Tố Nghi
Lavender (lavande
trong tiếng pháp) tự điển Thanh Nghị kêu bằng oải hương thảo, nghĩa là cỏ oải
hương. Lavender thuộc họ Lamiaceae, loài Lavandula - húng quế cũng nằm trong họ
Lamiaceae này luôn cho có bạn, ngộ hông ?
Oải hương, giống như nho, rất thích đất đá vôi cát khô cằn,
nhiều nắng nóng và chút độ ẩm, nên loại cỏ này mọc xả láng xung quanh địa trung
hải, các vùng đất phía nam âu như Pháp Ý Tây (ban nha) Anh... Lóng sau này nhờ
được lai giống nên lavender còn chịu được phong thổ trái ý trở trời mà hổng
thèm càu nhàu ủ dột (Anh Uc Canada Tàu, và y hình cả ở... Huế). Lavender có nhiều
giống khác nhau - tới 39-40 thứ lận - gam màu từ tím trắng ngả blue qua tới tím
tuyền (pure), sắc đậm lạt tùy thời gian mùa hoa trổ. Hương lavender nồng nhưng
dễ chịu và thơm rất lâu, ngay cả khi hoa đã khô héo. Từ đầu thế kỷ 19, kỹ nghệ
nước hoa phát triển hổng ngừng để phục vụ phái đẹp lẫn hổng đẹp. Do thơm lâu
nên tinh dầu lavender được đưa thẳng vào kỹ nghệ phấn hương. Vì quá nồng nên
hương lavender uýnh dạt hết những hương khác khi pha trộn, nên sau bị lơ là thất
sủng - Hồng và lài tây đứng đầu bảng top list, do hương của chúng hầu như thích
hạp với tất cả các loại hương khác - Tới nay thì lavender có lẽ chỉ được dùng để
khử mùi cơ thể, mùi nhà tắm nhà bếp, trong softener đồ giặt và (y hình) trong
vài loại nước hoa nhẹ dành riêng cho pháI nữ (eau de cologne). Lóng sau này hoa
còn chạy vào cả kỹ nghệ thực phẩm, nhưng ăn miếng cà rem có mùi oải hương hay
miếng xà lách trộn dấm đỏ sực mùi mẫu đơn thiệt sự hổng thú vị chi dzáo, xin
thành khẩn khai báo dzậy!
Oải hương... ôi oải
hương...
Hồi còn trẻ dại, cỡ lối cuối tháng 6 đầu tháng 7, tui hay vào mấy ruộng lavande ngó trời đất tím lịm một màu. Buổi chiều tắt nắng, đứng giữa ruộng hoa bạt ngàn... hồn lâng lâng, trầm lắng, có khi trống vắng, xa vời... Lâu quá xá nên hổng nhớ cảm giác đích xác ra sao nữa lận! Thơ thẩn đã điếu xong, chừng dzìa còn vác theo một bó treo ngược đầu trong tủ mần màn tưởng nhớ mùi hương. Hương hoa lẩn quẩn trong áo quần khăn nón giày dép, kéo dài tới nhiều tuần sau đó.
Hồi còn trẻ dại, cỡ lối cuối tháng 6 đầu tháng 7, tui hay vào mấy ruộng lavande ngó trời đất tím lịm một màu. Buổi chiều tắt nắng, đứng giữa ruộng hoa bạt ngàn... hồn lâng lâng, trầm lắng, có khi trống vắng, xa vời... Lâu quá xá nên hổng nhớ cảm giác đích xác ra sao nữa lận! Thơ thẩn đã điếu xong, chừng dzìa còn vác theo một bó treo ngược đầu trong tủ mần màn tưởng nhớ mùi hương. Hương hoa lẩn quẩn trong áo quần khăn nón giày dép, kéo dài tới nhiều tuần sau đó.
Lửa oải hương trong hồn đang cao trào kịch tánh quá cỡ thợ
mộc thì thinh không Agnes lù lù vác xô nước lạnh dzô xối cái ào.... Thị Nhét là
gái út dì hai, thua tui một tuổi nhưng trưởng thành hơn nhiều bực về khoản ăn
chơi. Thị ăn kỹ và chơi khoẻ tới nỗi dì dượng hai thất kinh tới héo mòn, rồi dì
dượng mới gởi cái đứa "bán trời hổng mời văn tự" nớ lên Paris, cho
vào nội trú tại dòng nữ tu Sacré-coeur... (y hình dì dượng tin tưởng các bực tu
hành lắm lận, hồi nhỏ cu Don nhà dì đã từng được gởi tạm trong dòng nữ tu Thánh
Tâm Hố-Nai mần màn tu tâm dưỡng tánh, nhưng nó phá quá tới nổi mẹ bề trên phải
xách tai kéo nó ra cửa gởi trả dzìa... vụ ni mơi mốt có dịp sẽ thành khẩn khai
báo). Xa gia đình, Nhét như diều lộng gió, tự do quậy dữ dội nhiều lần hơn. Các
nữ tu "thành thạo việc đạo bù trất việc đời" ấy bị Thị qua mặt cái ào
hổng thèm hụ còi nhấp thắng. Nghe kể chiều tối từ trong dortoir, Nhét cột dây
vào song cửa tuột xuống, ra ngoài mần màn du hí ăn chơi, đã đời đã điếu xong
thì con giặc cái ấy đu dây về dorm lại. Hồi đầu nó đi mình ên, sau còn rủ thêm
mấy con tinh khác cho có bạn. Chuyện Thị này dài thòong y chang chuyện nhơn dân
tự vận phường khóm.
Mỗi lần thăm nhà, Nhét mang theo luồng gió đầy sinh khí
Paris thành thị, savoir vivre, sang trọng quý phái tuyệt vời, phà vào hồn đứa
dùi đục xì dầu (là tui heng) làm đứa ngớ ngẩn ngất ngây thành kính thán phục. Rồi
một bữa Nhét khuyên đứa cục mịch sắn khoai ấy "đừng bao giờ đụng tới oải
hương nữa", vì rằng đây là mùi bình dân, chỉ xài cho.... gái điếm, hổng phải
bất kể gái điếm nào hén nhưng gái điếm rẻ tiền. Ôi trời ! Thế là hết dám, là
đành đoạn chia ly ! Xa mặt sanh cách lòng, bông oải hương trong hồn lẳng lặng mất
tăm mất tích ... thản hoặc có bất chợt trở về cũng chỉ là quá khứ xa xăm, mờ lạt
mông lung... Cho mãi tới lần vì công chuyện ra lục lọi ngoài thư viện, tui tình
cờ lượm được một cuốn sách về oải hương.
Té ra thiên thần "gãy cánh" (Nhét) ăn nói thiếu
cơ sở mà thiên thần "thiếu cánh" (tui chớ ai) hổng dè. Té ra oải
hương ngày trước được giới quý tộc ưa chuộng hết biết, đẩy kỹ nghệ tinh chiết dầu
oải hương dùng trong chế biến mỹ phẩm mạnh tới bùng phát, và phát từ lâu lắm ở
đất Pháp, sau rồi lan nhanh sang các nước lân bang dưới trào Louis 14. Tại anh,
do nữ hoàng Victoria rất thích lavender nên hoa đã trở thành phong trào thời
thượng, qúi bà qúi cô xứ anh mần màn rắc lavender thẳng vào đám quần áo mùng mền
chăn gối trong tủ để chúng quyện hương thơm (người mình thì xài hoa ngọc lan
hén). Sẵn đà sung sức, lavender chạy thẳng luôn vào ngôn ngữ hồng mao cho thêm
trang trọng: In lavender nghĩa là giữ
trong oải hương. To lay up in lavender
là ướp với hoa oải hương, hàm nghĩa cất kỹ để dành (vì qúi lắm). To bring (be brought) up in lavender
nghĩa là nuôi dưỡng trong oải hương, mang ý được lo lắng cưng chiều rất mực -
cái kiểu nâng trứng hứng hoa ha -
Tuy rửa được tiếng oan cho oải hương nhưng rồi … ra ruộng
oải hương ngó đất trời, bưng bông về treo khô hay rắc vào tủ áo, bỗng trở thành
vô lý vô duyên … Tui còn mắc lăng xăng xây dựng cuộc đời từ một con số không to
tướng, thời gian phải được cân nhắc cẩn trọng, hương hoa là xa xí phẩm thiệt sự
hổng cần thiết trong việc sống còn… Quên dần rồi quên luôn… lavender chỉ là kỷ
niệm, là quá khứ xa xăm… mãi cho tới khi thinh không đám hoa tím nớ lù lù thắng
cái két trước nhà, om xòm gõ cửa nhận chuông, ào ào hổng cách chi kiềm nổi. Lý
do : Trong một chuyến đi xa, mắt tui bỗng đụng trúng cái poster lớn chình ình
ngoài ga xe lửa: Ladies in lavender…
Ladies in lavender là tựa một
cuốn phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của William J. Locke, do hai
đại tài tử điện ảnh anh quốc, Judy Dench và Maggie Smith, giữ vai chánh. Ladies
in lavender là gì, là các mệnh phụ mặc áo màu tím oải hương chăng, hay các mệnh
phụ được ủ được giữ trong hoa oải hương ? Ai mà biết đặng! Ba cái in out on up off của tiếng Anh thường
khi khó chuyển ngữ sang tiếng Việt! Suốt cuốn phim hổng thấy có cái áo oải
hương nào ráo trọi. Ngó lõ mắt mới ra một bình bông tím đặt ở bệ của sổ ngôi
nhà hướng ra bờ biển, nhưng không rõ có phải là oải hương ! Thắc mắc thì phải lần
mò tìm hiểu cho dza chớ sao.
Lục trong ngôn ngữ hoa, nghe dạy rằng, màu tím vốn là màu
buồn. Hổng phải cái buồn tang chế rình rang biểu diễn của màu đen, bạo phát bạo
tàn (khóc hù hụ mấy bữa dzồi lên đồ đi shopping đi khiêu vũ karaoke thâu đêm suốt
sáng cho khuây khỏa). Nỗi buồn của màu tím là nỗi buồn sâu lắng... mà sâu mà lắng
dzậy thì nó len lỏi vào tận đáy linh hồn lận, đâu có trồi lên hít thở khí trời
mần màn bốc hơi cho đặng. Bởi dzậy vì thế cho nên... nỗi buồn màu tím dai dẳng
da diết, làm tim ta ảo não dài lâu.
Ngôn ngữ hoa cũng lại dạy rằng... Oải hương là biểu tượng
cho sự đằm thắm. Oải hương nói chung chỉ nỗi trìu mến dịu dàng. Oải hương blue
là loại hoa dành riêng cho hội thờ bà, tượng trưng lòng kính yêu, nghĩa là yêu
thương kèm lẫn kính trọng (và thách đố).
Oải hương tím mang ý nghĩa tình yêu buồn sầu nhưng mượt mà gấm nhung.
Tóm gọn: Oải hương hàm nghĩa tình yêu mang nỗi đau dịu dàng. Đau dịu dàng vậy
nên oải hương còn là biểu tượng của lần "hấp hôn thứ… 49". Và còn dzắc
dzối thêm quá thể : đám cưới cũng có màu - màu đám cưới chớ hổng phải màu hoa
chưng trong đám cưới - Tuy hoa và hương lavender chỉ tình yêu đằm thắm, nhưng
màu lavender lại chỉ đám cưới convenience, lập gia đình đặng che mặt thế gian.
Đám cưới trắng mariage blanc để qua mặt
luật pháp trên thủ tục giấy tờ. Đám cưới lavender, lavender mariage, là đám cưới của mấy trự 'đi nghiêng' lập gia đình
y chang đám 'đi thẳng' đặng hổng bị phát giác.
Trước đệ nhị thế chiến ít lâu, hai chị em nhà Widdington,
Janet và Ursula đã đứng tuổi, sống lặng lẽ với bà bếp (trẻ hơn) cần mẫn tậm tâm
tại căn nhà bên triền đồi, sát bờ biển vắng, trong một ngôi làng nhỏ thưa thớt
dân. Một bữa Andrea Marowski, mười tám đôi mươi, trôi dạt vào bãi, được hai chị
em Widdington vớt về tận tâm chăm sóc. Andrea người Ba Lan chỉ biết tiếng Đức,
còn hai chị em Widdington lại chỉ nói tiếng Anh. Bất đồng ngôn ngữ đã không là
hàng rào cản trở tình cảm nẩy nở giữa cậu nhỏ và nhị vị ân nhơn. Té ra Andrea
là một thiên tài vĩ cầm, bị đắm tàu khi (y hình) tìm cách sang Mỹ làm lại cuộc
đời.
Theo Ph.Vy thì thế này ….. William
J. Locke là tiểu thuyết gia chuyên nghiệp.
Với bối cảnh thời gian năm 1936 , WJL đã có những tư tưởng khá gọi là
táo bạo. Trong truyện ngắn của WJL, quả thật Ursula có tình yêu cho chàng trai
trẻ. Ở đây thì phải mở một ngoặc đơn,
trong truyện, hai chị em Janet và Ursula cũng trẻ hơn trong phim. Janet 48 tuổi,
Ursula 45. Hai chị em sống trong một
ngôi nhà nằm trên một đỉnh đồi ven biển.
Ngôi nhà này do thân phụ của hai bà mua được bằng tiền hưu trí của một
sĩ quan hải quân cộng với tiền bồi thường sau khi ông kiện tụng hải quân hoàng
gia đã không cho ông thăng lên cấp đô đốc.
Khi tìm thấy Andrea trôi giạt vào bãi biển, hai hai chị em thấy Andrea
"đẹp như một pho tượng Hy Lạp", tóc đen, môi mọng như môi con gái, với
những ngón tay thuôn dài và trắng bóc.
Andrea lúc đó bị dập xương mắt cá, phải cáng. Ở ngoài bãi biển những người
tới cáng đang bàn chuyện sẽ đem Andrea về tạm nhà ai, thì hai chị em lên tiếng,
nói hãy đem về nhà chúng tôi, có một phòng trống không có ai ở (chắc đó là lý
do William J. Locke cho ông sĩ quan hải quân hồi hưu mua cái nhà lớn và đẹp). Về
nhà, sau khi bác sĩ chăm sóc, cậu thanh niên còn lòi ra bàn chân "có cái
gót mềm mại và lòng bàn chân trắng hồng, đầy đặn, đẹp chẳng khác gì lòng bàn tay".
Giây phút thơ mộng đầu tiên là khi Andrea cầm tay Ursula áp vào môi để hôn, thì
thầm lời cảm ơn trong một ngôn ngữ Ursula không hiểu được - Lúc đó Janet nhẹ nhàng bước vào bắt gặp -
Andrea cũng nâng bàn tay Janet lên hôn và cảm ơn. WJL tả lại cảm giác khó chịu
của Ursula: "She did not like to see him kiss her sister's hand. Why?
She could not tell but she felt as if she had received a tiny stab in
the heart" (Ph.V)
Phim nhẹ nhàng thu hút, cảnh trí đẹp, tình cảm trong sạch
thánh thiện, diễn xuất khái. Nhạc phim do Nigel Hess viết - đặc biệt là bản nhạc
đề Fantasy for violin, do Joshua Bell chơi xuất sắc trong cảnh cuối của phim -
Tui hổng kể ra hết ha, dành quyền khám phá cuốn phim lại cho quý khán giả mộ điệu
nghệ thuật thứ bảy.
Sau cùng, có vẻ như (dà, bị hổng chắc) Ladies in Lavender nghĩa là những người
đàn bà trong hoa oải hương. Lavender hổng phải màu áo quần nón vớ khăn quàng họ
mang, nhưng là màu tình yêu trong tim họ. Ô... đếm sơ sơ 3-4 mối tình, mối nào
cũng ển ển xìu xìu, hổng đi tới đâu dzáo trọi - thì tình yêu in lavender mờ,
nên nỗi đau dịu dàng như màu oải hương tím ngát.
TN
Mời nghe nhạc và xem phim ở đây
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete