Elena Pucillo Truong
Nguyên tác: il nastrino viola
Bản dịch của Trương Văn Dân
Portrait of a man. By
Modigliani
Nút thắt vừa
được mở. Chiếc ruy băng màu tím dùng để cột những bức thư mà tôi đã đọc đi đọc
lại nhiều lần, lần nào cũng đầy cảm xúc. Tất cả bắt đầu từ mười năm trước, khi
tôi rời quê hương để tìm việc làm ở phía bên kia trái đất. Thật chẳng dễ chút
nào... nhưng thời đó đâu có nhiều chọn lựa: Chết hoặc sống bấp bênh với những
cơn đói thường trực... Thế là phải nắm bắt
cơ hội để có thể đổi đời... mà nào chỉ
là cuộc đời của riêng tôi.
Đi, mà không
biết điều gì sẽ xảy ra và thực tế là tôi đã phải trả một giá đắt đỏ. Ngay cả
khi tìm được một công việc như rửa chén trong nhà hàng, tôi cũng chẳng bao giờ
có thời giờ để suy tính. Chấm dứt công việc đó tôi tìm được một công việc khác,
giữ chân bảo vệ ban đêm hay thay thế lão gác dan trong một khách sạn rẻ tiền.
Ngày và đêm đều giống nhau, chỉ có trái
tim tôi là luôn hướng về một nơi chốn xa vời hơn mười nghìn cây số.
Công việc bận bịu đến nỗi có nhiều
lúc tôi chẳng có thời gian ăn uống. Buổi sáng nuốt vội một cái gì, một mẩu
bánh mì và một tách cà phê, được nhà chủ bao cho sau một đêm làm việc, còn tiền
lương thì tôi cố gắng tiết kiệm. Góp được đồng nào là tôi có thể gửi thêm về cho
ba mẹ ở bên kia trái đất, hai người già có đôi mắt sáng, và chỉ vì tôi mà họ sống.
Suốt đời, họ đã làm việc cật lực và cho tôi rất nhiều yêu thương, cho tôi biết
mùi vị của sách vở, nhưng không đủ khả năng để lấp đầy cái khoảng trống nằm trong
bao tử lúc nào cũng háu đói. Có lẽ chẳng mấy ai thật sự biết cái đói nó khủng
khiếp như thế nào : Cái lưỡi liên tục
đưa qua đưa lại trong cái miệng chẳng có gì để nhai và kéo dài hằng giờ như
thế mà chẳng có chút hy vọng nào là sẽ có được một chén cơm. Chỉ có trí óc mới
có thể giúp ta quên nghĩ đến nó : Ba kể cho tôi nghe về những thế giới xa lạ,
những cuộc phiêu lưu, nói về những cánh rừng có cọp và voi đi qua, về những cuộc
nhào lộn trong lễ lạc ở các làng mạc xa xôi hay nói về âm nhạc với tiếng
trống, chiêng và kèn rộn rã. Đó là những thế giới kỳ ảo, như các hình ảnh màu sắc
rực rỡ trong kính vạn hoa, trong đó ánh sáng được nhân lên để làm cho cái góc
tăm tối và nghèo nàn mà chúng tôi đang sống trở nên dễ chịu. Đó là lý do mà dù đã ra đi nhưng tôi không thể
nào quên được những ánh mắt và bốn bức tường thân thương của gia đình. Tôi
làm việc, làm việc. Rồi ban đêm, khi công việc đã thưa đi, cũng có thể viết
thư về nhà. Và những điều tôi viết cho họ bây giờ cũng giống như thế giới kỳ ảo
mà ba tôi thường kể: Có rất nhiều người giúp đỡ tôi, một công việc nhàn hạ, thoải
mái và tôi đang sống một cuộc đời đơn giản và chẳng có buồn đau...
Đó là một món
quà cho ba mẹ và cũng là sự đền đáp về tất cả những hy sinh mà suốt đời họ đã
dành cho tôi.
Sau đó thì những
bức thư hồi âm từ xa xôi cũng đến với tôi. Thuở đó đâu được như bây giờ, chỉ cần
viết rồi nhấn phím là lát sau có được tin trả lời. Thời đó, những bức thư phải
cần vài tháng và trong khi chờ đợi hồi âm tôi thường tưởng tượng ra những điều
mà họ sẽ viết.
“ Cảm ơn số tiền mà con vừa gửi
cho ba má. Nhờ nó mà mẹ con vừa may được một bộ đồ và ba cũng mua được một cái
quần mới. Ba mẹ khỏe, con yên tâm. Hãy cố gắng sống bình an và hạnh phúc. Bên
này ba má chỉ cần một ít tiền để sống, điều quan trọng là con viết thư liên lạc
thường xuyên để ba má khỏi trông. Con biết không, cứ mỗi lần đọc lại những bức
thư, ba má cứ tưởng là con vẫn còn hiện diện ở đây với gia đình chứ không xa
ngút ngàn như sự thật...”
Với tôi cũng thế. Tôi cũng thường đọc lại
những bức thư nhà rồi cẩn thận xếp lại, cột tất cả bằng một dải ruy băng màu
tím. Trong những lúc đó tôi cũng tưởng như mình vẫn còn sống trong gia đình,
tôi lật qua lật lại những trang giấy mỏng và nhẹ như giấy quyến nhưng đầy ắp chữ
cùng những lời khuyên để trưởng thành một người tử tế. Rồi tôi lớn lên với một
nỗi nhớ thương liên tục trong tim.
Làm việc
nhiều nên tôi gầy như một que củi, thế nhưng khi nghe ai hỏi, tôi liền trả lời
là tại thích chạy bộ để giữ gìn sức khỏe rồi vừa cười vừa lịch sự chào họ.
Thời gian cứ thế trôi qua và tôi bắt đầu
nói thạo thứ ngôn ngữ thật xa lạ của những ngày mới đến nên tôi đọc, đọc tất cả những gì mà tôi tìm được trong khách sạn.
Có khi một tờ báo, có lúc một tạp chí khoa học hay một vài quyển sách mà một người
khách đãng trí nào đó đã bỏ quên. Rồi một ngày tôi như bị hút bởi một trang
sách đầy những con số và đồ thị... rồi chợt hiểu là những phép tính trong toán
học chính là một thế giới mà mình thích khám phá. Quyển sách ấy thế là chưa đủ,
và tôi quyết tìm cách học thêm. Rồi hằng đêm tôi chăm chỉ học, đến nỗi quên cả
thời gian đã trôi qua. Có nhiều lần mệt mỏi, thế nhưng chỉ cần đọc lại những bức thư nhà là tôi cảm
thấy tinh thần thư thái và có cảm giác là mình mạnh mẽ thêm lên.
“ Con yêu dấu, lúc này tuy ba
má đã già hơn nhưng vẫn còn mạnh khỏe. Lúc này còn có những người hàng xóm thật
tốt bụng và tử tế, thỉnh thoảng họ còn đi chợ giúp ba má hay nấu cho những món
ăn ngon. Ít ra thì ba má cũng chẳng đơn độc. Nhớ viết thư thường xuyên nhé, như
thể con đang tặng ba má một phần đời của con và ba má rất vui vì con hạnh phúc
”
Họ đâu biết hạnh
phúc của tôi chính là được ở bên cạnh họ. Nhưng như vậy cũng được thôi. Dù sao
thì sự xa cách này cũng có một ý nghĩa. Hoặc chính tôi phải gắn cho nó một ý
nghĩa vì mình chẳng thể làm gì khác.
Mười năm trôi
qua và giờ này thì tôi có thể sống và làm việc ở nơi chốn xa lạ này nhưng vẫn cảm
thấy an tâm. Tôi không còn là một chàng thanh niên nữa... mà đã là một người
đàn ông trưởng thành và rất tự hào về những điều mình thực hiện. Tôi không còn
làm việc ở quán ăn, cũng không còn thức
đêm ở một khách sạn nằm ở ngoại ô thành phố. Bây giờ tôi dạy tin học và với vị trí
này tôi có thể giúp đỡ nhiều sinh viên ngoại quốc đã đến đất nước xa lạ này để
tìm kiếm một tương lai. Họ chẳng biết nỗi niềm của tôi nhưng tôi thì hiểu sâu sắc
cuộc đời và những hy sinh mà họ đang gánh chịu. Nhiều em kể với tôi về những
cơn đói lúc còn ở trên quê hương xa vời của họ và làm tôi như thấy lại bóng
mình trong gương, với đôi mắt lạc thần cũng với nỗi sợ hãi về tương lai... luôn
xuất hiện trong mắt tôi thuở đó.
Những buổi tối rảnh rổi tôi thường đọc lại
những bức thư cuối cùng của ba mẹ vì rằng
đã rất lâu rồi tôi không nhận được tin gì của họ. Hằng tháng tôi đều gửi một ít
tiền đã dành dụm được, về sau càng ngày càng nhiều thêm, nhưng thư hồi âm của họ
càng ngày càng thưa dần. Tôi nghĩ chắc vì tuổi già, mắt kém, nên với họ, viết một bức thư cũng là điều khó nhọc. Và với ý
nghĩ đó, tôi càng cố gắng viết cho họ nhiều hơn, hay khi bận rộn chỉ viết
được vài hàng nhưng lần nào cũng bỏ kèm thêm một ít tiền. Nhưng tin tức về
họ vẫn mịt mờ. Thế là cuối cùng tôi cũng phải chọn một quyết định, bây giờ
thì tôi có thể trở về quê thăm ba mẹ và nhân tiện chào hỏi và cảm ơn những người
hàng xóm tốt bụng.
Trong những bức
thư cuối cùng hình như cả ba và mẹ đều viết cùng một giọng, nhưng có lẽ lúc
này thì họ đã quá già rồi, và mặc dù đã nhiều lần tôi yêu cầu gửi cho tôi một bức hình mới chụp
nhưng họ vẫn không làm. Hình ảnh họ trong lòng tôi chắc vẫn giống như trong bức hình đen trắng
cũ đã mờ, trong đó mẹ trùm khăn trên đầu còn ba thì mặc chiếc quần rộng thùng
thình có nhiều mảnh vá. Giữa họ, có tôi, lúc đó còn mặc quần ngắn nên phô ra
đôi chân khẳng khiu, còn hai con mắt thì bị một lọn tóc vô duyên phủ lên một
cách mất trật tự.
Cầm lấy
dải ruy băng màu tím để cột lại những bức thư cũ. Lòng tôi rạo rực vì sắp đến
ngày khởi hành. Ba mẹ sẽ ngạc nhiên như thế nào trong chuyến về thăm bất ngờ,
không báo trước ?
Tôi gõ mạnh lên bàn phím của máy tính, như
thể trong tay đang cầm cây búa. Tôi muốn đập vỡ, tan tành, mà không sao làm được. Nhưng thật ra tôi cũng chẳng biết mình đang
làm gì. Đối với mọi người, tôi vừa trở về từ một cuộc đi chơi, một kỳ nghỉ, thế
nhưng những quầng thâm dưới đôi mắt mệt mỏi, hiển nhiên đến không thể nào che
giấu. Bao nhiêu nước mắt, trời ơi, bao nhiêu tiếng nấc nghẹn mà tôi vật vã nuốt
trọn vào lòng, dù vẻ ngoài vẫn cứ nở một
nụ cười gượng gạo.
Trở về thăm nhà sau mười năm xa cách và tôi hiểu
ngay lý do của những bức thư thưa thớt đến từ gia đình. Nhưng làm gì còn một
gia đình nữa mà trông mong, chờ đợi!
Chẳng
còn ai cả. Ba, mẹ... họ đã chết cách nhau chỉ vài tháng và thi thể được chôn cất
trong hai nấm mộ nghèo nàn. Trên đó chỉ có một tấm bia ghi tên, lấm láp bùn đất.
Họ đã chết
cách đây năm năm, còn tôi, giờ đứng trước
hai nấm mồ lạnh lẽo để nhìn hàng chữ, những con số... “ mất ngày...” “ từ
trần ngày...”. Họ đã quá già và hai trái tim cằn cỗi đã không còn chịu nổi.
Còn tôi, nếu bỏ lại trái tim cạnh đó cũng vẫn còn chưa đủ.
Tôi khóc nức nở
cho đến hết những giọt nước mắt cuối cùng.
Những giọt nước
mắt đầu tiên chảy xuống khi tôi đứng trước căn nhà thời thơ ấu. Vài tấm ngói
còn nằm chông chênh trên bốn bức tường rệu rã và xiêu vẹo giữa đống cây cỏ um
tùm. Tôi gào lên, vô ích: “Ba, Má... các người đang ở đâu?”. Cuối cùng tôi đọc tấm giấy
đã úa vàng bọc trong chiếc bao ny-lon rách nát : “ Thư từ xin liên hệ ở
nhà số 52....”
Một ông lão đang ngồi hút thuốc bên ngoài căn
nhà bên cạnh đã chỉ tôi tìm ba mẹ ở nơi nào.
-“ Họ nằm ở đó, trong nghĩa trang ở cuối làng!”
Tôi chưa hiểu. Bước đi vài bước rôi tôi quay
người để hỏi thăm căn nhà những người
hàng xóm tốt bụng.
“Đó, căn nhà
cao ba tầng đó là căn nhà số 52”
Mỗi bước chân
tôi nặng như treo đá. Thất thểu lê người đến trước cổng nhà to lớn và bắt đầu
nhấn chuông.
“Ai đó? Chuyện
gì vậy?”
Đáp lời tôi
là một giọng cáu kỉnh và một người đàn bà ra mở cổng, ló đầu ra :
“Anh là ai? Cần gì?”
Chỉ vừa nói
tên tôi thì mặt bà ta tái mét. Bà lẩm bẩm vài lời... đáng lý phải báo tin... phải
cho ông hay... Một sự ngượng ngập cũng
xuất hiện trên nét mặt người chồng, nhưng ông ta im lặng. À, phải rồi, trong những tình huống như thế này thì người
đàn bà luôn được đưa ra để phân trần, nhỏ vài giọt nước mắt, và phía bị hại thế
nào cũng mủi lòng, hay ít ra không thể phản ứng mạnh.
Giờ thì mọi
việc đâu có thể thay đổi! Năm năm đã trôi qua mà họ vẫn không cho tôi hay biết.
Thời gian đầu... họ “cũng” định trả
lời những bức thư của tôi, nói cho tôi biết sự thật...nhưng sau...
Tôi khinh khỉnh
nhìn những ánh mắt lấm lét trên khuôn mặt trơ trẽn của họ, nhưng không thể nói
được gì. Còn bà vợ thì nói, nói rất nhiều, như thể để lấp đầy sự yên lặng tráo
trở sau mỗi câu nói. Cuối cùng tôi mới nói được vài lời.
- Còn tất cả
những số tiền mà tôi gửi về cho ba mẹ? Đâu rồi ?
Hai người
kín đáo nhìn nhau rồi im lặng nhìn ra
xung quanh. Tôi đã hiểu tất cả và bây giờ tôi không muốn làm gì khác hơn là chạy
thật xa hai con ma không có trái tim và trốn khỏi căn nhà khốn nạn đó.
Thời gian vừa
đủ để tôi có thể gọi một chiếc xe để đưa
tôi về một khách sạn trong thành phố và sau đó vội sắp xếp cho chuyến trở về trước thời hạn.
Đâu còn lý do gì để ở lại, và cho ai bây giờ?
Thế nhưng
bây giờ đây, mỗi ngày cơn giận của tôi cứ dần dà trào ra. Một cánh cửa bị dập mạnh,
một câu trả lời cáu gắt bất ngờ buông ra một cách thiếu lịch sự. Năm năm chồng
chất những nỗi đau, hao tốn, nhưng vì nó đời tôi còn có một mục đích. Còn bây
giờ... Hình như tôi chẳng còn lý lẽ gì để tin về những điều mình làm. Mỗi buổi
sáng thấy bóng mình trong gương mà như thể đang nhìn một con người khác: Hàm
râu mọc dài, má hóp, hai hốc mắt trũng sâu và không còn ánh sáng. Tôi không còn
là tôi nữa. Tôi không còn lịch sử, một cuộc đời ở phía sau lưng. Tệ hơn nữa là
tôi cũng chẳng nhìn thấy vì điều gì để sống trong tương lai. Như thể tôi cũng
bị chôn vùi trong hai huyệt mộ ở quê nhà.
Đã nhiều ngày
... nhưng tôi chẳng thiết đi làm. Tôi
như bị chôn sống trong nhà và chẳng quan tâm đến bất cứ việc gì. Những ngày đầu, tôi có nghe vài tiếng chuông
điện thoại nhưng sau đó thì không. Tôi đi đi lại lại trong nhà không mục đích, di
dời vài vật dụng từ bàn đến tủ sách, cầm trên tay quyển sách, mở một hộc bàn
nhưng đóng liền sau đó. Rồi tôi bước qua một căn phòng khác hay lập lại những động
tác vừa rồi, di dời, rờ rẫm, mở rồi lại đóng...
Sau một thời gian, a, đây rồi, tôi nhìn thấy đầu của một dải ruy băng màu tím đã bạc màu.
Tôi cầm lấy xấp phong bì, nhưng vì mở vội nút thắt nên làm các bức thư rời
ra, lả tả. Tôi cầm lấy một bức hình đã úa màu và cảm giác như mình đang chạm
vào một cái gì đó rất thiêng liêng. Rồi bằng một cảm xúc mãnh liệt tôi bắt đầu
lật những trang giấy đã úa vàng và tìm
thấy trong mỗi hàng chữ một sức mạnh mới.
“ Con yêu dấu, cảm ơn con về tất cả những niềm vui dành cho
ba má. Nhưng con đừng bận tâm. Mỗi lần đọc những hàng chữ này thì cũng như ba
má đang ở bên con. Hãy sống hạnh phúc. Cuộc đời đầy những khó khăn. Ba má lúc
nào cũng cầu nguyện cho con, ngõ hầu con có thể sống một cuộc đời tốt đẹp. Hãy
bảo trọng nhé, con yêu ”
ELENA PUCILLO TRUONG
Sài Gòn 7/2014
(Nguồn : tập san VHNT Quán Văn số 25, 8-2014)
No comments:
Post a Comment