Saturday, March 5, 2016

NINH HÒA CÀ PHÊ



Huyền Chiêu

Minh Trí và Huyền Chiêu ở Cà phê 69

Một lần đưa gia đình một người bạn từ Sài Gòn về, đi uống cà phê, anh bạn ngạc nhiên hỏi “Ninh Hòa có bao nhiêu người dân mà người ta cất quán to thế?” Tôi mỉm cười trả lời “Không phải Ninh Hòa có một quán mà có trên một chục quán còn to rộng hơn quán này nữa”

Quả thật tìm một tiệm sách, một thư viện ở Ninh Hòa rất khó nhưng ra ngỏ là gặp quán Cà Phê.
Trước năm 1975 người Ninh Hòa thường uống trà nóng và chưa có thói quen uống cà phê.
Cả thị trấn chỉ có quán cà phê của chú Tám Ái nằm trong một ki ốt lụp xụp trong chợ và quán cà phê trong ngôi nhà cũ kỷ  của chú Mười Phương bên Vĩnh Phú ..
Sau này có quán cà phê Hạ khang trang hơn nhưng cũng không đông khách lắm.

Sau năm 1975 ,Sài Gòn, thành phố ghiền cà phê đột ngột khan hiếm cà phê do chính sách ngăn sông cấm chợ,  đã  mang đến cho người dân Ninh Hòa một nghề mới lạ “nghề đi buôn cà phê”.
Mới lạ bởi vì người đi buôn không vận chuyển hàng hóa một cách bình thường mà phải bó túi vải đựng  cà phê  quanh bụng, quanh chân, quanh  bất cứ phần thân thể  nào mà quần áo có thể che được để  trốn  quản lý thị trường..
Thời ấy, trên xe lửa, xe đò ta có thể bắt gặp những người có khuôn mặt ốm nhom, cóp rọp nhưng thân thể lại mập ù. Họ lặn lội lên tận  Ban Mê Thuột mua Cà phê rồi bó vào người, sau đó trèo lên xe lửa, xe đò, xe tải, tìm cách mang vào Sài Gòn là công việc khổ cực nhưng đã nuôi sống một số lớn dân nghèo và mang lại cả thói quen ghiền cà phê cho người Ninh Hòa.

Những quán cà phê cóc  bắt đầu xuất hiện ở bến xe, ở  đầu hẻm, ở gốc me, dưới  những mái tôn lụp xụp.
Ngoại trừ một số rất ít người có công với “cách mạng “, “có lý lịch tốt” được làm cán bộ nhà nước, hầu hết người dân miền Nam đều biết thân, biết phận, ráng  tìm cho mình một công việc lao động để sống sót trong   vị trí của người thua cuộc.
Một bát cơm trắng không độn khoai, độn bắp thủa ấy thật quý giá..
Xã hội bị đảo lộn và  mọi người cũng đã quen với hình ảnh những thầy giáo, cô giáo bị đuổi việc,  sĩ quan chế độ cũ đi đạp xe ba gát, đi làm phu khuân vác ở bến xe, nhà ga, đi bán hàng rong, bán quần áo cũ ở chợ trời và sẳn sáng trở thành người buôn lậu thuốc  tây, thuốc là, gạo, .rượu , cà phê…

Người lao động thường thức dậy rất sớm và  trước khi đi lên rẫy, đi hái củi, đi đạp xích lô, đi làm  phụ xe  , đi buôn lậu… thường  tìm  một quán cóc  nào đó để  uống một ly cà phê rẻ tiền, trước khi  bắt đầu một ngày lăn lộn kiếm sống.
Hàng chục năm trôi qua và mọi người cứ lầm lũi sống qua ngày.
Sau khi  Liên Xô và Đông Âu sụp đổ ở Việt Nam thấy xuất hiện hai từ “Đổi Mới”.

Việc đổi mới trước tiên    Ninh Hòa là sự ra đời của những quán cà phê sân vườn  lịch sự .
Từ đó  quán cà phê cứ mọc lên như nấm với  hoa thơm, cỏ lạ, với bàn ghế tinh tươm bên tiếng róc rách của những con suối  nhân tạo..
Và thói quen bạn bè rủ nhau ngồi quán cà phê hàn huyên đã thành phong trào.

 .
   
Mỗi quán cà phê ở Ninh Hòa có một nét riêng, và khách cũng kín đáo chọn cho mình một quán nào đó có không gian, có âm nhạc có cách tiếp đón làm mình hài lòng.
Cà phê Hương Cau, Cà phê Nguyệt Cầm, cà Phê Cội Nguồn, cà phê Cõi Đá, Cà Phê Hoa Viên… nằm trên con đường mới mở rộng thênh thang thuận tiện cho xe đậu.
Cà Phê Bella là nơi lý tưởng để ngồi ngắm nhìn phố xá và ngắm nhìn nhau.
Muốn tìm một nơi kín đáo thanh lịch, vào Cà Phê 69.
Cà phê Thảo Nguyên không có đồng cỏ nào nhưng ngồi ở đây ta có thể nhìn ngắm một hồ sen bát ngát.
Cà phê Riêng Một Góc Trời có bán Phở Triều Châu
Cà phê Cối Xay Gió có món ya ua  hột đát thật ngon.
 Buổi sáng mùa đông ngồi ở quán cà phê Núi Ổ Gà  rộng mênh mông nghe hơi sương của núi rừng lãng đãng  ngậm ngùi nhớ một thời bom đạn, kẻ mất người còn, kẻ  làm thương binh, người  sống đời viễn xứ.

Núi Ổ gà  nằm kề bên Đèo Bánh Ít, cách đây hơn 40 năm là  bản doanh của  sư đoàn Bạch Mã  với tư lệnh là Tướng Chung Đô Hoan  sau này có thời là tổng thống Nam Hàn.
Ngoài những cái tên dân dã như Cối Xay Gió, Núi Ổ Gà, Cà Phê Ninh Hòa còn có những cái tên rất Tây như Cà Phê The Light, Cà phê Garden,  Green Coffee, cà phê Moka, cà phê Deja Vu.
Có một quán Cà Phê nhỏ bé , gọn nhẹ như cái tên của nó mà tôi rất thích. Cà Phê Bấc.
Quán Cà phê Bấc nằm khiêm nhường trên đường Sông Cạn,  có dáng dấp  như một phòng trà kín đáo và cổ kính. Quán nhỏ nhưng vẫn chừa chỗ cho một sân khầu xinh xinh với một cây Piano, một cây ghi ta dành cho những đêm hát  nhạc nhẹ vào tối thứ Ba , Năm, Bảy. Đây là quán duy nhất thỉnh thoảng có buổi hòa  tấu Violon và ghi ta vào buổi tối.
Mẫu số chung của  các quán cà phê là không mở nhạc Đỏ (nhạc cách mạng)
Ngồi ở quán cà phê bạn có thể thấy lòng mình bồi hồi sống lại một quãng đời xa lắc khi nghe lại tiếng hát Ngọc Lan, Lệ Thu, Ý Lan, Tuấn Ngọc… .

“Buồn như ly rượu đầy
Không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu để say”

Được tự do ngồi trong một góc quán,
Được tự do buồn hay vui
Được trốn mấy cái loa phường ồn ào .
Ngồi  quán cà phê thật dễ chịu nên quán nào cũng đông khách
Nhưng có lần, một người anh của tôi ở nước ngoài về thăm có vẻ băn khoăn:
“Ủa !  10 giờ sáng rồi mà sao quán vẫn đông người. Họ không  đi làm sao?”
“ Dân mình thất nghiệp nhiều lắm. Ninh Hòa không có một nền kỷ nghệ sản xuất tạo công việc cho mọi người.
Ở thị xã này chỉ có người buôn bán nhỏ và một số ít viên chức ăn lương nhà nước.
Tất cả hàng hóa từ  quần áo may sẳn, cái mền, , đôi giày, đồ chơi trẻ em, cái bàn chải đánh răng, cái khăn lau mặt. chiếc xe đạp điện, … hầu hết là hàng Trung Quốc.
Người Ninh Hòa đâu có muốn cứ ngồi mãi nơi quán cà phê. Họ cũng  muốn có việc làm ổn định đấy chứ. Tôi ngại ngùng trả lời.
Quán Cà Phê vì vậy cũng là nơi người ta tạm thời trốn chạy những âu lo về cuộc sống thiếu bền vững trong hiện tại và cũng rất vô vọng trong  tương lai.


Huyền Chiêu
Ninh Hòa Xuân 2016

1 comment: