NƯỚC MẮT NỢ NẦN
Lưu Na
Tranh Hoang Dang Nhuan
Năm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và
báo chí, có những gì nói những gì. Cả
ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở
trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu
hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với
băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.
Năm sau đã quen, cũng có lúc tôi xem TV. Tôi tình cờ ghé mắt
vào một phim tài liệu cũ để phải khóc. Đó là cảnh bom đạn đổ xuống miền Bắc
khiến nhà cửa nát tan, trẻ thơ lập tức mồ côi, và sau đó là sự đói kém. Tôi
khóc trước những ánh mắt thơ dại. Tang thương của chiến tranh đâu phân kẻ thắng
người thua. Trở lại trường học, tôi thấy đằng sau những nghi kỵ e dè của chúng
tôi hình như cũng có mặc cảm bối rối của những bạn thanh niên đoàn viên của phe
chiến thắng. Bạn Vũ thị Phát Minh mang
cho tôi một phát minh mới. Đó là dù
liệt kê đủ thứ, Cộng Sản, Vô Sản, Bần cố nông, vân vân, tiểu tư sản Hà nội vẫn
là tiểu tư sản. Bạn mặc quần bộ đội áo sơ mi trắng tóc thắt bím và môi mím lại
mỗi khi chúng tôi hỏi một điều gì về miền Bắc; không giống chúng tôi tí nào
nhưng bạn vẫn rất đẹp và ý tứ gọn gàng.
Da bạn trắng hồng, mắt trong sáng tinh anh, và bạn không thể không lễ
phép, cái lễ phép của tiên học lễ hậu học văn thuở Tràng An. Như có cái gì conflict, bạn, người của vô
giai cấp, luôn trả lời với thầy cô rằng “em thưa thầy/cô rằng…” mỗi khi được
gọi, khác với bạn Hồng Vân thường nói lí nhí cái gì đó không rõ tiếng rõ lời
bộc lộ cái gốc quê mùa mộc mạc. Tôi bắt
đầu thương những mái đầu xanh cùng trang lứa với mình. Tôi lại phải khóc, khi một trong những bạn
học bị trúng tuyển đi chiến trường miền Tây, như xưa tôi đã phải khóc lính tử
trận trong gia đình.
Sang Mỹ, tôi càng ngậm ngùi khi đọc lá thư anh bộ đội gửi
đến cô em, “em đi rồi để lại trong anh chỉ còn ảo vọng…” Nước mắt ai cũng mặn. Là người, chúng ta khóc cho nhau, với nhau.
Nhưng những giọt nước mắt của tôi cho người lính Cộng Hòa
dường như thêm nhiều thêm đậm, theo với tuổi đời. Cuộc chiến đã xa, mất mát thôi đã thành sẹo,
sao tôi phải khóc hằng năm? Radio lại
đọc những bài tưởng niệm, phát thanh những lời chứng. Xướng ngôn viên ngày thường cười cợt lung
tung vẫn nghẹn giọng. Và tôi cùng những
bạn đồng nghiệp vẫn chảy nước mắt. Tôi
khóc khi Phan Nhật Nam, đã từng lao vào lửa đạn chiến tranh không cầm được sống
chết của mình, lại phải thấy guilty vì còn sống. Tôi khóc, vì biết có những người đàn bà thà
chết hơn là bỏ đất bỏ quê bỏ công sự chiến đấu dang dở của người chồng vừa ngã
xuống. Tôi khóc, vì lời nhẹ như gió
thoảng, “phải mười lăm năm sau cô mới gặp lại chú.” Tôi khóc vì những cái chết vô danh. Họ không biết tôi là ai nhưng đã chết cho
tôi. Họ không biết tôi có yêu quê hương
của tôi hay không, nhưng họ chết để bảo
vệ quê hương ấy, và khi chết họ thốt câu vĩnh quyết tôn vinh quê hương ấy. Tôi không những nợ họ một mạng sống một chuỗi
đời, tôi còn nợ họ niềm hãnh diện dẫu là người bại trận, niềm hãnh diện là công
dân nước Việt Nam Cộng Hòa mến yêu. Họ
chỉ là những con người dung tục như tôi, nhưng họ nhắc tôi nhớ chén thuốc độc
của Phan Thanh Giản, cái chết của Hoàng Diệu, của Bùi thị Xuân, của Nguyễn thái
Học. Tôi đã khóc, chắc là vẫn khóc mãi
dẫu khi qua kiếp khác. Mai mốt đầu thai,
biết tôi có nhớ vì sao mình khóc.
Lưu Na
04/27/2012
No comments:
Post a Comment