Nguyên Giác
Tại một thiền
thất ở San Francisco.
Hình Internet
Thống kê luôn luôn có một
mức độ không chính xác. Xem các thống kê thời kỳ sắp bầu cử Hoa Kỳ tháng 11/2016 là biết: sai nhiều hơn là đúng.
Nhưng đó là thống kê chính trị. Hy vọng, thống kê về tôn giáo tại Hoa Kỳ gần với
hiện thực hơn, tuy rằng độ sai ít, có thể vì những người thống kê không tiếp cận
đầy đủ các sắc dân thiểu số.
Một điểm nhận thấy: dân
Hoa Kỳ ngày càng xa rời các định chế tôn giáo. Tuy xa chậm, nhưng xa chắc.
Một bản thống kê của Pew
Research phổ biến ngày 3 tháng 11/2015 cho biết rằng, tính chung tất cả, có 36%
dân Mỹ nói rằng họ đi dự lễ tôn giáo ít nhất một lần mỗi tuần, như thế là giảm
từ 39% trong năm 2007.
Suy giảm như thế là vì
tăng số người thành niên Hoa Kỳ nói rằng họ hiếm khi, hoặc không bao giờ dự lễ
tôn giáo (từ 27% trong năm 2007 tăng tới 30% trong năm 2014).
Tuy nhiên, ngồi nhà không
có nghĩa là không tu học. Bản tin Pew ngày 3 tháng 11/2015 nói rằng có 4/10 dân
Mỹ nói họ thiền tập/cầu nguyện (theo các hình thức tôn giáo riêng của họ) ít nhất
một tuần một lần. Như thế, con số 4/10 đông hơn con số 36% đi dự lễ tôn giáo.
Riêng về Phật giáo, thống
kê vừa dẫn cho biết 2/3 Phật tử Hoa Kỳ (66%) nói rằng họ thiền tập ít nhất hàng
tuần.
Một điểm đặc biệt của xã hội
Hoa Kỳ: có 1/5 người vô thần/atheist (19%), với ¼ người chủ nghĩa bất khả
tri/agnostics (24%) và 28% những người nói rằng họ chẳng theo tôn giáo nào cụ
thể/“nothing in particular” cũng nói rằng họ thiền tập ít nhất một lần một tuần.
Những người trả lời bản thăm dò nói họ thiền tập thường xuyên có thể có hay có
thể không mang một ý nghĩa tôn giáo; nhiều người thiền tập vì các lý do khác
hơn là tôn giáo hay tâm linh (thi dụ, thiền tập vì sức khỏe).
Theo báo The Blaze ngày 12
tháng 7/2017, cuộc nghiên cứu mới của The Barna Group, một tổ chức truyền giáo
Ky Tô bản doanh ở Ventura, California, đã liệt kê 10 thành phố Hoa Kỳ “hậu Ky
tô” – tức là không đức tin vào Ky tô giáo, cho thấy nơi kém đức tin Ky Tô nhất ở
Hoa Kỳ là: Portland-Auburn (tiểu bang Maine), nơi 57% thuộc tôn giáo khác hoặc
vô thần.
Riêng tại California, đứng
đầu về kém đức tin Ky tô giáo là khu vực San Francisco–Oakland–San Jose, Calif.
(50% thuộc tôn giáo khác hoặc vô thần) – và 60% lại nói rằng họ “không đi lễ
nhà thờ trong vòng 6 tháng qua.” Hiện tượng này dễ hiểu, vì khu vực Bắc Cali
đông người gốc Á, và là trung tâm điện tử thế giới, nơi tập trung giới trẻ khoa
học kỹ thuật, và ngay cả khi công ty Google dạy thiền tập trong công ty cũng
hoàn toàn không mang ý nghĩa tôn giáo.
Viện Barna kết luận cuộc
nghiên cứu rằng vai trò tôn giáo trong đời sống xã hội co cụm dần, và nhà thờ
không còn đóng vai trò thẩm quyền văn hóa như những thập niên xa xưa.
Báo The Blaze cũng ghi rằng
một cuộc khảo sát của Viện Gallup từ tháng 12/2016 cho thấy 21% dân Mỹ hiện nay
không có căn cước tôn giáo – tăng từ 15% những người nói như thế hồi năm 2008.
Thời thập niên 1940s và 1950s, chỉ 2-3% dân Hoa Kỳ không nói về căn cước tôn
giáo chính thức.
Như thế, cũng co cụm số
người là thành viên chính thức của nhà thờ. Barna nói rằng hồi năm 1973, có 73%
dân Mỹ nói rằng họ là thành viên của một nhà thờ, trong khi chỉ 56% nói như thế
hồi năm 2016.
Có một điều có thể suy
đoán được: số lượng dân Mỹ ngồi thiền tại nhà đông hơn, hẳn là vì phương pháp
Thiền tỉnh thức (Mindfulness meditation) đang được các bác sĩ và nhà giáo Hoa Kỳ
khuyến khích áp dụng để chữa bệnh, để giữ sức khỏe, để giữ lòng hạnh phúc hơn.
Nhằm áp dụng cho mọi thành phần xã hội như thế, ý nghĩa Phật giáo trong Thiền
pháp này đã được gỡ bỏ để không gây tranh cãi, và để phù hợp Hiến pháp Hoa Kỳ
-- đặc biệt là khi dạy Thiền trong quân đội hay trong trường học.
.
Melvin McLeod, Chủ bút tạp
chí Lion's Roar, trong ấn bản ngày 6 tháng 7/2017, có một bài viết nhắm vào những
mảng dân số xa lìa tôn giáo đó. Bài viết nhan đề “Are You Spiritual But Not Religious? 10 Reasons Why Buddhism Will
Enrich Your Path” (Bạn có quan tâm về
tâm linh, nhưng không tôn giáo? Có 10 lý do Phật giáo sẽ làm bạn phong phú hơn).
Mảng dân số “không tôn
giáo gì hết” chiếm 1/5 dân số thành niên Hoa Kỳ, trong đó có 72% là thế hệ trẻ
- tức là Generation Y (còn gọi là thế hệ Millennials) định nghĩa là những người
sinh sau thế hệ Generation X. Định nghĩa năm sinh của thế hệ Y không chính xác,
ước chừng là họ có năm sinh vào đầu thập niên 1980s tới đầu thập niên 2000s.
Những người trẻ đó là
tương lai Hoa Kỳ. Là thế hệ con em của những người đọc được tiếng Việt sành sõi
tại Hoa Kỳ hiện nay. Xã hội tương lai của họ hoàn toàn khác với xã hội chúng ta
đã trưởng thành tại VN, và cả khác với thế hệ đầu tiên gốc Việt trưởng thành tại
Hoa Kỳ.
Melvin McLeod giải thích với
mảng dân số xa lìa tôn giáo nhưng có quan tâm về tâm linh rằng, Phật giáo thích
nghi tuyệt vời cho họ với 10 lý do:
1. Không hề có Thượng Đế Phật Giáo. Phật Giáo nói rằng có cõi chư
thiên, nhưng nói rõ rằng không hề có Đấng Sáng Tạo.
2. Phật Giáo nói không có
chuyện cứu độ. Phật Giáo nói rằng có Phật Tánh, nhưng nói rõ rằng tất cả là thiện
tâm nơi tự tâm mỗi người. Chỉ cần bạn nhìn thẳng vào tâm, lặng lẽ, buông xả mọi
thứ vướng bận, và bản tâm thanh tịnh sẽ hiển lộ.
3. Vấn đề là khổ, là bất
như ý. Câu trả lời, tức là đáp số, là tỉnh thức, là giác ngộ.
4. Phương pháp không có gì
xa, chi là nơi tự tâm của bạn; nhìn kỹ sẽ thấy nơi tâm bạn đã tự lặng lẽ, tự tỉnh
thức, tự hoàn hảo.
5. Không ai có thể làm
thay bạn. Bạn phải tự làm việc với tâm của bạn. Có thiện tri thức, có thầy, có
huynh đệ, có bạn hữu… nhưng cốt tủy là nơi bạn.
6. Có một thực tại tâm
linh, một thực tại vô sắc (There is a spiritual, nonmaterial reality). Chỗ này,
bạn nên tự khám phá trong tâm bạn.
7.Nhưng bạn không phải làm
bất cứ chuyện gì về đức tin. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Phật Giáo phải từ bỏ
những tin tưởng nào mà khoa học chứng minh không có.
8. Phật Giáo cung cấp nhiều
phương tiện thiện xảo cho nhiều nhu cầu, thành phần khác nhau.
9. Phật Giáo cởi mở và
không định chế. Cộng đồng Phật Giáo tại Hoa Kỳ đa dạng, chống kỷ thị chủng tộc
và tính phái (hiểu là cởi mở với cả đồng tính).
10. Và Phật Giáo hiệu quả
(it works).
Như thế, khi bạn gặp thế hệ
trẻ tình cờ rơi vào mảng dân số chủ trương vô thần, hay chủ trương bất khả tri, bạn có thể hy vọng rằng các em có thể sẽ
tiếp cận Phật Giáo theo cách khác hơn bạn. Và hãy nói về 10 thích nghi tuyệt vời
trên.
.
Tuy nhiên, có thể vì các
em sẽ không thể nhớ hết những thích nghi tuyệt vời đó, và cũng không chắc sẽ
kiên nhẫn để nghe bậc trưởng thượng nói dài dòng... Trường hợp như thế, bạn chỉ
cần nói một điều cốt tủy trong Phật giáo thôi: rằng thực sự không hề có một pháp
nào để làm.
Để hấp dẫn các em, bạn nên
nói theo hình thức một truyện kể... May quá, đã có nhà sư Ajahn Brahm (sinh tại
Anh năm 1951, và tu học theo truyền thống Thái Lan, hiện là viện chủ một Tu Viện
ở Úc và thuyết pháp ở nhiều quốc gia khác) kể về cốt tủy này trên YouTube.
Chuyện như sau, trích:
“Một Phật tử điện thoại tới tu viện, xin gặp Thiền sư:
Cung thỉnh Thầy tới ban phép lành cho
căn nhà mới của con.
Nhà sư đáp: Rất tiếc, Thầy đang bận.
Phật tử hỏi: Thầy đang bận làm gì, con giúp được
không?
Nhà sư đáp: Thầy không đang làm gì cả, và không làm bất
kỳ một pháp nào chính là pháp cốt tủy của một nhà sư, và con không giúp gì được
thầy đâu.
Do vậy, sáng hôm sau, Phật tử điện thoại tiếp: Thầy
ơi, con mời Thầy tới ban phước cho căn nhà con.
Nhà sư đáp: Rất tiếc, Thầy đang bận.
Phật tử hỏi: Thầy đang bận gì vậy?
Nhà sư đáp: Thầy không đang làm gì cả.
Phật tử hỏi: Nhưng đó là Thầy đã làm hôm qua như thế.
Nhà sư đáp: Đúng vậy, Thầy chưa xong mà...” (hết trích)
Như thế, từ 10 thích nghi
tuyệt vời, bạn có thể nói với giới trẻ khoa học kỹ thuật rằng chỉ cần một
thôi...
NG
No comments:
Post a Comment