng trên các hè phố
Bolsa, … tôi biết ngay là bằng mọi giá là phải dọn về Quận Cam định cư.
Không hoàn toàn vì sợ tuyết lạnh tiểu bang Virginia, nhưng khi tôi nhìn
thấy màu nắng nơi này, tia nắng hắt trên những pho tượng nghiêm và buồn kiểu
Chợ Lớn như thế, chân tôi đã đứng khựng lại nhiều phút sững sờ.
Tôi biết rằng, tôi yêu màu nắng này. Tôi thấy
ngay lúc đó, rằng tôi sẵn sàng ngồi trên ghế đá ở phố Bolsa, chỉ để suốt đời ngồi
nhìn nắng thôi.
Giống y
cảm giác của tôi lần đầu nhìn nắng ở Bolsa này. Tôi hiểu thấm cái chết trong màu nắng, cái khựng lại sững sờ, nỗi ngây ngất, sẵn sàng suốt đời ngồi nhìn nắng, và tôi
bâng khuâng, với ông, có phải trong màu nắng ấy âm ba tiếng guốc lấp lánh nắng
tuổi thơ, tiếng chân nhảy cò cò thánh thót nắng? Có lẽ..., nên, lòng cực kỳ hồn nhiên…
… Một lần, tôi có làm một bài thơ, kể về những
âm vang tiếng guốc của một cô bé theo tôi vào giấc ngủ, những âm vang này ru
tôi ngủ, y hệt như lời ca dao mẹ ru con…
Những
âm thanh mà, Không phải tôi nghe bằng tai
đâu. Tôi nghe bằng cả da thịt, nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng trọn cả
gân xương tóc tai da thịt. Có những khi học thi với mấy tên bạn ở sân Chùa Xá Lợi
xong, là đi xe đạp về Chợ Lớn, và cứ mải mê thấy cuộc đời ngấm lạnh vào da
mình, mà lòng như say hương đời. Tôi yêu thích cuộc đời này biết là bao nhiêu.
Ôi, Người
Tới Như Mộng, yêu đời như mộng. Tôi cảm động trước trái tim nghệ sĩ tận hiến
này. Tôi mừng kể gì -câu của ông- khi
có một đồng điệu, Lúc đó, tôi say mê đọc
sách Krishnamurti. Dĩ nhiên là đọc bản dịch Việt ngữ. Thấy khó hiểu kinh khủng,
chỉ lờ mờ thấy rằng ngôn ngữ Krishnamurti đầy sức mạnh như Kinh Phật, nghe âm
vang như Thiền Tông khi nói rằng chân lý là mảnh đất không có lối đi. Chắc
tôi và ông chênh nhau đôi ba tuổi thôi, vì thời ấy tôi cũng đọc Krishnamurti,
cũng thấy khó hiểu, điều duy nhất tôi nhớ là hình Krishnamurti in ở bìa 4, một
khuôn mặt chở đầy sức nặng của suy tư phiền muộn, và phả ra cái ánh sáng tự tại
của cô độc, luôn làm tôi xúc động mỗi lúc nhìn. Suýt nữa là tôi quên kể câu chuyện tình. Vâng xém quên, và đây, xin
bạn cùng tôi xem một khúc phim trên tường nắng,
… Một phụ nữ trong trang phục kimono bước ra
từ chiếc bàn trưng bày hoa, đưa tay
chào trước mắt tôi. Tôi không thể nhớ được rằng
đó là ai, chỉ nói một chữ “Hi” để chào.
Tôi thấy ngay hình ảnh như từ thơ cổ Đường
thi…
Sao tin
là thật được nhỉ. Con người xương thịt đi ra từ trang thơ cổ. Và là nắng trong
phút diện bích…,
… tôi mở mắt ra, nhìn thẳng vào vách tường. Chặp
sau, bức tường trong phòng tối có lúc như bật sáng. Tôi nghĩ, đây là màu nắng
quê nhà. Nắng hiện rực rỡ trong tâm tôi. Những lúc đó, tôi bật đèn sáng, lấy
sách ra đọc, có khi lấy giấy mực ra vẽ. Lúc đó, niệm gì cũng biết là hỏng, niệm
thân thọ tâm pháp… niệm gì cũng thấy màu nắng hiện ra trước mắt… Đức Phật đã dạy
rồi, khi thấy màu nắng, chỉ là màu nắng thôi… Thế nhưng, bây giờ tôi biết mình
bị vướng. Tôi lấy tạ ra, tập thể dục nặng… tới khi mệt thì nằm ngủ.
Ôi, người
mà đường tu chỉ mới mon men bên lề như tôi đây, thật khó thấy nắng chỉ là nắng
thôi.
… Đúng vậy, tôi sợ. Cô là màu nắng hiện ra
trên vách tường, khi tôi ngồi thiền mấy hôm trước. A. Trang thơ cổ hắt ra vạt
nắng chiếu lên tường thiền định. Và khi trang thơ khép lại, người cũng biến
theo, thì, May quá. Tôi bật cười khi
nghe ông nói như một tiếng thở ra nhẹ nhõm, nhưng nhịp tim kia còn rộn rã? … May quá, một chặp sau, cô đứng dậy, nói
thôi em về, để anh làm việc. Tôi mừng kể gì.
Chỉ đoạn
sau này là kéo tôi về phút của hiện tại, là chi tiết nên thơ nhất của một chuyện
tình.
… Tôi vẫn ngồi dưới sàn, liếc thấy mắt cô như
buồn ngủ, trong khi bàn tay cô nắm tay tôi, dịu dàng nồng ấm … Tôi siết nhẹ tay
cô, rồi đọc tiếp, thật chậm, những trang kinh.
Trong khi lần giở từng trang, tôi thấy rực rỡ
màu nắng trên từng trang Kinh Pháp Cú, và rồi tay cô buông tay tôi … Đêm
phủ khắp nơi, trên người cô, đang nằm trên giường, và trên cả người tôi, kiệt sức
vì đọc kinh và đang nằm gục trên sàn. Đèn nơi cửa sổ vẫn bật sáng.
Và lòng tôi rực sáng, một màu nắng chưa bao
giờ tắt.
Câu
chuyện tình dài theo con đường nắng từ Sài Gòn về đọng lại trong chớp mắt của
giấc ngủ, và lòng “tôi” kia ngân nga từng giọt nắng tỏa ra từ hạt kinh. Điểm bắt
đầu rực rỡ nắng khua tiếng guốc trẻ con để rồi lần theo từng câu kinh Pháp Cú mở
ra cho người vĩnh viễn ánh sáng Chánh Pháp. Đọc xong tôi thấy màu nắng mình vẫn
thích giờ mang một ánh khác nữa, con đường dẫn mình đến tu tập là con đường của
nắng soi rọi cho mình thấy tâm mình. Màu
Nắng Rực Sáng.
Và, NGƯỜI TỚI NHƯ MỘNG,
Tôi đã gặp những người như thế. Những người
như mộng, như thật. Những người đã
tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật.
Họ tới để nói rằng cõi đời này là bất khả nghĩ bàn, nói mộng cũng hỏng, mà nói
thật cũng sai.
Mở đầu
câu chuyện là, … Tôi còn đứng ngẩn ngơ với
mùi hương tóc rất lạ còn phảng phất, nhìn Diệu My bước hẳn vào sương mù nơi chiếc
cầu trên đường State Street… Khởi đi đã là một mơ hồ, mùi tóc lạ, và bóng
nàng khuất trong sương. Là một cổ tích. Không khí cổ tích làm trôi đi hay ngưng
đọng thời khắc hiện tại, hay xóa hết thời gian? Tất cả. Ai biết thời đại bùng nổ
internet (cũng là một cái ảo) này cũng có một cổ tích kiểu Bích Câu Kỳ Ngộ, người
đẹp bước ra từ trong tranh, hay từ trái thị tỏa hương thơm ngát bếp nghèo? Người
đẹp trong truyện này của Phan Tấn Hải bước ra từ điệu vũ của đàn chim sẻ khi
nghe Bát Nhã Tâm Kinh.
… khi tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, giọng của nhỏ
út Diệu My nghe như tiếng nhạc trong âm vang hội chúng chỉ mươi người, và ngó
ra sân thì thấy đàn chim sẻ sà xuống, nhảy múa hay tụng đọc gì theo kiểu
riêng của loài chim. Tôi chợt nghĩ ra một câu thơ, kiểu như hẳn rằng kiếp trước
em là chim, hát theo một câu kinh giữa sân chùa, nhưng rồi cũng không dám viết
xuống cho thành trọn bài. Lúc nào tôi cũng sợ nghiệp. Nhất là cứ nhớ mãi lời Thầy
dạy là hãy như chim bay, không để lại hình ảnh nào trên không.
… Đàn chim sẻ, lung linh trong nắng mặt trời.
Sắc bất dị không, không bất dị sắc...
Âm vang
lời đọc kinh của nàng từ một ngày xửa ngày xưa, bước thẳng vào thời gian của
chàng, hôm nay, với vận tốc của ánh nắng, của một giấc chiêm bao, hay của thời
gian này: … đời người ngắn quá, cứ ngồi
dúi đầu vào đọc sách, viết sách, ngẩng đầu lên là thấy tóc trắng rồi?
Và những
dâu biển nào xô đẩy hai điểm của họ gặp gỡ,
… Tôi không dám hỏi những chuyện đời, kiểu
như nàng làm việc gì, lương bao nhiêu… Có vẻ như, tôi sợ những chuyện như thế
làm rạn vỡ đi bầu không gian đầy sương khói giữa chúng tôi … Tôi muốn nói một
câu, nhưng rồi ghìm lại, rằng sẽ có lúc anh bật khóc vì nhớ em … Tôi nói, tôi
muốn thời gian ngừng hẳn lại, muốn điạ cầu đừng xoay nữa, muốn nắng chiều đừng
tàn thêm. Nàng cười và hỏi, sao vậy. Trời ạ, tôi muốn ngất đi khi nhìn thấy nụ
cười của nàng, y hệt như thời trẻ dại… Trời ạ, đây là nụ cười thỉnh thoảng hiện
về trong giấc mơ của tôi, mà tôi không bao giờ nhận ra là ai và từ đâu.
A. Mấu
chốt là ở đây, cái mốc hư ảo của câu chuyện này là giấc mơ…
… mùi hương tóc nàng vẫn còn theo tôi, về tới
Little Saigon. Vào cả giấc ngủ đêm hôm đó. Bàn tay tôi run rẩy, cảm xúc khi ôm
nàng nơi bờ biển Santa Barbara vẫn còn mãi, còn nơi hai bàn tay tôi kể cả khi
tôi gõ email hỏi Sơn về chuyện các bạn ở quê nhà.
… Còn nhỏ út Diệu My thì đã xuất gia từ lâu,
bây giờ là một ni sư, trong hơn hai thập niên không hề bước xuống phố chợ… Tôi
kinh ngạc khi đọc như thế…
Trời ạ,
nàng đã đi tu và không vào cõi nhân gian đã hai năm. Thế vừa rồi? Santa Barbara
ấy ở đâu? Họ là hai cơ thể có thật để nhận cái cảm xúc run rẩy của vòng ôm trao? Chiếc
cầu sương mù xóa bóng nàng ở đâu? Hay tất cả chỉ là những hình ảnh hiện lên khi
chàng ngồi ngắm nắng và tan hết khi đàn chim bay xa?
Cũng có
thể. Họ gặp nhau trong không gian của một vũ trụ bốn chiều như Einstein nói
chăng, có điều là làm sao để họ lọt vào cùng lúc cõi thời gian -chiều thứ tư- ấy
để được gặp nhau, chắc chắn không phải ngẫu nhiên, phải có sự đồng thanh tương ứng
của cái nghĩ về nhau, mới có được phút gặp gỡ diễm ảo ấy: … Những
khi bước dọc theo phố Bolsa buổi trưa, dưới nắng ấm mặt trời, lòng tôi lại nhớ
tới những tia nắng lung linh với đàn chim sẻ ở sân Chùa Tây Tạng Bình Dương... Cái
nhớ đi mãi đi mãi thì ắt một ngày nó bất chợt nghe âm ba phản hồi của tiếng
chuông ai gõ từ xa lắm…
Chúng
ta có thể chạm vào ảo bằng cảm xúc thực? Người ta có thể đi tới một nơi khác, gặp
người khác bằng cái hồn nhẹ tưng, cảm nhận được cảm xúc của hơi thở, của làn
da, của nắng gió nơi mà họ bay tới? Tôi có nghe lõm bõm một thứ Thực tế Ảo mà
người ta đã áp dụng: “Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (virtual reality,
viết tắt là VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính.
Đa phần các môi trường thực tại ảo chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình
máy tính hay thông qua kính nhìn ba chiều, … Hệ
thống này mô phỏng các sự vật và hiện tượng theo thời gian thực và tương tác với
người sử dụng qua tổng hợp các kênh cảm giác. Đặc điểm: Tương tác - Đắm chìm -
Tưởng tượng.” (Theo Wikipedia)
Hai
nhân vật gặp gỡ trong truyện không thông qua máy tính, họ Thấy nhau qua kênh
giao cảm của trái tim. Chỉ có thế tôi mới hài lòng với thắc mắc về sự có xảy ra
không buổi họ gặp nhau cho tới khi bóng nàng tan vào cầu sương mù…
Và … Bên tai tôi, vẫn còn âm vang bài Bát Nhã Tâm
Kinh nàng tụng đêm qua... nghe như đêm qua ấy là từ bậc thềm chùa nơi đàn sẻ
đã cắp những hạt nắng lung linh bay đi khi nàng ngưng tiếng đọc kinh. Mỗi người
chúng ta dường như ai cũng có hạt nắng ấy, âm thanh ấy cho riêng mình để khi nó
vang vọng sẽ đồng thời mở ra cho mình một cõi khác để mình sống. Sống thực như
mơ. Một trải nghiệm, nên ông mới nói, Tôi
đã gặp những người như thế. Những người như mộng, như thật. Những người đã tới
để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật.
Tôi
thích đọc những chuyện như vậy của ông. Nhưng ông đã nói thế này,
… Tôi ngạc nhiên, tự nghĩ, sao lại có ai mê đọc
mình như thế…
… Tôi đáp, như thế cũng là cái nghiệp. Cô hỏi,
sao là nghiệp hả anh. Tôi đáp, không nên như thế, vì mê văn, đọc văn, quyến luyến
văn là sẽ ở mãi cõi này; chỉ nên đọc cái gì làm mình không dính vào chữ nào nữa.
Vì mê
như tôi thì e … lại bận rộn thêm một đời
tương tự… (Đuổi Bắt Một Mùi Hương). Nhưng tôi không biết sao một khi chưa đạt
đến trình độ đọc cái gì làm mình không
dính vào chữ nào, trong khi những truyện như vầy của Phan Tấn Hải thì đang
làm mình rất vướng víu như mùi hương kia, làm mình thấy cuộc sống này quá đỗi đẹp,
trong khi một đời tương tự kia thì
còn mơ hồ quá, … làm sao được, vì mùi hương vẫn bay quanh tôi, thoang thoảng… -mùi
hương của cuộc sống này-. Đuổi bắt hay trốn
chạy đều sai, đều trật. Thôi thì, hơi thở vào rồi ra, tự nhiên với chuyện đến
đi, như câu cuối của Đuổi Bắt Một Mùi Hương: … các pháp tự thân đã là vắng lặng, dù mùi hương có đến hay đi…
Trong
truyện Vết Son Ơi, Quên Nhau Là Chuyện Khó, ông nói, … vì với người phát tâm xuất gia như nàng, có khi chỉ một nụ hôn cũng có
thể kéo nàng đi chệch thêm nhiều kiếp sau, tôi chợt nghĩ những lời tôi viết
đây có ảnh hưởng gì đến người tu, thì với tất cả lòng chân thành, tôi cầu nguyện,
nếu vô tình để người tu kia tạo nên nghiệp, có làm chệch đi thì xin chệch một
chút xíu thôi ở ngay kiếp đang sống này, là người Mộng chuyện Mộng sẽ thành Thực
đôi ba lúc, để ai đó, như tôi bây giờ, được nương náu chút bình an, được hít thở
vẻ đẹp thực trong cõi ta bà đang chìm nổi này …
Santa Ana, 24.3.2016
ntkm
*Những
chữ nghiêng trong bài trích từ các truyện ngắn của Phan Tấn Hải: Vết Son Ơi, Quên Nhau Là Chuyện Khó, Màu Nắng
Rực Sáng, Người Tới Như Mộng, Đuổi Bắt Một Mùi Hương,
No comments:
Post a Comment