Thursday, April 26, 2012


Nguyễn Thị Hải Hà

đọc Cõi Đá Vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm

Mười năm nước chảy qua cầu,
Chuyện về đất nước là câu chuyện buồn
(Thơ Phạm Cao Hoàng)

       
    Cõi Đá Vàng là quyển sách có số phận kỳ lạ. Ra đời năm 1971, quyển sách như hòn đá nhỏ rơi xuống mặt hồ bao la, không đủ khuấy thành sóng, không gây một tiếng vang. Trong giới nhà văn nữ, người ta biết đến Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn thị Túy Hồng, Trần thị Ngh., Lệ Hằng, và còn nhiều nhà văn nữa nhưng không mấy người nghe tiếng nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm cũng như không nhiều người được đọc quyển Cõi Đá Vàng. Nhà văn Trần Hoài Thư cũng thú nhận là chưa hề được nghe nhắc đến tác phẩm này. Thời ấy sách báo rất nhiều, sách ngoại quốc được dịch tràn lan, người đọc bình thường không thể chú ý đến tác phẩm đầu tay của một người không tên trong giới văn học. Điều mà nhà văn Khuất Đẩu và nhà văn Trần Hoài Thư tỏ ý kinh ngạc là những bạn bè của bà nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật như Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, và Bửu Ý đã không ai mang quyển Cõi Đá Vàng ra ánh sáng. Nếu bảo rằng đây là quyển tiểu thuyết có lập trường chống Cộng thì tại sao nhà văn Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác lại không nhận thấy sức thu hút của tác phẩm này? 
    Vào thập niên 80 có một số người đã truyền miệng và chuyền tay nhau đọc quyển Cõi Đá Vàng. Xin đừng xem thường những lời truyền miệng về một quyển sách hay. Quyển The Kite Runner, tác phẩm đầu tay của Khaled Hosseini, tác giả vô danh trên thị trường văn học Hoa Kỳ, một sớm một chiều trở thành quyển sách bán chạy nhất trong năm 2005 chỉ nhờ những lời giới thiệu của độc giả. Một blogger lấy tên Diên Hoàng nhìn thấy người thân say mê đọc quyển này từ thập niên tám mươi. Anh bảo rằng hình ảnh người tù ngồi viết bản tự kiểm giữa rừng ám ảnh anh khôn nguôi. Sang Mỹ anh cố ý đi tìm, suốt hai mươi sáu năm, vào tiệm sách Việt nào ở Mỹ anh cũng hỏi nhưng không ai có. Rồi qua giới blogger, người này người kia giới thiệu, một nhóm người đã cùng nhau góp công góp sức, mượn từ thư viện địa phương qua trung gian đại học Cornell, nhóm blogger này đánh máy lại, sửa chữa lỗi chính tả trong một thời gian rất ngắn, và Thư Ấn Quán đã tái bản năm nay 2012. Sau tháng Tư năm 1975 đọc hay giữ quyển sách này có thể bị làm khó dễ nhưng tôi đoán độc giả yêu thích quyển sách quá nên giữ và đọc lén.  
   Tiểu sử của bà Nguyễn thị Thanh Sâm chỉ có mấy dòng in ở bìa sau của quyển sách. Bà sinh ngày 06 tháng 01 năm 1933 tại xã Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Quê quán của bà ở làng Thế Chí Tây, huyện Phong Điền, Huế. Quyển sách Cõi Đá Vàng được đề tặng chồng bà, ông Phan văn Tốn, trước kia là Trung Tá, Phó Tỉnh trưởng Nội An, Đà Lạt. Ông tử trận ở đồn Kim Thạch. Quyển sách mang tên Cõi Đá Vàng cốt ý lấy từ chữ Kim Thạch để bà tưởng nhớ chồng. 

   Câu chuyện quay chung quanh một nhóm thanh niên trẻ tuổi tham gia kháng chiến chống Pháp từ những năm cuối thập niên bốn mươi sang đầu thập niên năm mươi. Hai nhân vật chính là Trần và Huỳnh. Các nhân vật khác là những người có liên hệ với Trần và Huỳnh như Hiếu là người yêu của Trần, Lan là người Huỳnh yêu, Lương là bạn đồng ngũ với Trần và Huỳnh. Trần là đảng viên của đảng Cộng Sản, nhà văn chủ biên báo Quân Đội Nhân Dân, hai mươi ba tuổi. Huỳnh không là đảng viên, bạn thân với Trần lớn hơn Trần vài tuổi. Cả hai đều yêu văn học, yêu cách mạng, gia đình thuộc thành phần tiểu tư sản, thích nếp sống tự do, có cá tính nghệ sĩ lãng mạn, và đó là những lý do đưa hai người bạn trẻ này vào chỗ cùng đường. Nhìn thấy cuộc xử tử tàn ác một cô gái đẹp bị ghép tội Việt gian vì lấy chồng Tây, cô gái bị bắn bằng tên tẩm thuốc độc, cái chết kéo dài thật khủng khiếp, Trần phản đối hành động tàn ác này. Anh lập luận với Đảng: “Chúng ta không chiến đấu hăng say trong khi những vấn đề nhân bản không được tôn trọng. Tổ quốc cũng chỉ hình thành bởi con người mà thôi.” Trần bị nghi ngờ, cô lập và thất sủng. Yêu một người phụ nữ lớn hơn anh mười tuổi, có hai con, mắt lác, không là đảng viên, Trần bị cấp trên khiển trách và không chấp thuận cuộc hôn nhân. Anh xin ly khai Đảng rồi lý do nọ xọ đến lý do kia anh bị đưa vào tù. 
   Huỳnh nhìn thấy nhiều thảm cảnh và sai trái của Đảng nên để lộ vẻ bất mãn và vì thế không còn được lòng tin của lãnh đạo nữa. Huỳnh phản đối chế độ Cải Cách Ruộng Đất, bị cầm tù vì tội phản Cách Mạng. Bạn của Trần và Huỳnh, tên Lương, tuy là con của địa chủ nhưng vì yêu kháng chiến đã xin ở lại quê nhà dạy học. Hai đứa con, đứa nhỏ bị ốm, vợ của Lương là Hà mang con ra Huế trị bệnh. Tây càn quét nông thôn vùng Khu Tư (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) Lương bị nghi ngờ là Việt gian mang Tây về làng nên bị xử tử.

    Quyển sách có sức lôi cuốn lạ lùng. Tôi đọc ngấu nghiến liên tiếp hai ngày là xong. Khó mà tưởng tượng tác giả của Cõi Đá Vàng là một phụ nữ và đây là quyển sách đầu tay. Bố cục thật chặt chẽ, kỹ thuật điêu luyện như đã từng xông pha trong trường văn trận bút, văn phong trong sáng giản dị mà không kém phần mượt mà. Tác giả có những đoạn văn tuyệt đẹp với những chi tiết thật linh động. Người viết phải am hiểu cuộc sống của những người kháng chiến ở Liên khu Tư và Năm cũng như hoàn toàn nắm vững địa hình địa thế. Những chi tiết như khoai lang nấu nước dưa cải phải là người địa phương mới biết, tác giả tả nhân vật Hoàng Hà làm tôi liên tưởng đến ông Hiển trong một truyện ngắn của Duyên Anh, khi xin lửa mồi thuốc các cán bộ bảo rằng xin ủng hộ cho tôi tí lửa, chuyện anh chàng người dân tộc cõng một bà cách mạng chạy trong rừng đã kêu “khô quá cô ơi” là những chi tiết hấp dẫn, sống động và đầy thuyết phục. Đã có lúc tôi không tin người viết là phụ nữ bởi vì bà chọn nhân vật chính là phái nam, diễn tả cách suy nghĩ, đùa cợt của phái nam thật tài tình, nhưng tôi đổi ý, vì khi bà Thanh Sâm viết về tâm hồn của nhân vật nữ thì nhân vật của bà cũng dịu dàng, nhí nhảnh, đáng yêu. Bà kể về các món ăn như thịt cò kho măng, canh măng chua cá ngạnh nguồn, gà bóp rau răm… làm tôi tin tác giả là phụ nữ; nhưng khi bà viết về kháng chiến và những thủ đoạn chính trị tôi lại tưởng đây là một nhà cách mạng cao cấp. Tác giả có những phân vân về cuộc đời với nhân sinh quan thật là sâu sắc và tế nhị. Tôi mê say đọc đi đọc lại cách bà so sánh về những điều giống nhau của cuộc sống và cái chết, thầm phục bà giỏi quan sát và ghi nhận. 
   Ở ngay phần đầu của quyển sách tác giả đã dùng một câu chuyện của André Gide, Symphonie Pastorale, làm ẩn dụ. Symphonie Pastorale nói về một mục sư có vợ hai con. Ông giúp đỡ một cô gái mù và cố truyền đạt cho cô gái vẻ đẹp của cuộc sống và âm nhạc. Cô gái bảo hãy tả vẻ đẹp và màu sắc của ánh trăng và giòng sông cho cô nghe. Lòng yêu cái đẹp đưa đến chỗ ông mục sư và cô gái cùng nghĩ là họ yêu nhau. Khi cô gái được sáng mắt cô nhận ra vẻ đẹp mà ông mục sư cố truyền cho nàng không phải vẻ đẹp mà nàng tưởng tượng, cũng như người cô thầm yêu không phải là ông mục sư mà là cậu con trai của ông. Từ đó tác giả khai mở số phận của hai thanh niên thông minh, yêu đời, yêu tổ quốc, yêu kháng chiến một cách mù lòa. Sự sáng mắt đưa đến chỗ vỡ mộng và cô gái chết vì trái tim tan vỡ của nàng. Còn số phận của Trần và Huỳnh thì tôi để dành cho độc giả tìm lấy trong Cõi Đá Vàng. 
   Nếu tôi đọc quyển sách này những năm tám mươi rất có thể tôi không đủ sức nhận ra cái hay của nó. Cõi Đá Vàng nói về những người thanh niên yêu nước trong bối cảnh lịch sử đảng Cộng sản đang triệt hạ các đảng phái khác. Nếu không chú ý đến giá trị văn chương và nhân bản của quyển sách, người ta có thể ngộ nhận đây là sách tuyên truyền chống Cộng. Cõi Đá Vàng ra đời năm 1971 nói về cảnh tù đày của những người đã từng là con cưng của chế độ có những nét tương tự với phần đầu củaChuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Vào năm 2000 người ta dễ nhìn thấy quyển Chuyện Kể Năm 2000 mang dáng dấp tự truyện và những điều ông kể là dựa vào sự thật. Nhưng vào năm 1971, khi chồng của tác giả là một Đại Tá của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, người đọc miền Nam thời ấy, có lẽ đã nhìn quyển sách một cách nửa tin nửa ngờ như đã từng nghĩ về phim Chúng Tôi Muốn Sống.

   Vì tò mò với đôi chút nghi ngờ làm thế nào một phụ nữ tốt nghiệp trường Đồng Khánh, có chồng năm con, lại hiểu biết rất chi tiết về cuộc sống của những người kháng chiến ở liên khu Tư và Năm; tôi tìm kiếm thêm tiểu sử của bà. Tôi được biết bà Thanh Sâm đã từng thoát ly gia đình theo kháng chiến với dự định sang Trung hoa học Y khoa. Khi so sánh số tuổi của các nhân vật tôi thấy dáng dấp của bà qua nhân vật Huyên một thiếu nữ theo kháng chiến năm 16 tuổi nhưng sau đó phải quay về thành. Tôi cũng được biết bà từng được giải nhất văn học Huỳnh Thúc Kháng và đã từng đi chung với phái đoàn văn nghệ kháng chiến của Hoàng Thi Thơ, Trần Hoàn, và Tô Vũ.
   Cuộc chiến đấu và số phận của Trần, Huỳnh, Hiếu, Lương làm tôi so sánh với Robert Jordan và những người du kích trong tác phẩm For Whom the Bell Tolls (Chuông Gọi Hồn Ai) của Ernest Hemingway. Họ biết cái chết sẽ đến với họ. Họ nhìn thấy thực tế tàn bạo của chiến tranh, sự nghi ngờ độc ác trong nội bộ, cuộc đời của họ và những người dân vô tội chung quanh là những mảng đời rách nát, không chỉ vì chiến tranh mà còn vì sự sai lầm của giới chỉ huy. 
   Bà Thanh Sâm có tài đưa độc giả qua những trạng thái trái ngược nhau trong tâm hồn nhân vật. Tác giả cho một nhân vật nam thông minh đẹp trai yêu một người phụ nữ mắt lác thật nhẹ nhàng dễ dàng độc giả không thấy chỗ nào gượng ép cả. Sau đây xin mời độc giả thưởng thức chương Ba Mươi Lăm của Cõi Đá Vàng. Dĩ nhiên một đoạn trích thì không thể nào nói hết cái hay của tác phẩm. Chương này là chương trữ tình nhất và hạnh phúc nhất của Huỳnh, một thanh niên có số phận nghiệt ngã. Độc giả có thể đọc thêm chương Hai Mươi Bảy cũng là một chương tuyệt đẹp khi Trần và Huỳnh lên đồi trong ánh trăng tâm sự với nhau về cuộc đời, lẽ sống và cái chết. 

NTHH


                                                     Nguyễn Thị Thanh Sâm

Nguyễn Thị Thanh Sâm
Cựu học sinh Đồng Khánh
Sinh ngày 06 tháng 01 năm 1933 tại xã Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.
Quê quán: Làng Thế Chí Tây, Huyện Phong Điền, Huế.
Chồng của nhà văn Thanh Sâm là Ông Phan văn Tốn – sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ông nguyên là Quận trưởng quận Khiêm Đức, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức, sau đổi qua làm Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Quân sự Đà Lạt, kiêm Quân Trấn Trưởng, kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đà Lạt. Trung Tá sau được vinh thăng Đại Tá. Tử trận vì một quả mìn ở đồn “Kim Thạch”.
Vì vậy, quyển sách này có tên là “Cõi Đá Vàng”.
Nguyễn Thị Thanh Sâm hiện sống ở Seattle, trong tình trạng lúc nhớ lúc quên.

Cõi Đá Vàng
truyện dài
của Nguyễn thị Thanh Sâm
Sách dày 414 trang.
An Tiêm xuất bản tại Saigon năm 1971
Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ tháng 1 năm 2012
Sách chỉ tặng biếu, không bán



No comments:

Post a Comment