Sunday, July 16, 2017

ĐÔI NÉT HỒ ĐÌNH NGHIÊM


Nhà văn Hồ  Đình Nghiêm

Nguyệt Thực (bìa sau)

Tác phẩm đã ấn hành

Kẻ Âm Lịch (2017)

TÂM TÌNH

giấu mặt

Hồ Đình Nghiêm

Mình chụp lại những hàng chữ nằm ở một nửa bìa sau tập truyện ngắn đầu tay của mình do nhà Văn Nghệ ở California xuất bản mùa hè 1988.
Những hàng chữ không ghi tên người viết ra, một nhận xét nhiều ban thưởng, rộng lòng khích lệ; và do háo hức bận hưởng niềm vui mới mình đã chẳng liên lạc với thầy Võ Thắng Tiết, người điều hành nhà xuất bản Văn Nghệ uy tín ở Westminster để hỏi về “tác giả” giấu mặt ấy.

Hai mươi bảy năm trôi qua, khi bồi hồi nhặt lên “Nguyệt Thực”, nhìn lại những lỗi lầm vụng dại cũ, bắt gặp nguyên một món nợ chẳng suy suyễn, những dằn vặt không để bụi mờ chồng lấp. 27 năm, người ấy còn “nhúng tay” bên trời xa hay người đã lặng lẽ “phủi chân” rời cõi tạm?

Hôm kia, chốn này, cơ thể cũng dần mòn hao, mình có cái hẹn với bác sĩ. Trời nắng, mình tìm lối đi có trồng sánh đôi hai hàng cây toả bóng mát. Cây lạ mặt không tên, lá xanh đan kín mãi cựa mình cùng gió nhẹ. Và gió mang theo một hương mùi dằn vặt suốt lộ trình vắng tẻ. Mình nhìn lên vòm cây không phát hiện ra một bông hoa lẩn trốn. Chỉ có hoa mới độ lượng gửi xuống khứu giác người một trao tặng thầm kín. Hoa đâu? Sao lá chỉ biết rung động vô hương vô sắc.

Mình đang thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn nhắm tới các anh chị từng gửi cho đời một chút hương. Vấn an, hỏi han, chia sẻ, tâm sự, trò chuyện hoặc ngay cả việc mình làm có thể khiến họ bực mình không vui. Hiểu ở nghĩa hẹp, khi đọc thơ văn họ sáng tác thì vô tình mình đã ngầm mang nợ họ. Không phải sao, mình vui khi họ cười, mình buồn khi họ khóc. Mình chìm trong tâm cảm họ để ít nhất một lần, mình từng để họ nắm tay dắt đi. Đi đâu? Đi hỏng chân về một cõi miền khác hẳn cõi nhân quần này.

Mình lên thang máy, mình vào căn phòng nhỏ bày biện lắm ghế ngồi và trên bàn bừa bộn sách báo xộc xệch. Dr Samuel Aronson. Cái tên đã nhập tâm và thú thật mình chẳng thích gặp mặt lão. Bạn thấy đó, mình luôn không có được sự lựa chọn. Người ở đây có câu mang nặng tính giễu cợt: “Hãy tin tưởng tôi. Tôi là bác sĩ”. Khôi hài hay thành tâm thiện ý? Những khuôn mặt hoang mang ngồi đợi chờ đến phiên chẳng giải thích điều gì ngoài một minh chứng đầy cam chịu: My friend, đời này thật có lắm thương đau!

Mình ra về, chỉ cần ngồi chết dí trong căn phòng sáng trưng ánh điện khoảng một tiếng, cảnh quang ngoài trời đã có sự đổi thay. Bầu trời trì nặng những mây, xám ngoét. Chiều sẽ có mưa giông, thịnh nộ đổ như thông lệ những chiều hè bưng đầy chảo lửa. “Gió mưa là bệnh của giời”, Nguyễn Bính từng mang thời tiết ra để ví von mầm bệnh tương tư nàng.
Thi sĩ là kẻ quyền hành trong việc hô phong hoán vũ và thường, cuối đời họ luôn “về trời” trong cơ hàn, trong câm nín, trong ghẻ lạnh. Thứ bệnh di căn khó trị của nhân tình thế thái.

Trên đường đi, thế nào có khi bạn phải trải qua đoạn ướt đoạn ráo của mưa nắng chẳng bao giờ thuận hoà. Chưa tính sang đây, bầu trời cao rộng kia sẽ thổi cuồng phong, sẽ làm tuyết đổ “chẳng vì đâu”. Hoạn nạn trong nắng nôi, tai ương trong băng giá. Hãy san sớt cùng nhau những kỷ niệm thu nhặt được trên đường, hãy mở rộng khi có người gõ cửa. Bạn đừng ngạc nhiên khi một hôm phải đối mặt chừng mười câu hỏi mình muốn nghe bạn tỏ bày. Đừng giấu mặt, hãy thử cùng mình bước ra một khoảng trời xanh, dù nhỏ bé.

“Một nhà văn trẻ bắt đầu cầm bút ở hải ngoại”. Hai mươi bảy năm trẻ biến thành già và sau trẻ già là một thế hệ dần quên tiếng mẹ đẻ. Chữ viết chúng ghi loại bỏ đi những rắc rối sắc huyền hỏi ngã nặng và chúng thực sự không biết mình muốn tâm sự điều gì, hoa cả mắt! Quý vị phụ huynh có trách chúng vô ơn? Như mình từng quên hai tiếng cám ơn không thốt được dành cho người từng viết những dòng chữ nhân ái ở chốn xa.

Chẳng có gì thích hợp bằng hai câu thơ của thi nhân Bùi Giáng mà mình xin vay mượn để đóng khép chút tấc lòng vừa tỏ:

“Xin chào nhau giữa con đường,
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”.

Ừ thì mùa xuân. Con đi đánh mất tiếng cười.
Ừ thì miên trường. Vùi sâu giấc mộng chẳng người lay cho!

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Jul.15, 2017

No comments:

Post a Comment