Hồ
Đình Nghiêm
Góc phố
tranh ở Quebec
Tôi
đeo sac à dos sau lưng. Ra đi phải
mang ba-lô, quần áo cứ thế chêm vô. Tôi mua một vé đi métro lắc lư chạy tới bến
xe đò, tự hỏi mình về nguồn gốc chữ ba-lô. Vì sao lại Tây ba-lô nhỉ? Có Việt
ba-lô chăng? Lắc lư con tàu đi. Tàu ấy là tàu hoả, tàu điện hay tàu thuỷ? Trên
đất hay dưới nước? Chắc chẳng phải là tàu bay lượn trên không trồi sụt những
mây chập chờn.
Đi
về những địa phận khác thì có lắm người sắp hàng, riêng quầy bán vé Québec thì
tôi là người đứng thứ ba, sau một bà già và sát cái va-li to tướng của một
trung niên râu ria xồm xoàm. Khứ hồi hay sao? Người ngồi sau tấm kính hỏi tôi.
Không, vé lẻ. Tôi trả lời và đút ba tờ 20 vào cái vòm cung khoét dưới tấm kính
ngăn chia. Số bạc lẻ mà người mặc đồng phục màu xanh vừa thối cho tôi không chắc
sẽ mua được một ly cà phê. Dầu gì thì chất nước không dùng để giải khát ấy là
thứ mà tôi cần dung nạp. Bạn thấy đó, ở sân ga, ở bến tàu, ở sân xe đò, ở phi
trường, kẻ lữ thứ thường dùng cà phê để đè nén bao bồi hồi, lắm xúc cảm.
Lại
phải đối mặt với cô hàng cà phê: Lớn? Trung bình? Nhỏ? Tôi nhìn mặt hoa da phấn
đang được tẩm hương thơm không phải cứt chồn. Trung bình, xin vui lòng. Và phụ
chú thêm: Loại dark, strong. Plus fort possible. Đắt đỏ quá. Cà phê ở bến xe
thường không mấy ngon, nhưng họ có lý do chính đáng để bán giá khác thiên hạ. Sắp
lên đường mà, chín bỏ làm mười đi mà, phân bì kiện tụng đưa ý kiến làm gì cho
ngày mất vui, sir!
Mông-xừ
lạ mặt ôm ly cà phê đi ra ngoài trời. Trời nắng, thứ nõn nà của dương quang vừa
thức giấc. Lá cây xanh biếc cũng bừng tỉnh, đêm qua hình như sương có về. Không
gian dựng đặt một hình khối hư ảo, nó khiến tôi nhớ Hàn Mặc Tử: Sao anh không về chơi thôn Vỹ? Xa xứ lạc
bước đến nơi này, tôi vẫn xem Québec là một thôn Vỹ tưởng tượng dù có thắp đuốc
hai hàng cũng chẳng tài nào ngó ra một ngọn cây cau, một hoa bắp lay bên sông
có dáng con đò sẵn lòng chở ánh trăng về đúng với hẹn thề.
Đây
về thôn Vỹ mất hơn ba tiếng, chưa kể dọc đường phải dừng ba nơi để đổ người xuống
đón khách lên. Liên tỉnh lộ thênh thang, hút mắt những cánh đồng không biên giới
ẩn hiện những căn nhà tạo ra từng vệt màu nóng trên bức tranh thẫm xanh làm
trôi bớt sự buồn tẻ điệp trùng. Một đàn bò ơ hờ gặm cỏ, đôi ba con ngựa chạy
loanh quanh. Những chiếc máy cày được phủ bạt và đàn chim đậu trên dây chùng
trông như những nốt nhạc chưa hoàn thiện, khó trỗi nên cung bậc du dương. Tất cả
câm lặng vì xe đò dường như có trang bị hệ thống cách âm. Ngay cả khi lao thân
dềnh dàng đi, tiếng động cơ cũng không việc gì phải gầm rú. Êm ái, rù rì, dễ
làm mắt ríu lại. Tôi đứng lên với tay moi bọc hành lý để nhặt ra cuốn sách nhàu
cũ mang tựa “L’ile d’espérance”. Một kỷ niệm vàng úa Diane trao tay trước hôm từ
giã Québec. Diane là cô giáo dạy Pháp văn ở ngôi trường COFI, cánh cổng học đường
đầu tiên dành cho bọn di dân đa chủng tộc trọ trẹ ú ớ tấp vào. Cô tận tuỵ, chí
tình chỉ bày và hơn bốn năm chia lìa tôi chưa ngốn xong cuốn tiểu thuyết của
Erich Maria Remarque. Tôi đọc nhát gừng, chắp vá với cuốn từ điển Pháp-Việt tuy
vậy vẫn cảm được cái không khí tan vỡ, đố kỵ, lạc lõng, mất niềm tin mà tác giả
bày ra qua nhân vật Ernst Grâber, người lính trẻ được về phép từ mặt trận bên
Nga. Diane đã rào đầu tuy cùng một tác giả nhưng cuốn “A l’Ouest rien de
nouveau” hay hơn. Tôi thưa, hình như hồi còn ở quê hương, bậc trung học tôi đã
từng xem qua, dưới tựa “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Và tôi đã chết mê chết
mệt. Ở xứ tôi chiến tranh liên miên, ác liệt, gà cùng một mẹ đá nhau chết bỏ
nhưng chưa có ai đủ nội công để vẽ nên một cảnh sắc bạc tình vô lý đớn đau kèm
chút thơ mộng tựa Remarque. Xe đò mỗi lúc một thu ngắn dặm trường, Québec miền
Tây Bắc biết có yên tĩnh như ngày xưa?
Tôi
không là một quân nhân Đức được hai tuần phép về lại thành phố tan hoang bom đạn,
tôi chỉ là một di dân mà Québec ngày đó đã mở ra cánh cửa đầu tiên, rộng lòng
đón nhận, dạy dỗ nuôi nấng. Cho cơm ăn, cho áo mặc và cho tấm lòng vàng son của
Diane thiết thân chia sẻ. Khác biệt không gian thời gian hoàn cảnh, khác tất.
Nhưng lạ lùng là tôi đang mang tâm trạng gần giống như Grâber, hoài nghi chen lẫn
bồi hồi. Nhân vật ấy về căn nhà cũ bị đánh sập, tìm bố mẹ thất lạc ở trung tâm
tiếp cư, ở nhà thương, ở trường học, thậm chí chạy ra ngoài nghĩa trang để nhìn
mặt từng tử thi. Còn tôi tự lục soạn trong đầu ra từng địa chỉ, bốn năm hẳn đủ
dài để Diane thay đổi số phận trên chính quê hương mình? Tóc nâu luôn bối lên,
cái ót nhiều lông măng, sợi dây chuyền đánh rất nhuyễn để đeo một mặt ngọc xanh
hình thể như một giọt nước. Nước rơi lưng chừng giữa đường khe chia lìa đôi vú
không mấy lớn, áo nịt ngực mang số A-34. Tiếng Pháp mang nặng thổ âm, luôn nói
chậm rãi cho các “trò” bắt kịp, thông hiểu. Tôi mê đắm lời thơ Jacques Prévert
khi Diane cất tiếng giảng về một bài học nằm ngoài giờ. Alicante:
Une orange sur la table
Ta robe sur le tapis
Et toi dans mon lit
Doux présent de la présent
Fraicheur de la nuit
Chaleur de ma vie.
Bến
xe đò ở Québec có nới rộng, sửa sang, nâng cấp. Một khách sạn 3 sao nằm kề còn
mới màu vôi, cờ tỉnh bang màu xanh nước biển in hình 4 bông huệ trắng phập phồng
ở đỉnh cột vắng gió. Việt ba-lô đứng với thân chao khi cảnh cũ ập tới mang nhiều
đổi thay. Từ đây về trung tâm thành phố nếu không dùng taxi thì băng qua bên
kia đường, vào lồng kiếng đợi chuyến buýt mang số 11 ghé ngang, và tội gì phải
gọi taxi. Xe buýt sẽ chạy vòng vo lắc léo ở các con đường, mất thời gian một
cách vô lối, phí phạm để đánh đổi một lộ trình bình thường chẳng quá bốn lăm
phút. Nhưng đã có hành khách là tôi đang mềm lòng hoài niệm, tôi muốn nhìn lại
đủ mọi góc cạnh về nơi chốn tôi dầm mình trong hơn hai năm. Dịu dàng tươi mát
trong đêm và cuộc sống tôi từng đón nhận sự ấm áp không diễn tả được bằng lời.
Ngôi
trường đã đổi thay bảng hiệu, Mái ngói bạc màu như ngân sách tỉnh bang hết hào
phóng nuôi dạy bọn người tứ xứ. Tốn kém cả trăm điều, bạn nên hiểu cho. Hỏi về
một cô giáo tên Diane, tầm 40 tuổi, cao 1m 70 nặng 52 ký là chuyện bất khả.
Chúng tôi không phải cảnh sát và nếu là police thì họ đề nghị bạn nên mang theo
một tấm ảnh, mất chừng non tháng, hy vọng thế, chúng tôi sẽ tìm ra một bóng
chim tăm cá. Cây xăng nằm ở góc đường vẫn chưa di dời. Tiệm tạp hoá gần bên
cũng mang diện mạo loè loẹt như cũ. Một nhà giữ trẻ đối mặt với “kẻ thù” muôn đời
có sức thu hút những đứa đầu xanh vô tội: McDonald’s.
Tôi từng được nhận vào đó làm người phục vụ đồ ăn nhanh có mặc đồng phục tươm tất.
Chỉ đúng một tuần vì trình độ giao tiếp với khách hàng của tôi quá thấp. Đang học
tiếng Pháp và tiếng Anh thì đi đong kể từ hôm người bạn đồng minh nhẫn tâm tháo
chạy. Nghe tôi bị đuổi, Diane an ủi theo cách của cô: Toi bị từ khước tới 10 lần
thì đến lúc đó mới có cảm nhận đúng đắn về một cuộc sống xa lạ. Đừng nản, niềm
tin là thứ chúng ta không thể để vuột trôi. Yêu một người cũng thế. Đam mê hoặc
niềm tin đôi khi là hai chân phải trái mỗi ngày bạn cất bước xuống đường. Dọ dẫm
rồi sẽ có lúc vững chải.
Tôi
chẳng thích quan điểm của Diane, tôi không trang bị niềm tin nào cả. Cái tôi cần
là một công việc và được trả lương mỗi thứ năm hàng tuần. Ba ngày sau tôi vào
xin việc ở quán ăn có tên gọi lạ thường: “Con Mèo Bị Cảm”. Chủ quán người Ý, đã
ba đời cắm dùi mưu sinh ở đây. Ông nheo mắt ngắm tôi: Ông nội tao khởi nghiệp bằng
nghề rửa chén lúc 19 tuổi, 25 thì phụ bếp. 32 thành bếp trưởng và 45 tuổi ổng mở
ra cái nhà hàng này. Mày tin không? Rửa chén thời buổi này sướng thấy mồ, có
máy phụ đỡ một tay…Tuần lương đầu tiên tôi nhận được trong đôi tay bắt đầu biến
dạng. Hai bàn tay đã tự nó đoạn tuyệt với giấy bút. Nước nóng, dầu mỡ, xà
phòng, thuốc khử trùng, bùi nhùi, lọ nồi mãi bày binh bố trận để tôi ngập đầu vật
lộn trong ma mị. Tôi bắt đầu quen miệng chửi thề, những từ ngữ mà chính Diane
cũng không thông hiểu về nghĩa đen, nghĩa bóng. Tabarnak, chữ ấy làm gì có
trong tự điển Larousse. Và dường như nó dễ phát âm hơn chữ Je t’aime.
Chân
mỏi dừng đứng ở một ngả tư, lòng đang phân vân tôi chợt ngó ra một tấm bảng hiệu.
Tấm bảng thật xấu, từ màu sắc cho đến cách đặt để những con chữ lộn xộn. Nhưng
vì xấu, nó phô bày một sự gợi mời. “Quán Đồng Hương. Đặt Biệc PHỠ”. Một thương
hiệu lạc loài, nó chẳng màng lỗi chính tả. Miễn bà con cô bác hiểu điều chúng
tôi muốn nhắn nhe là vui rồi. Tôi vui chân băng qua đường. Dạo tôi còn ở đây,
thành phố chỉ có duy một cái chợ thực phẩm Á Châu nhỏ xíu, điều này gây khó
khăn không ít cho ai kia nuôi mộng mở quán ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Phỡ này chẳng
biết có giống món Phở đặc thù của người Việt? Không cứ là ban đêm, đôi lúc ban
ngày nhà ngói cũng giống như nhà tranh vậy! Và bạn tin không, vàng thiệt gặp lửa
cũng phải sợ. Thứ gì mà chẳng ngán bà hoả. Ba má tôi mất sau 75, ông bà nói:
Thà mà bị cháy nhà cho cam! Chiến tranh ròng rã mấy chục năm không sứt mẻ, đợi
hoà bình tới mấy ổng ngang nhiên vào soán đoạt căn nhà dấu yêu kia. Khi không
mà mình trở thành kẻ đầu đường xó chợ, và quy luật khách quan đã diễn ra, song
thân tôi chết không nhắm mắt dưới tấm khẩu hiệu “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Tôi hằng tin những kẻ “Việt ba-lô” như tôi sống tản mác ở bốn phương trời cũng
do 6 chữ vàng ấy xua đuổi đi (một đêm không trăng sao).
Quán
không có thực khách, có hai cô gái ngồi cuốn chả giò, vừa làm việc họ vừa trao
đổi về một cơn lụt lịch sử đang tác hại ở quê nhà. Giọng họ thật thản nhiên khi
nói tới sự tổn thất quá lớn, nhân mạng, trâu bò gà vịt, mùa màng cũng như nhà cửa
bị nhấn chìm trong mưa lũ. Tôi hiểu điều gì đã khiến lòng họ nguội lạnh khi nhắc
về chốn xưa. Họ sẽ giỏi tiếng Pháp hơn tiếng mẹ đẻ, họ sẽ “merde” nếu tôi bảo
chữ phở nên là dấu hỏi hơn dấu ngã. Lớp người họ thuộc loại thịt ba rọi. Đành vậy,
nửa nạc nửa mỡ.
Ai
đã đan tâm lấy đi một nửa thịt nạc của họ vậy? Và tôi, xương thịt này cũng là một
thứ tái nạm gầu đó thôi.
Mấy
người ạ? Một cô đứng lên khi thấy tôi bước vào. Chao ơi, phải mà tìm ra cô
Diane nhỉ? Hai người. Chưa khi nào tôi nói được chữ đó. Tôi đã đánh rơi lời thề,
rằng có ngày sẽ tự mình nấu cho cô ăn món bún bò. Tôi không trông mong đâu.
Diane nói, rửa chén ở đó thì bất quá bạn chỉ nấu được món spaghetti là cùng. Dạ,
chú thích ngồi ở đâu cũng được ạ. Tôi nhìn quanh và tôi đến ngồi dưới một bức
tranh vẽ cảnh đò trôi trên sông với bóng chiều tà. Một bức tranh thuộc dạng “bờ
hồ”, có nghĩa là chẳng mang chút nghệ thuật nào ở đấy cả. Vẽ là vẽ vậy thôi, bất
biết những điều cơ bản cần có khi gia công. Mặt bàn có vuông kính dày, tấm thực
đơn được ép mình bên dưới. Chú ăn gì ạ? Tấm màn sáo ngăn chia được vén mở, một
người đàn bà từ sau bếp hiện ra ở đó, có lẽ vì nghe tiếng chào hỏi khách. Tôi
nhìn bà ấy, mường tượng chính bà là người chèo đò trên giòng sông trôi xuôi về
hoàng hôn. Đò chưa tấp bờ đã vội xắn quần leo vào triền cỏ. Cỏ lưa thưa, mọc
cao thấp chút nhớ chút quên. Chút hoài nghi chút xác tín. Tôi đang tự giận mình
khi nghĩ mãi vẫn chưa nhớ được một danh xưng. Soan, đúng là Soan, S chứ không
phải X. Hoa Soan chớ không là hoa Xoan. Học chung lớp với tôi và theo như cách
đánh giá của Diane: Một học trò kém!
Soan
trông có già đi, bằng chứng là gương mặt ấy đã nương nhờ vào lắm mỹ phẩm, hoặc
thời mới sang chưa có tiền để “nâng cấp” mặt mày? Soan đang vận dụng bộ nhớ, một
học trò kém không hẳn là kẻ luôn nhớ trước quên sau. Cách Soan biểu lộ sự ngạc
nhiên khiến hai cô gái phải sớn sác chú mục tới vị khách không mời. Săm soi, dọ
hỏi, hoài nghi. Tôi ngồi ở cái bàn có hai ghế, một ghế tôi đặt đít và ghế đối
diện chễm chệ cái ba-lô. “Ra đi không mang ba-lô, quần áo cứ thế cắp nách”, đó
là ngày tháng cũ của một thằng người vượt biên, thậm chí nó chẳng có gì để cắp
nách ngoài một nỗi sợ hãi về canh bạc cầm chắc sự thua lỗ, từ chết tới bị
thương đếm không xuể, canh cánh bên lòng. Đến được bờ bãi tự do, chí ít hắn phải
nên sắm một cái ba-lô để đi đây đi đó (ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!). Muốn
ngồi chung bàn với tôi Soan phải kéo lê một chiếc ghế lại gần. Ôi, lâu ngày
quá! Bấy chầy phiêu bạt nơi đâu? Đã lập nên công trạng gì chưa?
Tôi
nhìn Soan, thầm nghĩ là mình yêu cái tên ấy quá. Tôi cũng yêu khuôn mặt trái
soan của Diane. Chẳng biết hoa soan có đẹp không? Và hương mùi nó mang có đằm
thắm?
Tôi
vui lòng trả lời tất cả những vấn an của Soan, để đáp lại tấm thịnh tình tôi chỉ
hỏi duy một câu: Có phải bà là chủ nhân quán này không? Giọng cười của Soan vỡ
ra, phải nhiều nội lực mới tạo được một chất lượng tựa thế. Giọng cười quyền uy
của một bà chủ. Gọi thức ăn chưa? Uống bia nhé? Mình đón mừng cuộc hội ngộ. Tôi
ngắm người thiếu phụ học chung khoá Pháp văn kéo dài trong bốn tháng. Chỉ cần
quen biết trong ngần ấy tháng ngày, tình cờ khi gặp lại, người đó sẵn lòng khao
đãi bạn và gọi “đón mừng cuộc hội ngộ”. Tôi cảm động: Hồi nào quán cần người rửa
chén đổ rác nhặt rau thì nhớ gọi tôi nhé. Tôi giàu kinh nghiệm việc ấy, nhớ
không?
Soan
đánh vào vai tôi: Mình không biết đùa, ghi số điện thoại trước rồi sẽ ưu tiên
giải quyết cho. Quán đang cần sự góp tay của đàn ông.
Tôi
đùa, được làm việc ở đây thì xem như lập được công trạng rồi, “đi đâu loanh
quanh cho đời mỏi mệt”. Nhạc trong quán vừa trỗi bài hát ấy và tôi bè theo.
Soan sửa thế ngồi: Tin được mấy phần? Lặn lội về đây có mục đích chi không? Tôi
nắm lấy chai bia ướp lạnh mà cô tiếp viên vừa mang ra: Uống nước nhớ nguồn, tôi
về thăm trường cũ, thăm cô Diane. Họ tốt với mình quá. Soan vẫy tay làm hiệu,
người con gái đang cuốn chả giò ngưng công việc để tiến lại gần. Ngồi tiếp chuyện
với chú này đi, tao lui sau lo ninh nồi phở cái đã. Con Trúc này là học sinh
sau cùng của ngôi trường vắn số ấy.
Soan
đứng lên Trúc ngồi xuống. Tóc che nửa mặt khi Trúc chùi những ngón vào cái tạp
dề ca-rô xanh trắng. Tôi hỏi: Trúc có học với cô Diane không? Không, khi cháu
vào học thì cô ấy vừa thôi dạy. Trường có tổ chức một buổi tiệc nhỏ với sự đóng
góp của các học viên, tự mang lại, giới thiệu những món ăn đặc sản của quốc gia
mình chung vui làm bữa tiễn đưa cô Diane. Trúc có biết lý do cô ấy nghỉ dạy?
Nghe nói cô bị bệnh nặng, cô muốn về sống gần gia đình. Là rời khỏi Québec? Dạ,
ba má cô ở phía cực bắc. Họ mang hai giòng máu, một nửa của thổ dân giống như
người Esquimau vậy. Bộ chú không biết sao?
Tôi
uống hết chai bia, hèn gì gương mặt Diane luôn thu giữ một nỗi buồn trầm lắng,
lôi cuốn. Chút hoang dại cọng với niềm u ẩn ta thường nhìn thấy đọng chiếu
trong những cặp mắt của những người không thích hoà mình vào văn minh thành phố.
Họ khép kín, họ sẽ hân hoan chừng nào họ bắt gặp một khoảng trời rộng cho dầu
trắng toát bạt ngàn giá băng. Tôi hiểu do đâu Diane luôn rộng lòng với những
người di dân, những kẻ tị nạn như tôi. Cô hạnh phúc khi còn có chốn quay về, cô
thương tôi vì tôi từng là đứa vô tổ quốc. Hắn đang ngồi trong quán Phỡ sai lạc
dấu và hắn biết đã thực sự vuột mất cô. Hắn chưa đọc xong cuốn “Một thời để yêu
một thời để chết” mà cô trao tặng nhưng hắn ngầm hiểu cái kết thúc bi thảm buộc
phải tới của tác phẩm đó.
Không
ăn phở vì nghĩ là món ấy dở, tôi gọi dĩa cơm sườn bì chả do đích thân Soan động
dao động thớt. Tôi thương những giọt mồ hôi rịn ướt ở chân tóc Soan khi cô mang
ra cái đĩa lớn một cách cực đoan. Tôi đùa: Món Sà Bì Chưởng của Soan thâm hậu
quá, ăn tới mai vẫn không vơi bớt sáu phần hoả hầu. Cho mình gửi tiền. Tầm bậy.
Soan nạt. Biết có còn nhìn thấy nhau bận sau mà vẽ vời. Chúng tôi ôm nhau một
lát như ngày cuối kết trúc khoá học để mỗi người một hướng lìa xa. Ngày ấy Soan
có hôn bên má tôi nhưng hôm nay thì không. Cô hỏi: Bây giờ vác ba-lô đi đâu?
Phía Bắc mênh mông chi xứ biết đâu mà tìm. Thôi cứ thu cất một kỷ niệm đẹp, gặp
lại người xưa thêm buồn vì người xưa đang thập tử nhất sinh. Tôi đánh liều hôn
vào môi Soan, chỉ để ngăn Soan đừng nói. Soan xô tôi ra: Bậy bạ quá! Hồi nào hết
đường đi thì trở lại đây, chắc chắn là không cần người rửa chén đâu.
Tôi
cúi đầu. Thấy cái ba-lô không dưng nặng quá. Tôi sẽ trở lại một ngày xấu trời
nào đó, việc đầu tiên tôi sẽ bắt thang lên nhúng cọ vào lon sơn để viết lại chữ
Đặc Biệt Phở kẻo chúng bạn cười, khi dễ Việt ba-lô. Tôi sẽ lùng sục vào
internet, đăng tải một lời cầu mong: Muốn gặp lại cô Diane bất kể cô ở ngàn
trùng cách biệt. Quý vị nào hay tin xin chỉ bày, thành thật cảm ơn.
Tôi
ra bến xa đò. Đi Montréal. Một vé lẻ. Xin vui lòng. Tôi mua một cốc cà phê.
Hoàng hôn đổ xuống trên Québec nhiều bóng tối. Tôi sẽ về tới chốn tôi nương náu
lúc nửa khuya. Mùa hè vẫn có từng cơn gió lạnh chạy vụt qua. Qua nhanh hơn cả mộng
mị. Nhức buốt. Québec, Je me souviens.
HỒ
ĐÌNH NGHIÊM
28.7.17
mẫu dán tuờng dep
ReplyDeletebán giấy dán tường
cửa hàng giấy dán tường