Tuesday, July 18, 2017

CHUYỆN TRÒ CÙNG VŨ HOÀNG THƯ. NHỜ SÓNG ĐẨY ĐƯA


Hồ Đình Nghiêm

Nhà văn Vũ Hoàng Thư

Tác phẩm

Tôi biết rất ít về anh. Một phần tôi vụng chuyện giao tiếp, phần khác có vẻ như anh là người thích sống khép kín. Nhưng Vũ Hoàng Thư, khi nhắc tên anh, đã có không ít người đọc “phải lòng”. Tôi đang làm loạt phỏng vấn các anh chị cầm bút xa gần “trước lạ sau quen” và dĩ nhiên, danh xưng Vũ Hoàng Thư hiện ra, còn đó một sự lôi cuốn. Tôi hy vọng được anh Vũ Hoàng Thư tâm sự đôi điều, không riêng cá nhân tôi, số đông người đọc cũng nôn nóng chờ “tiếng sóng đập nhẹ vào bờ”.

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Vũ Hoàng Thư, tôi dùng chữ tiếng sóng bởi nhiều lý do, rõ nghĩa nhất: Hình như anh định cư ở vùng biển bên California?

Vũ Hoàng Thư (VHT): Xin chào anh Hồ Đình Nghiêm, đọc và ái mộ văn tài [thâm trầm ngấm ngầm bão lửa] của anh đã lâu, nay lại được anh gõ cửa hỏi han, thật là hân hạnh cho tôi dữ lắm. Trước lạ sau quen, có hề chi, vậy thì “hãy thử cùng mình bước ra một khoảng trời xanh, dù nhỏ bé” như anh vừa tâm sự trong “Tâm tình giấu mặt”. Tôi thiệt thích chữ “mình” của anh (nói nhỏ, thứ dễ thương của con trai Huế!). Bản tính tôi trời sinh vốn ít nói, có lẽ vì vậy tạo ra hình ảnh của một người sống khép kín chăng? Thật sự thì không phải thế đâu anh. Thì thôi dẫu có ơ hờ, kín là hờ khép đợi chờ bước ai…
Tôi vừa dời nhà về Fountain Valley, California, hơn năm nay. Ở đây, biển không xa nhưng không thật gần, nếu nhại theo một câu hát của TCS. Tuy nhiên thỉnh thoảng bắt gặp một tia gió, thử hít hít vào cái cõi không đó, bắt gặp một mùi hương dị, thế là biết biển chắc nằm đâu đây, tỉ như từ xa thấy dáng, biết cố nhân. Chưa nghe tiếng sóng mà đã dậy lòng.

HĐN: Có người cho hay trước 1975 anh từng ở Nha Trang và từng là sĩ quan Hải quân?

VHT: Tôi lớn lên ở Nhatrang, dù đây không phải là nơi sinh đẻ nhưng những gì thơ mộng [hay ướm mộng?] bắt đầu từ đó. Xin mượn câu mở đầu của Albert Camus từ L’été à Alger (Noces) để nói đến ý nghĩa đặc biệt đối với tôi về thành phố duyên hải này: “Ce sont souvent des amours secrètes, celles qu'on partage avec une ville.” Giả tỷ ông Camus lai rai lục bát chắc ông sẽ nói: “Ân tình đó ẩn mật sâu, về chốn ấy những mộng đầu phố xưa.” Anh nhắc đến Nhatrang làm tôi chỉ muốn nhào ngay xuống sóng, nghe người tan và nhỏ nhắn hòa cùng bọt biển. Có thể từ tình yêu biển đó đưa đẩy tôi gia nhập Hài Quân VNCH. Hơn nữa lớn lên trong chiến tranh, phục vụ đất nước là chuyện phải làm của lứa tuổi chúng tôi. “Ôi biển cả giờ đây ta mới biết / Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta”, anh em Hải Quân chúng tôi vẫn thường tự diễu nhau như thế.

HĐN: Biển cả xưa và đời lính thuỷ cũ có tác động vào cõi thơ văn của anh? Bởi người đọc vẫn đón nhận ở anh một lượng sóng quá đỗi êm đềm.

VHT: Nói tới biển lòng ta luôn hướng về biển khơi. Ra khơi. Cõi xa tít ngoài đó, xanh biếc, căng gió lồng lộng lòng buồm. Buồm mở lối cho viễn du từ tiếng gọi trùng khơi. Bên cạnh đó những khơi hồng của má, men ấm của môi những lần dừng bến. Tôi nghĩ không riêng gì mình, đại dương vốn là kho giàu cho biết bao hứng khởi văn chương của không ít người sáng tác từ cổ đại đến giờ. Ra đi và chốn về. Giấc mộng và mái nhà. Chàng thủy thủ phiêu lưu Odysseus (Ulysses) trong thần thoại Hy Lạp cứ reo lên từ xa mỗi lần về gần bến cảng “Ithaca at last!” (Ithaca... yes, I seem to have heard of Ithaca, even on Crete’s broad island far across the sea – Homer, The Odyssey: Ithaca at Last). Bây giờ hơn ba triệu người Việt chỉ có ra đi, bến cảng quê nhà chưa phải là nơi bao bọc, chào đón để trở về. Bao giờ ta có thể reo lên “Saigon at last!” “Nhatrang at last!” ?

HĐN: Dường như anh đến muộn với văn thơ? Thưa anh, dùng chữ “lạc bước” thì nghe làm sao ấy, điều gì thúc đẩy khiến anh viết văn làm thơ?

VHT: “Lạc bước” hay “lỡ dại” đều là những chữ diễn tả đúng nhất tình trạng của tôi. Tôi thích đọc sách vở, yêu thơ văn từ nhỏ, cũng không bao giờ nghĩ là có ngày mình sẽ cầm bút. Quá năm mươi tuổi, tôi mới tập tãnh làm vài câu thơ, hay ghi lại những cảm hứng bất chợt. Những ngẫu nhiên đời thường dù nhỏ cũng có thể khơi mào những đợt sóng ngầm bên dưới. Biết đâu… chim kia hót giọng bâng quơ, cũng vì bóng nắng lửng lơ gọi mời? Có những cái tưởng đã quên, đôi khi trở về mồn một. Có những cái nghĩ sẽ in dấu đậm đà ngờ đâu đã phôi pha. Thế là… đôi khi lời nói không đâu, về khơi lại mộng ban đầu vu vơ. Có phải đó là những điều thôi thúc?

HĐN: Anh Hoàng Xuân Sơn, chị Trần Thị Nguyệt Mai nói nhỏ với tôi, rằng anh cũng là người Huế? Vậy thì Huế và Nha Trang có “xúi” anh tạo ra được một cõi sáng tác riêng đầy thơ mộng?

VHT: Ồ, Huế mơ Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu, phải không anh? Tôi sanh ra ở Huế, rời Huế khoảng 6, 7 tuổi, vào Qui Nhơn ít năm và lớn lên ở Nhatrang. Vì vậy tôi thuộc thứ “Huế ba rọi”, chút nạc Huế, chút mỡ Nhatrang hay nạc Nhatrang, mỡ Huế, nhưng hai nơi đó dĩ nhiên đã để lại ít nhiều “xúi dại” trong tôi. Ký ức Huế là những buổi chiều mưa thâm thiết, “mưa thúi đất, thúi đai”. Từ phố Trần Hưng Đạo, nơi gia đình tôi buôn bán, sông Hương trong xanh ngày nắng, lai láng vàng, lũ lụt ròng rã cả tuần trong “trận lụt năm Thìn” vẫn còn rõ trong đầu thằng bé tôi 3, 4 tuổi hồi đó. Sau này chiến tranh đưa đẩy, tôi lại về đóng quân gần Huế. Vẫn là những trận mưa không dứt hạt, từ núi Túy Vân ngóng về Huế qua làn mưa bay mịt mù trên đầm Cầu Hai. Có lẽ vậy người “Huế mềnh” thường “ướt át” chăng, mưa ướt ngoài trời, mưa ướt trong hồn? Nhatrang mặt khác, hiền hòa, ấm áp, nuôi lớn tôi mặn mòi muối biển, và hương rêu lâng lật dị kỳ. Tôi học được hai điều từ biển: mọi cuồng nộ của sóng cũng thành bọt nước trên bãi bờ phù sa và rêu xanh bám đá lên xuống theo thủy triều cho đến ngàn đời. Một bên bạo phát nhưng chóng tàn, một cái bình thường mà liên lỉ. Nhân sinh là gì giữa hai thái cực? Nhatrang như vậy đó, mãi mãi để lại trong tôi một hương nồng gây ngây khứu giác.

HĐN: Anh có thích thơ Bùi Giáng không ạ? Hình như anh cũng am tường sâu sắc về Phật giáo?

VHT: Bùi Giáng là nhà thơ đáng ngưỡng mộ hàng đầu. Ta tìm thấy sự bác học trong lời thơ chân chất cũng như điều tầm thường ở vần điệu hàn lâm. Thơ ông chan đầy khía cạnh, chẳng bằng sự vay mượn hay đánh mất vong thân, chỉ một thể điệu Đông phương rất mực, biểu hiện một con người sống thật đến tận cùng của mênh mông để thấy cái nhỏ bé của phận người, từ đó mọi sự chỉ là “vui thôi mà”, những cái vui ứa ra máu mắt. Đối với tôi, đó là điểm ông vượt trội hơn những “thần tượng” khác đương thời với ông. Họ là kịch sĩ, mặc áo diễn viên, lâu ngày tưởng vai trò mình đóng là thật. Bùi Giáng trái lại tự nhận mình là đười ươi, thứ đười ươi ngồi nghe “người” nói chuyện để nhận ra “Tầm ruồng kể chuyện té ra / Ngôn từ rốt cuộc từ xa vắng từ”. Buồn gì hơn khi ngôn từ mất đi ý nghĩa uyên nguyên, khi “từ xa vắng từ” vì những tầm ruồng của kẻ vong thân?
Tôi chẳng dám nhận mình am tường sâu sắc về Phật giáo đâu anh Hồ Đình Nghiêm ạ, tôi chỉ là loại sơ học, người mù sờ voi thôi. Nhờ có chút duyên nên gần gũi với Phật pháp từ hồi còn trẻ ở trung học. Thế rồi chiến tranh, hết chiến tranh xoay qua cuộc sống mới ở Mỹ, chẳng còn thời giờ đâu để tu học, có lẽ duyên lành chưa đủ. Thế nhưng những gì căn bản học được, tôi lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống và suy nghĩ, biết nhân duyên có thể thay đổi nếu làm hết sức trong tầm tay mình nhưng chẳng có thể cưỡng cầu. Tôi nhớ sau 1963, văn học Phật giáo phát triển mạnh mẽ, tạo nên một nguồn sinh khí mới cho sinh hoạt văn nghệ tại miền Nam. Nhiều sáng tác âm hưởng Phật giáo thời đó không ít thì nhiều đã thành một trào lưu và ảnh hưởng không ít trong lòng độc giả, trong đó có cá nhân tôi. Người anh cả trong gia đình tôi, Thi Vũ Võ Văn Ái, một người đã hoạt động cho Giáo Hội Phật Giáo lâu năm với một sự nghiệp văn chương và sự uyên bác về Phật học của anh đã ảnh hưởng sâu sắc khiến tôi tìm đến tư tưởng Phật giáo nhiều hơn.

HĐN: Anh sáng tác chẳng mấy nhiều. Thưa anh có phải vì công việc chính đáng bên ngoài xã hội chiếm đoạt thời gian? Hay anh là người biết trân quý chữ nghĩa, khó khăn khi lựa nhặt?

VHT: Hiện tại tôi vẫn còn đi làm nên thì giờ có phần eo hẹp, hơn nữa, như đã thưa với anh khi nãy, chưa bao giờ nghĩ mình là văn sĩ, thi sĩ gì ráo, viết theo hứng khởi vui chơi vậy thôi. Bên cạnh đó, bản tánh tôi vốn có chút tham lam ưa thích sự hoàn hảo, nếu không nói thêm được gì mới mẻ thì nên im tiếng vẫn hơn. Tôi nghĩ văn thi sĩ thứ thiệt phải có tập luyện hàng ngày, xuất bản sách đều đặn hàng năm, chẳng hạn như anh là một ví dụ. Tôi thấy lối sau này, anh càng viết càng sung mãn, thật đáng bái phục.

HĐN: Trong tất cả các nhà thơ luôn góp mặt trên các trang báo điện tử, anh có cảm tình với giọng thơ nào?

VHT: Cám ơn thời đại kỹ thuật mạng, thơ văn đã phổ biến lan tràn trên thế giới, một hiện tượng chúng ta không thể ngờ khoảng hơn mười năm trước. Sức sáng tạo của văn, thi sĩ VN mình thật dồi dào về phẩm cũng như lượng. Vì thế có thể chúng ta không bắt kịp với trào lưu, cá nhân tôi cũng vậy có thể bỏ sót nhiều tác phẩm mà mình đáng ra phải để tâm vào. Cái khổ phải chạy theo đồng hồ nên đôi khi chỉ đi những con đường quen, đọc những tác giả mà mình đọc trước đây. Lady first, phải kể đến trang Gio-O do O Huệ làm chủ xị và những nhà thơ nữ đáng nể, kể trước đương nhiên Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trangđai Glassey-Trầnguyễn, Vũ Quỳnh Hương,… Qua những trang nhà khác phải kể Ôn Hoàng Xuân Sơn, sáng tác đều đặn và mạnh mẽ nhất, Hồ Chí Bửu, Ngu Yên, Trần Khiêm, Nguyễn Xuân Thiệp,… thi sĩ đất Ngũ Phụng Tề Phi phải nói đến Thường Quán, Luân Hoán, Nguyễn Lương Vỵ, Tâm Nhiên, Trần Vấn Lệ… Một hai người ở VN tôi mới làm quen với thơ của họ gần đây : Ngưng Thu, Nguyễn An Bình. Dĩ nhiên có thể tôi đã bỏ sót rất nhiều cao thủ khác mà tôi chưa có duyên làm quen với thơ của họ. Trời đất mênh mông, thi sĩ là những người cô đơn nhất trên mặt đất này…

HĐN: Sau tác phẩm “Bắt Nắng” xuất bản đã lâu (2009), anh còn mang chút lửa trong người để cho ra đời một tác phẩm mới?

VHT: Tôi có một số bài viết, nếu góp nhặt lại cũng có thể làm được một tập nhỏ khác. Nếu cơ duyên đến, chắc là sẽ đánh bạo một phen nữa chăng?

HĐN: Thưa anh, xa quê bấy chầy đã lâu, có lần nào anh về nhìn lại chốn xưa? Cho tôi gợi lại vết thương cũ, từng là quân nhân của miền Nam, anh có thể đưa ra một cái nhìn khách quan về hiện tình VN?

VHT: Tôi có về thăm VN một lần độc nhất năm 2007, sau 32 năm xa cách kể từ 1975. Về vì nhớ quá. Nhớ biển xanh, nhớ liễu xanh của một thời tóc còn xanh. Nếu phải dùng chỉ một chữ độc nhất để diễn tả sau chuyến về thăm quê hương, tôi chẳng có chữ gì khác ngoài chữ BUỒN! Buồn về mọi thứ. Chốn cũ đã không còn, tâm thái con người đổi thay trong hoàn cảnh mới, và nhất là giới cai trị u mê dốt nát. Vẫn như cũ sau 32 năm, những con ngựa bị che mắt để đi theo đúng con đường định hướng của một chủ nghĩa lỗi thời.
Chính quyền ở Việt Nam được gọi là Nhà Nước. Nhà Nước gồm có nhà và nước, tức người dân và quốc gia. Thế mà Nhà Nước bây giờ chẳng chăm lo được cho cả Nhà lẫn Nước. Nhà mất dần vì giới cai trị đánh đĩ linh hồn cho đồng tiền của khách ngoại bang, Nước sắp rơi vào giặc phương bắc vì nhà nước khiếp sợ đàn anh. Chưa thể thấy được một viễn tượng tốt đẹp nào trong tương lai gần. Chế độ già nua đó cần phải thay đổi từ gốc rễ, từ cách suy tư và lãnh đạo. Không thể tiếp tục bám víu vào một chủ nghĩa của đầu thế kỷ trước cho những hiện tình hôm nay. Hãy trả tự do cho những nhà tranh đấu nhân quyền, trả lại nhân quyền cho người dân và áp dụng luật pháp bảo đảm các quyền tự do căn bản về dân sự và chính trị cho mọi công dân. Có thế người dân mới đồng lòng trong việc giữ nước và dựng nước. Hơn ai hết giới cầm quyền phải hiểu rằng dân an mới dẫn đến quốc thái. Những ước vọng tươi sáng cho đất nước của cộng đồng người tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại có thể sẽ không hoàn thành được trong khoảng cuộc đời còn lại của chúng ta, vì bước đi lịch sử là những gì dài hạn, lâu năm, nhưng hãy cứ hy vọng vì biết đâu có thể nằm trong tầm tay một ngày gần đây nếu chúng ta tiếp tục gây tiếng vang cho những phong trào tranh đấu dân chủ trong nước.


HĐN: Có hơi đường đột khi tới lân la gạ chuyện, hỏi han nhiều e là điều không phải. Xin anh lượng thứ và thay mặt những người đọc, thích, cảm, mến… thầm lặng tôi xin chúc anh luôn an vui, tiếp tục dựng nên thứ khí hậu đặc thù đằm thắm, nhiều suy tưởng của riêng cõi Vũ Hoàng Thư. Xin cảm ơn anh.

VHT: Xin cám ơn anh Hồ Đình Nghiêm đã cho tôi cơ hội để “tiếp chuyện” với anh qua điện thư cũng như những lời hỏi han lý thú và những lời tốt đẹp anh đã dành cho. Chúc anh nhiều sức khỏe và nhiều ưng ý trong cuộc phiêu lưu mới “thi trung hữu họa”, cũng xin chúc anh thành công trong loạt bài phỏng vấn văn hữu đểsan sớt cùng nhau những kỷ niệm thu nhặt được trên đường”, cá nhân tôi cũng rất thích thú sáng kiến này của anh. Nhân đây xin gửi lời chào đến những người bạn tri âm, đồng cảm, nếu có, mà tôi chưa có duyên gặp gỡ chuyện trò.


Hồ Đình Nghiêm thực hiện qua điện thư
tháng 7, 2017

No comments:

Post a Comment