nguyễn xuân thiệp
Lộc Vàng.
Quán Lộc Vàng
Người Miền Nam hầu như ít ai biết
Lộc Vàng. Sau khi ở trại cải tạo về, những năm ở Sài Gòn thời “xếp hàng chó
ngựa”, người viết cũng không nghe ai nhắc tới. Sang Mỹ, mãi gần đây mới loáng
thoáng nghe nói tới Lộc Vàng. Và mấy hôm nay đi tìm tài liệu trên lưới, tình cờ
gặp một trang Lộc Vàng. Anh quả là một nghệ sĩ đích thực, sống hết mình cho âm
nhạc và cho tình yêu. Đi tìm thêm nữa hành tung của ca nhân này, Nguyễn được biết anh Như Hoa Lê Quang Sinh và Trần Trung Đạo cũng đã có viết
về Lộc Vàng. Bài viết của Nguyễn hôm nay là từ lòng yêu mến nhà nghệ sĩ bởi cũng
là “cùng một lứa bên trời lận đận”.
Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn
Lộc. Vì mê nhạc “vàng” và có giọng ca trữ tình đúng phẩm chất dòng nhạc này nên
nhiều khán giả Hà Nội và anh em văn nghệ sĩ thường gọi anh là Lộc Vàng. Anh có
quán cà phê nằm ven hồ Tây cũng gọi là Lộc Vàng, nơi giới văn nghệ sĩ khắp
trong nam ngoài bắc vẫn thường xuyên ghé qua và thu hút khá đông khán giả yêu mến
giọng hát của anh.
Đúng vậy, mỗi tuần ba tối, vào thứ
hai, thứ năm và thứ bảy, quán cà phê Lộc Vàng lại bừng dậy. Nhiều người đến đây
để nghe Lộc Vàng hát “nhạc vàng”. Không gian quán Lộc Vàng giản dị với những
bức ảnh trên tường là các nhạc sỹ nổi tiếng của dòng nhạc tiền chiến, đặc biệt
là Đoàn Chuẩn. Tại đây, những âm thanh mượt mà, sâu lắng mà bay bổng của Đoàn
Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Lâm Tuyền, Văn Cao… vang lên theo một cách rất xưa,
đưa người nghe về một thời xa xăm, một thời lãng mạn thật đẹp. Họ đủ mọi lứa
tuổi, từ những bạn trẻ yêu nhạc xưa cho đến những người trung niên, cao tuổi.
Họ ngồi đó và thưởng thức những lời ca tiếng đàn bình dị nhưng không hề dễ dãi
của một con người cả một đời hát vì đam mê. Lộc Vàng chỉ chọn những người hát
cùng có khả năng chuyển tải cái thần của bài hát theo cách xưa, hát tròn trịa
từng câu chữ và đặc biệt là hát đúng lời nguyên bản. Nhìn người nghệ sĩ vui
sống, vui hát bây giờ ít ai có thể ngờ cuộc đời ông lại long đong đến thế, ít
ai có nghĩ yêu âm nhạc lại là một cái “tội”.
Nhớ
lại thời tuổi trẻ ông thường tụ tập với nhóm bạn đàn hát các nhạc phẩm trữ tình
của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Đặng Thế Phong…
Vì đam mê này mà ông phải trả giá đắt suốt một thời tuổi trẻ của mình. Hồi đó Lộc
cùng với các bạn Phan Thắng Toán (Toán Xồm), Nguyễn Văn Đắc (Đắc Sọ) lập thành
nhóm 3 người chuyên hát những bản nhạc tiền chiền mà những năm 60 của thế kỷ 20
khi đất nước còn chiến tranh, lúc ấy dòng nhạc này chưa được nhà nước công
nhận (và cho đến bây giờ họ cũng chưa bao giờ chính thức công nhận dù
nhà nhà người người từ Nam chí Bắc không ai là không nghe, không hát -chú
thích của T.Vấn trong bài viết của Như Hoa); họ gán cho nó là loại nhạc vàng,
một loại nhạc vàng vọt, ủy mị, đồi trụy ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của
bộ đội và nhân dân.
Ngày
27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông bị bắt và theo như tài liệu còn ghi chép,
cả nhóm được tạm giam tại Hỏa Lò 3 năm. Đến tháng 1 năm 1971, Tòa Án Nhân Dân
TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử gồm 7 thành viên về tội truyền bá văn hóa đồi
trụy của đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp
luật nhà nước. Tòa tuyên án "Toán Xồm" 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12
năm tù, Lộc Vàng 10 năm tù. Sau khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, Lộc Vàng được
giảm án xuống còn 8 năm; năm 1976 ông ra tù. Riêng Toán Xồm ra tù tháng 3 năm
1980, và Đắc Sọ ra tù tháng 3 năm 1977. Toán Xồm ra tù mất hết mọi thứ, sống
lang thang rày đây mai đó, cuối cùng mất năm 1994 trong cảnh cơ hàn, thọ 62
tuổi. Đắc Sọ mất năm 2005, thọ 62 tuổi.
Ai có thể ngờ, tình yêu âm nhạc
lại dẫn Lộc Vàng và các bạn đến một ngã rẽ oan nghiệt của cuộc đời. Ra tù, Lộc
Vàng lập gia đình và bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề để đi qua những khó khăn
của thời đại. Vợ
Lộc Vàng yêu chàng nghệ sĩ bất chấp dư luận và những nỗi khó khăn để rồi kết hôn
với anh. Bà đã mất hơn 10 năm nay nhưng mỗi khi thăng hoa trên sân khấu Lộc Vàng
lại khóc. “Tôi chỉ ước vợ tôi sống lại, ở bên cạnh tôi, nghe tôi hát. Ngày xưa,
tôi đi hát vợ tôi bế thằng lớn theo sau. Mấy ông bạn bảo: Trời rét, để con ở
nhà mang con theo làm gì? Vợ tôi trả lời: Em không đi nghe hát đâu mà để nếu
chồng em có bị bắt lần nữa, em còn biết đường đi tiếp tế”. Bà ra đi để lại cho
ông hai người con và một tình yêu chưa bao giờ nguôi ngoai: “Tôi biết cô ấy từ
năm 17 tuổi, chơi thân với nhau, rồi yêu nhau sau đó. Ngoài 20 tuổi tôi phải
vào tù, 31 tuổi ra tù, thiên hạ dị nghị, kinh sợ tôi hơn một gã tù lưu manh,
chỉ có cô ấy không ngại, vẫn yêu, vẫn thương tôi”.
Vì
người mình yêu, bà bỏ nghề diễn viên làm nghề bán đậu phụ ngoài vỉa hè. Suốt
quãng đời bên nhau chưa một lần trách cứ Lộc Vàng về tình yêu với dòng nhạc
mang đến nhiều hệ lụy.
Bây
giờ xin nói đến quán Lộc Vàng. Ra tù sau khi bôn ba nhiều nghề, Lộc vàng lập quán
này một phần là do lòng yêu ca hát. Như ông nói, “Tôi lập quán là để giữ dòng
nhạc này.” Quán có cà phê và âm nhạc, tất nhiên. Mái quán lợp bằng lá gồi thô sơ
nhưng có vẻ riêng. Ban nhạc thường là hai người trong đó có cây guitare. Ca sĩ
là Lộc Vàng có thêm một hai giọng hát nữ chọn lọc. Chẳng ai kinh doanh kiểu như
ông: “Quán này tôi thuê với giá gần 20 triệu đồng một tháng. Ngày thường, khách
lác đác. Chỉ những đêm có ca nhạc thì đông, song không lãi, vì tôi không lấy
đắt của khán giả bao giờ. Tôi chỉ mong đủ tiền trang trải ban nhạc, đủ tiền
thuê nhà là cảm thấy sướng rồi, không cần lãi, lãi chính là được chơi, được
hát”. Lộc Vàng giờ đây đã nổi tiếng và người nghe có thể dễ dàng tìm thấy các phần biểu diễn của ông trên
Youtube, Facebook và cả một blog về cuộc đời và tình yêu của ông với âm nhạc. Vậy
nhưng người nghệ sĩ vẫn nghèo. Lộc Vàng bây giờ ở luôn tại quán. Chỗ ngủ của ông trên căn gác xép nhỏ, ngay cạnh bàn
thờ gia tiên và người vợ đã khuất.
Một chiều thứ tư hay
thứ sáu nào đó, dạo chơi ven Hồ Tây bạn sẽ nghe tiếng hát của một thời vang lên.
Tiếng hát mà Lộc Vàng đã đánh đổi cả cuộc đời mình để giữ gìn, nâng niu. Chiều
nay sao dâng nhanh màu tím, bạn ơi.
NXT
Tháng 3. 2016
Giờ quán lộc vàng lại có cả thương hiệu cơ đấy, sau khi cải tạo thì nó vẫn giữ được nét nguyên sơ của nó mà .
ReplyDeletethép hòa phát | thép hộp mạ kẽm