Saturday, April 20, 2024

AI: TỪ BIẾN SỐ ĐẾN HẰNG SỐ

Trần Hữu Thục

 
Đặng Thơ Thơ ghi rõ: Ai là tiểu thuyết. Tiểu thuyết nghĩa là câu chuyện nhỏ, theo nghĩa Hán Việt. Nhưng tiểu thuyết là truyện dài (novel), cũng là hư cấu (fiction). Ai bao gồm tất cả những nghĩa đó, hơn thế nữa, một phản-tiểu-thuyết (antinovel).[1]
 
Ai không giống ai, kể cả đối với hai tác phẩm trước đó của chính tác giả, Phòng Triển Lãm Mùa ĐôngKhả Thể. Ngay bản “Mục lục” đã khác thường. Các phần chính được ghi bằng những ký hiệu và “phản-ký-hiệu”: -i [-ai], i1 [ai]1, rồi i2 [ai]2 & v [vờ]. Lại còn cái gọi là “Căn trừ (a)I”. Gì vậy?  “√-i [căn trừ (a)I] không có thật, bởi một số bình phương thì không thể nào âm. Nhưng mà nó vẫn tồn tại như khái niệm toán học. Người ta dùng √-i để nói về số ảo. Thật tình cái tên √-i khiến tôi bị thu hút. Sao lại có thể như thế? Tôi đang muốn là -i, đang trên đường đi đến -i mà đã thấy khó khăn.” (tr. 103)[2]
 
Ai khó đọc đã rồi, không những thế, nó còn làm khó người đọc. Kết cấu của nó là một mớ bòng bong; chuyện trong truyện và truyện trong chuyện; sự kiện, biến cố chen chúc với khái niệm và ký hiệu; không gian trộn lẫn vào thời gian; tình cảm và xúc động đôi khi đi đôi với ký hiệu và quan điểm; câu chuyện đôi khi bỗng chấm dứt vào lúc người ta thấy nó bắt đầu và ngược lại; sự kiện chứa đựng trong phản-sự-kiện (những phiên bản của đứa con được clone sống chung dưới hầm nhà) (tr. 44), biến cố xuất phát từ phản-biến-cố (trò chuyện với một thanh niên lao động xuất khẩu, lúc anh ta đã nhảy trước đầu xe tự tử ở một địa điểm khác)[3]. Vân vân.
 
Đọc Ai, như đi vào trong một căn nhà, loanh quanh, khó tìm lối ra, đột nhiên, lối ra bỗng nằm ngay trước mắt, nhưng khi bước ra thì bị dẫn qua một lối khác, đến một căn nhà khác. Rồi một căn nhà khác nữa. Nhưng rốt cuộc, vẫn là chính là căn nhà đó, qua các “biến âm” khác nhau. Đọc Ai lần đầu, lắm lúc, tôi nghĩ mình lạc lối. Đọc lại, vẫn chưa tìm ra chỗ đứng. Lại phải đọc lại. Chả là, cái tựa đề, “Ai”, bản thân nó là một dấu hỏi. Không chỉ với độc giả, mà có lẽ với cả chính tác giả. Ở vài chỗ, Ai có vẻ cho câu trả lời, thực ra, là những vấn nạn liên tục. Về thời gian, về lịch sử, về ngôn ngữ, về sự chinh phục và đồng hóa, về hậu quả của nền văn minh kỹ thuật, vân vân.
 
Truyện có nhiều nhân vật và nhóm nhân vật, nhưng người mẹ – cũng là người kể chuyện – là tiếng nói xuyên suốt, soi rọi, quét, chiếu hình ảnh từ những điểm đứng khác nhau. Ở trang đầu, ta đọc: “Trong ký ức tôi, mùa thu thường tiết ra một thứ hương buồn bã dính chặt vào hơi thở, mùi những bụi cây thạch thảo um tùm lớn lên hoang dại từ mùa hè, rồi nở hoa âu sầu vào mùa thu. Chiều xuống rất nhanh, cách giờ giấc thay đổi đột ngột cũng ảnh hưởng đến tinh thần khá nhiều…” Dòng văn cứ thế – truyện, hồi ký chen lẫn tùy bút và đoản văn – diễn tả nỗi hoang mang và tâm trạng bối rối của một người mẹ nói về đứa con (có lẽ là duy nhất) của mình.
 
Đứa con, lớn lên trong môi trường song ngữ, thỉnh thoảng phát biểu hay biểu lộ một vài thái độ bất thường về việc nói và viết tiếng Anh và tiếng Việt. Trong một lần trò chuyện với mẹ, cậu bé khám phá ra một chi tiết thú vị liên hệ đến sự thay đổi nghĩa khi phát âm:
 
“Tại sao con thích nghe tiếng Việt?”
“Vì nghe tiếng Việt thì con là con.”
“Nghĩa là gì?”
“Nói tiếng Anh thì con bị mất đi. Con thành ra là I. Giống như mẹ hay hỏi Ai đó?”
 
Rồi nó nói thêm:
“Nói tiếng Anh thì mẹ cũng là I. Tất cả đều là Ai. Nhiều Ai quá.” (tr. 29)
 
Đúng là cậu bé nhạy cảm về ngôn ngữ! Ở tiếng Việt, cách xưng hô thường thay đổi theo quan hệ giữa người nói và người nghe. Xưng “con” hay xưng “mẹ” (dù đóng vai chủ từ hay túc từ), nghe gần gũi, thân mật, biểu lộ được mối quan hệ thân thiết giữa mẹ và con. Trong tiếng Anh, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy chữ, dù là nói chuyện với bất cứ ai, “I”, “me” và “you”. Đúng như đứa bé nói, nhiều “Ai” (me và you) quá! Đại từ “I” đóng chức năng chủ thể trong tiếng Anh, nhưng khi phát âm bằng tiếng Việt là “ai”, cũng là đại từ, thì nghĩa trở nên vô định, hầu hết đều ám chỉ một người “khác” với chủ thể.[4]
 
“I” là tự ngã, hay bản ngã (self)
“Ai” là người khác, tha nhân, kẻ lạ…(other)
 
“Con”, “I” hay “ai” là những ký hiệu ngôn ngữ. Từ chỉ là chuyện “ký hiệu”, tác giả quy chiếu đến hiện thực, và rồi, từ hiện thực, đẩy các vấn nạn nhân sinh đến một tầm mức cao hơn và xa hơn. Đó là sự “đánh mất”. Đứa con bảo: “Nói tiếng Anh thì con bị mất đi”. Được chữ “tôi” (nghe oai, tỏ ra là người làm chủ bản thân mình) nhưng mất đi chữ “con”, do đó, mất đi quan hệ thân thiết mẹ-con. Điều này khiến đứa bé lâm vào chỗ nhập nhằng. “người khác” (Ai) thoát ra từ “I”/Tôi, và ngược lại.
 
                        I     đọc là     a(I)     ;        Ai     viết là     I
 
Mầm mống “người khác” phải chăng đã có sẵn trong chính mình?
 
Người mẹ, vốn đã hoang mang khi thấy con mình cứ mỗi ngày mỗi khác dần đi, lại càng hoang mang hơn trước “phát hiện” mới mẻ của đứa bé. Sự chuyển đổi từ “con” sang “I” và từ “I” sang “Ai”, trở thành một vấn nạn trong quan hệ mẹ-con, “Ai là nó và nó là ai?”, đưa đến một hiện tượng ám ảnh người mẹ: mất tích.
 
Trong thời đại ngày nay, mất tích hầu như là chuyện thường ngày ở khắp nơi trên thế giới.
 
Trẻ con mất tích: cô bé học sinh 11 tuổi Audrii Cunningham bị mất tích trên đường đi đến trường vào sáng 15/2/24 tại Livingston, Texas, xác được tìm thấy sau đó mấy ngày ở hồ Trininy, gần nhà. Halina Trần, 15 tuổi, bị mất tích hôm 22/2/2024 ở Chino Hills, được xác nhận là đã về nhà an toàn, theo thông báo của Sở Cảnh Sát Chino Hills, Nam Cali trên instagram của cơ quan này vào chiều ngày 27/2/2024.
 
Người lớn mất tích: cô Haleigh Murphy, cựu chiến binh Mỹ 22 tuổi, mẹ của cậu con trai 2 tuổi, mất tích tại Austin, Texas, vào ngày 16/6/2023, đến giờ (3/2024) vẫn không tìm thấy tung tích.
 
Mất tích còn là hậu quả của một ngành kinh doanh có vẻ càng ngày càng phát triển: buôn người (human trafficking) xuyên biên giới, cũng là mất tích xuyên biên giới.
 
Đó là chuyện thời sự.
 
Mất tích trong Ai là một quá trình. Nó diễn ra âm thầm, dai dẳng do một thủ phạm không hề chường mặt: thời gian. “Sự mất tích không phải là điều có thể trưng bày. Nó là một thứ vô hình thẩm thấu vào người, như cách hơi muối biển ăn mòn những cột buồm ngoài vịnh Tejo. Hoặc một mùi hương không bao giờ buông tha, luôn bám riết vào ký ức…” (tr. 163)
 
Kinh nghiệm thấm thía về sự mất tích: quan hệ mẹ-con
 
Kinh nghiệm làm cha là một kinh nghiệm gián tiếp. Cha yêu con vì “biết” nó là con mình, một liên hệ có tính cách xã hội. Kinh nghiệm làm mẹ, thì khác: trực tiếp và do đó, độc đáo. Người mẹ vừa sở hữu đứa con, vừa chứng kiến sự đánh mất nó. Trước hết, khi người mẹ nói “con tôi”, thì tức là “con của tôi”, chắng khác gì nói “tay tôi”, “đầu tôi”, hoàn toàn cụ thể. Nó vọt ra từ cơ thể tôi. Nó là một phần máu thịt của cơ thể tôi. Nhưng đồng thời, khi ra đời, nó có một hiện thể riêng, như bất cứ một ai khác trong xã hội. Nó đói, nó thèm, nó đau, đó là những điều “của nó”, không dính líu gì đến tôi. Nhưng tôi cần nó, nó cần tôi. Nó vui, tôi vui, nó buồn, tôi buồn. Thiếu tôi, nó héo hắt; thiếu nó, tôi đau khổ.
 
Ấy thế mà, theo thời gian, quan hệ thân thiết đó loãng dần. 
 
Đối với những bà mẹ khác có con cùng tuổi, họ “chẳng sợ hãi gì, họ chỉ mong cho những đứa trẻ mau lớn để họ được rảnh rỗi hơn.” Nhưng đối với bà mẹ này (người kể chuyện), cái nhìn về người con luôn nhập nhằng. “Tôi không muốn nghĩ là mình đang mất nó dần dần. Vì nghĩ như vậy thì cũng giống như tôi đang sở hữu nó. Nhưng mỗi năm trôi qua thì cảm giác bất an càng tăng lên.” (tr. 21)
 
Vì sao?
 
“Vì cách nhìn [của nó] không giống nó, đứa bé của tôi, mà là của một người nào khác; như có kẻ nào vừa mới nhập vào, rồi nấp bên trong mà nhìn ra bằng đôi mắt nó.”  Nó bị “hắn”, một “kẻ lạ”, đột nhập vào bên trong nó, chi phối nó. Không những thế, kẻ lạ ấy, từ trong nó “bước ra, điềm nhiên ngồi cạnh nó” (…) “Hắn xuất hiện và biến đi rất bất ngờ.” Càng ngày, hắn xuất hiện càng nhiều. “Tôi muốn nói chuyện riêng với hắn khi thằng bé vắng mặt. Nhưng chuyện này rất khó thực hiện, vì hắn chỉ đến khi có thằng bé. Mà cũng đã lâu rồi tôi chưa thấy hắn quay lại. Hắn xuất hiện và biến đi rất bất ngờ.” (tr. 24-31)
 
Ấy, một mà hai, hai mà một. (“The self” trong “the other”, “selfness” trong “otherness” và ngược lại).
 
Sự khác biệt rõ ràng và cụ thể đến nỗi có lần hắn xuất hiện bên cạnh thằng bé khiến người mẹ lo nó sẽ bị “hắn” bắt cóc, y như trường hợp hai cô bé Audrii Cunningham và Halina Trần vừa đề cập ở trên kia.
 
Tính cách nhập nhằng này chẳng khác gì trò chơi trốn/tìm vốn là một trong những sở thích tự động phát triển trong bất cứ đứa trẻ con nào. “Trốn”, là được biến đi – tự mất tích – để người mẹ phải đi “tìm”. Cái thú là trốn thật kỹ, làm sao để không thể bị tìm ra. Trong trò chơi này, đứa con vẫn là đứa con. Nó muốn mẹ tìm ra: nó vẫn thích được là “của mẹ”. Nhưng rồi, lớn lên, “càng ngày thời gian nó đi trốn càng dài ra. Có những lúc nó biến mất nhiều giờ.” (34) Khi trốn học hay trốn đi chơi chẳng hạn, nó “trốn” nhưng không muốn bị/được “tìm” ra.  Nó bắt đầu trở thành “người khác”. Người mẹ bắt đầu cảm thấy cái cảm giác mơ hồ mất mát ngày nào đang dần dà trở thành hiện thực: “Cái cuống rốn tồn tại như một hiện hữu đã bị cắt lìa khỏi tôi. Đó là bằng chứng về một nhát cắt ngay sau khi chào đời.” (tr. 43)
 
Liên hệ mẹ-con/con-mẹ, theo tuổi, dần dà đứt khúc. Trò chơi trốn/tìm trở thành những chuỗi mất tích liên tục.
 
Kinh nghiệm con-mẹ cũng là kinh nghiệm trực tiếp, nhưng được biểu lộ dưới một dạng khác. Lúc chỉ mới là một sinh vật bé bỏng, đứa con gắn bó với mẹ y như nó là “của mẹ”. Nhưng dần dà, khi khám phá ra mình có một cái “tôi” (I) riêng thì lập tức phát sinh một lực đẩy tách hẳn khỏi mẹ không gì ngăn cản nỗi: muốn độc lập. Quan hệ con-mẹ, đôi lúc, rơi vào khủng hoảng.
 
Có khi trở thành đối nghịch, đến nỗi, “Lễ Mẹ là một ngày đáng sợ đối với những người không thể yêu mẹ họ được.” (tr. 109)
 
Nhưng cũng có khi vô cùng thân thiết:
 
“Đứa bé khoảng sáu tuổi. Nó đã làm điều gì đó khiến mẹ không vui.
“Con hư lắm. Con làm mẹ buồn lắm. Mẹ không sống nổi nữa. Thôi mẹ chết đây.” (tr. 112)
 
Người mẹ nằm im, nó tưởng mẹ nó chết. Ôm mẹ, khóc lóc, muốn chết cùng mẹ. Mẹ tỉnh dậy, nhưng thành một “người khác”. Một người khác ở trong mẹ. Y như mẹ cũng mất tích.
 
“Nó lấy tay quệt nước mắt, nhìn thẳng người ấy và nói tiếng Anh. Mẹ nó chết rồi, nó không cần nói tiếng Việt nữa. Và nó cũng không còn là một đứa con nữa. Nó đã thành (a)I. Trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ. Một sự hủy hoại. Đứa bé (con) đã chết.” (118-119)
 
Con vẫn là con/I (tôi), nhưng mẹ trở thành (a)I (người khác) khiến nó cũng trở thành (a)I (người khác). Quan hệ mẹ-con/con-mẹ trở thành quan hệ người khác – người khác.        
 
Trước tình cảnh đó, trong lúc người mẹ cố bám víu một cách tuyệt vọng vào tình mẹ-con, thì đứa con muốn tự do vì “đã đến lúc mình phải là mình.” (tr. 79) Và cách duy nhất để tự do là “mất tích”. (tr. 89) Vào đại học, cậu chọn một trường xa nhà để thực hiện ý định của mình. Thay vì “mất tích dần dần, mất tích đột ngột, mất tích như đi trốn, mất tích theo kiểu du lịch (…), mất tích dài hạn, mất tích tạm thời”, (tr. 125) đứa con chọn lựa “mất tích hẳn” vì biết mẹ đã thủ sẵn những phiên bản clone của nó rồi. Không những chỉ mất tích khỏi mẹ, cậu còn muốn mất tích khỏi tất cả mọi tương quan xã hội, khỏi nền văn minh mà nó thừa hưởng. Cậu phủ nhận ngay cả những khái niệm căn bản nhất của một xã hội tiến bộ: sự nghiệp, tương lai, thành công.
 
“Tôi không thấy tương lai có liên quan gì nữa đến những thứ đang học. Vì vậy tôi không thể trả lời câu hỏi về việc ra trường, sự nghiệp, tương lai. Những thứ này chỉ có nghĩa là tìm việc làm, làm gì, bao nhiêu tiền, ở đâu, đến khi nào! Đó không phải tương lai! Đó là cái bẫy của một hệ thống tinh vi bắt tôi làm nô lệ tự nguyện suốt đời. Tương lai sau khi tốt nghiệp? Như thể không tốt nghiệp thì không có tương lai. Nghĩa là sao? Bế tắc, thất bại, cuộc đời vứt đi? Hay là chết? Chết là chữ mà mọi người sợ nhất. Đúng ra mọi người sợ trách nhiệm về cái chết của tôi...” (tr. 86) “Rất nhiều người đã thành công trong việc vứt cuộc đời họ vào thùng rác mà không biết! Định nghĩa thùng rác: nơi có vô số vật chất nhưng không có thời gian. Trị giá thùng rác: giá nào cũng có, tính bằng tiền thu nhập. Chủ nhân thùng rác được trả lương để sống trong thùng rác.” (tr. 88)
 
Cậu không muốn bị vứt vào “thùng rác”. Thùng rác, theo cậu, “chứa những bộ óc thông minh kiệt xuất của nhân loại.” Những bộ óc này lại tiếp tục đẻ ra “những bộ óc khác vào thùng rác, nơi có vật chất nhưng không có thời gian. Hai thứ này tỷ lệ nghịch với nhau. Nếu thời gian là i, thì thùng rác là –i.” (tr. 97)
 
Bằng cách làm việc với ký tự √-i của trang mạng “trienlam.mattich.ai”, cậu tìm cách mất tích chính mình. Đây là đoạn đối thoại giữa đứa con và √-i:
 
“Tôi viết: Tôi đang tìm cách mất tích. Tôi không muốn gây sự với cuộc đời.
 
√-i trả lời: Bạn có thể mất tích ngay trong khi làm phim.
 
Tôi hỏi: Bằng cách nào?
 
√-i viết: Bạn đi vào phim và không đi ra nữa.” (127)
 
Sau đó, tuần tự nhi tiến, đứa con làm việc với √-i  và rồi…mất tích.
 
Chuyện gì đã xảy ra? Không ai biết, kể cả người mẹ. “Bây giờ nghĩ lại thì mọi chuyện đều có những dấu hiệu báo trước. Tất cả giống một sự tập dượt có chuẩn bị kỹ lưỡng.” (…) “Nó đã gặp nạn ở Bồ Đào Nha. Sở cảnh sát thủ đô Lisboa vừa liên lạc với tôi và nhắn tôi đến nhận một số vật dụng cá nhân của nó.” (tr. 148, 149)
 
Đến Lisboa tìm con, người mẹ chỉ gặp đứa con qua phim ảnh. “Nó đã thu hình căn gác Alfama trong đoạn khác, rất kỹ, từng góc một. Tôi ngồi vào bàn. Và cùng ăn với nó.” (…) “Tôi uống chai rượu nó đã khui trong hình, ăn những thứ nó đã bày trên bàn, sống buổi chiều trên lục địa này như nó. Uống hết chai rượu đỏ Cabeca de Burro Reserva với cá bacalhau ngâm dầu giấm, những thứ nó để lại cho tôi. Tôi muốn sống những cảm giác nó đã trải qua trong bữa tối cuối cùng. Để cùng tham dự vào sân khấu của sự mất tích.” (tr. 175)
 
Sau này, khi kể lại chuyện cũ với những bà mẹ khác, người mẹ này chỉ biết than thở:
“Tôi không tin là nó đã chết. Nhưng tôi cũng không chắc là nó sẽ quay về… Đã mấy năm nay không một tung tích…” (tr.264)
 
Làm sao để chống-mất-tích.
Thực ra, là một người thông tuệ, biết rõ mất tích là điều không thể tránh khỏi, nên người mẹ tiến hành một kế hoạch “chống mất tích” ngay từ khi con mình mới lên một tuổi: “clone” nó.[5] Bà “đã clone nó từ khi mới sinh và cứ mỗi năm lại tiếp tục clone thêm. Đến lúc nó dọn ra thì tôi đã có mười tám phiên bản của nó trong nhà.Những phiên bản này sống chung trong một căn phòng dưới tầng hầm nên nó hoàn toàn không hay biết. Chúng tất nhiên là giống nó y hệt.” (tr. 44)
Về sau, kể lại kinh nghiệm của mình cho nhiều bà mẹ khác biết khi họ cùng tham dự cuộc “Triển Lãm Mất Tích” đang lưu diễn tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, bà cho biết chi tiết hơn:
“Mười tám đứa con giống hệt nhau, chỉ khác tuổi, đúng như ý tôi muốn! Trông chúng cứ như là anh em sinh đôi sinh ba, ra đời từng năm một, từ sơ sinh đến mười tám. Khi chúng đứng cạnh nhau, chúng là một hàng cây cao dần lên, một hàng rào vững chãi, một biểu đồ tăng trưởng đều đặn của thời gian…(…)  Khi con chúng ta lên năm, thì chúng ta đã đánh mất nó lúc bốn tuổi, ba tuổi, hai tuổi, một tuổi, có phải không? Thời gian đã đánh cắp những đứa bé mỗi năm. Nhưng tôi thì khác, tôi có tất cả! Tôi sở hữu mọi đứa trẻ tại mọi thời điểm, tôi không sợ thời gian, là điều mà những người mẹ kinh sợ nhất….” (tr. 264, 265)
 
Thế nhưng, không như ý muốn của người mẹ là giữ nguyên tuổi của từng đứa sau khi “clone” khiến bà có thể “sở hữu mọi đứa trẻ tại mọi thời điểm” – nghĩa là từ đứa 1 tuổi cho đến đứa 18 tuổi -, thì chúng vẫn cứ lớn dần theo thời gian. Điều đó làm phát sinh ra những vấn nạn khác.
 
Một là, “Chúng thật giống nhau, và giống nó. Nhưng cũng không phải là nó… Chúng không phải là “bản gốc” mà chỉ “chỉ là những bản sao”. Chúng tranh chấp với bản gốc, mà khổ thay, cũng là tranh chấp với chính mình. Đồng thời, “Chúng cũng oán trách tôi nữa, rằng tôi đã tạo ra chúng từ một khuôn mẫu, rằng tôi ích kỷ, tôi khiến chúng bị ngộp thở, khiến cuộc sống của chúng không có lối thoát.” (tr. 266)
 
Hai là, các đứa bé lập lại tiến trình cũ của bản gốc: từ “tự ngã” trở thành “người khác”. Chúng làm mọi cách để chống đối tôi. Cách chúng phản kháng cũng y như nó. Đứa nào cũng đòi tự do. Đứa nào cũng đòi đi học thật xa. Rồi thì điều phải đến đã đến, định mệnh lại lặp lại. Chúng lần lượt bỏ đi, từng đứa một…” (tr. 267)
 
Phục hồi sự mất tích, từ đó, hóa ra lại đưa đến nhân rộng thêm hiện tượng mất tích. Thay vì chỉ mất tích một đứa, bây giờ người mẹ phải chịu sự mất tích của thêm…mười tám đứa khác.
 
Giải pháp “clone” hoàn toàn…thất bại.
 
 
Chế biến thời gian
 
Thủ phạm của mọi hiện tượng mất tích, theo người mẹ, là thời gian. Làm sao để có thời gian?
 
Đây là một giải pháp: làm phim.
 
“Làm phim là một cách để giải bài toán thời gian, một phương trình có hiện hữu là ẩn số, mất tích là hằng số, cũng có khi là ảo số, tuỳ theo thời gian nào. Làm phim là một cách tái chế hoặc tạo ra những thời gian mới.” (…) “Người làm phim dùng không gian và ánh sáng để tạo ra thời gian. Người làm phim cũng sử dụng thời gian như một chất liệu. Thời gian của đời sống hay thời gian của phim, thời gian của người hay thời gian của búp-bê, thời gian của người sống hay người chết…” (tr. 189, 190)
 
Nhân vật trong phim này, tên “Ai” (giống tựa đề truyện), kiếm sống bằng nghề làm búp bê. Sao lại búp bê? Vì chế tạo búp bê cũng là “chế tạo thời gian”. “Người sưu tập không chỉ mua một con búp-bê mà họ còn muốn sở hữu một thứ gì khác, một cuộc đời, hoặc những khả thể của một cuộc đời. Tạo ra cuộc sống tức là tạo ra thời gian. Búp-bê có nhiều thời gian hơn con người, mà chúng lại không biết làm gì với thời gian chúng có. Chúng như những nhà tỉ phú không biết cách tiêu tiền. Thời gian của chúng thênh thang vô hạn. Còn chúng ta thì lúc nào cũng túng thiếu. Chúng ta có thể mượn tạm thời gian của chúng để tiêu dùng mà không cần nghĩ đến việc trả lại dưới bất kỳ hình thức nào…” (tr. 183, 184)
 
Búp bê không tự lớn, nhưng ta làm cho nó lớn bằng cách làm nhiều con, mỗi con đánh dấu một mốc thời gian. Thời gian chẳng qua chỉ là chuỗi của những con số tăng dần.
 
Nhưng quan trọng nhất, nhân vật Ai còn chế tạo búp bê tùy theo đơn đặt hàng của khách. Một trong những người khách đặc biệt của nhân vật Ai là Aika, người Nhật. Aiko, con gái duy nhất của Aika, bị tai nạn chết năm lên lớp 10. Nhớ con, mỗi năm Aika lại đặt Ai làm một búp-bê để “mừng tuổi” cho Aiko. Những búp bê này phải cao lên, tóc dài thêm để thành thiếu nữ. Không những chỉ là nhân dáng, búp bê Aiko còn tập viết thư pháp, học cắm hoa, học trà đạo, chơi dương cầm… Ngày Aiko tốt nghiệp trung học, cô được mặc bộ kimono đại lễ bằng gấm hồng thêu hoa anh đào trắng. Rồi Aiko vào đại học, tóc nhuộm tím hồng, áo đầm ren nhiều nơ và các thứ phụ tùng gắn đầy lên người. Không những thế, Aiko cũng có người yêu. Vân vân và vân vân. (tr. 185) Tóm lại, để chìu ý khách hàng, nhân vật Ai phải thực hiện hàng chục, hàng trăm hay nhiều hơn nữa những búp bê Aiko, mỗi con mỗi nhân dáng, mỗi tuổi, mỗi hoạt động…y như người sống.
 
Giải pháp này khắc phục được khuyết điểm của “clone”: những con búp bê không tự mình lớn, không biết sử dụng ngôn ngữ, do đó, không gây ra tranh chấp, vì không bị chi phối bởi quá trình chuyển từ “con” sang “I” rồi sang “Ai”.
 
Nhưng, rốt cuộc, cũng thất bại. Dù chỉ là thất bại của một cuốn phim. Vì sao?
 
“Người mẹ tìm cách cứu vãn một điều không thể cứu vãn. Những con búp-bê tạo ra sự sống bằng cách thâm nhập thế giới người.” Đó là một nghịch lý, vì “…nhân vật đã chết nhưng vẫn tiếp tục sống–cô bé Aiko, hoặc nhân vật sống với cái chết đã xảy ra từ lâu–bà Aika. Trong dòng thời gian này, nhiều thứ đối nghịch nhau vẫn đang xảy ra, như mất tích và hiện hình, như i và -i, như một kẻ viết ra và có một kẻ khác xoá ngay đi.” (tr. 189, 190)
 
Viện bảo tàng
 
Cuối cùng, một dự án khác được đề ra: lập một viện bảo tàng trẻ con, nhằm giúp các bà mẹ quản lý chuyện thời gian. (tr. 269, 270)
 
Viện bảo tàng được thiết kế một cách đặc biệt. Vừa như một viện bảo tàng thực thụ, nơi cất giữ tất cả mọi di vật, tài liệu…, nhưng đồng thời, vì là sinh vật, nên tất cả các trẻ con phải được chăm sóc, theo dõi và ghi lại từng chi tiết một như ở trong một bệnh viện. “Các ghi chép sẽ rất chi tiết, đến mức vặt vãnh nhỏ nhặt, như từng sợi tóc rụng xuống, từng cái móng tay cắt đi, từng chiếc răng sữa, từng phân tăng trưởng, từng cơn sốt theo mùa, từng mùi vị đọng trên má, cách phát âm, câu nói ngộ nghĩnh cần ghi âm lại… tất cả những gì đã xảy ra, kể cả trong những giấc mơ. Mỗi ngày sẽ có người đến cân đo, lấy máu và thu hơi thở đứa bé vào những ống nghiệm. Trên mỗi ống nghiệm sẽ ghi ngày giờ, tháng năm của từng hơi thở.” (tr. 271)
 
Trong lúc đó, những người mẹ “sẽ ngồi nhìn con mình 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, cứ như thế ngày lại ngày, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, mục đích là xem đứa bé lớn dần lên. Không được bỏ lỡ một ngày, một giờ, một phút, một giây nào. Và phải cam kết chỉ nhìn đứa bé, không được rời mắt khỏi nó, không được làm bất cứ điều gì khác ngoại trừ quan sát, nghĩ ngợi, ghi chép về nó.” (tr. 272)
 
Hóa ra, vẫn phải “giờ”, “phút”, “giây” rồi vẫn phải “ngày”, “tuần”, “tháng”, “năm”. Tóm lại, vẫn phải “lớn lên”!
Ai kết thúc tiểu thuyết bằng một câu: “Dự án bắt đầu vào mùa thu”. (tr. 272)
Nữa! Lại “bắt đầu” và “mùa thu”. Toàn là những từ ngữ chỉ dòng chảy của thời gian.
Thì ra, dù tránh trút cách nào, con người cũng không thoát khỏi vòng kim cô thời gian.
 
Mất tích là hiện tượng nhân sinh
Như đã đề cập ở phần trên, “ai” có nghĩa “người khác”, hay nói một cách tổng quát, “cái khác”. “Cái khác” là một khái niệm triết lý, xã hội, tâm lý để chỉ một thực thể “không phải là bản thân” đã được nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đủ loại bàn cãi.
 
Theo Simone de Beauvoir, “người khác” (l’autre), là phạm trù căn bản của tư tưởng con người.[6] Không thể có bản thân nếu không đồng thời có “người khác”. Chẳng hạn: đàn bà là “người khác” của đàn ông; kẻ nhập cư là “người khác” đối với người bản xứ; Biden là “người khác” đối với “giới MAGA”,[7] Trump là “người khác” đối với những ai chống “giới MAGA”. Khi thuận thảo thì “người khác” là thân hữu nhưng hễ tranh chấp thì “người khác” lập tức trở thành kẻ thù, hay nói như Jean-Paul Sartre, “địa ngục là tha nhân.”[8] Mặt khác, “người khác” không chỉ hiện diện ở ngoài, mà còn nằm ngay chính trong bản thân mỗi người. Chả thể mà người mẹ trong Ai tìm thấy trong đứa con của mình sự hiện diện của “một người nào khác; như có kẻ nào vừa mới nhập vào, rồi nấp bên trong mà nhìn ra bằng đôi mắt nó.” (tr. 24) Đấy chính là quá trình diễn ra trong đứa con mà tác giả xem là sự mất tích.
 
Mất tích, như thế, là hiện tượng nhân sinh, có thể diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau. Theo Đặng Thơ Thơ, “Mất tích là đề tài nghiên cứu xã hội học mà cũng thuộc ngành khoa học tự nhiên. Định luật chuyển hoá của Newton nói rằng không vật gì tự nhiên sinh ra hay mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, người này biến vào trong người kia, dân tộc này mất trong dân tộc nọ, các vùng đất, các triều đại, các đế quốc cũng vậy. Cả ngôn ngữ nữa. Lịch sử đã chứng minh như thế.” (tr. 241)
 
Trong ý nghĩa đó, Ai mở rộng khái niệm mất tích, từ ký hiệu ngôn ngữ (I và Ai) đến các lãnh vực khác bao quát và rộng lớn hơn.
 
Trong lịch sử thế giới, không biết bao nhiêu dân tộc, chủng tộc hay bộ lạc đã mất tích trong quá trình phát triển và suy vong của họ. Chẳng hạn như dân tộc Chàm ở Việt Nam. Hay các bộ lạc thổ dân ở Mỹ, Canada và Úc, nơi mà các chính quyền da trắng tìm mọi cách để tiêu diệt và nếu không tiêu diệt được, thì tìm cách thủ tiêu truyền thống văn hóa và ngôn ngữ của họ bằng cách bắt cóc trẻ con, tách chúng ra khỏi cội nguồn của chúng.[9]
 
“Đây là câu chuyện về những dân tộc đang tản mác rồi dần dần mất tích. Họ không thể trở lại quê hương, họ cũng không có đất sống ngoài quê hương. Để tồn tại, họ phải huỷ hoại một phần bộ phận phát âm để đồng hoá với người bản xứ. (…) Có những dân tộc ai cũng biết, có những dân tộc không ai biết, có những dân tộc bị ăn thịt, có những dân tộc ăn thịt người khác, có những dân tộc tự ăn thịt mình…” (tr. 241)
 
Những di dân hội nhập thành công ở nước ngoài, thực ra, cũng là một hình thức mất tích. Nhất là lớp người trẻ, con cháu của những thể hệ di dân, tỵ nạn trước đó:
 
“Những người này lúc nào cũng say, mà chỉ say rượu ngoại. Họ vẫn tưởng họ là chính họ, nhưng thật ra họ là người khác. Thật ra họ không biết họ là ai. Có nhiều dữ kiện cho thấy đến thời điểm 2050, hơn nửa dân số sau một cơn say đã tỉnh ngộ, nhận ra mình thuộc dòng giống của kẻ thống trị. Một nửa dân số kia không thoát khỏi cơn mơ, cứ tiếp tục cuộc sống của người nô lệ. Điều lý thú nhất là một nửa dân số này cho rằng nửa dân số kia đã mất tích, hoặc ngược lại.” (tr. 243)
 
Khuyến khích học và thông thạo ngôn ngữ dòng chính trong lúc không cần biết đến ngôn ngữ gốc của mình, nằm trong dự tính đánh cắp lý lịch của di dân. “Đó là sự chiếm đóng, áp đặt, đô hộ bằng ngôn ngữ. Đó là sự hút óc, rút máu, ăn thịt để phục vụ nhu cầu thống trị bệnh hoạn…,” theo nhận định của một cô gái trong Ai. (tr. 138)
 
            Ai dành cả hai chương 16 và 17 (tr. 223-245) trong phần “Biến âm kép” để dựng lại hình ảnh mất tích của người Việt Nam thời hiện đại qua kinh nghiệm cay đắng của những người ra nước ngoài trong chính sách “xuất khẩu lao động” của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Ngôi chùa Nisshinkutsu do người Việt xây dựng tại Nhật, một căn nhà nhỏ bé, tầm thường, nhưng là nơi lưu lại dấu tích cái chết thương tâm của 140 người xuất khẩu lao động, tuổi từ “hai mươi đến băm mấy”, trong đó, có cả hai đứa trẻ con.
 
Theo lời một thanh niên trong chùa, hợp tác lao động ở Nhật là một chính sách bóc lột nhiều mặt. “Nghe nói bên Việt Nam ký hợp đồng với Nhật để chủ nhân tự ý và toàn quyền, nên sứ quán họ không làm gì để can thiệp và bảo vệ công dân Việt đâu. Số người may mắn gặp chủ đàng hoàng thì hiếm, đa phần là bị ngược đãi, bị kỳ thị, bị lạm dụng đến kiệt sức.” (tr. 230)
 
Một thanh niên khác kể về cái chết thương tâm của một người hợp tác lao động:
“Bạn ấy sang diện du học, vừa đi học vừa phải làm nhiều công việc bán thời gian để gửi tiền về giúp gia đình và trả dần nợ. Được năm đầu, sang năm thứ hai thì bạn ấy không cách nào kiếm đủ tiền đóng học phí dù đã làm việc đến kiệt sức, nên bị đuổi học về nước. Ban đầu thì trốn ở lại, sống chung phòng với mười mấy người, làm đủ thứ việc qua ngày, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Sau không có ai mướn, mà nợ ngân hàng còn quá nhiều, về nước thì sợ liên luỵ cho gia đình bị bọn đầu  nậu thanh toán, thế là bạn ấy đâm đầu vào xe tự tử.” (tr. 231, 232)
 
Hợp tác lao động, như thế, trông chẳng khác gì “một hình thức nô lệ cấp nhà nước” hay nói khác đi, là “một đường dây buôn người dưới chiêu bài sạch sẽ và hợp pháp giữa hai quốc gia, trong đó mỗi con người chỉ là một khoản nợ.” (tr. 232)
 
Thành thử ra, ngôi chùa “không phải là một thắng cảnh để thăm viếng. Đây là giao điểm của mọi sự mất tích. Mọi cách mất tích, mọi trường hợp, mọi định mệnh đều đổ dồn vào đây, nơi chôn cất những cuộc đời. Cũng là nơi hành hương của những người Việt xa xứ…,” theo lời phát biểu của một cô gái trẻ tới thăm chùa. (tr. 227)
 
Hằng số
Thực ra, bản thân của mất tích – dù với những hậu quả hết sức tiêu cực – rốt cuộc, là một điều tích cực. Tại sao? “Một sự mất tích ở nơi này = một sự xuất hiện ở nơi khác. Thế giới vận hành nhờ những vụ mất tích và tái hiện không ngừng,” (tr. 222) theo lời giải thích của người làm phim búp bê trong truyện.
 
Có lẽ đó là nhận định lạc quan nhất trong vô số những nhận định bi quan có thể gây tranh cãi khác tìm thấy rải rác trong Ai.
 
Xuyên suốt qua 252 trang, tôi nhận thấy người duy nhất không mất tích – và chứng kiến sự mất tích – trong Ai là người mẹ. Mẹ này là mẹ Đặng Thơ Thơ (mà cũng có thể là bất cứ mẹ nào khác): bất an theo dõi đứa con mình lớn lên, nhìn thấy nó mất tích dần dần, từ đó, suy nghĩ về những biện pháp khắc phục sự mất tích bằng cách, hết “clone” con từng năm một, đến đặt làm búp bê đứa con cũng từng năm một và cuối cùng, đề ra một dự án thử nghiệm là gửi con vào viện bảo tàng. Nó buộc người mẹ yêu con phải kiên trì thách thức thời gian:
 
“Họ sẽ ngồi nhìn con mình 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, cứ như thế ngày lại ngày, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, mục đích là xem đứa bé lớn dần. Không được bỏ lỡ một ngày, một giờ, một phút, một giây nào. Và phải cam kết chỉ nhìn đứa bé, không được rời mắt khỏi nó, không được làm bất cứ điều gì khác ngoại trừ quan sát, nghĩ ngợi, ghi chép về nó..” (271, 272)
 
Quả là một dự án hết sức cực đoan!
 
Ham con, người mẹ vô tình quên luôn rằng: chính bản thân mình cũng đã là một mất tích. Không ai sinh ra đã là mẹ. Trước hết, phải là một đứa con. Là con, thì phải mất tích. Do đó, mẹ có nghĩa là một quá trình đánh mất liên tục, từ trẻ thơ đến thiếu niên, trưởng thành rồi đến yêu đương và làm vợ.
 
Rốt cuộc, tất cả – kể cả mất tích cách này hay cách khác – đều là biến số. Chính tình mẫu tử mới là hằng số, không bao giờ mất tích, bất chấp thời gian.
12/3/2024
THT
 
Ghi chú:
Đây là các cách viết khác nhau về “Ai” để dễ phân biệt:
Ai là tiểu thuyết Ai
Ai để nói về nhân vật tên “Ai”
“Ai” hay “ai” để chỉ tất cả những thứ còn lại như khái niệm, ý nghĩa, tựa đề, tên, âm giọng về “ai” …
 
Chú thích:
[1] Phản tiểu thuyết (Antinovel): một tác phẩm văn chương trong đó, tác giả không sử dụng những yếu tố truyền thống của cấu trúc tiêủ thuyết, nhất là về cốt truyện và nhân vật. Xem: https://www.dictionary.com/browse/antinovel
[2] Trừ trường hợp đặc biệt, những con số ghi sau mỗi trích dẫn là để chỉ số trang trong tiểu thuyết Ai
[3] Chương 16
[4] Chữ “ai” có 5 nghĩa: người nào, mọi người, người khác, đại từ không xác định về cả ba ngôi, không có người nào.
https://vi.wiktionary.org/wiki/ai
[5] “Clone” (nhân giống) là lấy một tế bào trong cơ thể một sinh vật để tạo ra một sinh vật khác giống hệt sinh vật ấy, mà không qua hình thức thụ tinh tự nhiên do sự kết hợp giữa một tinh trùng và một trứng.
[6] Ursula Tidd, Simone de Beauvoir et la quête de l’autre.
 
Xem: https://www.persee.fr/doc/caief_0571-5865_2009_num_61_1_2575
 
[7] “Giới MAGA” (Make America Great Again) chỉ những người ủng hộ cựu tổng thống Trump.
[8] Nguyên văn: L’enfer, c’est les autres là một phát biểu nổi tiếng lấy từ trong vở kịch “Huis clos” (Kín cửa) của Jean-Paul Sartre.
[9] The New York Times, How Thousands of Indigenous Children Vanished in Canada,
 

 
The remains of more than 1,000 people, mostly children, have been discovered on the grounds of three former residential schools in two Canadian provinces since May. In late June, the remains of 751 people, mainly Indigenous children, were discovered at the site of a former school in the province of Saskatchewan, a Canadian Indigenous group said. (…) These schools were part of a system that took Indigenous children from their families over a period of about 113 years and forced them to live in boarding schools, where they were prohibited from speaking their languages.
 

 

No comments:

Post a Comment