Lữ
Quỳnh
Nhà thơ Lữ Quỳnh. Phan Tấn Hải vẽ
Lữ Quỳnh. Đinh Cường. Trịnh Công Sơn. Bửu Chỉ
Tôi
xin làm đá cuội…,
…làm hạt mưa tan giữa trời.
TCS
Gửi
Trịnh Xuân Tịnh,
Từ
nhiều năm nay trước khi lên giường ngủ, tôi phải uống ba loại thuốc an thần một
lúc. Ngày Đinh Cường còn, chúng tôi thường trao đổi nhau về tên vài loại thuốc
trị chứng mất ngủ này. Anh có uống thử, nhưng rồi vẫn trở về với Ambien 5mg, dù thuốc chỉ giúp anh chợp mắt vài ba tiếng,
không ngủ lại được. Anh đã dùng khoảnh
khắc này để làm thơ, những bài thơ như tin nhắn mỗi ngày đến bạn bè khắp nơi.
Tôi thì có những giấc ngủ ngắn, sâu nhưng đầy mộng mị, thường bàng hoàng khi chợt
tỉnh. Như những đêm gần đây, tỉnh ra, thường nghĩ ngay về một người bạn, để rồi
hốt hoảng biết bạn mình không còn nữa. Hình ảnh đó, con người đó đã tan theo
mây khói rồi. Lòng thắt lại thảng thốt, có thể nào? Có thể và Không thể. Cứ như
đám mây vần vũ mãi trong đầu. Vẫn biết vô thường là thường, mà sao vẫn không thể
là rừng xưa đã khép.
Bây
giờ ở chốn xa xăm nào đó, những người bạn ngồi lại bên nhau, hả hê vì vĩnh viễn
không còn cách trở. Những câu chuyện chưa kịp nói trước đây, cơ hồ, lãng đãng
trao đổi nhau lúc này. Ví như, sao không có Hồi ký nào để lại? Phải chăng quan
niệm cho rằng hồi ký bị giới hạn bởi chữ nghĩa. Không viết vì muốn đời sống như
huyền thoại, làm sao những con chữ có thể diễn đạt. Thôi kệ, hãy để tự nhiên. Đừng
mong tìm thông cảm, thấu hiểu về một ca khúc, một tác phẩm hội họa, khi cái nhà
tù lớn nhất của người nghệ sĩ còn tồn tại. Nhà tù là sự cấm đoán, là sự phê
phán thiếu trí tuệ. Như có một thời đã xảy ra. Bạn không thể vẽ nhà máy mà
không có khói ! Từ đó muốn viết thì phải
lách, ngôn ngữ trở nên mơ hồ, ý tưởng lấp lửng thực, hư. Nhưng rồi thời gian,
dù có trải qua cả thế hệ, cũng sẽ có ngày, người bạn trẻ nghe, nhìn và hiểu.
Những
ca từ một hôm không còn ghi ngày tháng ở mỗi bài. Để từ đó, gọi là những bài ca không năm tháng. Những người
gần gủi, cận kề chưa hẳn đã hiểu đủ về tác phẩm của họ. Trường hợp Bùi Vĩnh
Phúc thì khác, chưa một lần gặp tác giả, nhưng đã viết một tác phẩm về Trịnh
Công Sơn giá trị.
Có
một ngôi nhà mang đậm nhiều kỷ niệm đã chìm sâu vào dĩ vãng, chỉ còn địa chỉ
trong trí nhớ hoang vu là 79 Phan Bội Châu. Tại đây Đinh Cường, Ngô Kha, Trịnh
Cung đã lui tới và kết bạn với Sơn. Còn Gác Trịnh hiện nay, 11/3 Nguyễn Trường
Tộ chỉ là nhà chung trước đây, anh ở sau cùng, thời gian ngắn nhất.
Vẫn
những giấc ngủ đầy mộng mị hằng đêm. Tôi không giấu bạn bè trong những giấc mơ,
cớ sao giấc mơ nào các bạn cũng về nói cười vui vẻ, sinh hoạt như những ngày
còn nhau. Để lúc tỉnh ra, một mình trong bóng tối, tôi vật vờ hoang mang như kẻ
mộng du.
Và rồi, bắt đầu những con chữ lang thang không ngày tháng, như thế này.
No comments:
Post a Comment