Nguyễn Âu Hồng
Portrait of a young Indian woman. Source: Internet
Nơi tiền sảnh Spirit Mountain
Casino thuộc tiểu bang Oregon có trưng bày pho tượng một người đàn bà da đỏ
ngồi đan giỏ *. Pho tượng lớn hơn người thật, được đúc bằng đồng, những nan giỏ
cũng bằng đồng. Bên cạnh pho tượng có mấy dòng chữ, “Khi quân Yankees tấn công
vào một làng da đỏ thuộc bộ tộc Athabask ở vùng Grand Ronde, người đàn bà này
đã địu đứa con nhỏ trên lưng, chạy trốn vào một hẻm núi. Sau cơn lửa đạn, bà về
lại làng, cứu chữa người bị thương, chôn cất người chết và thu dọn đống đổ nát.
Hẻm núi nơi bà ta ẩn náu và sống sót có tên là Spirit Mountain”. Quân Yankees
là ai? Pho tượng với dòng ghi chú cho ta thấy rõ một điều: người Mỹ không né
tránh hay chối quanh mà can đảm nhìn thẳng vào sự thật của lịch sử, dám nhận
trách nhiệm. Do vậy, người da đỏ được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt
của chính quyền Liên bang và Tiểu bang. Thêm vào đó, Spirit Mountain Casino đã
trích ra 6% lợi nhuận để góp vào quỹ phúc lợi của các bộ tộc nói tiếng
Athabaskan ở vùng Grand Ronde.
Nhưng như vậy không có nghĩa là
không còn hoặc không có những niềm đau bộ lạc. Những dòng ghi chép sau đây, tuy
đằm thắm mà đau xót đến tận tâm can, “Tôi đành phải từ bỏ quê cha đất tổ, từ bỏ
những khu rừng với đa dạng chim thú, mùa thu lá vàng, mùa hè thông reo, mùa
đông tuyết trắng; từ bỏ những đồng cỏ nhấp nhô kéo dài đến tận chân trời, từ bỏ
những dòng sông thác nước cá hồi phóng lượn, từ bỏ căn nhà dài nồng ấm và thơm
nức mùi thịt trui, mùi cá hồi hun khói - đến sống ở thành phố, chịu đựng sự
chật chội, tiếng ồn và bụi bặm chỉ để tìm một giấc ngủ vào ban đêm. Ở dưới quê
tôi không cách gì ngủ được. Ở dưới quê, khi đêm về, thoảng trong gió trong mưa,
tôi như nghe được tiếng khóc than ai oán của tổ tiên mình. Ở dưới quê, khi đêm
về, nghe tiếng chim đêm và tiếng côn trùng rả rích mà tôi cứ bị ám ảnh đó là
tiếng rên rỉ bi ai của những oan hồn uổng tử. Tôi đành phải ra đi vì sợ rằng đó
là tiếng chuông nguyện hồn tôi, linh hồn của một hậu duệ còn sống sót của bộ
tộc Athabask”.
Những bàn tay đầy nhiệt tâm đưa
ra, những nỗ lực hàn gắn như hình tượng người đàn bà ngồi đan giỏ, cố đan kết
lại những đổ nát; những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm bù đắp những mất mát,
tất cả những cố gắng đó liệu có xoa dịu được hết những niềm đau bộ lạc?
Thay đổi quá khứ là điều không
thể làm được, nhưng một khi đã can đảm nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận trách
nhiệm, thì từ đống đổ nát, mầm hy vọng sẽ vươn lên…
Nov. 2014
NAH
(trích Lộc Trời)
(*) Theo truyền thuyết da đỏ, cái giỏ (sọt) vừa là
dụng cụ hỗ trợ thân thiết vừa là vật dụng mang tính bái vật.
Đan giỏ là một hành động sùng bái đối với tổ tiên,
là khởi đầu của mọi khởi đầu. Hình tượng người đàn bà ngồi đan giỏ luôn được
người da đỏ tôn kính.
No comments:
Post a Comment