THÁNG TƯ, LẶP LẠI
Lưu Na
Tháng Tư có phải là tháng của bể dâu?
Tháng Tư năm 1967 cô Ngô đình Lệ Thủy qua đời vì tai nạn xe
cộ. Tháng Tư năm ngoái, trong khi cô
Kate Middleton được duyên phận đội lên đầu chiếc vương miệng thì bà quả phụ Ngô
đình Nhu mang cái bóng mờ của vương quyền về với cát bụi. Tháng Tư năm nay, ngày 19, thêm một thành
viên của họ Ngô-đình thiệt mạng, vì cùng một lý do: tai nạn xe cộ, và cũng
trong ngày này, ngày 19, bà Aung Sang Suu Kyi qua một buổi thực tập ngắn để
chuẩn bị cho buổi nhiệm chức ngày 23 tháng 4_ đánh dấu thành quả của hy sinh và
kiên trì của một người phụ nữ. Năm nay,
tháng Tư còn thêm màu sắc với việc truy tố bà Cốc Khai Lai, vợ một yếu nhân
Trung Quốc, tội giết người.
Như vậy, tháng Tư, bên cạnh những cái nghiệt ngã dành cho
phụ nữ họ Ngô-đình còn có thành quả, may mắn, và hệ lụy của những phụ nữ khác
trên thế giới. Bể dâu thực ra đâu chỉ
riêng một họ biệt một góc trời, cũng không nhất định trong một thời điểm, hay
dành cho một dân tộc, một tầng lớp giới tính.
Càng đi xa càng sống nhiều có ai mà không thấy bể khổ mênh mông không
biết đâu bờ bến.
Trong cái mênh mông vô cùng đó, người lính buồn, vẫn
buồn. Người dân ở lại vẫn lầm than, vẫn
bị bắt về những tội dám nói dám nghĩ. Và
người tị nạn vẫn thấy chông chênh bồng bềnh như còn đang trên mặt sóng. Chúng ta đã bị đẩy qua một góc trời khác, bao
cuộc sống bị rẽ qua một khúc quanh bất ngờ khắc nghiệt, và lịch sử sang trang
một cách bạo tàn tức tưởi để người Việt
chúng ta cứ phải nhìn lại ngày này năm cũ mà khóc với nhau. Tháng Tư, ngày ấy, như ngày không hết, như
đời không Tết, lặp lại hoài một mất mát tang thương, lặp lại hoài một hỗn mang
hoang lạc. Mỗi người chúng ta nhìn vào
tháng Tư ngày ấy như để tìm lại chính mình, như thể cái cây không bám được rễ
xuống mặt đất cứ phải ngo ngoe những cọng rễ mỏng manh tìm một chỗ đặt
chân.
Dâu bể là chuyện của muôn đời, và đời sống luôn đi tới,
nhưng dẫu chúng ta đã đi thật xa đã bước thật nhiều, chúng ta vẫn là những thân
cây cô lẻ, đứng bên nhau mà không tạo được một cánh rừng. Chúng ta cùng màu da mà không thể được gọi
ngắn gọn là “người Việt” và không đính kèm một chữ gì đó ở đằng sau. Chúng ta nói cùng tiếng mà không cùng ngôn
ngữ. Và cái ngày lặp lại cũng lặp lại sự
phân cách giữa chúng ta. Có lẽ cái chung
duy nhất lặp lại chính là sự phân cách.
Ước một ngày mai tháng Tư ngày ấy không còn là ngày lặp lại, và phân
cách không là cái chung duy nhất mà chúng ta có với nhau.
LN
No comments:
Post a Comment