Tuesday, May 16, 2023

NHỮNG CON ĐÒ

Tạp bút của Khuất Đẩu
 
Con đò bến xưa
 
Sắp qua sông Mịch La, con sông nối giữa hai bờ, bên này là trần gian, bên kia là âm phủ. Ngay cả một con chó chết bà tôi vẫn phải nhét vào miệng nó một đồng tiền kẽm để trả tiền đò. Không biết đến lượt tôi, giữa thời đại A.I này, vợ con tôi có tìm được đồng tiền kẽm nào không, nếu không chắc phải bơi qua, mà bơi giữa một bầy cá sấu, chết là cái chắc. Nhưng đã chết một lần rồi, thì chết một lần nữa, cũng đâu có sao!
Là nói chơi vậy thôi, chứ còn ngồi gõ thế này, thì chết sao được. Thây kệ lũ quỷ lái đò, chúng nó cứ dài cổ ra chờ, tôi dại gì mà gọi.
Con đò tôi muốn gọi, là con đò của những cô gái xa xưa tận những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trên những sông Hồng, sông Hương, sông Tiền, sông Hậu…
Nguyễn Tất Nhiên, ngoắc đến mòn tay vì một nàng Bắc kỳ nho nhỏ từ trăm năm về qua sông rộng. Tôi cũng gọi hụt hơi khản tiếng, dù chưa tới trăm năm, gọi trong những chiều mưa rả rích, trong những ngày nắng chói chang, gọi ngay cả khi chạy xe qua cầu Tràng Tiền, hay ngồi trên một chiếc phà sơn xanh sơn đỏ ở Rạch Miễu.
Trần Tế Xương đêm nghe tiếng ếch bên tai/ giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò, bà huyện Thanh Quan nhớ tới lối xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài của cố đô Thăng Long. Cả hai vị đều mượn cảnh tang thương để cau mặt với thời cuộc, tức là với Pháp và nhà Nguyễn tân triều.
Tôi thì không dám đâu, công an có mời lên uống trà, tôi cũng sẽ nói chẳng có chính chị chính em gì ráo, tôi gọi mòn hơi ná thở những cô lái đò xưa cũ, chỉ vi tôi nhớ quá. Làm sao mà không nhớ cái dáng xinh xinh khi cô rạp mình trên mái chèo, giữa bát ngát mênh mông của sông nước. Trông cô mảnh mai yếu đuối như một cành trúc la đà trong gió chiều, nhưng cũng dẻo dai mạnh mẽ trong mưa bão.
Những cô lái đò ngang là những chiếc cầu biết nói, biết cười, khách lên bờ rồi còn liếc mắt đưa theo khiến khách về đến nhà vẫn còn ngẩn ngơ. Nhờ những con đò ấy mà tràng giang không đến nỗi  buồn điệp điệp, chỉ có bờ xanh tiếp bãi vàng. Đò ngang còn là mai mối cho những cuộc tình thường là dang dở và vì dang dở nên mới có một Nguyễn Bính lỡ bước sang ngang và Nhật Ngân, một anh học trò nghèo, dù đã nâng niu ân cần, sợ bến lấm ướt gót chân, sợ gió buốt trái tim mà em vẫn sang ngang bằng xe hoa hay con thuyền, khiến cho chiều nay tôi buồn!
Đò dọc miền Bắc và miền Trung, nhờ các cô mà măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên. Ở miền Nam với 9 cửa sông Cửu Long và kênh rạch chằng chịt, các cô xuôi ngược đem thổ sản, cá tôm tận những miệt vườn xa xôi đến họp chợ ở các ngã ba sông, nổi tiếng sầm uất nhất là chợ Cái Răng. Đò dọc còn là tên tiểu thuyết của nhà văn Bình Nguyên Lộc: một gia đình với 4 cô gái không còn trẻ và cũng không được đẹp, đã lần lượt đi lấy chồng, như một con thuyền chở nặng đã dỡ hết hàng, giờ thong thả xuôi dòng.
Đi dò dọc từ hạ nguồn lên thượng nguồn, là cả một trải nghiệm thú vị khó quên. Được tới những miền đất lạ, gặp những con người mới, chiều ngắm hoàng hôn trên sông, tối ngắm trăng sao vằng vặc. Lại còn được ăn cá tươi, nướng, kho hay nấu canh chua đều ngon, có thêm chút rượu tưởng không gì sướng bằng. Rồi ngủ một hơi tới sáng, đến khi chói mắt vì ánh mặt trời mới nhảy ùm xuống sông tắm, đã ơi là đã.
Xin đừng nhầm “ngủ đò” ở Hương giang hay ở bến Ninh Kiều! Chủ đò thường là các cụ già rắn rỏi có nhiều năm kinh nghiệm, nếu có dẫn bạn gái cùng đi thì chỉ ngồi mạn thuyền tâm sự chút đỉnh, chứ lạng quạng là bị ném xuống sông ngay!
Giờ, các cây cầu nhỏ, cầu to, cầu ngắn, cầu dài đều vươn những cánh tay mạnh mẽ bắc qua gần như mọi con sông, con suối…Trên bờ thì honda chạy rần rần, dưới sông vỏ lãi gắn máy đuôi tôm nổ phành phạch, đôi chiếc lại gắn loa quảng cáo ầm ĩ, nên những con sông đâu còn bình yên thơ mộng gì nữa, thơ cũng tắt nguồn thi hứng và nhạc thì chuyển qua Rap nghe cà giựt cà giựt cứ như cà lăm.
Những cô lái đò đành gác mái làm việc khác: xinh đẹp thì bưng bê hay trải drap cho khách sạn, nếu trời bắt xấu thì bán đậu phộng lép ở các bến phà. Đó là lúc chưa có các cầu dây văng, giờ Rạch Miễu và Cần Thơ điện thắp sang trưng làm lễ thông xe, các phà cũng kéo đi chỗ khác làm nhà hàng nổi, bỏ lại cái bến một thời nhộn nhịp.
Vậy nên, những con đò nhỏ chỉ còn cắm sào đợi khách trong giấc mơ của những lão già chưa chịu chết như tôi mà thôi!
Những con đò trong mơ, trước hết phải nói tới con đò canh khuya đưa khách nổi tiếng ở bến Tầm Dương, nơi quan Tư Mã Giang Châu Bạch Cư Dị đang bị đày, đêm tiễn bạn xuống thuyền, bất ngờ nghe được tiếng đàn và tâm sự của một kỳ nữ tài danh đã hết thời, cảm được nỗi niềm của nàng cũng là của chính mình, bèn viết nên thiên tuyệt bút Tỳ Bà Hành, khiến cho thi đàn Đông phương cũng phải nhỏ lệ ướt áo cùng ông.
Phan Huy Vịnh, chuyển ngữ sang tiếng Việt còn làm tôi giật mình, không ngờ cái tiếng nôm na là cha mách qué lại kỳ diệu đến như vậy.
Tôi thử lẩm nhẩm một đôi câu:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua
Khúc tuy chưa trọn tình đà thoảng bay
Nghe não nuột mấy dây buồn bực
Nhường thở than tấm tức bấy lâu
Dây to dường đổ mưa rào
Tỉ tê dây nhỏ khác nào chuyện riêng
Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy
Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh
Nước suối lạnh tơ mành gần đứt
Gần đứt nên phút bặt tiếng tơ
Ôm sầu đau giận ngẩn ngơ
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
Một bóng trăng trong vắt lòng sông
 
Một nhà thơ thuần Việt, gốc Bình Định cháu chắt xa xôi của nhà viết tuồng tài danh Đào Tấn là Hoàng Trúc Ly, đã có những câu thơ để đời được nhà báo nhà văn Tam Ích gọi là thiên tài mà không hề nói quá:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi?
Bên này bờ dĩ vãng là cách nói của ông về hiện tại, một hiện tại xô bồ chật hẹp giữa Sài Gòn đầy xe nhà binh và lính Mỹ. Con nước ngại ngùng xuôi là dòng thời gian chảy qua giữa thời buổi không còn như xưa nữa.
Và ông ngậm ngùi thầm hỏi:
Em là em-tôi có là tôi?
Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Hỡi người em nhỏ của tôi ơi!
Mượn ý thơ của ông và Vũ Đình Liên, tôi cũng muốn hỏi:
Những cô lái đò ngày xưa ấy
Hồn ở đâu bây giờ?!)
KHUẤT ĐẨU
5/2023
 

No comments:

Post a Comment