Nguyễn
Thị Thảo An
‘Biển Chết’. Hình Internet
Tôi
là người bảo thủ. Loại bảo thủ bẩm sinh! Hồi nhỏ, những người chung quanh
thường gọi trêu tôi là “bà cụ non”. Tôi không ưa lũ con nít, chúng ồn ào quá
đỗi. Có một lần tôi cố bắt tụi nó ngồi im, chúng nó hỏi, ngồi im để làm gì? Tôi
nói, thì để suy nghĩ. Chúng lại hỏi, suy nghĩ về cái gì? Rồi cả đám phá ra
cười. Hơi bối rối, nhưng tôi nhận ra sự vô lý của mình ngay. Tôi thích ngắm
chúng nó chơi đùa, thích ngắm con đường đất đỏ đang lượn mình trong nắng, thích
ngắm mây chiều, thích nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả rơi xuống không gian,
thích ngắm những sợi tơ trời la đà trôi trong nắng như 2 câu thơ mà bất chợt
mấy mươi năm sau tôi mới bắt được trong thơ Tô Thùy Yên.
“Ta
về như sợi tơ trời trắng
Chấp
chới trôi buồn với nắng hanh.”
Mọi
người nói đúng. Quả, tôi già từ hồi bé.
Tôi
thích chơi với người già, nghe họ kể chuyện. Mê sách, cứ vớ được cuốn sách nào
cũng nghiền ngẫm, quên cơm. Tôi nhớ hồi học lớp ba, tôi lén giấu cuốn quốc văn
lớp Đệ Ngũ của bà chị để vừa đi đường vừa đọc. Đọc đi đọc lại bài thơ Đạo Phùng
Ngã Phu của Thôi Tử Ngọc mà mắt tôi đỏ hoe. Tôi phải đứng chờ bên lề đường đợi
mắt khô và hết đỏ mới dám về nhà.
”Một con người thất
thểu,
Áo rách nón tơi bời
Chợt từ phía nam lại,
Cùng ta năn nỉ lời.
Ta hỏi: "Bác
buồn gì?"
Thưa rằng: "Tình
cảnh tôi,
Nhà nghèo làm thầy
thuốc.
Lên Kinh mong cầu
tài,
Kinh đô chẳng ai ốm.
Thầy thuốc như núi
đồi,
Cùng kế phải quay về.
Đường mây nghìn dặm
khơi,….” (bản
dịch của Trúc Khê)
Bài
thơ thể Cổ Phong, lời thơ giản dị, nhưng cái hình ảnh “Thầy thuốc như núi đồi”
kia cứ ám ảnh tôi mãi. Làm sao một đứa bé 8 tuổi mà cảm được cảnh ngộ của ông
thầy lang nhà quê này? Chính tôi cũng không giải thích nỗi.
Thơ
là tiếng than lớn nhất của nhân loại. Không có một bài thơ nào mà không ẩn chứa
một lời than. Ở những xứ nghèo, thơ càng nở rộ. Phải nói trong lịch sử nước nhà
chưa có thời nào người ta làm thơ nhiều như thời này. Thơ trong nước được chính
quyền nâng thành chính sách, có biên chế, có tổ chức. Chính quyền coi thơ là vũ
khí, nên đưa vũ khí tận tay nhân dân. Một bà chị tôi, từ nhỏ vốn không ưa sách
vở, thế mà cũng trở thành hội viên của Hội thơ phường.
“Chị
vào Hội thơ để làm gì?”
“Ầy,
lâu lâu họ tổ chức ra mắt thơ, nghe đọc thơ, được mời ăn uống, đôi khi còn tổ
chức đi du lịch miễn phí nữa. Vào hội, không nhất thiết phải làm thơ.”
Khi
thơ trở thành chiến dịch thì thơ biến chất.
Tôi
còn nhớ vài năm trước, báo chí trong nước quảng cáo Hội thơ đầu Xuân rầm rộ như
một ngày lễ lớn. Chung quanh khu vực Văn Miếu người ta treo một dọc những lá
phướn đỏ phất phơ ghi tên tác phẩm và tác giả. Về sau người ta kêu gọi làm mới
thi ca, nhiều chiêu làm nổi, có nhà thơ lên sân khấu đề thơ trên giấy toilet.
Họ thả cuộn thơ toilet bay trên sân khấu như trẻ con thả diều… Lúc đó thì thơ
tắt thở.
Thơ
tắt thở nhưng thơ không chết. Những thứ thơ cần lăng xê, cần chiêu trò, cần làm
nổi đã chết.
Ở
hải ngoại, mấy mươi năm qua thơ cũng nở rộ. Hầu hết bạn bè chung quanh đều trở
thành nhà thơ. Cũng dễ hiểu, nỗi buồn quốc phá gia vong, nỗi hiu quạnh nơi xứ
người, nỗi cô đơn, thất chí,… trở thành mảnh đất màu mỡ cho thơ.
Đất
mới, người cũng mới. Người Việt ở nước ngoài không giống người trong nước nữa.
Thơ là tâm hồn nên thơ cũng phải mới. Nhưng cái gọi là Thơ Mới thời Thế Lữ,
Xuân Diệu,.. bây giờ đã quá cũ. Thơ tự do biến thành tự do tuyệt đối. Người ta
muốn làm mới thi ca. Một loạt thơ đổi mới ra đời như thơ đa đa, thơ xóc đũa,
thơ xuống hàng, thơ không hàng, thơ không câu, thơ một chữ, thơ không vần, thơ
xuôi,… tràn đầy mặt báo. Những loại thơ này nay đã mất tăm. Thời gian sàng lọc
đi tất cả.
Tham
vọng để thơ Việt bắt kịp với trào lưu thế giới, thơ Hậu Hiện Đại, thơ Tân Hình
Thức ra đời. Những nhà thơ trẻ theo trường phái này không ít. Nhưng thơ chỉ là
lời tự thán nếu không có bạn thơ. Nhà thơ đông đảo nhưng bạn thơ thưa dần. Bây
giờ người ta nhắc tới thơ thường buông lời rẻ rúng, nhất là khi giới thiệu một
những bài Hậu Hiện Đại hay Tân Hình Thức.
Vì
sao?
Nhu
cầu Đổi Mới Việt Nam không chỉ cần thiết riêng phương diện chính trị, mà hầu
như mọi mặt, mà thơ cũng là một nhu cầu thiết yếu trong văn hóa, bởi thơ chính
là tâm hồn của dân tộc. Tâm hồn cũ làm sao điều khiển được một thân xác mới?
Nhưng làm thế nào chấp nhận được một bài thơ mới? Đó là điều nan giải. Muốn
hiểu thơ Hậu Hiện Đại là gì thì phải hiểu Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại là gì? Mà tâm
lý bây giờ cái gì bắt đầu bằng hai chữ “Chủ Nghĩa” thì thiên hạ thối lui ngay.
Hơn nữa, ba chữ Hậu Hiện Đại đã thấy ngay sự vô lý của nó. Thời Hiện Đại chưa
qua, Hậu Hiện Đại chưa tới, nó làm cho người ta liên tưởng ngay cái tựa đề của
cuốn phim Back To The Future của Mỹ. Phim rất hay. Bạn nào chưa hiểu Hậu Hiện
Đại là gì, xem phim này ắt sẽ hiểu. Làm thế nào một nhà thơ sống không qua Thời
Hiện Đại mà có thể làm thơ ở thời Hậu Hiện Đại? Ba chữ Hậu Hiện Đại, hay Back
To The Future thật ra không quá bí hiểm như cái tên của nó. Trong 10 năm trở
lại đây, các lý thuyết đó đã được giới thiệu rộng rãi ở trong nước. Nhưng điều
sai lầm là nó được giới thiệu một cách rất phức tạp, mù mờ, lạc hướng, cũng
không có dẫn chứng. Lỗi không phải của người dịch mà ở một loạt tài liệu từ
Jonh Barth, Charles Jencks, U.Eco, G.
Valtimo, G. Durand, hay Ihab Hassan, J.F. Lyotard, J. Baudrillard.
Có
một lời khuyên dành cho bạn thơ, nếu đọc các tài liệu này trong vòng 10 hàng mà
không hiểu thì nên ngưng, tránh bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Như
đã nói, vì tính bảo thủ bẩm sinh nên tôi ưa cũ, ghét mới. Mà hơn nữa, chính vì
không tìm được bài nào hay cả. Cái hay đủ để thuyết phục mình. Thơ Hậu Hiện Đại
thường có khuynh hướng thời thượng, tô vẽ những triết lý siêu hình bí hiểm bằng
các ẩn dụ hoa hòe. Ví dụ : “Tôi tìm lại mình trong những giấc mơ cong queo hình
vỏ quế », hay « lọt qua kẽ tay, tôi muốn nhoài người ra biển lớn
tìm
mình. »
Mấy
câu thơ này làm tôi sực nhớ đến Huỳnh Tuấn Kiệt, võ sư xẹt điện, trên mạng đang
sôi nổi tranh nhau tìm kiếm ông này, không biết giờ ông ở đâu ?
Đừng
trách người ta dị ứng với mấy chữ Hậu Hiện Đại hay Tân Hình Thức. Nghe tới là
tránh xa.
Nhưng
liệu có phải hiểu được Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại mới “cảm” được một bài thơ Hậu
Hiện Đại chăng? Chúng ta không hiểu Đường Luật cũng có thể thấy cái hay của một
bài thơ Đường mà. Bài này không có ý định giải thích cho bạn hiểu về Hậu Hiện
Đại vì ngoài chủ đề. Xin dành một dịp khác. Tôi chỉ muốn giới thiệu một bài thơ
theo khuynh hướng này. Bài “Chôn bả đâu bây giờ?” thơ của Thận Nhiên.
Năm
ngoái, tôi đọc bài “Chôn bả đâu bây giờ?” trên net. Đọc rồi bỏ, không copy để
dành như thường lệ. Cư dân mạng đang truyền cho nhau bài thơ của cô giáo Lam,
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”, kiểu thơ 8 chữ, vần điệu dễ thuộc.
Trong thảm họa môi trường ở Việt Nam, cá chết và biển chết, vậy mà bài thơ của
Thận Nhiên, câu hỏi của Thận Nhiên là một câu hỏi lớn lại ít ai đoái hoài.
Tôi
không biết Thận Nhiên ngoài đời. Trên net ghi, “Thân Nhiên tên thật là Tôn Thất
Thiện Nhân, sinh năm 1962 ở Đồng Nai. Là nhà thơ, kiêm dịch giả. Có thi phẩm do
nhà Xuất bản Nam Đàn ấn hành.” Trên VNExpress có đăng bài phỏng vấn Thận Nhiên
khi nhà thơ quyết định ở lại Việt Nam. Lý do là vì tình yêu. Trong bài phỏng
vấn có đoạn như vầy:
“-
Một nhà thơ nữ vẫn đi chung với anh mới là lý do chính khiến anh ở lại, anh
nghĩ sao?
-
Tất cả các lý do đều chính. Cô ấy là người tôi yêu quý và hiện nay đang giúp
tôi cùng dịch sách. Cô ấy chính là "Tổ quốc" của tôi và tôi muốn được
viết hoa sang trọng hai chữ ấy.
-
Và anh có định mang "Tổ quốc" đi theo không?
-
Tổ quốc không thể mang đi. Tổ quốc chỉ níu ta ở lại thôi.”
Nhưng
rồi cuối cùng Thân Nhiên một lần nữa lại bỏ “Tổ Quốc” ra đi.
Năm
ngoái, tôi gặp Thận Nhiên trong nhà Tô Thùy Yên ở Houston. Một buổi họp mặt văn
nghệ có nhiều khách từ xa tới. Thận Nhiên chở nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ
Dallas xuống. Tác giả Đàn Bách Kiếm tình nguyện đưa đón nhóm chùng tôi từ phi
trường. Chuyện gặp anh Bùi Huy (Tô Thẩm Huy, Đàn Bách Kiếm) rất thú vị. Đi
chung với anh Đàn Bách Kiếm cũng như đi với một quyển tự điển Hán Học vậy.
Trên xe, Đàn Bách Kiếm vừa lái vừa đọc thơ. Ba bài thơ say của anh khiến một
người “chuyên tu” như tôi cũng muốn phá giới mà “nhậu” một bữa. Trong bài này
phải gác ĐBK lại, có dịp sẽ kể hầu bạn đọc.
Thấy
Đàn Bách Kiếm, tôi phán ngay một câu, “Tài xế” của mình “ngon lành” hơn “tài
xế” của ông Thiệp nhiều. Thật ra đó là câu nói đùa. Ý định của tôi là muốn
“trêu” Thận Nhiên cho… bõ ghét. Đem “Em” mà ví với “Tổ Quốc” làm tôi bị shock.
Trưa
hôm sau, Thận Nhiên tới. Tôi ngớ người ra, nhà thơ không giống như tôi tưởng
tượng. Thận Nhiên trẻ lắm. Áo sơ mi xanh, màu xanh của biển, quần Jeans bạc
thếch, vai quàng máy ảnh, mặt mày rất bụi. Nếu gặp ở quán xá, chưa chắc tôi dám
tới gần. Hầu như Thận Nhiên không nói tiếng nào suốt ngày hôm đó.
Đám
văn nghệ sĩ rôm rả ngoài hiên nhà của Tô Thùy Yên. Mái hiên này tôi đặt tên nó
là Thính Vũ Hiên. Chắc hẳn nhà thơ Tô Thùy Yên nghe mưa rơi cũng dưới mái hiên
này. Nhưng hôm đó mái hiên không đủ sức chứa những câu chuyện trên trời dưới
đất của chúng tôi.
Buổi
tối, trong gian nhà nhỏ, mọi người thay phiên nhau đọc thơ. Thận Nhiên cũng đọc
bài thơ, “Chôn bả đâu bây giờ?” Một phát giác làm tôi kinh ngạc hẳn. Nghe thơ
cảm nhận hoàn toàn khác với lúc đọc trên văn bản. Tác giả giống như đang “xuất
khẩu thành thơ”, bài thơ dùng toàn ngôn ngữ đường phố, giọng đọc chính là giọng
nói, sôi nổi như còn trên bàn “nhậu”. Trời ơi, tôi phát giác ra, loại thơ này
bạn thơ phải nghe chứ không nên đọc. Hàng chữ không đủ diễn tả hết ý thơ. Cả
bài thơ này quy về một câu hỏi. Câu hỏi là cũng chính là tựa đề của bài thơ.
“Chôn Bả Đâu Bây Giờ?”
Bả
là ai? Bả là biển. Cái biển là tên gọi gần bờ. Ngoài cõi mênh mông kia, có cái
tên văn chương hơn, Đai Dương.
Hãy
nghe Thận Nhiên kể, chuyện như mới ngày hôm kia. Với giọng rất ư tiếc nuối…một
bữa nhậu toàn là hải sản.
“hãy nhớ lại lần sau
cùng
tụi mình ăn cá
ăn cua
thử tưởng tượng
lần đó thật sự là lần
cuối cùng
đó là khứa cá cuối
cùng
con mực cuối cùng
cái đầu con mắt cái
mang cái xương
cái vòi cái càng cuối
cùng
vị tanh vị ngọt cuối
cùng
trong suốt phần đời
còn lại
hãy nhớ lại lần sau
cùng
tụi mình tắm biển
vị mặn của gió và
muối
liếm trên da
như trong chuyện cổ
tích”
Có
ai ngờ, chỉ ít ngày sau. Ngày 10 tháng 4 năm 2016, thảm họa môi trường ập tới.
Bãi biển tràn ngập xác cá, hàng triệu triệu con, trải dọc suốt cả một vùng
duyên hải miền Trung.
“giờ thì con cá đã
qua đời
con mực qua đời
con ốc qua đời
con sứa qua đời
con ghẹ qua đời
con tôm qua đời
bạch tuộc qua đời
cá voi qua đời...
tóm lại
con đéo gì sống dưới
nước cũng ngộ độc qua đời
vì biển cũng qua đời”
Lần
đầu tiên tôi nghe người ta chửi thề trong thơ. Mà chửi quá đúng. Đáng chửi,
phải chửi. Sự phẫn nộ xưa nay vốn kìm hãm trong thơ, Thận Nhiên là người đầu
tiên nhảy qua giới hạn đó.
Phẫn
nộ không chưa hết, giọng nhà thơ buồn rầu báo tin, phải làm đám tang thôi. Cá,
cua, tôm, sứa, mực, bạch tuộc, cá voi,… sống dưới biển nhưng chết ở trên bờ.
Hết rồi một thời tang bồng hồ thỉ, vẫy vùng sóng nước. Đám tang nghi thức trang
trọng như buổi tiễn đưa những thân bằng quyến thuộc về nơi an nghỉ cuối cùng.
“tụi mình phải làm
một cáo phó
thông báo về tang lễ
đặt ở mọi phi trường
bến cảng đường phố
đăng trên mọi diễn
đàn như sau:
cáo phó
chúng tôi vô cùng đau
đớn báo tin
những thân nhân của
chúng tôi:
nguyễn văn cá
huỳnh thị lệ cua
đinh tấn mực
phạm thế ghẹ
lê văn bạch tuộc
trương quý tôm...
đã lần lượt tạ thế từ
đầu tháng tư năm 2016
hưởng dương rất ngắn
linh cữu quàn tại tư
gia từ Vũng Áng đến Cà Mau
lễ động quan lúc 6
giờ sáng ngày 7 tháng 6 năm 2016
(ngày canh thân tháng
giáp ngọ năm bính thân)
an táng trong lòng bà
trần thị biển
cũng đã qua đời
tang gia cùng kính
báo
trưởng nam...
thứ nam...
trưởng nữ...
thứ nữ...
(vui lòng điền tên
vào chỗ thích hợp)”
Tại
sao trong cáo phó, con cá họ Nguyễn, con cua họ Huỳnh, con mực họ Đinh, con ghẹ
họ Phạm, bạch tuộc họ Lê,.. Bởi vì chúng nó đều là con cá của Việt Nam, con cua
của Việt Nam, con tôm của Việt Nam, con mực của Việt Nam cả đấy. Những cái họ
này cũng là được ghép từ họ của hàng ngũ lãnh đạo đương thời. Thủ phạm gây ra
cái đại tang này. Có phải tác giả đang tiên báo cái chết này là tiền đề cho một
cái chết khác?
Chôn
cất long trọng như vậy, nhưng cuối cùng vẫn chưa êm. Vì biển cũng chết nữa.
“tụi mình phát tang
tụi mình động quan
tụi mình di quan
tụi mình kèn ma ò í e
đưa đám
tụi mình hạ huyệt tụi
mình xuống nghĩa trang
xác mai táng trên bờ
hồn an nghỉ dưới biển
tưởng vậy là êm, mà
rồi vẫn kẹt
cái thi hài bà nội
trần thị biển
giờ chôn bả ở đâu?”
Biển
chiếm 70% bề mặt của địa cầu. Lất đất đâu mà chôn “bả” đây?
Câu
hỏi vốn không có câu trả lời.
Nhưng
nan đề này khiến người ta liên tưởng những cái chết khác.
Biển
chết thì đất chết.
Việt
Nam trong cơn hấp hối.
Bạn
thơ ơi!
NGUYỄN
THỊ THẢO AN
Atlanta, July 23.
2017
No comments:
Post a Comment