Ngô
Thế Vinh
Đây
là bài mới bổ sung cho một bài viết khởi đầu chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm
rất riêng tư với Giáo sư Phạm Biểu Tâm nhân dịp lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh
của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ
thế kỷ trước.
Hình 1: Giáo sư Phạm
Biểu Tâm tại Bệnh viện Bình Dân (1960),
mỗi buổi sáng cùng các
nội trú và sinh viên đi thăm trại bệnh trước khi vào phòng mổ.
[nguồn: hình tư liệu
gia đình Gs Phạm Biểu Tâm*]
ĐÔI
DÒNG TIỂU SỬ
Giáo sư Phạm Biểu Tâm sinh ngày 13 tháng 12 năm 1913 tại Thừa Thiên, Huế; mất
ngày 11 tháng 12 năm 1999 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.
Vào cuối đời, thầy Tâm cho biết thực sự thầy gốc người Nam Bộ, sinh ra và lớn
lên tại miền Trung. Sau đây là thông tin từ người em ruột Gs Phạm Biểu
Tâm, Băng-sĩ Phạm Hữu Nhơn nguyên là một tướng lãnh thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân
Lực VNCH từ Falls Church, Virginia gửi cho Bông, tức tên gọi ở nhà của Phạm Biểu
Trung, trưởng nam của thầy Tâm:
“Bông thân mến, Cha cháu sinh ngày 13/12/1913. Quê quán làng Nam Trung, huyện
Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình khoa bảng. Cụ cố là Tổng binh Phạm
Tấn, gốc miền Nam, quê quán làng Long Phú (Bến Lức, Gò Công), tỉnh Gia Định. Được
vua Gia Long vời ra làm quan ngoài Bắc Hà (Ninh Bình và Nam Định). Cụ nội là Phạm
Năng Tuần, tước hiệu Hàn Lâm Viên Đại Phu. Cụ khai khẩn và thành lập làng Nam
Trung, tỉnh Thừa Thiên cho các quan gốc miền Nam ra Trung. Cụ thân sinh là Phạm
Hữu Văn, thi đậu Tiến sĩ khoa Quí Sửu 1913. Làm quan tới chức Bố Chánh tỉnh
Thanh Hóa, được thăng Thượng Thư Trị Sứ khi đã về hưu.”
Giáo sư Phạm Biểu Tâm học tiểu học tại Huế, trung học phổ thông tại Vinh, rồi
trường Quốc Học Huế, và trường Bưởi Hà Nội.
Suốt thời tuổi trẻ, Giáo sư Phạm Biểu Tâm đã là một hướng đạo sinh, rất hoạt động
trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Ông gia nhập tráng đoàn Lam Sơn
của Hoàng Đạo Thúy, từ những năm 1930 từng tham dự khóa huấn luyện Tráng tại Bạch
Mã, Huế. Có thể nói suốt cuộc đời, ông vẫn gắn bó với phong trào hướng đạo Việt
Nam và vẫn cứ mãi là một tráng sinh lên đường. Không chỉ là nội trú lâu năm nhất
ở Bệnh viện Phủ Doãn, theo Gs Trần Ngọc Ninh: "Anh Tâm còn là Chủ tịch
Hội Sinh viên Y khoa 1942, là cầu thủ Đội Bóng Rổ của Tổng Hội Sinh viên, đang
là tuyển thủ hữu danh của Hội Thuyền Buồm Việt Nam," (1)
Năm 1932, thầy Tâm theo học Trường Y Khoa Hà Nội, sau Bác sĩ Tôn Thất Tùng một
năm. Sau khi tốt nghiệp y khoa, vẫn tiếp tục tình nguyện ở lại làm Nội Trú Bệnh
Viện thêm 8 năm. Mãi tới năm 1947 mới trình luận án Tiến Sĩ Y Khoa với đề tài
mang tính văn hoá: “Introduction de la Médecine Occidentale en
Extrême-Orient / Sự Du Nhập của Y học Tây Phương sang Viễn Đông”.
Nói về đời sống gia đình, Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm đã kết hôn với Bà Công Tằng Tôn
Nữ Tuyết Lê vào năm 1944, nguyên là nữ sinh trường Đồng Khánh rất cấp tiến. Thầy
Cô có năm người con, ba trai hai gái theo thứ tự: Phạm Biểu Trung, Phạm Biểu
Chí, Phạm Biểu Kim Hoàn, Phạm Biểu Kim Liên và Phạm Biểu Tình nhưng tên gọi ở
nhà thì chỉ là tên các vật liệu trong phòng mổ: Bông, Gạc, Băng, Kim, Chỉ.
Thầy cô còn có thêm một dưỡng nữ Trần Thị Hồng.
Hình 2a,b: Thầy Cô Phạm
Biểu Tâm
tại căn nhà đường Ngô
Thời Nhiệm (1970); và 5 người con với tên gọi ở nhà:
Bông, Gạc, Băng, Kim,
Chỉ. [nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu
Tâm]
Năm 1948, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm trúng tuyển kỳ thi Thạc Sĩ Y Khoa [Professeur
Agrégé des Universités] tại Paris, đồng thời với Giáo sư Trần Quang Đệ cũng là
một bác sĩ phẫu thuật lừng danh tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau này. Trở về nước, thầy
Tâm tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Y Khoa Hà Nội kiêm Giám Đốc Bệnh Viện Yersin
hay còn gọi là Nhà Thương Phủ Doãn cho đến ngày ký kết Hiệp định Genève 1954
phân đôi đất nước.
Hình 3: Gs Phạm Biểu
Tâm (trái) và Bs chuyên khoa Ung thư Nguyễn Xuân Chữ
đi dự Tuần lễ Ung Thư
/ Semaine Du Cancer (1950) tại Pháp,
phía sau là tấm poster
tiếng Việt với slogan: Ung thư càng để lâu bao nhiêu
càng kém hy vọng khỏi
bấy nhiêu. Hãy đến khám tại Cơ quan Trung ương Việt Nam Trừ Ung thư
tại Bệnh Viện Yersin
Hà Nội. [nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Hình 4: Buổi trình luận
án tại Đại học Y Khoa Hà Nội (1952) của Bs tân khoa Nguyễn Tấn Hồng,
với Giáo sư Phạm Biểu
Tâm trong Hội đồng Giám khảo.
[nguồn: hình tư liệu
gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập, cũng khởi đầu ngành Quân Y
Việt Nam 1951, Gs Phạm Biểu Tâm có thời gian đảm trách chức vụ Phó Giám Đốc Trường
Quân Y với cấp bậc Trung Tá.
Năm 1954, Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm đã cùng gia đình di cư vào Nam, được đề cử làm
Giám Đốc Bệnh Viện Bình Dân mới xây cất xong trên đường Phan Thanh Giản Sài
Gòn, đồng thời cũng là Trưởng Khu Ngoại Khoa tại bệnh Viện này. Đa số nhân viên
y tế từ nhà thương Phủ Doãn di cư vào Nam đều trở lại làm việc tại bệnh viện
Bình Dân. Đây cũng là một bệnh viện giảng huấn trực thuộc trường Đại Học Y Nha
Dược duy nhất của Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Khi Đại Học Hỗn Hợp Pháp Việt được người Pháp trao trả lại cho Việt Nam
[11.05.1955], Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm được đề cử làm Khoa Trưởng, và là vị Khoa
Trưởng đầu tiên của Trường Đại Học Y Dược Sài Gòn [Faculté Mixte de Médecine et
Pharmacie].
Hình 5: Giáo sư Phạm
Biểu Tâm Khoa Trưởng Y Khoa Sài Gòn (trái)
và Linh Mục Cao Văn Luận
Viện Trưởng sáng lập của Viện Đại Học Huế từ 1957,
đi dự một Hội nghị Quốc
tế về Giáo Dục. [nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Hình 6: Hội Đồng Khoa,
với một số giáo sư trong Ban Giảng Huấn Đại Học Y Khoa Sài Gòn:
từ trái, Gs Trần Ngọc
Ninh, Gs Trịnh Văn Tuất, Gs Trần Vỹ, Gs Caubet,
Gs Phạm Biểu Tâm, Gs
Huard, Gs Trần Đình Đệ, Gs Nguyễn Đình Cát,
Gs Nguyễn Hữu, Gs Ngô
Gia Hy. [nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Hình 7: Sau buổi trình
luận án của 2 Bs tân khoa: Nguyễn Khắc Minh, Đào Hữu Anh
tại Đại học Y Khoa Sài
Gòn (1960); với Hội đồng Giám khảo,
hàng trước từ trái:
Giáo sư Nguyễn Hữu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Giáo sư Trần Đình Đệ,
Giáo sư Trịnh Văn Tuất.
(Bs Nguyễn Khắc Minh, Bs Đào Hữu Anh, cả hai đều trở thành
giáo sư của trường Y
Khoa sau này). [nguồn: hình tư liệu của Gs Nguyễn Khắc Minh]
Năm 1962, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ / American Medical Association [AMA] đã viện trợ
một ngân khoản lớn cho Việt Nam để xây cất một Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa với
tiêu chuẩn hiện đại tại đường Hồng Bàng, Chợ Lớn, gồm một Trường Y Khoa [giai
đoạn I] và một Bệnh Viện thực tập [giai đoạn II]. Lễ đặt viên đá đầu tiên do Tổng
Thống Ngô Đình Diệm chủ tọa.
Hình 8a: Lễ đặt viên
đá đầu tiên (1962) xây cất Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa tại đường Hồng Bàng,
Chợ Lớn; từ trái: Gs
Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm, Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
Gs Nguyễn Quang Trình,
Gs Lê Văn Thới; đứng phía sau là Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting, Jr.
Hình 8b: Lễ đặt viên đá
đầu tiên xây cất Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa tại đường Hồng Bàng;
hàng trước từ trái: Gs
Phạm Biểu Tâm, Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
Kiến trúc sư Ngô Viết
Thụ, Gs Nguyễn Quang Trình, Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn.
Trung Tâm Giáo Dục Y
Khoa được khánh thành 3 năm sau 1966.
[nguồn: hình tư liệu
gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Sau biến cố 1963, Gs Phạm Biểu Tâm tiếp tục ở lại với Trường Y Khoa cho đến
tháng 3 năm 1967, khi tướng Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp
Trung ương đã đơn phương ký sắc lệnh giải nhiệm chức vụ Khoa Trưởng của Gs Phạm
Biểu Tâm để thay thế bằng một Uỷ ban 5 người, đây cũng là lần đầu tiên ở miền
Nam chính trị can thiệp vào nền tự trị đại học. Từ nhiệm chức Khoa trưởng, thầy
Tâm vẫn cứ ẩn nhẫn, tiếp tục công việc của một Giáo sư Giải phẫu, giảng dạy và
điều trị mổ xẻ tại Khu Ngoại Khoa B Bệnh viện Bình Dân.
Cùng lúc với Dự án của Hiệp Hội Y khoa Hoa Kỳ / AMA Project, kết hợp với trường
Y khoa Sài Gòn để cải tiến các bộ môn từ khoa học cơ bản tới các khoa lâm sàng
như nội khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, giải phẫu, gây mê, quang tuyến... với kế
hoạch vừa huấn luyện tại chỗ vừa gửi nhân viên giảng huấn sang tu nghiệp tại
các Đại học Hoa Kỳ. Đây là giai đoạn thầy Tâm đã bỏ ra rất nhiều công sức để
phát triển chương trình đào tạo thêm nhân viên giảng huấn Khoa Giải phẫu cho
trường Y khoa.
Sự hợp tác giữa giáo sư Henry Bahnson danh tiếng từ Đại học Pittsburgh và Gs Phạm
Biểu Tâm tại Bệnh viện Bình Dân được coi là thành công nhất trong số những
chương trình được AMA bảo trợ.
Hình 8c,d: Trung Tâm
Giáo Dục Y Khoa trên đường Hồng Bàng, Chợ Lớn hoàn tất 3 năm sau
(giai đoạn I), việc
xây dựng một Bệnh viện Thực Tập hiện đại (giai đoạn II)
phải ngưng vì những biến
động chính trị cho tới 1975. [nguồn: internet]
Tưởng cũng nên ghi lại ở đây, tên tuổi của một học viên Bs Nghiêm Đạo Đại sau
này đã trở thành một giáo sư phẫu thuật lừng danh trong chuyên khoa thay ghép /
transplant tuỵ tạng-gan-thận ở Đại học MCP Hahnemann / Drexel, Pittsburgh nhưng
anh Đại thì trước sau vẫn không quên ơn thầy. Anh viết: " Tôi đã thấm
nhập những điều dậy dỗ của “lò Bình Dân”. Quả như vậy, sau khi vào ban giảng huấn
Đại học Iowa bảy năm, trường Medical College of Pennsylvania / Hahneman /
Drexel Pittsburgh hơn hai thập niên, tôi đã cảm nhận được là mình có phước rất
lớn được học những tinh túy của các Thầy ở bệnh viện Bình Dân. Các Thầy đã trao
cho tôi một hành trang đầy đủ để sử dụng trong suốt cuộc đời đi dậy học." (2)
Hình 9: Giáo sư Phạm
Biểu Tâm tới thăm một Trung Tâm Y Khoa tại Minnesota (1960s),
như bước khởi đầu hoà
nhập hai hệ giáo dục Y khoa Pháp và Mỹ.
[nguồn: hình tư liệu
gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Hình 10: Tiếp tân tại
tư gia thầy Tâm cho buổi học Hậu Đại học Khoá 1972 từ trái:
Bs Steven Reeder, Gs
Phạm Biểu Tâm, Văn Kỳ Chương, Nguyễn Hữu Chí, Phan Văn Tường,
Gs Anatolio Cruz, Gs
Norman Hoover, Gs Đào Đức Hoành, Gs Phan Ngọc Dương, Văn Kỳ Nam,
Lê Quang Dũng, Nguyễn
Khắc Lân, Nguyễn Tiến Dỵ, Văn Tần, Nguyễn Đỗ Duy.
[nguồn: hình tư liệu
gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Sau biến cố 1975, mặc dù phải sinh hoạt trong những điều kiện cực kỳ khó khăn,
phải sống với bên thắng cuộc chỉ biết chuộng "hồng hơn chuyên."
Giáo
sư Phạm Biểu Tâm vẫn sống hết lòng cho y nghiệp, thương mến chăm sóc bệnh nhân
không phân biệt giàu nghèo, hay màu sắc chính trị nào. Thầy Tâm tiếp tục công
việc dìu dắt giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên y khoa. Như từ bao giờ, thầy Tâm
thâm trầm, nhưng cương nghị, làm nhiều và ít nói. Trong nghịch cảnh, thầy không
bao giờ biểu lộ sự giận dữ, vẫn nhỏ nhẹ nhưng thâm thuý và sâu sắc, câu nói giản
dị của thầy vẫn cứ mãi được truyền tụng trong đám môn sinh: "cố gắng
làm việc, lấy chăm sóc bệnh nhân làm nhiệm vụ trước mắt của người thầy thuốc."
Vẫn với kinh nghiệm của giới trí thức Hà Nội sau 1954, thuộc chế độ cũ, trước
sau họ chỉ là thành phần được "lưu dung - không có dấu nặng" và không
hề được tin cậy. Kinh nghiệm sau 1975 mà Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từng trải
qua, đó thực sự là một chặng đường đau khổ mà Giáo sư Hộ gọi đó là "những
năm ảo vọng."
Năm 1984, Giáo sư Phạm Biểu Tâm buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 71 sau một cơn tai biến
mạch máu não/ stroke với liệt nửa người trái. Không có cơ hội hồi phục, năm
1989 Giáo sư Phạm Biểu Tâm đã phải rời bỏ quê hương yêu dấu, nơi mà Giáo sư đã
dâng hiến gần trọn cuộc đời cho người bệnh, cho nền y học Việt Nam, để sang
đoàn tụ với các con tại Hoa Kỳ.
MỘT
CHÚT RIÊNG TƯ
Những dòng chữ này được viết cách đây 4 năm nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh
của Gs Phạm Biểu Tâm.
Đây chỉ là hồi tưởng, ghi lại những kỷ niệm rất riêng tư với Gs Phạm Biểu Tâm –
không phải từ trong các giảng đường hay bệnh viện mà là với một thầy Tâm ngoài
đời thường. Trong suốt học trình y khoa, tôi chưa từng được là môn sinh gần gũi
của Thầy nhưng lại cảm thấy rất thân thiết với Thầy trong các năm học và cả những
năm đã rời xa trường Y khoa về sau này. Chỉ đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng 12
năm (1955-1967), nhưng dấu ấn ảnh hưởng của thầy Tâm trên các thế hệ môn sinh
thì lâu dài hơn nhiều, kể cả những người chưa được học hay không biết mặt Thầy.
(5)
Chỉ còn 2 ngày nữa là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư Phạm Biểu Tâm
[13/12/1913].
Hôm nay ngày 11 tháng 12, 2013 là ngày giỗ của Thầy, vậy mà cũng đã 14 năm rồi
[11/12/1999], và khi thầy Tâm mất, gặp Cô để phân ưu, thì được Cô nhắc là anh
Vinh có thể có một bài viết về Thầy. Vậy mà chưa làm được điều ấy thì Cô nay
cũng đã mất.
Tiểu sử giáo sư Phạm Biểu Tâm đã được bạn đồng môn Hà Ngọc Thuần từ Úc Châu tường
trình khá đầy đủ – tưởng cũng nên ghi lại là anh Hà Ngọc Thuần đã cùng với anh
Nghiêm Sĩ Tuấn từng là hai cây bút chủ lực của báo Y khoa Tình Thương, cùng
biên soạn một công trình giá trị “Lịch Sử Y Khoa” với bút hiệu chung Hà Hợp
Nghiêm, đăng từng kỳ trên Tình Thương cho tới khi báo đình bản 1967. (3)
Rất khác với vẻ uy nghi cao lớn của Gs Trần Quang Đệ, cũng là một nhà phẫu thuật
lừng danh khác của Việt Nam, cùng trúng tuyển kỳ thi Thạc sĩ Y khoa tại Paris
năm 1948, thầy Tâm có dáng nhỏ nhắn của một thư sinh, vẻ nhanh nhẹn của một
tráng sinh, nét mặt thầy không đẹp nhưng ngời thông minh và có thể lột tả –
theo ngôn từ của bạn đồng môn Đường Thiện Đồng thì “thầy có những nét của một
quý tướng.”
Trước khi bước vào trường Y khoa, đã được biết tiếng về tài năng và đức độ của
Gs Phạm Biểu Tâm, được nghe nhiều giai thoại về Thầy ngoài đời thường. Thầy là
một trong những tráng sinh đầu tiên của ngành Hướng đạo Việt Nam từ những năm
1930 như biểu tượng của một thế hệ dấn thân. Tuy không là cầu thủ nhưng Thầy lại
rất hâm mộ môn bóng đá; bạn bè trong Đại học xá Minh Mạng kể lại, Thầy thường
có mặt nơi khán đài bình dân trong sân banh Tao Đàn, như mọi người Thầy cũng
tung nón hò hét sôi nổi để ủng hộ cho đội banh nhà.
Đến khi được gặp, thì thấy thầy Tâm là một con người rất giản dị, tạo ngay được
cảm giác gần gũi và tin cậy với người đối diện nhưng vẫn luôn có đó một khoảng
cách dành cho sự kính trọng. Kỷ niệm của người viết với thầy Tâm như là những
khúc phim đứt đoạn.
Từ 1963 tới 1967 là một giai đoạn cực kỳ xáo trộn ở miền Nam với liên tiếp những
cuộc biểu tình xuống đường và bãi khóa của sinh viên mà phân khoa đầu não là Y
khoa, lúc ấy vẫn còn tọa lạc nơi ngôi trường cũ 28 Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Ở
cương vị Khoa trưởng lúc đó thật khó khăn: thầy Tâm vừa phải duy trì sinh hoạt
bình thường trong giảng đường và các bệnh viện mà vẫn tôn trọng tinh thần “tự
trị đại học.” Thầy luôn luôn bao dung chấp nhận đối thoại và cũng do lòng
kính trọng Thầy, các nhóm sinh viên y khoa tranh đấu lúc đó đã hành xử có trách
nhiệm, trừ số rất ít cộng sản nằm vùng thì manh động theo chỉ thị của Thành ủy.
Tình trạng thăng trầm của trường Y khoa trong cơn lốc chính trị với cả đổ máu
ám sát tiếp tục kéo dài cho tới tháng Tư 1975.
Hình 11: Gs Phạm Biểu
Tâm nói chuyện với SVYK trong một giảng đường
28 Trần Quý Cáp,
Sàigòn sau vụ Thầy bị bắt trước biến cố 1963.
[nguồn: Life Magazine]
Khi tờ báo Sinh viên Y khoa Tình Thương ra đời đầu năm 1964, ở cương vị khoa
trưởng, Gs Phạm Biểu Tâm tỏ ra tâm đắc với manchette của tờ báo mang tên
“Tình Thương” mà thầy cho rằng ý nghĩa rất phù hợp với chức năng của những người
Áo Trắng và thầy có viết một bài éditorial trên Tình Thương để giới thiệu tờ
báo. Không nhiều biểu lộ nhưng chúng tôi hiểu rằng báo Tình Thương luôn luôn được
hỗ trợ tinh thần của Gs Khoa Trưởng. Tình Thương không chỉ là tờ báo của những
cây bút sinh viên mà khá thường xuyên còn có bài viết của các giáo sư y khoa
như Trần Ngọc Ninh, Trần Văn Bảng, Nguyễn Đình Cát, Ngô Gia Hy và Vũ Thị Thoa…
Hình 12: Bìa Nguyệt san Tình Thương của Sinh Viên Y Khoa,
Số 1 ra mắt tháng 01.1964, và bị đình bản cuối 1967 với
30 số báo.
[nguồn: tư liệu Trần Hoài Thư; Thư Quán Bản Thảo]
Sinh viên Y khoa tới ngày tốt nghiệp ra trường, dân y hay quân y thì đều phục vụ
trong quân đội, với các binh chủng chọn lựa hay được chỉ định. Là những bác sĩ
trong thời chiến nên trước sau đã có một số đồng nghiệp hy sinh như các anh
Đoàn Mạnh Hoạch, Trương Bá Hân, Đỗ Vinh, Trần Ngọc Minh, Phạm Bá Lương, Nguyễn
Văn Nhứt, Trần Thái, Lê Hữu Sanh, Nghiêm Sĩ Tuấn, Phạm Đình Bách… chưa kể một số
bị chết trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, hay trên đường vượt biên sau
này.
Riêng những người chết hay mất tích khi vượt trại tù, ít nhất có hai bạn mà tôi
quen biết: bác sĩ Nguyễn Hữu Ân Nha Kỹ Thuật cũng là dân Đại học xá Minh Mạng,
cùng với bác sĩ Vũ Văn Quynh binh chủng Nhảy Dù là anh ruột của bác sĩ Vũ Văn
Dzi hiện ở Oklahoma.
Rất riêng tư, tôi không thể không nhắc tới một Trần Ngọc Minh, anh sống khá trầm
lặng những năm sinh viên trong Đại học xá Minh Mạng, không những cùng dãy
7 mà còn ở ngay cạnh phòng tôi trong nhiều năm. Ra trường anh là một y sĩ Thủy
quân Lục chiến, anh đã hy sinh trong một trận đánh khốc liệt tại thung lũng Việt
An, tỉnh Quảng Tín 1965. Ít năm sau đó, một quân y viện mới trên đường Nguyễn
Tri Phương ngay cạnh Trường Quân Y được khánh thành và mang tên anh.
Xúc động nhất là cái chết của Nghiêm Sĩ Tuấn, mà tôi được sinh hoạt gần gũi với
anh trong tòa soạn báo sinh viên Tình Thương. Ra trường, sự kiện Nghiêm Sĩ Tuấn
chọn binh chủng Nhảy Dù, theo người bạn thân của anh là Đặng Vũ Vương, nhận định
đó là một chọn lựa “thử thách cá nhân”. Anh đã hơn một lần bị thương sau đó vẫn
tình nguyện trở lại trận địa và đã hy sinh trên chiến trường Khe Sanh 1968 khi
anh đang cấp cứu một đồng đội…
Do mối quan tâm tới các sắc dân Thượng từ thời làm báo sinh viên, ra trường tôi
chọn phục vụ một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt với địa bàn hoạt động chủ yếu là
vùng Tây nguyên; cũng trong khoảng thời gian này tôi có thêm chất liệu sống để
hoàn tất tác phẩm Vòng Đai Xanh. Mỗi khi có dịp về Sài Gòn, tôi đều tìm cách đến
thăm thầy Phạm Biểu Tâm. Trường Y khoa thì nay đã di chuyển sang một cơ sở mới
có tên là Trung Tâm Giáo dục Y khoa trên đường Hồng Bàng, Chợ Lớn. Cũng để thấy
rằng, tuy ở Sài Gòn nhưng Thầy luôn theo dõi và biết khá rõ cuộc sống quân ngũ
của những học trò của Thầy ra sao.
Sau 1975, trừ một số ít đã được di tản trước đó, số bác sĩ còn ở lại trước sau
đều bị tập trung vào các trại tù cải tạo. Từng hoàn cảnh cá nhân tuy có khác
nhau nhưng tất cả hầu như đồng một cảnh ngộ: bị giam giữ trong đói khát, với
lao động khổ sai và học tập tẩy não. Những bao gạo in nhãn “Đại Mễ” đầy mối mọt
viện trợ của Trung Quốc được đưa vào nuôi tù cải tạo trong giai đoạn này. Không
khác với các trang sách viết của Solzhenitsyn về Gulag Archipelago nhưng là Made
in Vietnam, tinh vi hơn với phần học thêm được cái ác từ Trung Quốc.
Cũng thật trớ trêu, trại giam đầu tiên của tôi lại là Suối Máu, nơi từng là
trung tâm huấn luyện của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, một đơn vị mà tôi đã từng
phục vụ. Như một chính sách ập khuôn, không giam giữ lâu ở một nơi, cứ sau một
thời gian, các tù nhân lạri bị tách ra, di chuyển đi các trại khác. Từ Suối
Máu, tôi lần lượt trải qua các trại Trảng Lớn Tây Ninh, Đồng Ban và trại cuối
cùng là Phước Long Bù Gia Mập. Một số khác thì bị đưa ta Bắc, sau này được biết
là điều kiện tù đày khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Hình 13: Bài thơ với
thủ bút của Gs Phạm Biểu Tâm
tặng Kiến trúc sư Ngô
Viết Thụ (1975), Giải Khôi nguyên La Mã, người thiết kế Dinh Độc Lập
và Trung Tâm Giáo Dục
Y Khoa (1962) trên đường Hồng Bàng, Chợ Lớn.
[nguồn: hình tư liệu
gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Ra tù ba năm sau, trở về một Sài Gòn đã thật sự hoàn toàn đổi khác. Ngôi trường
cũ 28 Trần Quý Cáp góc đường Lê Quý Đôn rợp bóng cây xanh thì nay biến thành
khu triển lãm “Tội ác Mỹ Ngụy”, không phải chỉ có trưng bày vũ khí súng đạn giết
người, chuồng cọp với đủ dụng cụ tra tấn mà còn có cả sách báo nọc độc (sic)
tàn dư văn hóa của “chủ nghĩa thực dân mới” trong đó có cuốn Vòng Đai Xanh.
Hình 14: Trường Đại học
Y khoa cũ, 28 Trần Quý Cáp Sài Gòn,
nơi từng đào tạo bao
thế hệ bác sĩ, sau 1975 biến thành
khu triển lãm "Tội
ác Mỹ Nguỵ" [nguồn: internet]
Một hôm, tình cờ thấy Thầy Tâm đang đi bộ rảo bước trên khúc đường Trương
Minh Giảng gần Tòa Tổng Giám Mục nơi góc đường Phan Đình Phùng. Dừng chiếc xe đạp
cũ kỹ bên lề đường, tôi chạy tới chào Thầy. Thầy trò gặp nhau không nói gì nhiều
nhưng tôi thì đọc được những xúc cảm trong ánh mắt của Thầy. Rất ngắn ngủi khi
chia tay Thầy chỉ nhắc tôi hai điều: Vinh nên đi chụp một hình phổi và ra ngoài
rồi cũng ráng ăn thêm một chút thịt. Đôi điều dặn dò ấy chứng tỏ Thầy Tâm biết
rất rõ cảnh sống của các học trò Thầy trong trại tù cải tạo.
Khoảng đầu năm 1981, mấy ngày trước Tết Tân Dậu thầy trò còn ở lại có buổi họp
mặt tất niên, bao gồm nhiều khóa, đông nhất là Y Khoa 68. Có được hai giáo sư
Hoàng Tiến Bảo và Phạm Biểu Tâm tới dự. Tâm trạng của mọi người ngổn ngang lúc
đó nên “vui là vui gượng kẻo là”. Thầy Tâm thì không uống rượu nhưng lại
có mang rượu tới để chung vui. Thầy giơ cao chai rượu trước mặt các học trò và
nói đại ý: “Lần này thì các anh thực sự yên tâm, đây không phải là rượu giả
vì là chai rượu lễ của một Cha mới biếu tôi.” Trước sau, Thầy Tâm vẫn có một
lối nói chuyện gián tiếp với “ý tại ngôn ngoại” như vậy. Không ai là
không hiểu ý Thầy, muốn nói về một “thời kỳ giả dối” mà cả miền Nam đang
phải trải qua.
Sau biến cố 1975, thầy Tâm tuy vẫn có được sự kính trọng và vị nể của chế độ mới,
vì đức độ tài năng và nhân cách đặc biệt của Thầy. Thầy thì cứ như một nhà nông
biết là thời tiết không thuận lợi, nhưng vẫn cứ cắm cúi vun xới thửa đất để cấy
trồng. Trước sau, chưa bao giờ Thầy có phòng mạch tư, cuộc sống của Thầy rất
thanh bạch. Hàng ngày toàn thời gian Thầy tới nhà thương Bình Dân khám bệnh, mổ
xẻ và hết lòng chăm sóc người bệnh cùng với công việc giảng dậy cho các thế hệ
môn sinh. Chế độ mới cần tới uy tín Thầy nhưng họ vẫn không bao giờ tin nơi Thầy.
Bằng cớ là căn nhà của thầy Tâm trên đường Ngô Thời Nhiệm ít nhất đã hai lần bị
công an thành phố xông vào lục xét. Và cứ sau một lần như vậy, không phát hiện
được gì thì Thành Ủy đã lại đứng ra xin lỗi coi đó chỉ là hành động sai trái của
thuộc cấp. Sự giải thích ấy thật ra chỉ là hai bản mặt của chế độ.
Tới năm 1984, đã ngoài tuổi 70, sau hơn 40 năm cầm dao mổ, sống tận tụy với người
bệnh và các thế hệ môn sinh, thầy Tâm đột ngột phải nghỉ hưu vì một cơn tai biến
mạch máu não. Năm ấy tôi cũng đã qua Mỹ, đoàn tụ với gia đình xa cách đã tám
năm. Vừa chữa bệnh lao phổi vừa chuẩn bị đi học lại. Như truyền thống tốt đẹp của
gia đình y khoa, các bạn bè qua trước đã đem tới cho tôi những thùng sách và cả
textbooks; các bạn ấy đều đã đậu các kỳ thi, có người trước đó 3-4 năm nhưng vẫn
chờ để được nhận vào chương trình nội trú trước khi có thể lấy lại bằng hành
nghề.
Tôi đã phạm một lầm lẫn lúc đó, vội vàng học rồi thi FLEX/ ECFMG tuy đậu nhưng
với số điểm không cao, có nghĩa là vào giai đoạn “đóng cửa” ấy rất ít hy vọng
được nhận vào bất cứ một chương trình thực tập bệnh viện nào. Con đường trở lại
y nghiệp xa vời vợi. Một giáo sư UCLA giới thiệu tôi vào chương trình MPH/
Master of Public Health, đây có thể là một cánh cửa khác, với cấp bằng Y Tế
Công Cộng, tôi hy vọng có thể làm việc với WHO / Tổ chức Y tế Thế giới của Liên
Hiệp Quốc tại các nước vùng Đông Nam Á hoặc Phi Châu.
Cũng lúc đó tôi được gặp lại giáo sư Hoàng Tiến Bảo và luôn luôn được thầy Bảo
khuyến khích nên trở lại với y nghiệp. Thầy Bảo thì sáng nào cũng từ nhà đi xe
bus tới nhà thờ dự lễ trước khi tới USC/ University of Southern California. Mỗi
ngày hai thầy trò đều đặn vào Norris Medical Library, trên đường Zonal ngồi học,
chờ ngày thi lại; cùng với Thầy đi làm clinical fellow không lương ở
Department of Medicine / Hypertension Service với các Gs DeQuattro, Gs Barndt –
không gì hơn để có được letters of recommendation của các giáo sư Mỹ, đồng
thời làm quen thêm với môi trường bệnh viện bên này. Cho dù trước 1975 thầy Bảo
cũng đã du học về Orthopaedics ở Mỹ và tôi thì cũng đã có một thời gian tu nghiệp
về Rehab ở San Francisco.
Hệ thống y khoa Mỹ lạnh lùng và tàn nhẫn với bất cứ một bác sĩ ngoại quốc nào tới
Mỹ theo diện di dân muốn hành nghề trở lại, cách đối xử khác xa với thành phần
du học nếu sau đó trở về nước. Nhưng cũng có một nhận định khác cho rằng đó là
sự tuyển chọn rất công bằng chỉ có ở nước Mỹ. Không là ngoại lệ, cả hai thầy
trò phải đi lại từ bước đầu; trong khi đó ai cũng biết Thầy Bảo xứng đáng ở
cương vị một giáo sư chỉnh trực giỏi của một trường đại học y khoa. Sau này, có
thời gian làm việc tại các bệnh viện New York, tôi cũng đã chứng kiến hoàn cảnh
vị giáo sư ObGyn đáng kính người Ba Lan phải đi làm EKG technician, rồi một bác
sĩ giải phẫu người Nga thì làm công việc của một respiratory therapist. Họ là
thế hệ thứ nhất tới Mỹ với tuổi tác không thể đi học lại từ đầu nên chấp nhận
hy sinh lót đường cho thế hệ thứ hai vươn lên.
Thầy Bảo thì chỉ chú tâm lo cho học trò nhiều hơn là cho chính Thầy. Thầy đã từng
đích thân đi xe bus tới nhà khuyên một học trò của Thầy nên tiếp tục học thay
vì bỏ cuộc. Cho dù sắp tới ngày thi cử, thầy Bảo cũng vẫn dẫn một phái đoàn lên
Medical Board trên Sacramento tranh đấu cho các học trò của Thầy ra trường sau
1975 được công nhận là tương đương và quyền trở lại y nghiệp.
Rồi cũng là một kết thúc có hậu. Thầy Bảo thi đậu dễ dàng rồi hoàn tất năm nội
trú và có bằng hành nghề trở lại ở California. Riêng tôi thì phải khá vất vả
thi lại hai ngày FMGEMS với score phải khá hơn trên 80 để có thể được các
chương trình Residency nhận đơn và cho phỏng vấn. Vào tháng Ba 1988 qua ngả National
Resident Matching Program/ NRMP, tôi được nhận vào một chương trình nội
khoa của các bệnh viện Đại học ở New York. Cũng thầy Bảo là người đầu tiên chia
vui với tin tưởng là học trò của Thầy cũng sẽ qua được chặng đường thử thách 3
năm trước mặt. Thầy Hoàng Tiến Bảo thì nay cũng đã mất (20/ 01/ 2008), tôi và cả
rất nhiều học trò khác không bao giờ quên ơn và nhớ mãi tấm gương sáng với tấm
lòng quảng đại và đầy nhân hậu của Thầy Bảo.
Hình 15: Gs Hoàng Tiến
Bảo (phải) tới thăm Gs Phạm Biểu Tâm tại Tustin,
Quận Cam Nam
California [nguồn: tư liệu TSYS Canada]
GẶP
LẠI THẦY CŨ GIÁO SƯ PHẠM BIỂU TÂM
Trở lại làm nội trú bệnh viện muộn màng ở cái tuổi 47, từ New York qua bạn đồng
môn Đường Thiện Đồng, tôi được tin thầy Phạm Biểu Tâm mới cùng gia đình đi đoàn
tụ và sống với các con ở Mỹ 1989 – cũng đã 5 năm kể từ ngày Thầy bị tai biến mạch
máu não. Có được địa chỉ của Thầy ở Santa Ana California, tôi viết thơ thăm thầy
Tâm và được Thầy hồi âm bằng lá thư viết tay. Nét chữ của Thầy còn rất đẹp. Tôi
nhớ là thầy Tâm thuận tay phải và đoán chừng Thầy chỉ bị liệt nửa người bên
trái.
[1]
Santa Ana, 25-8-1989. Anh Vinh, tôi đã nhận được thiếp bưu điện anh gửi thăm
tôi và gia đình. Thấy lại nét chữ lại nhớ lại hình ảnh của anh từ lúc anh còn ở
Saigon. Sau này tôi có dịp trở lại chỗ anh làm việc cũ mà anh không ngờ,
đó là Trung tâm Chỉnh Hình ở Bà Huyện Thanh Quan và Hiền Vương vì lúc ấy tôi đã
sang giai đoạn vật lý trị liệu đều đều vì bệnh mới của tôi. Các cô tập cho tôi ở
đây hỏi tôi có biết BS Vinh không? Tôi đã giả lời “Biết lắm chứ!” Rồi tôi nhớ lại
tập sách anh viết và gởi cho xem lúc anh còn ở trong quân đội một thời gian…
Khoảng 1971-72 tôi có cơ duyên được đi học về Rehabilitation Medicine ở
Letterman General Hospital, Presidio San Francisco, nên sau này với chuyên môn ấy,
tôi có một thời gian giảng dạy và làm việc ở Trung tâm Y khoa Phục Hồi, 70 Bà
Huyện Thanh Quan Sài Gòn. Một số các cô chuyên viên Vật Lý Trị Liệu được tôi
đào tạo trong các khóa học này. Và thật không thể ngờ, ở một tình huống quá đặc
biệt, trong nghiệp vụ thường nhật, các cô học trò cũ ấy lại được vinh dự chăm
sóc một vị danh sư và cũng chính là bậc thầy của “thầy dậy các cô”.
Hình như Gs Phạm Biểu Tâm và Gs Nguyễn Hữu đã sang thăm đất nước Mỹ rất sớm.
Khi nhận được một Postcard tôi gửi từ New York, thầy Tâm viết: “Anh
Vinh làm tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi đã đặt chân xuống thành phố New York năm
1951 cách đây non một nửa thế kỷ rồi! Lúc ấy còn là thời kỳ đi xem Empire State
Building và Rockefeller Center là lúc thấy cái nào cũng ngẩng cổ lên mà đếm từng
lầu. Cũng chả đếm hết được, rồi cảm giác đi “Ascenseur Tàu Suốt” một mạch được
luôn mấy từng. Bây giờ đỡ thèm đi trở lại nhiều – thời nào cũng có cái thú của
thời ấy.”
Hình 16: Gs Phạm
Biểu Tâm và môn sinh Ngô Thế Vinh tại nhà riêng của Thầy,
thành phố Tustin,
Santa Ana 1990. [photo by Đường Thiện Đồng]
Qua một năm nội trú, từ New York với mùa đông giá lạnh ngập tuyết bước sang mùa
hè nóng ẩm quá độ, nay tôi mới lại có dịp trở về vùng California nắng ấm để
thăm thầy Tâm. Trong cảnh tha hương, cảm động và mừng tủi biết bao nhiêu khi được
gặp lại Thầy, trên một lục địa mới ở một nơi xa quê nhà hơn nửa vòng trái đất.
Được cầm bàn tay ấm áp và mềm mại của thầy Tâm trong bàn tay mình, rồi như từ
trong tiềm thức của một hướng đạo sinh ngày nào, tôi siết nhẹ bàn tay trái của
Thầy và chỉ có thể nói với Thầy một câu thật bâng khuâng “…đôi bàn tay này
Thầy đã cứu sống biết nhiêu người.” “Có gì đâu Vinh.” Thầy xúc động
và nghẹn ngào nói thêm một câu gì đó mà tôi không nghe rõ. Tôi hiểu rằng sau
tai biến mạch máu não, người bệnh đều ít nhiều trải qua những biến đổi sâu xa về
mọi phương diện ngoài thương tật thể chất, còn có những thay đổi về xúc động
tình cảm và tâm lý. Và tôi nhận thấy được sự thay đổi nơi Thầy, từ một con người
rất trầm tĩnh nay trở thành dễ bị xúc động về sau này.
MỘT
DỰ ÁN LỊCH SỬ Y KHOA DỞ DANG
Thầy Tâm còn rất minh mẫn, trí nhớ hầu như nguyên vẹn khi Thầy nhắc về những
ngày ở bệnh viện Phủ Doãn Hà Nội cho tới bệnh viện Bình Dân và trường Y Nha Dược
ở Sài Gòn. Hồi ức ấy nếu được ghi lại, đây sẽ là những trang tài liệu vô giá nếu
không muốn nói là độc nhật vô nhị cho bộ sách Lịch sử Trường Y Khoa Hà Nội -
Sài Gòn.
Tôi mạn phép đề nghị đem tới Thầy một tape recorder thật gọn nhẹ để được
Thầy đọc và ghi âm về những điều Thầy còn nhớ về Trường Y Khoa và sau đó tôi hứa
sẽ làm công việc transcript. Nhưng tôi được thầy Tâm trấn an ngay: “Vinh đừng
lo, công việc ấy đã có anh Nguyễn Đức Nguyên đảm trách và anh ấy sẽ làm chu
đáo.” Tôi cảm thấy yên tâm vì được biết anh Nguyên trước đó cũng đã hoàn tất
bộ sách rất công phu: Bibliographie des Thèses de Médecine [Tome I: Hanoi
1935-1954, Saigon 1947-1970; Tome II: Saigon 1971-1972, Hue 1967-1972].
Khi tôi trở lại New York, Thầy còn viết thư để tôi có thể liên lạc với anh Nguyễn
Đức Nguyên, lúc ấy anh đang sống ở bang Maryland.
[2]
Santa Ana 12-8-1990. Anh Vinh, cảm ơn anh đã dành thì giờ và tìm đến thăm tôi
và cũng để cho tôi thăm lại anh. Trước hết xin phép trả nợ đã. Chép cho anh địa
chỉ anh Nguyên như sau:
N. D. NGUYÊN c/o Kathy Nguyên
11616 Stewart Lane Apt # 302
Silver Spring, MD 20904
Thế
là khỏi quên. Mong anh sẽ gặp lại được người làm đúng cái anh mong. Vì anh ấy
đã có ý định rồi, anh cũng sẽ yên tâm. Thân ái chào anh, Phạm Biểu Tâm.
Hình 17: thủ bút Gs Phạm
Biểu Tâm viết từ Santa Ana 12.08.1990
[nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]
[nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]
Giã từ New York sau 3 năm “cải tạo tự nguyện” – đây là ngôn từ của Vũ Văn Dzi,
hành nghề ở Oklahoma VA là bạn đồng môn đã qua Mỹ trước từ 1979. Tôi trở
về California năm 1991, làm việc trong một bệnh viện VA ở Long Beach mà bệnh
nhân thì đa số là các cựu chiến binh Mỹ trở về từ Việt Nam. Thời gian này, tôi
vẫn giữ liên lạc khá thường xuyên với anh Nguyễn Đức Nguyên, được theo dõi từng
bước về công trình của anh Nguyên.
[3]
Silver Spring, Feb 11, 1994. Anh Vinh thân mến, Anh có nhắc “Lịch sử Trường
Y khoa Hà Nội – Sài Gòn” ở trang đề tựa khiến tôi thích thú bội phần; tôi vẫn
nhớ anh khuyến khích tôi viết tập sách này từ lâu. Có thể nói phần đầu tới 1945
coi là xong rồi; phần Trường Y về ta tới 1954 và đến khi vào Sài Gòn cho tới
khi có Hoa Kỳ giúp chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ giáo dục – nhất là giáo dục y
khoa – thì còn thiếu một số tài liệu cần thiết: tôi đã nhờ một cô Mỹ trước làm
với USOM Sài Gòn kiếm dùm; tôi cũng viết thư cho mấy người bác sĩ Hoa Kỳ trước
kia cộng tác với Chương trình Trung tâm Y khoa để mượn tài liệu và hình ảnh.
Archives của State Department rộng mênh mông, phải có chuyên viên mới tìm được.
Sau khi AMA ký contract năm 1966-67 thì đã có cuốn sách “Saigon Medical School:
An Experiment in International Medical Education” của các ông Ruhe, Singer
& Hoover viết khá đầy đủ, chắc anh đã đọc rồi chứ? Sở dĩ lâu là vì chờ tài
liệu và hình ảnh để bổ túc và cho sách thêm phần hấp dẫn; nếu chỉ có chữ không
thì ít người muốn đọc…
Trong
một thư khác anh Nguyên viết:
[4]
Silver Spring, Dec 28, 1995. Cảm ơn anh đã hỏi thăm về tập Lịch sử Trường Y.
Tài liệu thu thập đầy đủ cho phần đầu (Hà Nội – 1954). Còn phần thứ hai (Sài
Gòn – 1975) đang tìm thêm ở Bộ Ngoại Giao / State Department cho đủ viết từ thời
kỳ có viện trợ Mỹ. Tiện đây tôi muốn hỏi anh về việc liên quan tới xuất bản
sách ở bên này: nhà xuất bản lo từ đầu tới cuối và mình sẽ hưởng tác quyền như
thế nào? Nếu mình trình bày bằng “computer” và chỉ cần đưa in thì họ sẽ tính thế
nào? Tôi dự tính sang chơi California trước Tết ta, nếu đi được sẽ tin để anh
biết và có thể hẹn gặp nhau ở đâu nói chuyện dài về sách vở. Thân, Nguyễn
Đức Nguyên
Khi được anh Nguyên hỏi về việc xuất bản sách ở hải ngoại, tôi lạc quan nghĩ rằng
tác phẩm “Lịch sử Trường Y khoa Hà Nội – Sài Gòn” của anh đã bước vào
giai đoạn hoàn tất. Anh Nguyên thì cầu toàn, muốn có một tác phẩm thật ưng ý mới
cho ra mắt. Riêng tôi thì lại có mối quan tâm khác anh. Bởi vì anh Nguyên cũng
đã bước qua khá xa tuổi “cổ lai hy” và điều gì cũng có thể xảy ra. Tôi nhớ đã
có lần bày tỏ với anh Nguyên là chờ một tác phẩm toàn hảo thì không biết đến
bao giờ và đề nghị với anh cứ cho xuất bản những gì anh đã hoàn tất, sau đó anh
vẫn có thời gian và cơ hội để hoàn chỉnh.
Nhưng rồi rất tiếc là sau đó tôi mất liên lạc với anh Nguyễn Đức Nguyên, anh đã
đổi địa chỉ, số phone và cả email. Được biết Anh Nguyên cũng gần tuổi với Gs Trần
Ngọc Ninh (1923), anh cũng bước qua tuổi thượng thọ 90 rồi. Tôi cầu mong công
trình của anh sẽ không bị thất lạc, rồi ra tác phẩm sẽ được ra mắt như sự tin cậy
và mong đợi của giáo sư Phạm Biểu Tâm từ mấy thập niên của thế kỷ trước.
Hình 18:
Bibliographie des Thèses de Médecine;
Tome I: Hanoi
1935-1954, Saigon 1947-1970;
Tome II: Saigon 1971-1972,
Hue 1967-1972.
[nguồn: tư liệu Ngô Thế
Vinh]
TRĂM
NĂM CÒN LẠI CHÚT LÒNG TỪ BI
Ngày 13 tháng 12 năm 2013, nhân 100 năm ngày sinh của giáo sư Phạm Biểu Tâm
1913-2013, các thế hệ sau nhìn lại để thấy rằng thầy Tâm là người đã dày công
xây dựng một trường Đại học Y khoa có truyền thống, cùng với một ban giảng huấn
đầy khả năng và thành phần sinh viên được tuyển chọn công bằng và nghiêm khắc,
dù trong chiến tranh, ngôi trường ấy vẫn có tiềm lực vươn tới một Trung tâm Y
Khoa hiện đại với đẳng cấp thế giới / world-class; vậy mà từ sau 1975 cả
một nền tảng tốt đẹp ấy đã bị chế độ cộng sản hoàn toàn làm cho băng hoại.
Nhớ lại khoảng thời gian được gần gũi với thầy Tâm, với tôi Thầy như một biểu
tượng sống động cho lời thề Hippocrates, luôn luôn là tấm gương sáng cho các thế
hệ y khoa, không chỉ về tài năng chuyên môn mà cả về đạo đức nghề nghiệp; Thầy
vẫn cứ mãi mãi là hình ảnh “sẵn sàng dấn thân” của một Tráng Sinh Bạch Mã Lên
Đường.
Giáo sư Phạm Biểu Tâm mất tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 12 năm 1999 trong sự thương
tiếc của gia đình, các môn sinh và toàn thể y giới Việt Nam tại hải ngoại và cả
trong nước, thương tiếc một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong
Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước.
Nhớ Thầy Phạm Biểu Tâm, đọc lại bài thơ thiền của Thầy, để tìm được nguồn an ủi:
Trăm
năm trước thì ta chưa có
Trăm
năm sau có cũng như không
Cuộc
đời sắc sắc không không
Trăm
năm còn lại chút lòng từ bi…
NGÔ
THẾ VINH
California, 20.07.2017
California, 20.07.2017
[Trích
Tuyển Tập Chân Dung, sắp xuất bản]
Tham
Khảo:
1/
Trần Ngọc Ninh. Một
Hình Bóng, Một Con Người, Giáo Sư Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm. Tập San Y Sĩ, số 201,
05.2014
2/
Nghiêm Đạo Đại. Nhìn
Lại Trường Y Khoa Đại Học Sài Gòn với Giáo Sư Phạm Biểu Tâm. Tập San Y Sĩ, số
201, 05.2014
3/
Hà Ngọc Thuần. Tiểu
sử Giáo sư Phạm Biểu Tâm [1913-1999].
Tập
San Y Sĩ, số 201, 05.2014
4/
Thân Trọng An. Giáo
Sư Phạm Biểu Tâm, Biểu Tượng của Y Đạo, Y Học, Y Thuật. Tập San Y Sĩ, số 201,
05.2014
5/
Ngô Thế Vinh. Tìm
Lại Thời Gian Đã Mất, Tưởng Nhớ Thầy Phạm Biểu Tâm. Tập San Y Sĩ, số 201,
05.2014
*
Ghi Chú:
Một số hình ảnh hiếm quý trong bài viết được trích từ Album gia đình Giáo Sư Phạm
Biểu Tâm. Cám ơn Anh Phạm Biểu Trung, đã scan các hình ảnh và gửi cho
chúng tôi.
No comments:
Post a Comment