Wednesday, May 24, 2023

GIÀ RỒI, GIÀ THÊM NỮA, ĐÂU CÓ SAO!

Tạp bút của Khuất Đẩu
 
Nhà văn Khuất Đẩu
 
Tôi có người bạn vừa làm thơ, viết văn, lại tốt nghiệp trường y, một hôm soi gương thấy tóc trên đầu đã chớm bạc, thay vì kêu thầm: già rồi!, lại nói với các nữ độc giả ái mộ rằng, tuổi này là tuổi gió heo may.! Khéo làm sao, duyên làm sao! Cứ như ngoài trời vàng rơi vàng rơi thu mênh mông (Bích khê) và rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
 Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm và cũng là tuổi đẹp nhất của một đời người. Mùa thu lúa chín vàng rực, con người cũng chín, không chín như đu đủ hườm hườm, mà là chín chắn. Chín từ cách ăn cách ở, cách nói cách năng. Chín từ cách đối nhân xử thế trong cuộc đời. Còn tình yêu thì chín nồng nàn, thơm hơn cả sầu riêng.
Nhưng đây cũng là lúc nhiều ông chán cơm thèm phở, thấy vợ anh hàng xóm bỗng đẹp hơn vợ mình. Chị vợ thì thấy chồng mình cục mịch, thiếu ga lăng, ưa quát nạt, rất chi là gia trưởng. Dù trong bụng không muốn cắm sừng, nhưng cũng thử kiếm một ai đó, giả vờ thân mật rồi lẳng lơ một chút, để chọc giận cho bõ ghét.
Đáng ngại rằng, chơi mà thành thiệt, đến nỗi anh đi đường anh tôi đường tôi, thì thật tội nghiệp cho đám con nheo nhít. Đây là lúc nhiều bà có thể phải ăn dao và nhiều ông bị mất của quý. Gia đình thành địa ngục, và nghĩa phu thê trở thành nghĩa …địa.
 Một người không thể lấy vợ sinh con dù yêu và được yêu rất nhiều là Hàn Mặc Tử, lại là người quý trọng tình nghĩa phu thê nhất. Trong bài Tình quê, ông tưởng tượng mình là người chồng đang đợi vợ đi xa trở về, tình nghĩa thật thắm thiết. Xin dẫn một đoạn nhỏ.
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông  nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Nhớ nhau dường đê mê…
 Kiệt Tấn nổi tiếng là người kể chuyện tình mà Nguyễn Mộng Giác, chỉ nghe kể thôi đã mệt ná thở. Ông có nhiều bồ, từ đông sang tây, từ tóc đen đến tóc vàng, lúc tỉnh đương nhiên là yêu nhiều rồi mà khi điên cũng vẫn yêu, cứ tưởng bỏ bê vợ nhà, không ngờ lại là người yêu vợ rất chơn chất thật thà. Tôi xin trích đoạn cuối trong bài thơ Em Về:
Ngày phai ngày phai màu
Chiều xanh chiều xanh xao
Trời mưa trời mưa nặng
Em về em về mau
Trời mưa trời mưa nặng
Em về em về mau
Em về em về mau!
 Về tình thì đã rõ, ông sợ vợ bị mưa ướt. Còn về kỹ thuật ông lập lại 2 chữ đầu để biến thơ 3 chữ thành thơ 5 chữ, em về em về mau nhắc lại mãi, tỏ ra ông rất bối rối, sốt ruột.
Tuổi chớm già phải nói đẹp thì thật đẹp, nhưng cũng có rất nhiều cạm bẩy. Câu chuyện “chán cơm thèm phở” và thử “cắm sừng” là cái bẫy chết người. Đi cầu treo cáp dây văng còn rớt xuống sông, huống hồ là cầu tre lắc lẻo.
Nhưng đã là đàn ông thì phải biết vượt qua những chuyện tầm thường nếu muốn làm nên những kỳ tích phi thường. Như zelensky từ một diễn viên tầm tầm trong phim hài Đầy tớ nhân dân, bỗng mạnh mẽ trở thành một tổng thống can trường có mặt ở những nơi chiến sự tàn khốc nhất được ví như cối xay thịt, khiến cả thế giới phải xúc động, nể phục. Như một phép mầu! Nhưng không phải của Chúa, cũng không phải của NATO, mà là của nhân dân, một nhân dân bị Nga hoàng bóc lột, bị Stalin bỏ chết đói, bị Đức quốc xã tàn sát, bị Liên xô đồng hóa… tất cả biến ông thành Ukraine, một Ukraine dũng cảm đứng hẳn về phía tự do.  Còn Putin, nếu không mắc sai lầm khi định đánh chiếm Kyiv chỉ trong 3 ngày, thì dù không ưa vì từng là một tay KGB nham hiểm, người ta vẫn phải phục ông vì đã đưa nước Nga tan nát sau khi Liên xô sụp đổ thành một nước Nga hùng mạnh chẳng kém gì Mỹ.
Giờ cả hai trở nên khác nhau một trời một vực. Zelinsky càng ngày càng tỏ ra bản lĩnh, là một chính trị gia khôn ngoan, một tổng tư lệnh xuất sắc được ví như Churchil. Trong khi Putin, ngày càng tuột dốc thảm hại. Nước Nga từ một trong top 3 về quân sự và kinh tế, giờ bị cấm vận đến nỗi một con chip cũng không mua được, lính chết như cánh đồng lúa mì vừa gặt xong, phải đem cả tù nhân cướp của hãm hiếp giết người ra trận, lại bị truy nã vì tội mẹ mìn bắt cóc trẻ con…Còn đâu những lúc cởi trần ưỡn ngực cưỡi ngựa, còn đâu khoe bụng 6 múi láng o, còn đâu du thuyền bạc tỷ…Còn đâu? Còn đâu? Khi chỉ còn là một gã hề!
Thôi thì bỏ qua, vì thời gian chẳng đợi ai bao giờ. Đã đến lúc mùa thu đẹp đến mấy cũng phải chết, không tin hãy nghe Lệ thu hát: mùa thu đã chết, đã chết, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Và mùa đông lại đến. Không còn rừng phong lá đỏ, không còn sương thu giá lạnh và những đám mây bàng bạc trôi, chỉ có những hàng cây trơ trụi lá, băng tuyết phủ đầy.
 Ngày ở Huế, tôi thấy các ông già co ro ngồi ôm cái lồng ấp, tội nghiệp làm sao! Nhưng giờ, trong những ngày đông giá rét, tôi thèm biết bao cái lồng ấp ấy với vài cục than hồng ủ trong đó. Già thật rồi, thấy rõ nhất là cái bộ tam, dù có hò dô ta kéo pháo, thì nó cũng nằm ì ra đó chứ chẳng chịu bắn phát nào.
Thì thôi, xắc xiếc mà làm gì. Biết vậy nên quý bà để mặc các ông muốn đi đâu thì đi, chẳng thèm đờn quyển nỉ non tra hỏi. Đành an ủi, dẫu sao cũng được tự do vui với tuổi già! Nhưng khổ nỗi, tuổi già thì vui cái nỗi gì, thuốc uống nhiều hơn cơm ăn. Lịch uống thuốc của cụ nào cũng dài như lá sớ, suốt ngày vợ con nhắc nhở thì ít mà rầy la thì nhiều. Có đứa còn càm ràm, già mà sao hổng chịu chết!
 Thế nhưng, vẫn có những cụ còn thòm thèm, rất thòm thèm. Như cụ Vũ Khiêu khả kính, trong lễ mừng đại thọ 100 tuổi của mình. Cụ mang hàm giáo sư, được coi là tinh hoa “iu tú” của cả nước, đã hôn nữ hoa hậu Kỳ Duyên (không phải MC Kỳ Duyên) khi cô mang hoa lên tặng. Gọi hôn cho nó có vẻ văn minh, chứ thật ra là hun và hít, quê một cục. Trước ống  kính truyền hình, cụ đã “hun” vào má cô bằng đôi môi nứt nẻ thâm xịt, và “hít” thịt da tươi trẻ của cô với cái mũi thò ra mấy sợi lông, trông rất ớn chè đậu. Già đến tuổi 100 mà còn ham như thế, nên đã bị cả nước mắng cho té tát: “già mà ham”! là không sai một li ông cụ nào
Lại còn có nhiều cụ hai tay cứ rọ rạy sờ mó như thầy bói mù sờ mu rùa, gặp chỗ nào cũng sờ, nhất là những chỗ nhạy cảm của các cô các bà còn trẻ khi đi tàu hay đi xe. Dĩ nhiên bị mắng là già dịch, già dê, già mất nết, tệ hơn nữa là già mất dạy!
Đến đây có người nhắc khéo: còn ông thì sao?
 Thưa rằng, tôi không nằm trong đám ôn dịch đó. Tôi quá nghèo, tôi đau tim, tôi yếu phổi, tôi già cúp bình thiếc rồi. Cúp bình thiếc không phải cúp đá banh, đó là cái vỏ bình thủy mới do thợ thiếc làm để thay cho vỏ cũ đã rỉ sét, trông rất xấu xí, dị hợm. Cái này ở miền Nam, không hiểu sao lại dùng để chỉ những lão già như tôi. Có lẽ nó cũng giống tôi, sắp liệng vào thùng rác.
 Đừng tưởng càng già càng dẻo càng dai, không dám đâu, một khi nó tới là sụm bà chè ngay. Như Putin, giờ yếu đến nỗi khi ngồi phải nắm chặt tay vào thành ghế hay thành bàn, đi đứng rất khó khăn, Còn Biden thì lên cầu thang máy bay mà té lên té xuống. Già khú đế như vậy thì đánh đấm được gì!
 Nhưng nghĩ cho kỹ thì già cũng có cái hay của già. Như được thấy thái tử Charles lên ngôi vua, sau khi đã chờ dài cổ, đến những 70 năm vì mẫu hậu không chịu xê ra cho ông lên ngồi. Rồi còn được xem Trumph tái tranh cử tổng thống với nhiều tuyên bố dóc phách động trời. Như chỉ cần một ngày là sẽ đem laị hòa bình cho Ukraine, mặc dù ông sắp ra tòa vì tội ăn bánh không trả tiền, tức là chơi quịt. Ông có thể bị tòa kêu án vài năm, nhưng cũng may, còn có chủ tịch hạ viện Mac Cathy, bảo cứ dể ổng mần, bốn năm sau ngồi tù vẫn chưa muộn.
Vậy thì già nữa đi, còn được ngày nào thì già ngày đó, hết cúp bính thiếc thì cúp bình nhôm, hết cúp bình nhôm thì cúp bình nhựa, vân vân và vân vân. Đến khi già lỗ cốt thì thôi. Chừng đó nằm trong áo quan, nghe vợ con thầm thì: thôi cũng xong một đời của ổng.
 Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới truyện Tiếng sáo người em út của Dương Nghiễm Mậu: Cậu ta giải thích với ông anh cả về chuyện cha chết mà không lo ma chay cứ ngồi thổi sáo. Cậu nói, cha dặn: “một đời cha không làm gì ác, cha vui mà chết, con hãy thổi sáo cho cha nghe”. Và suốt đêm cậu đã thổi sáo, khi chôn cha xong, cậu cắm cây sáo lên mộ, rồi về.
Tôi cũng chỉ mong được vậy, thế thôi!
Khuất Đẩu
5/2023 

No comments:

Post a Comment