Thursday, March 24, 2016

NHÀ THƠ HOÀI KHANH RỜI ‘CÕI PHAN DUYÊN’



Bạn Văn

Nhà thơ Hoài Khanh. Đinh Cường vẽ

Theo tin từ gia đình, nhà thơ Hoài Khanh vừa qua đời ở tuổi 83 tại nhà riêng vào 2g30 ngày 23-3 sau một thời gian nằm bệnh.
​“Cách đây bốn năm, sau một cơn đột quỵ, ông nằm một chỗ đến giờ, yếu dần và ra đi, khi mẹ em phát hiện thì lúc khoảng 2g30 sáng” - người con dâu nhà thơ Hoài Khanh cho biết.

Về năm sinh của nhà thơ Hoài Khanh, theo một số bạn bè của ông ghi nhận thì ông sinh năm 1933, tuy nhiên gia đình cho biết ông tuổi Tuất, như vậy năm sinh của ông hẳn phải là 1934.

Nhà thơ Hoài Khanh sinh năm 1934, tên thật là Võ Văn Quế, quê quán tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Từ năm 1957, Hoài Khanh đã hiện diện trên thi đàn Việt Nam với thi phẩm Dâng rừng. Sau đó là các tập thơ: Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc - trẻ nhỏ - đóa hồng và dế (1970). Về văn ông có tập truyện Trí nhớ hoang vu và khói (1970).

Thời gian trước năm 1975, Hoài Khanh viết báo làm thơ. Ông là người chủ trương và điều hành nhà xuất bản Ca Dao tại Sài Gòn, một trong những nhà xuất bản uy tín, có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc.

Sau 1975, ông về sống tại Biên Hòa - Đồng Nai, thời gian này trong nước có in lại hai tập thơ của ông thông qua Thư quán Hương Tích liên kết xuất bản, là Lục bát (NXB Phương Đông, 2009), và Thân phận (NXB Hồng Đức, 2014).

Chứng kiến quê hương trong thời ly loạn, Hoài Khanh là một trong số ít nhà thơ đưa những địa danh chân chất ở Bình Thuận vào thơ: “...Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty/ Với giữa hai triền núi Cú và Tà Zôn/ Lưu luyến nhìn biển cả gọi hồn đi tám hướng…”.

Và bạn yêu thơ hẳn vẫn nhớ những dòng thơ chan chứa cảm tình của Hoài Khánh đã đi vào lòng người nhiều thế hệ: “Rồi em lại ra đi như đã đến/ Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù/ Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu” (Ngồi lại bên cầu).

Vào những năm cuối đời, Hoài Khanh làm thơ thấm đẫm ý đạo, vừa như kiểm nghiệm lại mình, vừa như muốn thoát ly thế tục: “Con từ sa cõi phan duyên/ Nếm mùi nghiệp chướng lụy phiền não nhân/ Tham sân như cát sông Hằng/ Đắm mê bóng sắc quên thân phận  mình…” (Sám hối tâm kinh).

Một bài thơ của Hoài Khanh

Ngồi lại bên cầu

Người em xưa trở về đây một bận
Con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi

Em - thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa

Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ

Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.

Hoài Khanh
(Trích trong tập Thân phận)



No comments:

Post a Comment