Đỗ Hồng Ngọc
Bất khả là không thể. Tư là nghĩ suy. Nghì, nghị
là luận bàn. Bất khả tư nghì hay bất khả tư nghị là... “không thể nghĩ bàn!”. Có một ‘’pháp môn giải thoát” gọi là Bất khả
tư nghị như thế của các vị Phật, các vị Bồ- tát.
Cái
gì mà không thể nghĩ bàn? Thế giới thì ngày càng nhỏ bé như lòng bàn tay, chuyện
gì cũng chỉ cần cái chạm lướt nhẹ là đủ “thấy biết” hết trơn. Có việc gì mà
“không thể nghĩ bàn”!
Thế
nhưng có những chuyện như đem cái núi Tu- di to đùng kia nhét
vào hạt cải nhỏ xíu nọ, như đem toàn thể khối nước bốn biển mênh mông kia...
cho vào cái lỗ chân lông... thì đúng là những chuyện “không thể nghĩ bàn”! Nó kỳ
cục! Càng nghĩ càng bàn càng dễ điên! Bởi nó nằm ngoài mấy nghìn tỷ mối nối thần kinh rồi, nằm ngoài các chất dẫn truyền
thần kinh rồi vậy. Nói khác đi, nó nằm ở “bờ bên kia” rồi! Phải ‘’đáo bỉ ngạn’’
họa may mới thấy biết. Khi các vị trí thức thần học, bạn của Edward Conze tình
cờ đọc lướt bản dịch kinh Kim Cang của ông đã kêu lên: Điên! Điên hết rồi! Không
điên sao được! Nào “đừng dựa vào đâu cả để mà sanh cái tâm””, nào “nói vậy mà
chẳng phải vậy” (tức phi/thị danh), nào “diệt độ tất cả chúng sanh mà chẳng
có chúng sanh nào được diệt độ cả”...! Điên quá đi chớ! Nhưng Edward Conze bảo
không điên đâu. Cứ ‘’ứng dụng’’ đi rồi sẽ thấy hiệu quả, cái mà ông gọi là
“perfection of wisdom”.
Kinh Duy- ma- cật sở thuyết, cũng còn gọi là kinh
“Bất khả tư nghì giải thoát” khi Xá-lợi -phất nêu “thắc mắc”: nhà cửa trống trơn
thế này thì các vị Bồ-tát sẽ ngồi ở đâu? Văn -Thù bảo: từ đây đi về phương Đông,
vượt qua số cõi nước nhiều như số cát ba mươi sáu sông Hằng, có một thế giới
tên là Tu-di Tướng...” ở đó có nhiều... ghế đẹp có thể mượn được!
Số cát của một con sông Hằng không thôi đã là “hằng
hà sa số” rồi huống chi đến số cát của ba mươi sáu con sông Hằng -mà mỗi hạt
cát là một cõi nước- để... mượn ghế ngồi cho các vị Bồ tát thì đành phải cười
trừ thôi! Không thể nghĩ bàn!
Dĩ nhiên “ghế ngồi” ở đây không phải là ghế ngồi.
Xá- lợi- phất muốn hỏi “ vai trò, vị trí” của thế hệ Bố- tát mới, Bồ- tát tại
gia này rồi sẽ làm gì trong cõi Ta- bà? Dĩ nhiên ngài cũng đã có câu trả lời. Hỏi
chỉ để khẳng định sự cần thiết của thế hệ học trò mới này của Phật.
Cõi Ta-bà này ngày càng ô trược, ngày càng bát
nháo, xung đột, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, đầy lo âu phiền não đến nỗi
người ta đang tìm cách di tản sang các hành tinh khác, cõi nước khác... Tiếc
thay, loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra! Vậy chỉ còn có cách quay lại tìm ở chính
mình: phản văn tự tánh. Cõi Phật đâu xa. Đâu có Phật ở trên núi cao, trong chùa
lớn, cũng như đâu có sức khỏe ở trong bệnh viện 5 sao?
Thứ bệnh nguy hiểm nhất trong cõi Ta-bà ngày nay
chính là SAD. SAD là chữ viết tắt của Stress (căng thẳng) Anxiety (lo âu, sợ
hãi) và Depression (trầm cảm). Cả thế giới. Không trừ nơi nào! Bởi ở đâu cũng tràn
ngặp Tham Sân Si. Và các nhà Tâm lý trị liệu, các thầy thuốc phải tìm một
phương thuốc “mới” để chữa trị: Thiền. Phải, chỉ có thiền may ra “cứu rỗi” được.
Ấy là MBSR (Mindfullness-Based Stress Redaction) và MBCT (Meditation-Based
Cognitive Therapy). Thời đại khoa học tiến như vũ bão mà phải dựa vào Thiền mới
mong “giải thoát’’ được chẳng phải cũng
là “bất khả tư nghì” đó sao?
Duy- ma- cật bảo: “Một vị Bồ- tát trụ ở pháp môn giải
thóat bất khả tư nghì ấy thì có thể đem nui Tu- di cao lớn mà đặt vào hạt
cải, không có bên nào thêm bớt. Tướng trạng núi Tu -di vẫn y nguyên như cũ”...
Chỉ ở trong thiền định, chỉ khi “hành thâm Bát -Nhã”
thì mới thấy được “pháp” Không. Không ở đây không phải là không có. Có
chớ. Nhưng chỉ giả tướng. Là do Duyên sanh. Khi nhìn kỹ vào bên trong, nhìn kỹ vào
bên kia (kiến tướng phi tướng), thì ra, nó là chân không. Chân không mà
diệu hữu. Núi Tu- di vẫn là núi Tu- di, vẫn đẹp đẽ, sừng sững cao ngất đó,
nhưng thực tướng của nó vẫn là Không, là duyên sanh, cũng từ sỏi đá, từ đất nước
gió lửa mà ra. Thì hạt cải tí xíu kia cũng là chân không, cũng từ đất nước gió
lửa mà thành đó thôi. Nó có khác gì nhau đâu. Nó có phân biệt gì với nhau đâu.
Bất khả tư nghị pháp môn đó chính là thấy được cái chân không mà diệu
hữu, diệu hữu mà chân không đó. Tu- di cũng vậy mà hạt cải cũng vậy, nước bốn
biển cũng vậy mà lỗ chân lông cũng vậy. Nhìn “phi tướng” thì thấy Như Lai đang
tủm tỉm cười.
Khi Einstein bảo vật chất chính là năng lượng, năng
lượng chính là vật chất, có hẳn một công
thức (E=mc2) để biến đổi vật chất thành năng lượng và năng lượng thành vật chất
thì… không phải ai cũng có thể “nghĩ bàn” được. Cũng như khi nhà hoá học bảo chỉ với
ba nguyên tố Carbone (C), Hydro (H) và Oxy (O) sẽ “tùy duyên” mà thành đường, dấm
hay rượu… ! Nói cho cùng, các thứ gọi là vật chất hay năng lượng nọ kia, các
nguyên tố này khác, chẳng qua là nhưng ‘’trình hiện’’ bên ngoài, tùy duyên
thôi. Cũng chỉ là những electron và neutron quấn quít xà quần, rồi hạt, rồi
sóng hỉ hả qua lại đó thôi. Đến một lúc, à há, thì ra “bổn lai vô nhất vật’’!
Nhưng chấp không vốn là một thứ bệnh nặng của
Bồ- tát, Duy- ma- cật đã cảnh giác!
Đỗ Hồng Ngọc.
HUẤN LUYỆN ‘THẤU CẢM’
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Empathy
Thấu cảm (empathy) không phải
là thông cảm. Cũng không phải là đồng cảm. Tiếng Việt ta có nhiều từ “thấu” rất
hay như thấu hiểu, thấu đáo, thấu… xương ( lạnh thấu xương! )…
Cho nên thấu cảm không dễ
chút nào! Thấu cảm đòi hỏi phải có khả
năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu rõ nguồn cơn, ngọn ngành. Từ cái hiểu
sâu sắc đó mới có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp. Đối với người thầy thuốc thì
thấu cảm là đặt mình vào vị trí của người bệnh để hiểu được đằng sau nỗi đau
kia còn có nỗi khổ nào, đằng sau cái bệnh kia còn có cái hoạn nào. Nhờ vậy mà mối
tương giao thầy thuốc – bệnh nhân trở nên “đằm thắm” hơn, truyền thông sẽ hiệu
quả hơn, có sự hợp tác tốt hơn giữa thầy thuốc và bệnh nhân.
Trong buổi thảo luận “Bàn
tròn sinh viên” năm thứ hai tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa qua
nhằm chuẩn bị thái độ và kỹ năng cho các em đi lâm sàng đạt hiệu quả tốt, một
sinh viên nói em cầm kim chích thuốc cho bệnh nhân mà run rẩy, chỉ sợ bệnh nhân
đau. Vậy là tốt. Biết sợ bệnh nhân đau là tốt. Chỉ lo lâu ngày chày tháng biến
thành vô cảm. Người ta vẫn thường trách người thầy thuốc hôm nay, chỉ biết máy
móc xét nghiệm mà không thấy có bệnh nhân, chẳng cần hỏi han, chẳng cần “nhìn sờ
gõ nghe” gì đến bệnh nhân cả. Một em lớp lớn khuyên do quá đông sinh viên nên
phải chia từng nhóm để “thao tác’ trên bệnh nhân rồi chia sẻ thông tin với
nhau. Một vị thầy nhắc, đối với người bệnh, không nên dùng từ “thao tác”. Thao
tác là dùng cho máy móc kia. Em hãy tưởng tượng mình chính là người bệnh đang
có nhiều biến chứng trầm trọng đó được nhiều sinh viên tới ‘thao tác” thì sẽ cảm
thấy thế nào? Phải luôn biết ơn người bệnh vì nhờ họ mà em được học hỏi để trở
nên người thầy thuốc giỏi. Một vị thầy
khác nói thêm: với cái TV cũ, hư hỏng nặng, người thợ có thể khuyên: sửa không
được đâu, vô ích thôi, mua cái khác cho rồi! Còn với một bệnh nhân không thể
nói vợ ông già quá rồi, chữa không được đâu, vô ích thôi, lấy vợ khác cho rồi
được!
Khoa học y học ngày càng tiến
bộ, nhiều kỹ thuật mới ra đời, thâm chí có khả năng thay thế bác sĩ, chẩn đoán
bệnh tật, cho y lệnh chính xác. Người thầy thuốc được dạy để biết sử dụng các
máy móc tân kỳ, thay đổi mẫu mã xoành xoạch đó, dần dần có khuynh hướng chạy
theo kỹ thuật, lệ thụôc máy móc và qua đó cũng lạnh lùng, máy móc, “khoa học”,
xa cách dần với…con người. Nó làm cho người thầy thuốc trở nên bí hiểm… chẳng
khác gì các phù thủy của những bộ lạc
ngày xưa! Thế nhưng con người từ xưa đến nay vẫn không thay đổi: cũng những âu
lo, phiền muộn, sợ hãi, cũng những ganh tị, ghen ghét, mừng vui, cũng những già
nua, tuổi tác, ốm đau, bệnh hoạn …
Mấy năm trước, trường Y
khoa đại học California Los Angeles, đã làm một cuộc “thì nghiệm” lý thú nhằm huấn luyện các bác sĩ tương lai để có khả
năng “thấu cảm” tốt hơn. Họ chọn một số sinh viên y khoa tình nguyện giả bệnh
nhân để nhập viện điều trị. Hoàn toàn bí
mật. Chỉ có giám đốc bệnh viện và điều dưỡng trưởng tham gia trong nhóm nghiên
cứu mới được biết trước, còn toàn bộ nhân viên đều không được biết.
Một “ca” giả tình huống té
thang lầu, có giai đọan ngất thóang qua; một ca giả đau bụng, oí mửa, mất nước,
kiệt sức (cho uống Ipeca), và ca thứ ba giả bị tai nạn xe máy, đau thắt lưng, một
chân bị yếu. Các sinh viên được “tập huấn” kỹ,
khai bệnh trơn tru, qua mắt bác sĩ nhận bệnh. Chọn buổi chiều thứ bảy,
cuối tuần, là lúc mọi người dễ lơ đễnh nhất để vào bệnh viện. Các “bệnh nhân”
được thử máu, truyền dịch, chụp CT, MRI các thứ …
Sau đây là kết quả: Một
sinh viên nói “Lúc đó cảm thấy bất lực, hoàn toàn mất tự chủ. Không kiểm soát
được. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng ai giải thích phải làm xét nghiệm
gì, lúc nào, tại sao… cũng đành“nhắm mắt đưa chân”! Người thứ hai là cô sinh
viên y khoa năm thứ ba, Lisa Shapiro, nói cô hoàn toàn kinh ngạc thấy bác sĩ rất
kiệm lời, lạnh lùng, luôn có vẻ mệt mỏi, như chỉ làm cho xong bổn phận,
còn điều dưỡng thì khá hơn, tử tế hơn một
chút. Cô cảm thấy rất hoang mang, sợ
hãi, cô đơn cùng cực. Tất cả đều nói bệnh giả mà thành bệnh thiệt! Lisa Shapiro nói thêm “ Có cảm giác như mình
bị sụp bẫy! Tim đập lọan xạ, huyết áp tăng vọt và có vẻ sốt cao thật sự!”. Người
nằm giường kế bên cô là một bà già bệnh nặng, kêu bác sĩ suốt đêm, đèn cứ tắt rồi
sáng liên tục làm cô không sao nhắm mắt nổi. Căng thẳng. Bơ phờ. Mệt mỏi!
Được hỏi qua trải nghiệm
này, liệu khi ra trường trở thành bác sĩ, cô có quên sạch không? Cô khẳng định
không thể nào quên! Cô chỉ nằm viện có 19 giờ đồng hồ mà thấy thời gian dài
đăng đẵng. Khi bác sĩ đến thăm bệnh nói cô khá nhiều rồi, cho xuất viện, cô mừng
đến phát khóc!
(ĐHN)
No comments:
Post a Comment