Sunday, May 7, 2023

NỖI BUỒN MÂY TRẮNG

 Khuất Đẩu
 
Mây trắng. Internet
 
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
                              Quang Dũng
 
Trong các màu mây, đối với tôi, mây trắng là đẹp nhất. Nó tinh khiết, thơm tho và đẹp biết bao khi hiện ra trong đôi mắt “u uẩn chiều luân lạc” của người con gái Sơn Tây. Đôi mắt u uẩn là thực tại của người “ ở thành Sơn chạy giặc về”, còn mây trắng là những ngày bình yên xưa cũ, khi “đường hoa không máu nhuộm” và Ba Vì nổi lên giữa nền trời xanh của xứ Đoài.
 
Có thể gọi “mây trắng” là chiếc cầu vồng chỉ có một màu trắng thanh khiết nối giữa hai ngọn núi cao, một là quá khứ thanh bình và một là hiện tại chiến chinh. Cầu vồng đó được Quang Dũng vẽ nên trong đôi mắt người Sơn Tây, tôi cho là đẹp hơn cả chiếc cầu “bạch vân” ở lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu. Phải đợi đến khi “nhật mộ” và trông thấy “yên ba giang thượng”, Thôi Hiệu mới buồn nhớ tới “hương quan”. Cũng như Hồ Dzếnh phải mượn tới khói thuốc mới nhớ tới quê nhà, mà quê thực của ông là “Tô Châu lớp lớp phù kiều, trăng đêm Dương tử mây chiều Giang Nam”, quê cha Tàu chứ không phải quê mẹ Việt Nam. Đó là nỗi nhớ của những người sống trong một xứ sở bình yên như mặt nước hồ lặng gió, đôi mắt trong vắt như dòng suối không có chút gì là u uẩn. 
 
Không chỉ Quang Dũng thấy mây ở quê hương mình rất trắng, nếu không muốn nói là không ở nơi đâu trắng bằng, mà những người xa quê hương, thiếu quê hương và mất quê hương đều thấy mây ở Mỹ, ở Pháp, Anh, Đức cũng đều không trắng bằng mây ở Việt Nam.
 
Rồi cả gió, cũng không ở đâu mát bằng!
Rồi cả nắng, cũng không ở đâu rực rỡ bằng!
Là sao vậy? Là vì yêu quá đấy mà thôi!
 
Và vì yêu nên con cá ở sông ở biển của quê mình cũng ngon hơn, ngay cả ngọn rau răm hay rau húng cũng thơm hơn. Có một người con gái Việt Nam lần đầu tiên trông thấy cây chuối trên đất Mỹ đã ngồi xuống ôm gốc cây mà khóc. Đâu phải thương cây chuối mà thương quê hương đã mất của mình.
 
Tôi yêu bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây, càng yêu hơn khi Phạm Đình Chương phổ nhạc, nhất là khi ông đưa mấy câu ”đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều luân lạc/ buồn viễn xứ khôn khuây” vào đoạn kết. Lại càng yêu hơn nhiều lần khi nghe Thái Thanh hát, nhất là ba âm “buồn viễn xứ”, âm xứ lên cao vút như sáo diều bị đứt dây bay vút lên trời cao, bay mãi ngàn năm như “bạch vân thiên tải”, của Thôi Hiệu.
 
Một đời cơ cực, bị ganh ghét trù dập, đến cuối đời không biết Quang Dũng đã được nghe Thái Thanh hát bài thơ phổ nhạc của mình chưa. Nếu chưa, giờ đây trên một cầu vồng mây trắng, người có tiếng hát song hành cùng thời gian thế nào cũng hát cho ông nghe.
KHUẤT ĐẨU
 

No comments:

Post a Comment