nguyễn
xuân thiệp
Anh Nguyễn Ngọc Bích
Tác phẩm A Thousand Years of Vietnamese Poetry
Anh
Nguyễn Ngọc Bích mất đã hơn mười hôm, vậy mà tới nay tôi mới viết được vài dòng
tưởng niệm anh. Như vậy là quá trễ muộn và coi như thiếu cái tình với anh Bích.
Tôi xin chân thành nhận lỗi.
Có sự chậm trễ nói trên không phải là mình không
quý mến anh. Một người như anh Nguyễn Ngọc Bích được kính trọng, yêu quý là điều
dễ hiểu: Học vị cao, hiểu biết rộng và với tấm lòng yêu nước, nhiệt tâm phụng sự,
anh Bích đã tham gia hầu hết các hoạt động văn hóa, dân chủ ở hải ngoại. Trong
lãnh vực này, anh là người vô địch. Với nụ cười thân ái, cử chỉ niềm nở, lời nói
chân tình, suy nghĩ chin chắn và sâu sắc, anh được mọi người yêu mến, quý trọng.
Cái chết đột ngột của anh trên chuyến bay từ Washington DC đến Manilla dự hội
nghị dân chủ khiến anh em bàng hoàng xúc động và càng thêm cảm phục anh.
Ngoài ra trên lãnh vực trứ tác, anh Nguyễn
Ngọc Bích cũng đã có nhiều công lao đóng góp. Trước hiết phải kể đến A Thousand Years of Vietnamese Poetry
(“Một nghìn năm thi ca VN,” Knopf, 1975). gồm nhiều áng thơ cổ của Khổng Lộ,
Đạo Hạnh, của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương; thơ
tiền chiến của Huy Cận, Thế Lữ và thơ hiện đại của Nguyên Sa, Du Tử Lê, Nhã Ca,
Trụ Vũ. Ngay cả thơ của Trần Dần, Chế Lan Viên cũng có. Ngoài ra còn có A
Mothers Lullaby (dịch Trường Ca Lời Mẹ Ru của Trương Anh Thuỵ), War &
Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu Đày: Tuyển-tập văn-học
hiện-đại của VN,”), dịch thơ Nguyễn Chí Thiện (Ngục Ca / Prison Songsvà Cung
Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque, dịch thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều.
Ngoài việc hiệu đính thơ Hồ Xuân Hương:
Tác-phẩm (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2000), ông cũng đã dịch hai cuốn sách về mỹ-thuật
VN, Vietnamese Architecture (Sứ-quán VNCH tại Mỹ, 1972) và An Ocean Apart:
Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa
Cách,” Smithsonian, 1995) cũng như giới-thiệu thơ Ba-tư trong cuốn Omar
Khayyam: Thơ và Đời (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2002).”
Như một bạn văn của anh Nguyễn Ngọc Bích đã
nói, anh Bích mất đi là cả “một thư viện bốc cháy”. Bao giờ, bao giờ chúng ta mới
có được một người như anh Bích. Anh vừa thông tuệ, vừa hiền đức, lại nhiệt tình
và cởi mở, hoạt động không biết mệt mỏi. Chia tay anh Bích là chia tay cả một
thời kỳ của Việt Nam.
Với Nguyễn, anh Bích có một chỗ đứng đặc biệt.
Không là bạn của nhau, như Nguyễn với Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm, Đinh Cường…
mối giao tình của Nguyễn và anh Bích chỉ thuần chữ nghĩa. Chúng tôi quen biết
nhau dễ cũng đã hơn mười lăm năm. Người giới thiệu tôi với anh Bích chắc là
Nguyễn Minh Diễm. Qua thời gian, tôi được gặp anh Bích nhiều lần. Ở DC và ở
Dallas này. Tôi cũng đã được đọc một số trang anh Bích viết, nghe anh Bích nói
chuyện, ca hát và ngâm thơ. Còn một điều nữa cũng cần nhắc lại ở đây tuy có hơi
riêng tư và dễ bị hiểu lầm nhưng vẫn phải nói: Chính anh Nguyễn Ngọc Bích và một
số anh em trên đài RFA như Nguyễn Minh Diễm, Ngô Vương Toại, Thanh Trúc… đã đứng
ra giới thiệu tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa của tôi ở DC. Và năm 2013, cũng ở DC anh
Bích một lần nữa đã nói về thơ tôi. Đây là lời anh Bích được Nguyễn Thị Thanh Bình
kể lại: "Tôi đã được giới-thiệu thơ của anh Nguyễn Xuân Thiệp, Tôi Cùng Gió Mùa, cách đây 15 năm, vào
năm 1998. Lần đó tôi đã nhắc đến nhạc-tính rất nổi trong thơ Nguyễn Xuân Thiệp
và tôi còn so sánh thơ của anh với nhạc Jazz của Mỹ." Lần này, trong tập
thơ mới xuất bản của anh, Thơ Nguyễn Xuân
Thiệp, đặc-tính đó vẫn còn đậm đặc. Nhưng thơ Nguyễn Xuân Thiệp còn mới
trong nhiều nghĩa, vẫn lời của anh Bích. Trước hết toàn-tập hầu như là thơ tự
do, không vần, ngắt câu bằng dấu chấm giữa dòng, ngay cả trong một bài ngũ
ngôn, sau nữa là điển-tích rất nhiều nhưng không phải là điển-tích Trung-hoa mà
là những điển-tích Tây-phương đầy dẫy chung quanh chúng ta: nhạc Beatles, Blues
& Jazz Alley và New Orleans, dân-ca Mỹ, thơ Neruda, snow flurries, các thứ
hoa như sage flower, chưa kể McDonald và Hemingway và Kilimanjaro, beignet bột
trong Café du Monde, rồi các thành phố như Praha, Tiệp-khắc, Cherbourg, San
Juan Capistrano với đàn én bay về hàng năm v.v. và v.v. Thơ của Nguyễn Xuân
Thiệp còn nói đến họa ("Crows over the wheatfield") mà cũng không
tránh các đề-tài chính-trị như cách mạng hoa lài ở Trung-Đông và Bắc-Phi, người
đàn bà láng giềng Afghanistan. Thơ của anh như vậy là thơ thời-đại…. Và anh
Bích đặc biệt thích bài nói về "butterfly effect," hiệu-ứng cánh
bướm:
có bao giờ em nghe
gió
nói về
hiệu ứng cánh bướm
butterfly effect
này nhé
cái vỗ cánh của một con bướm ở brazil
có thể gây ra cơn lốc xoáy
tornado. tận vùng đồng cỏ texas
anh cũng muốn thơ anh. như cánh bướm kia. tạo ra những chấn động. rền
trên những phế tích. ngày qua
Rồi anh Bích nhấn mạnh, “thơ Nguyễn Xuân Thiệp nằm ở trong một liên-văn-bản trong đó người ta thấy một văn-hóa liên-quốc-gia, liên-lục-địa rất hiện-đại tuy vẫn viết trong tiếng Việt.”
có bao giờ em nghe
gió
nói về
hiệu ứng cánh bướm
butterfly effect
này nhé
cái vỗ cánh của một con bướm ở brazil
có thể gây ra cơn lốc xoáy
tornado. tận vùng đồng cỏ texas
anh cũng muốn thơ anh. như cánh bướm kia. tạo ra những chấn động. rền
trên những phế tích. ngày qua
Rồi anh Bích nhấn mạnh, “thơ Nguyễn Xuân Thiệp nằm ở trong một liên-văn-bản trong đó người ta thấy một văn-hóa liên-quốc-gia, liên-lục-địa rất hiện-đại tuy vẫn viết trong tiếng Việt.”
Phải
nói Nguyễn rất tâm đắc với những nhận định của anh Nguyễn Ngọc Bích về thơ mình.
Nguyễn định xin anh bài viết để giữ làm tài liệu. Nhưng hỡi ơi, nay anh đã ra đi.
Xin mượn lời bạn anh là Từ Thức ở Pháp để chia tay: “Adieu, anh Bích. Chào anh
vĩnh biệt. Hay đúng ra Sayonara, chỉ là một lời tạm biệt. Tạm biệt, bởi vì nơi
anh đến, sớm muộn gì anh em cũng gặp lại. Ở đó, chắc anh đã gặp lại những người
bạn đồng hành đã cùng anh vác ngà voi, những Nguyễn Tự Cường, Ngô Vương Toại,
Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Xuân Phước... những người bạn tốt, những công dân mà
nước Việt có thể hãnh diện, đã ra đi trước anh. Tạm biệt, bởi vì anh vẫn sống
mãi trong lòng những người ở lại. Không ai quên mái tóc bạc, nụ cười thường
trực, những cái vỗ vai thân thiện, tiếng hát và giọng ngâm thơ sang sảng của
anh, những buổi tranh luận sôi nổi nhưng thân thiện, những cuộc trao đổi với
anh sau đó người ta thấy mình thông minh hơn. Sayonara, anh Bích.”
Phải
rồi… Sayonara anh Bích.
15 tháng 3. 2016
NXT
No comments:
Post a Comment