Những Mảng Bám
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Ông dừng xe lại trước một con
đường nhỏ rẽ vào một khu dân cư. Phong cảnh này… ồ, trông quen quá! Ông cố moi
óc xem mình đã thấy nó ở đâu. Một con đường đầy những cây phượng tím trồng hai
bên. Ông quẹo vào, và đậu lại bên lề. Ông bước ra khỏi xe. Màu tím của những
bông hoa này ông không thể nói rằng gợi cho ông cảnh ở Việt Nam được. Việt Nam không có phượng tím. Nhưng cái
dáng cây, hai hàng cây tăm tắp, những hạt nước mưa còn đọng trên lá như những
giọt lệ, lại đang khiến một cái gì bật ra từ trong trí ông, như thể lâu nay nó
đã nằm nghỉ thật sâu.
A! Ông như thấy lại những chuyến
xe tất bật ra vào con đường này. Những chiếc xe lấm lem bùn đất. Những chiếc xe
mang dấu hồng thập tự. Có những người tài xế mặc đồ “xi-vin”, và cũng có những
người tài xế, những nhân viên mặc đồ lính. Ông thấy mình đang nằm trên một
chiếc “băng-ca”. Ông không cần ngước lên mà cũng đã thấy được trời xanh mây
trắng. Ông nghe được cảm giác đau đớn đến như tê dại ở cánh tay. Ông ngửi được mùi
thuốc mê. Và ông hết ý thức…
Tiếng chuông từ chiếc cell phone
trong túi áo vang lên. Ông giật mình. Những cảnh trong trí vụt biến mất hết.
Ông bắt máy, nói theo phản xạ:
-
Hello!
-
Ông! Ông ở đâu, sao
chưa thấy về ăn cơm?
-
Hả???
-
Ông! Tôi đây nè! Ông
đi đâu vậy?
-
Ơ….
-
Ông!
Ông ngơ ngác. Ông định thần một
giây nữa, và đã nhận ra tiếng của bà. Ông đáp vội:
-
Tôi đang ở… ở…
-
Ở đâu?
-
Tôi… - Ông ngó
quanh- Tôi đang ở…
Giọng nói bên kia nghe rất sốt
ruột:
-
Ông nói nhanh lên! Có
chuyện gì?
-
Ơ… không… Tôi không
biết… ở đâu…
-
Ông nói gì kỳ vậy? Ông
lái xe phải không?
-
Phải.
-
Xe.. có bị mất không?
-
Không. Xe vẫn đang ở
cạnh tôi đây.
-
Vậy ông làm gì? Ông
đang ở đâu? Ông… ông dòm cái tên đường, nói cho tôi biết đi!
-
À… à, - Ông tiến đến
dòm bảng tên đường – Dalton Drive.
-
Ông tới đường đó làm
gì?
-
Tôi… tôi không biết.
-
Làm sao ông tới đó?
-
Tôi lái xe… nhưng … tôi
không biết làm sao tôi tới đó.
-
Thôi ông ơi, để tôi
nhờ mấy đứa nhỏ giúp. Ông đứng đó, đừng đi đâu hết nhé!
2
Đường Dalton. Đường phượng tím. Con đường đẹp đến
quen thuộc… Ủa, mà làm cách nào mình đã đến đó? Mình lái xe mà!.. Ông chơi vơi
trước câu hỏi của gia đình và của chính ông. Ông bắt gặp vẻ mặt lo lắng của bà,
và ánh nhìn nghi ngại của thằng con. Trong bữa cơm chiều, ông gắp và đưa đẩy
thức ăn vào miệng như lấy lệ. Ông cũng còn hoang mang lắm. Ông từ từ nhớ ra là
mình đã ngồi vào xe và lái đi như có ai dẫn dắt. Nhớ ra được rồi thì ông lại
càng hoang mang hơn. Ôi! Ông đã làm cái gì vậy???
Ông đến trước tủ lạnh, toan mở tủ
lấy đĩa trái cây, nhưng ông dừng lại. Ông thấy trên mặt cửa tủ lạnh, gắn đầy
những tờ “sticky notes” trên đó ghi những câu nhắc nhở: “Nhớ uống thuốc bổ lúc
6 giờ tối”, “Nhớ gọi điện thoại cho bác sĩ ngày thứ ba”, “Nhớ ghi địa chỉ nhà
bác Châu”… Ông thấy bần thần quá! Ông trở lại bàn, ngồi lặng thinh.
Bà trở lại sau khi ra phòng ngoài
nghe điện thoại. Bà hơi nghiêng đầu, hỏi ông:
-
Ông không sao chứ?
-
Tôi OK.
-
Ông xem mà đi nghỉ sớm
đi nhé!
-
Ừ. Mà … bà này! Tự
nhiên tôi muốn mình đi thăm bác Châu. Lâu quá không thăm bác. Chắc bác cũng bận
đi đâu nên không thấy bác ghé mình.
Bà kêu lên thảng thốt:
-
Kìa! Ông!
-
Hả? Chuyện gì?
-
Ông nói gì vậy? Hôm
qua, nhà mình mới đi… phúng bác Châu. Bác ấy mất rồi! Ông quên rồi sao?
-
Hả???
Bà im lặng. Ông cũng im lặng.
Không biết được bao lâu, rồi ông nghe bà nói khẽ:
-
Ông đi nghỉ sớm nhé! Tôi
đi tụng kinh đây!
-
Ừ, đi… tụng kinh.
Ông cười nhẹ như để làm bà yên
tâm.
Bà quay đi rồi, ông thơ thẩn ra
sân. Ông đã nhớ lại, hôm qua cả nhà vừa mới đi đám bác Châu.
3
Ông cầm cây đàn lên. Đã lâu ông
không đàn. Cây đàn guitar này là của thằng cháu nội. Ông nhớ một đoạn nhạc của
Glen Campbell và ông khe khẽ hát. Bỗng nhiên trong tâm tưởng của ông, như một
đợt sóng, những hình ảnh từ thuở xa xưa nào lần lượt sắp hàng trước mắt. Ông
thấy mình và một bạn đồng đội đến trước căn nhà của bác Châu, ở một khu ngoại ô
Sài Gòn. Hai bác cùng xuất hiện ở cửa, mời họ vào. Hai người lính, áo còn khét
mùi chiến trận, vào nhà, và không dám ngồi. Trong một nghi thức tự lập ra, họ
đứng nghiêm chào hai bác Châu, và báo tin con trai của họ đã tử trận. Ông thấy
ông và bạn mình đứng thẳng, đông cứng như hai pho tượng bằng nước đá. Ông nghe
tiếng kêu khô khan của bác Châu trai và tiếng nấc của bác Châu gái. Một hình
ảnh khác tiến lên che mờ khuôn mặt của hai bác. Đó là gương mặt của người chiến
hữu đang ngã xuống giữa khói đạn mịt mù. Ông thấy mình đang vuốt mắt cho bạn. Rồi
ông thấy mình đang băng qua một hào sâu, tiếp tục cuộc chiến. Ông nghe một cái
gì nhọn và nhỏ xoáy vào da, rồi cắm vào thịt rất nhanh, rất sâu, đi qua mạch
máu. Ông ôm cánh tay, lết vào một chỗ nấp. Máu chảy quá nhiều. Ông nhắm mắt,
nghiến răng chịu đau. Người lính cứu thương chạy đến gần. Ông như lịm đi…
Những cảnh gián đoạn trôi qua như trong
một cuốn phim bị đứt. Ông thấy lại cảnh bệnh viện bên một con đường trồng đầy
cây còng. Phải rồi! Cây còng. Ông nhớ như in. Hoa màu hồng nhưng sau những cơn
mưa trông sao buồn quá! Ông hiểu vì sao nhìn cây phượng tím ông lại liên tưởng
đến những con đường cây còng. Ông mỉm cười. Có một chút gì vui vui, như thể ông
đang được xem một cuốn truyện cũ mà mình từng rất thích.
Bà đến ngồi bên ông. Ông nhìn qua,
cười nhẹ:
-
Bà muốn nghe hát
không?
-
Có.
-
Bà muốn nghe nhạc gì?
-
Gì cũng được. Ông đang
chơi nhạc của Glen Campbell?
-
Ừ. Tôi chơi tiếp nhé!
Mà bà này, hình như Glen cũng bị…
-
Bị gì? Ông hát đi! Bị
gì… kệ người ta – Bà nói như át lời ông.
-
Được. Bà không muốn
tôi nói thì thôi. Tôi hát mà có quên lời thì bà nhắc nhé!
-
OK.
Ông cười xòa. Rồi ông hát. Ông
không quên một chữ.
“Galveston”. Gương mặt Glen Campbell thời trai
trẻ hiện ra như đang song ca với ông. Ca sĩ thần tượng của ông, cùng tuổi với
ông đấy! Ông thường nói với bà: “Tay này sướng
hơn tôi nhiều, đâu có ra chiến trường như tôi, nhưng tôi cám ơn ổng vì ổng cho
tuổi trẻ của mình những bản nhạc hay”.
Galveston, oh, Galveston
I am so afraid of dying
Before I dry the tears she's crying
Before I watch the sea birds flying in the sun…
I am so afraid of dying
Before I dry the tears she's crying
Before I watch the sea birds flying in the sun…
Ông dừng lại đột ngột. Bà nghĩ
rằng ông quên lời. Bà nhắc:
-
at Galveston.
Ông nhìn bà. Ông như người mê. Tôi sợ tôi chết trước khi tôi lau khô nước
mắt của nàng, trước khi tôi được nhìn ngắm những cánh chim hải âu bay trong
nắng… Ôi! Ông sợ ông sẽ quên trước khi ông nhớ được hết mọi điều. Bảy mươi
mấy năm là một đoạn đời dài. Phải nói là những đoạn đời rất dài, nối với nhau ở
những ngã rẽ. Ông đã để những đoạn đời lắng chìm. Đôi khi ông nhớ lại, nhớ rất
rõ. Nhiều khi ông quên mất.
-
Bà này! Tôi muốn nói
với bà chuyện này, mà bà đừng có la tôi đấy!
-
Ông nói đi. Về chuyện
gì?
-
Về Glen Campbell.
Bà như kêu lên:
-
Lại nữa!
-
Bà nghe này, Glen sẽ
làm một “tour” hay một buổi “chia tay”, thấy cũng hay hay…
Bà ngập ngừng:
-
Ông … ông muốn nói…?
Ông cười to:
-
Bà khoan hiểu lầm đã.
Tôi thì không. Hãy để cái gì đến sẽ đến. Tôi không muốn rùm beng đâu! Hơn nữa,
mình không phải là nhân vật nổi tiếng gì cho lắm. Tôi muốn yên tĩnh.
-
Nhưng nói cho mọi
người, chia sẻ cho mọi người, thì cũng là một điều hay. Mà… ông ơi, nghe nói
bệnh này có xác suất cao ở phụ nữ, sao ông lại…
-
Bà lẩm cẩm chưa! Nam cũng bị vậy!
Mà đúng ra nam là phải bị nhiều hơn chứ! Nam hút thuốc, nam uống rượu, nam
ít vận động hơn nữ. Có gì đáng ngạc nhiên đâu! Có điều nữ bị nhiều hơn nam là
ông Trời hơi bất công rồi đó!
-
Tôi… tôi rồi… có sẽ bị
không hở ông?
-
Tôi tin là không. Bà
kinh kệ hàng ngày, bà thông minh lắm đó, yên tâm đi!
Hai người cười vang, và lại trêu
nhau vui vẻ. Ông như cất đi bớt chút gánh nặng. Nỗi ám ảnh đè lên tâm tư ông
hàng ngày. Từ hôm lái xe đi như người mộng du đến khi vào bệnh viện để chẩn
bệnh kỹ lưỡng, ông biết đã có một thay đổi rất lớn, như thể cuộc đời lại qua
một ngã rẽ khác nữa. Nhưng ông vốn đã tập tính chấp nhận từ hồi còn trẻ, cho
nên ông cố gắng bình tĩnh để đón nhận. Ông xin ngồi lại nói chuyện với bác sĩ.
Bệnh ông chưa nặng, nhưng không thể coi thường. Bác sĩ cho ông xem hình chụp bộ
não của ông, giải thích cho ông nghe về những chỗ có “vật lạ”. Những mảng bám!
Người trong chuyên môn gọi đó là “amyloid plaque”. Vị nữ bác sĩ dễ thương lại
còn lấy giấy bút ra vẽ và giải thích đơn giản cho ông biết đó là một loại chất
đạm “cứng đầu”, bình thường nó tan rã, nhưng ở ông và những người đồng bệnh,
chúng tích tụ lại và bám dính giữa những tế bào thần kinh, ngăn cản hoạt động
của não. Cô lại vẽ thêm những “mớ tóc rối”
nằm trong tế bào thần kinh, nói rằng đó là thủ phạm gây nên sự hủy hoại
của các tế bào này. Đương nhiên là ông nhận được những loại thuốc đặc trị, rồi lời
khuyên về một chế độ ăn uống và tập thể dục để “làm chậm tiến trình của bệnh”,
ông chăm chú nghe theo.
“Làm chậm tiến trình của bệnh”,
ông lẩm bẩm.
4
“Cho tôi lại trí nhớ!” – Ông thét
vang trong giấc ngủ. Ông choàng tỉnh, thấy bốn bề yên lặng. Người bên cạnh ông
vẫn đang ngủ say. Ông nhìn kỹ gương mặt này, nhờ ánh đèn mờ mờ của chiếc đèn
ngủ. Trong giấc mơ ông đã thấy lại gương mặt của từng đồng đội. Ông nhớ rất rõ
tên của từng người cùng những thói quen tốt hay xấu của họ. Cả những bản nhạc
mà anh em cùng đàn hát với nhau khi về hậu cứ. Rồi đến những con sông, những
ngọn núi, những khu rừng… tất cả sáng ngời trong một góc trí nhớ như người ta
xem một phần sân khấu sáng choang nhờ ánh đèn chiếu tối đa vào. Bên ngoài
khoảng sáng đó là một vùng đen thăm thẳm. Ông thức dậy thấy mình ở trong vũng
đen ấy. Người bên cạnh ông vẫn ngủ say. Ông moi óc, tự hỏi: “Ai đây?..”
5
Ông đón cái cốc từ tay bà. Ông mỉm
cười, nói:
-
Cám ơn.
Bà nhìn ông hớp từng ngụm nóng
hổi. Bà hỏi:
-
Vừa uống không ông?
Ông gật gù:
-
Ngon lắm, cháo ngon
lắm!
Bà kêu lên:
-
Ông nói sao?
-
Cháo… cháo ngon lắm!
-
Ông nè, ông hãy nhìn
kỹ tôi pha cho ông cái gì đây!
Ông nhìn vào cốc, rồi bỗng như tắc
hết ý, ông lắc đầu, ngơ ngác. Bà nói nhẹ nhàng:
-
Cà phê, ông ạ! Ông
muốn ghẹo tôi phải không?
-
Ơ! Cà phê! Cà… phê!
Bà cười rồi quay đi như coi việc
vừa rồi là chuyện ông cố ý trêu bà.
Nhưng ông thì không. Ông không
đùa, không trêu. Mấy ngày nay ông đã thấy triệu chứng nhầm lẫn và quên tên
những đồ vật thông thường nổi lên rõ ràng. Và đặc biệt hơn cả, đáng sợ hơn cả,
là sự việc đêm hôm qua ông thức dậy không nhận ra bà bên cạnh. Ông biết đó là
người rất quen nhưng không nhớ là ai, phải gọi là gì. Ông cảm thấy hoảng sợ với
chính mình. Nhưng sáng ra thì mọi việc lại không có gì khác lạ. Ông đã mỉm cười
chào bà khi bà ra sân, nơi ông đang ngồi sưởi nắng.
Ông đến bên bàn. Ông định thần một
lát, nhìn vào cái vật quen thuộc hàng ngày mình vẫn dùng. Nó tên là gì nhỉ? Ông
lại chơi vơi trong cái vũng tối. Bà đến bên cạnh, đoán ý:
-
Ông định gọi cho ai?
-
À… cho cái cô xinh đẹp
hôm trước…
-
Cô bác sĩ?
-
Ồ đúng, đúng, cô bác
sĩ. Cô bác sĩ có dặn khi nào muốn hỏi gì thì cứ gọi, không cần phải gặp.
-
Vậy ông gọi cho cô ấy
đi!
Ông cầm điện thoại lên, tần ngần
một lát, rồi đưa cho bà:
-
Bà … bà coi số rồi gọi
giùm cho tôi. Nhiều số quá!...
Và ông nói chuyện với cô bác sĩ.
Ông kể cho cô nghe về những giấc mơ, những hồi ức chính xác ông tìm về, cùng
những điều lạ lùng xảy ra như quên tên các đồ vật, quên cách gọi người thân,
nhầm lẫn và quên những việc vừa mới xảy ra, sự khó khăn với những con số… Rồi
ông nghe cô bác sĩ khuyên nhủ ông hãy bình tĩnh, và cô giải thích về “trí nhớ
ngắn hạn”, “trí nhớ dài hạn” bị ảnh hưởng ra sao trong căn bệnh của ông. Ông
nghe thì ông hiểu. Nhưng ông e rằng sau đó ông sẽ quên hết. Chắc là cô bác sĩ
hiểu điều này hơn nhiều, nên cô xin nói chuyện với bà. Ông trao điện thoại cho
bà. Ông ngồi bên cạnh. Bà cũng nói chuyện rất lâu với bác sĩ. Khi bà chấm dứt
câu chuyện, ông thấy đôi mắt bà đã đỏ hoe.
-
Bà này, tôi không có
làm sao đâu!
Bà cười gượng:
-
Vâng, ông không có làm
sao. Bác sĩ bảo ông ráng uống thuốc theo đúng toa. Ông sẽ khỏi bệnh. Có tôi
chăm sóc cho ông, ông vui chứ?
-
Vui lắm, tôi sẽ vui
lắm! Cám ơn bà.
-
Ông cám ơn tôi? Khách
sáo vậy?
Ông cười to như để lây sự vui vẻ
cho bà. Bà soạn trong tủ ra mấy cuốn album, đặt ngay ngắn trên bàn. Bà lẩm bẩm:
-
Mình sẽ coi lại mấy
cuốn album này nghen ông! Hy vọng những chuyện cũ ông không quên.
-
Phải. Chuyện cũ tôi
không quên.
-
Vậy ông có nhớ lần đầu
tiên hẹn tôi, ông thấy tôi mặc áo màu gì không?
-
Không phải màu, mà là
áo hoa. Bà mặc chiếc áo dài hoa vàng nền xanh rất nhã. Đúng không?
Bà cười trong nước mắt:
-
Ông giỏi!
-
Bà ơi, tôi xin bà một
điều…
-
Ông nói đi!
-
Lỡ chăng… đến một ngày
nào đó, khi tôi không còn nhớ bà là ai, xin bà đừng giận tôi nhé!
-
Sao mà tôi giận ông
được? Ông bệnh mà! Nhưng ông hãy vui lên, ông sẽ khỏi bệnh.
-
Mình có thể làm chậm
căn bệnh lại bà ạ, bác sĩ nói vậy. Làm chậm lại. Còn nếu mình muốn chậm lại mà
nó không chậm, thì mình ráng chấp nhận nghen! Tôi cám ơn bà trước, vì lúc đó bà
sẽ rất cực với tôi đấy! Bà và các con có thể gửi tôi vào viện dưỡng lão.
Bà ôm chặt lấy ông:
-
Tôi sẽ chăm sóc cho
ông, nếu trời không bắt tôi bị bệnh như ông.
6
Những mảng bám ngày càng nhiều
trên óc. Ông có một thế giới khác. Một thế giới của riêng ông. Bà và các con,
cùng với một người được thuê để phụ giúp, đã khá vất vả khi chăm sóc cho ông,
bởi ông càng ngày càng khó khăn khi tự làm những công việc đơn giản cho chính
mình. Cũng khá đau khổ, khi bà nhận thấy mình không còn quen thuộc với ông nữa.
Nhưng ông tỏ vẻ vui thích khi nói về chuyện quá khứ. Ông chăm chú xem những
cuốn album và nhận ra hết những người trong đó. Bà vui lây. Bà cũng đi vào cái
thế giới đó với ông. Chỉ bằng cách đó. Đôi khi bà đứng lại phía ngoài. Bà để
cho ông tự mình hồi tưởng, đắm chìm trong những kỷ niệm của đời người. Mỗi ngày
hầu như ông chỉ sống cho hiện tại một vài khoảnh khắc ngắn ngủi. Còn với tương
lai, ông không thể hoạch định.
Bà không có gì để than trách. Vì
ông đã nói hết những lời “cám ơn, xin lỗi” với bà khi ông còn nhận ra bà. Ông
chẳng đã hát “Tôi sợ tôi chết trước khi
tôi lau khô nước mắt của nàng, trước khi tôi được nhìn ngắm những cánh chim hải
âu bay trong nắng” rồi đó ư? Vậy thì hãy để ông sống với những ký ức cháy
bỏng một thời của ông, những đoạn đời đáng sống mà ông luôn hoài niệm. Ít ra,
trong giai đoạn này, “trí nhớ dài hạn” của ông vẫn còn nguyên vẹn, não của ông
vẫn còn những vùng chưa bị tàn phá, đúng theo lời bác sĩ nói “Người bị bệnh
Alzheimer vẫn có một điều hạnh phúc, đó là được sống với những ký ức tuyệt
vời”.
Có một ngày, bà mở ti-vi cho ông
xem. Ông không còn nhận ra Glen Campbell trên màn ảnh. Vì trên đó là một Glen
Campbell bảy mươi mấy tuổi, bằng với ông hiện tại. Ông chỉ nhớ một Glen thời
trai trẻ. Ông thấy chán, ông lim dim mắt. Ông nghe tiếng đàn guitar của chính
mình. Ông nghe tiếng hát của đồng đội vang trong cánh rừng âm u sau một trận
thắng. Rồi như lật qua một trang khác, ông thấy gương mặt của anh con bác Châu
từ từ nhòa nhạt. Anh đã ngã xuống. Ông nghe lại tiếng đạn chui vào da thịt, vào
đến mạch máu trong cánh tay mình.
Bà đem đến cho ông một ly nước gì
không biết. Ông mở mắt, đón cái ly, uống mà không hiểu đó là gì. Rồi ông lại
nhắm mắt, tiếp tục phiêu du vào cõi xưa, nơi ông thức dậy trong một bệnh viện. Người
lính trẻ sức sống còn tràn đầy. Cánh tay bị thương đã được băng bó. Một gương
mặt cúi xuống. Một mái tóc dài được bới gọn sau chiếc mũ trắng. Ông đón ly nước
từ đôi bàn tay của người con gái. Nước! Nước ngon quá! Ông nhìn người đối diện.
Một đôi mắt đen nhánh đầy tình yêu đang nhìn ông.
Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh
Tháng 10/2011
No comments:
Post a Comment