Thursday, March 31, 2016

RUỘNG ĐẤT VÀ TÌNH NGƯỜI



Nguyễn Âu Hồng


 Hoa gạo tháng ba

Một nhà thơ (xin lỗi không nhớ tên) đã viết, khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Xem ra, đất đai và con người luôn có sự gắn bó. Mà đây mới chỉ là đất và người nói chung chung, riêng với nông dân thì ruộng đất đối với họ có sự gắn bó đặc biệt keo sơn. Ruộng đất và nông dân là một. Vợ chồng có thể lìa xa, quốc gia có thể bị chia cắt, song ruộng đất và nông dân thì không thể tách rời. Tách người nông dân ra khỏi ruộng đất, chẳng khác nào cắt đứt núm ruột (của họ), cuốn rún chia lìa. Khi một người nông dân bị mất đất, có nghĩa là (anh ta) đã mất tất cả. Mất cả niềm tin và hy vọng, mất luôn lẽ phải và tình người.

Một nông dân Ukraine sống sót sau nạn đói 1932-1933, viết về hậu quả của việc mất đất:
- Trung Ương Xô-Viết huấn luyện một đội ngũ 25.000 cán bộ rồi cử về các làng quê để vận động hợp tác hóa nông nghiệp. Cán bộ của “Đội hai mươi lăm ngàn” được cử về làng tôi là đồng chí Zeitlin. Chẳng cần phải đợi lâu. Ngay rạng sáng hôm sau, một buổi sáng lạnh giá của tháng Giêng năm 1930, khi mọi người còn đang ngủ, 15 dân làng đã bị bắt. Mật vụ KGB cùng công an và quân đội đã đến làng vào lúc nửa đêm. Ông trưởng làng cũng bị bắt dẫn đi và không bao giờ quay trở lại.
Sau cú đánh “dằn mặt” là màn tra tấn cực hình. Đồng chí Zeitlin cho công an và du kích dẫn những nông dân “cứng đầu” đi bộ trong tuyết từ làng này sang làng khác và nếu vẫn từ chối không chịu “đăng ký” vào hợp tác xã thì sẽ bị tốp công an, du kích khác luân phiên dẫn đi đến những làng xa hơn nữa. Người nông dân hoặc là chết vì kiệt sức hoặc phải chấp nhận vào hợp tác xã. Lúc bấy giờ đồng chí Zeitlin mới vươn vai khỏe khoắn viết báo cáo gởi về Trung ương Xô Viết là “lòng dân đã thuận theo ý Đảng”, một đôi khi còn huê dạng: “ý Đảng và lòng dân đã hòa làm một”. Nhưng đồng chí Zeitlin đã lạc quan hão. Trước khi đăng ký vào hợp tác xã, cánh nông dân đã kịp chôn giấu lương thực, giống má, lẻ tẻ có người còn lén lút giết bò, giết ngựa để ăn thịt. Chỉ có ruộng đất, không xè xẻo gì được thì đành phải để nguyên đấy mà ứa nước mắt xung công. Người nông dân bị mất ruộng, mất đất, như người bị mất hồn, cứ trơ ra, ù lì. Công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, cứ è ạch giậm chân tại chỗ. Để thoát khỏi tình trạng đó, Stalin và Trung ương Đảng đã có sáng kiến về “con dê tế thần” tức tìm ra kẻ phải gánh chịu mọi tội lỗi:  bọn Kulaks. Nhưng Kulaks là ai mới được chứ? – Kulaks là những người giàu có ở nông thôn, mà theo chủ nghĩa Marxist, bọn địa chủ cường hào giàu có là những kẻ bóc lột, hút máu nhân dân. Bất kể người nào có ruộng đất, bò ngựa, nhà xây đều có nguy cơ bị quy chụp là Kulaks và bị đày vào trại khổ sai ở địa phương hay tận bên Nga. Ở làng tôi, ai mà chẳng có ruộng đất, bò ngựa, đa số nhà ở của dân làng là nhà xây nhưng chẳng có giai cấp đặc biệt nào gọi là địa chủ bóc lột cả. Thế nhưng khi Đảng đã muốn thì phải tìm ra thôi. Chỉ cần một thư nặc danh nói ai đó đã thuê mướn bóc lột thì liền bị quy là Kulak. Như trên đã nói, một khi người nông dân bị mất ruộng đất thì coi như họ đã mất tất cả. Họ sống trong vô vọng, thiết gì đến lẽ phải và tình người. Tình làng nghĩa xóm bị xé nát. Xóm giềng thay vì quạt nồng ấm lạnh khi tối lửa tắt đèn lại đi soi mói, đâm thọc.  Sự tị hiềm, thù ghét làm cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó thở.
(Execution by Hunger - Miron Dolot)

Ở Việt Nam, sau năm 1975, nhà nước cho tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam: ruộng đất, trâu bò đều đăng ký vào hợp tác xã. Một cụ già ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình, Tuy Hòa có làm một bài vè:
Nam mô cung vận tiên linh
Cao tằng hiển khảo chứng minh rõ ràng
Tôi cúng bát nước cây nhang
Và xin kể chuyện thế gian trên này
Từ đường hương hỏa hôm nay
Đăng ký hợp tác, hai tay sạch quào
Vườn ở chỉ có một sào
Với một cái giếng nẫu giao cho mình
Tới ngày kỵ lạp tiên linh
Ta ra giếng mình múc bát nước trong
Con cháu nội ngoại về đông
Ra giếng uống nước cành hông rồi về.

Người Việt coi việc thờ phượng ông bà, cúng giỗ (kỵ lạp) là thiêng liêng, coi mảnh đất có mồ mả ông bà là thiêng liêng, vậy mà ruộng từ đường - đất hương hỏa đều đăng ký đưa vào hợp tác thì người nông dân trắng tay (hai tay sạch quào) đã đành mà những giá trị truyền thống lâu đời cũng bị bứng tận gốc, khiến nó sút sổ, long ra, tình đất - tình người theo đó mà mai một…
 Một nông dân (không tiện nêu tên) ở đồng bằng sông Cửu Long, trước năm 1975 từng vào bưng, sau năm 1975 từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nói về đất đai và nông dân, tình người như sau:
 “Bản chất của nông dân là gắn bó với đất đai, cả ngàn đời nay là vậy, bây giờ cũng vậy.
Một khi ruộng đất không còn thuộc về nông dân thì họ chẳng còn gắn bó máu thịt với đất đai như xưa. Không còn gắn bó thì cũng không còn gìn giữ, bồi đắp vào cho đất. Nhiều cái xấu ra đời từ đây: chính vì không gắn bó với đất, không nặng lòng với đất mà lương tâm, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa. Cái tình của nông dân với đất phôi phai đi cũng làm cho cái tình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn không còn thiêng liêng. Những giềng mối gìn giữ đạo đức, lương tri, tình người tức những giá trị nhân bản chân chất nhất cũng từ đấy mà sút sổ, long ra…”
Dec. 2014
NAH

No comments:

Post a Comment