Đỗ
Hồng Ngọc
Gió heo may đã về
Thư
gởi bạn xa xôi,
Phạm
Văn Nhàn ‘meo’ bảo Thư Quán Bản Thảo kỳ tới làm số đặc biệt về Lữ Quỳnh, viết
gì cho bạn đi. Viết gì? Thơ Lữ Quỳnh mình đã viết không chỉ một lần: Đừng giục
cơn sầu nữa sóng ơi!… nhớ không? LQ cũng đã đưa vào tuyển tập.
Hôm
nay nói chuyện khác nhé. Mình vốn đánh giá cao cái cách trình bày sách của LQ.
Phải nói là bạn có cái ‘gu’ rất hạp với mính, vì thế mà cuốn Gió Heo May Đã Về
cũng như tập thơ Vòng Quanh mình đều nhờ LQ trình bày sách. Càphê góc đường nào
đó một buổi, trao đổi với nhau vài ba ý gì đó, tức khắc LQ ‘dựng’ lên cuốn sách OK ngay! Trình bày sách
không dễ đâu. Phải có nghệ thuật và phải có… tâm hồn, thấu cảm với tác giả.
Năm
1995, mình được 55 tuổi, vừa nghe chút ‘gió heo may…’ về, và cắm cúi viết. Một
tùy bút không giống ai. Tiêu đề toàn là những ca từ của Trịnh Công Sơn, rồi đề
từ trên mỗi chương cũng là ca từ TCS (về sau này có người nói nhờ đọc cuốn này
mà thấu hiểu thêm về TCS đó bạn ạ!). Đưa Đỗ Trung Quân coi, Đỗ khoái chí viết
ngay bài “Như sông vào biển” trên Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày đó. Trịnh Công Sơn viết
thêm mấy dòng, nét chữ bay bướm, như một lời Bạt. Mình chọn một số minh họa của
Đỗ Trung Quân đưa vào các chương sách rất có ý nghĩa. Dĩ nhiên, không phải là một
tùy bút y học, tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học gì cả mà là một thứ “tả
pí lù”, đầy hoang mang của lứa tuổi chớm già này. Tựa sách lúc đầu là Tùy bút
viết cho tuổi chớm già. Nghe nặng nề quá. Mình và LQ bàn bạc rồi đổi tựa thành
Gió heo may đã về... Sách bất ngờ bán chạy như tôm tươi. Tái bản liên tục. Báo
Sàigòn Tiếp Thị thăm dò đưa lên mục Best seller. Chuyện in sách, bán sách gì gì
mình giao hết cho LQ lo. Lâu lâu bạn nói sắp tái bản. Lâu lâu bạn nói có chút
tác quyền còm đủ càfé. Vậy thôi. Là sướng rồi.
Nay
2017, vừa đúng 20 năm, ngày phát hành Gió heo may đã về, mình nghĩ đến lúc nên
đưa vài hình ảnh cuốn sách 20 năm trước coi cho vui nhé. Dịp này không quên cám
ơn Trịnh Công Sơn, Đỗ Trung Quân và đặc biệt cảm ơn Lữ Quỳnh, người bạn “mát
tay”, có tài trình bày sách… quý hiếm!
Thân
mến,
ĐỖ
HỒNG NGỌC.
Minh họa Đỗ Trung Quân (1)
Minh họa Đỗ Trung Quân (2)
Minh họa Đỗ Trung Quân (3)
No comments:
Post a Comment