Tuesday, April 18, 2017

PHẠM QUỲNH ANH. CHÀO VIỆT NAM


nguyễn xuân thiệp

Phạm Quỳnh Anh
                     
Tôi chỉ biết về đất nưc tôi qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola và những chiếc trực thăng giận dữ…

Hai câu trong lời ca dịch từ bài hát Chào Việt Nam-Bonjour Vietnam của Marc Lavoine qua tiếng hát của Phạm Quỳnh Anh. Hôm nay một ngày của Tháng Tư nghe lại ca khúc này lòng mình dâng lên bao cảm xúc  -xót thương, tiếc nhớ biết bao đất nước sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại. Ôi, dưới trời mây trắng kia…
Vâng. Phải nói lên thôi. Và xin tìm hiểu trọn ca từ bài hát.  

Racontes moi ce mot étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née
Racontes moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses me dire
Je ne sais de toi que des images de la guerre
Un film de Coppola et des hélicoptères en colère.
Un jour j’irai là bas
Un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour j’irai là bas
Pour te dire bonjour Việt Nam

Hãy nói với tôi về cái tên lạ và khó phát âm
Mà tôi đã mang từ lúc mới chào đời
Hãy kể tôi nghe về vương triều xưa cũ và đôi mắt xếch của tôi
Nó nói rõ hơn về tôi về những gì người không dám nói cho tôi biết
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola và những chiếc trực thăng giận dữ…

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào linh hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam…

Hãy nói cho tôi nghe về màu da của tôi về mái tóc và đôi chân nhỏ
Đã mang tôi đi từ lúc tôi còn thơ
Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều tôi chưa biết
Về những phiên chợ nổi trên sông và những chiếc tam bản bằng gỗ.
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh
Một cuốn phim của Copolla và những chiếc trực thăng giận dữ

Một ngày kia tôi sẽ trở về nơi đó
Để nói lời chào linh hồn tôi
Một ngày kia tôi sẽ về nơi đó
Để nói lời chào Việt Nam

Chào những đền đài và những tượng Phật bằng đá thấp thoáng hình bóng những người cha của tôi
Những người đàn bà cúi mình trên ruộng lúa là những người mẹ của tôi
Trong lời cầu nguyện, trong ánh sáng tôi thấy lại những người anh
Tất cả chạm đến linh hồn tôi, cội nguồn của tôi, đất nước tôi

Một ngày kia tôi sẽ trở về nơi đó
Một ngày kia tôi sẽ nói lời chào linh hồn tôi
Một ngày kia tôi sẽ về nơi đó
Để nói lời chào Việt Nam

      Tới đây xin thưa rõ: "Bonjour Việt Nam" (Chào Việt Nam), lời ca bằng tiếng Pháp, do một người con gái gốc Việt Nam hát lên, đã đến với Nguyễn và bạn đọc người Việt nhiều nơi trên thế giới vào một ngày của tháng 2. 2006:
Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère...
Tôi chỉ biết Việt Nam qua những hình ảnh về chiến tranh / Một cuốn phim của Copolla và những chiếc trực thăng giận dữ ...

      Với Phạm Quỳnh Anh -nói đúng ra là với Marc Lavoine người sáng tác ca khúc, ông đã thay cô nói lên- Việt Nam -đất nước của đầm lầy và sương muối này- chỉ có thế. Nhưng cái nhìn của cô muốn vượt qua những hình ảnh dữ dằn vừa nói, để đi sâu vào những thực tại ẩn kín, những vang và bóng nói với cô về cội nguồn của mình. Chẳng hạn nét sắc của đôi mắt cô, màu da của cô, màu tóc và đôi chân nhỏ bé của cô... Tất cả những cái đó cô đã mang trên mình từ lúc mới chào đời. Tại sao, tại sao thế nhỉ? Có một ý nghĩa nào ẩn ở bên trong không? Và tại sao cô thấy mình có liên hệ với những phiên chợ nổi, những chiếc tam bản (sampans) trên dòng sông Cửu Long. Và những ngôi chùa với những pho tượng Phật bằng đá kia nữa gợi nhớ những người cha đã khuất... Và rồi, những bóng hình phụ nữ cúi xuống ruộng đồng, họ có phải là những người mẹ của cô không? Trong lời nguyện cầu, trong vùng sáng dội lại từ quá khứ, cô lại nhìn thấy ở đó hình ảnh những người anh của mình. Tất cả những bóng hình đó chạm tới đáy hồn cô, cội rễ của cô, vùng thổ ngơi của cô...
Les temples et les Bouddhas de pierre pour mes pères,
Les femmes courbées dans les rizières pour mes mères,
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères,
Toucher mon âme, mes racines, ma terre...
Un jour, j'irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j'irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
   Một ngày kia tôi sẽ về nơi đó / Một ngày kia tôi sẽ cất tiếng chào linh hồn tôi / Một ngày kia tôi sẽ về nơi đó, nói lời chào Việt Nam...

Bùi Đoàn

Tác phẩm của Bùi Đoàn

    Nguyễn đã viết những dòng trên cách đây mươi năm khi lần đầu tiên biết tới ca khúc Bonjour Vietnam và tiếng hát Phạm Quỳnh Anh. Hôm nay sở dĩ Nguyễn nhắc lại là do mới đọc một bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh về nhà báo/nhà văn nữ Bùi Đoàn. Bùi Đoàn cô gái xinh đẹp ấy, cũng có cha mẹ Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc (nước Pháp) và cũng có những thao thức về nguồn cội của mình.

     Đến đây, trước khi nói về những trang viết của Bùi Đoàn, thiết tưởng cũng nên nhắc lại hành trình của bài hát "Bonjour Vietnam": Vào tháng 1 năm 2006,  người Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, qua mạng lưới internet toàn cầu, đã truyền đến nhau một bản nhạc tiếng Pháp có cái tên "Bonjour Vietnam" do ca nhạc sĩ Marc Lavoine sáng tác. Người ta nhìn thấy hình ảnh của một cô ca sĩ trẻ với gương mặt trong sáng và thuần Việt và mang một cái tên Việt Nam, Phạm Quỳnh Anh.
      "Bonjour Vietnam" và Phạm Quỳnh Anh được những người sử dụng internet chuyển cho  nhau qua Yahoo Messenger hay email, và dường như ngay lập tức sự kiện này trở thành trung tâm của một số diễn đàn trên mạng lưới toàn cầu. Nhiều người đã nhanh chóng dịch bản nhạc này ra tiếng Anh, tiếng Việt. "Bonjour Vietnam" bỗng trở thành cái cớ để cảm xúc của những người con xa quê hoài niệm về đất mẹ Việt Nam. Và thật kỳ lạ, dù bản nhạc chưa được phát hành chính thức, nhưng nó đã được lan truyền như một thông điệp về tình yêu Việt Nam.
      Nói về hành trình của Bonjour Vietnam, Quỳnh Anh cho biết: "...Marc Lavoine đã viết cho tôi những bản nhạc đầu tiên, kể cả bài "Bonjour Vietnam". Bài hát này thật ra đã tạo nên câu chuyện cho riêng nó rồi. Do một sự tình cờ, bản ghi âm thử được đưa lên Internet. Vài ngày sau, cộng đồng người Việt trên khắp thế giới có lẽ đã nghe và rất xúc động với thông điệp của bài hát. Vâng, tôi hy vọng câu chuyện sẽ còn tiếp diễn và đưa tôi đến với nhiều nơi khác, người khác..."

'Bonjour Vietnam' từ đó đã thực sự làm nên một điều kỳ diệu: nối liền các bến bờ tâm cảm. Giờ đây, "Bonjour Vietnam" đã theo Quỳnh Anh đến Mỹ trong chương trình Tình Ca Việt Nam của Thúy Nga Paris. Một người Việt Nam định cư ở California, khi nghe bài hát "Bonjour Việt Nam" đã phải thốt lên như sau: "Bài hát với lời lẽ thật đơn giản, nhưng xúc động lạ kỳ..." Và bài hát cũng đã theo Quỳnh Anh về Việt Nam với bao xúc động
   Nhà thơ Đỗ Quý Toàn cũng từng nhận định: "Như một thông điệp về tình yêu đất nước, qua giọng ca Phạm Quỳnh Anh, "Bonjour Vietnam" tạo nhiều cảm xúc cho những người con xa quê hoài niệm về miền đất Mẹ Việt Nam. Thấp thoáng đâu đó trong lời ca, những đền đài cổ kính im lìm quanh năm như được sống lại. Hình ảnh ngôi chợ nổi, những chiếc thuyền tam bản lặng lờ trôi trong không gian u tịch... Tiếng chuông chùa như đang vang vọng lời cầu hồn cho những người nằm xuống bởi chiến tranh lại xé nát lòng người xa xứ... Và vượt lên trên mọi ký ức, bóng hình người phụ nữ còng lưng trên ruộng lúa từ ngàn năm qua giai điệu, lời ca của bài "Bonjour Vietnam" luôn khiến ta thương xót."
     Một lần nữa, chào Việt Nam. Chào Quỳnh Anh...Cô gái gốc Việt ấy là Phạm Quỳnh Anh, sinh ngày 16/1/1987 tại Bỉ. Cha mẹ Quỳnh Anh đều là người Việt Nam, cha cô từng là du học sinh tại Bỉ, sau đó ở lại làm bác sỹ, mẹ cô làm y tá tại bệnh viện. Với năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, năm 2002, Phạm Quỳnh Anh đã vượt qua hơn 1000 thí sinh để giành giải nhất cuộc thi mang tên ‘Pour la gloire’ của đài truyền hình RTBF (Bỉ) khi mới 13 tuổi. Từ cuộc thi này, giọng ca gốc Việt may mắn gặp và cộng tác với nhạc sỹ tài năng Marc Lavoine. Năm 2005, Bonjour Vietnam - bài hát được nhạc sỹ Marc Lavoine sáng tác, Guy Balbert dịch sang tiếng Anh với tên Hello Vietnam, đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ về sự thành công.
….
    Chúng ta trở lại với Bùi Đoàn.  Năm 2016 cô đoạt giải Amerigo-Vespucci với tự truyện Le Silence De Mon Père (Sự im lặng của cha tôi). Và cũng với tác phẩm ấy đoạt giải Porte Dorée vinh danh bởi Viện Bảo Tàng về di dân Pháp. Bùi Đoàn rất xúc động khi nghe Phạm Quỳnh Anh hát Bonjour Vietnam bằng tiếng Pháp. Cô ghi lại những cảm xúc của mình như sau:
     “Mấy ngày nay, tình cờ, tôi được nghe một ca khúc, và, cái cảm giác như sóng vỡ bờ ấy đã làm tôi thẫn thờ trong giấc mộng du nào. Như một “người đi trên mây”, đọc một bài báo có hình ảnh của con đường cũ, đã rung động. Thế mà , nghe bản nhạc của một người ngoại quốc viết về quê hương mình, do một thiếu nữ Việt Nam nhưng phát âm Pháp ngữ rất chuẩn, lại bồi hồi và xao xuyến gấp bội. Những điệp khúc, như lời thiết tha. Những ngôn ngữ như lời thầm thỉ.
      Dù rằng những hình ảnh như chiếc trực thăng cuồng nộ trên bầu trời làm tôi thấy có một điều gì lấn cấn trong tâm. Cái hình ảnh tuyên truyền của những người phản chiến thiên Cộng ấy đã thành một hình ảnh tiêu biểu cho chiến tranh chăng? Sao không có những hình ảnh khác như hầm chôn người ở Huế, hay đại lộ kinh hoàng ở Quảng Trị…?
      Nhưng cảm giác ấy thoáng mau bởi vì người viết lời là một người ngoại quốc, không có tâm thức và trái tim Việt Nam.
      Lời của Bonjour Việt Nam có nét bình dị nhưng nói lên được cái tâm cảm nhớ nhung quê hương của những người xa xứ. Có thể nói tuy Marc Lavoine là người ngoài nhưng như mang tâm cảm của người ở bên trong đã sống cùng, đã thở với và chung nỗi niềm.
      Trường hợp Marc Lavoine và “Bonjour Việt nam” là một điều đặc biệt. Dù bản nhạc chưa được hoàn chỉnh lắm theo như tác giả, nhưng khi được Phạm Quỳnh Anh hát thì được ngưỡng mộ rất nhiều. Ít có bản nhạc gây ra tâm cảm phấn khích cho người nghe như thế.
      Vào website Google.com, search ở Phạm Quỳnh Anh, tôi download và in ra tới gần cả trăm trang những nhận xét của mọi người bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tất cả như cùng chia sẻ với người viết nhạc và người trình bày nhạc một tâm cảm lạ lùng, của những nỗi niềm mà khi nghĩ lại, giống cá nhân tôi. Nghĩa là, của một đại dương bề mặt thì yên tĩnh nhưng ở bề sâu dưới đáy thì lại cuồn cuộn vỡ bờ. Không hẳn là tình hoài hương, cũng không hoàn toàn là những lời than trách, nhưng trong âm điệu, có một điều gì trong veo, của tình tự dân tộc sâu lắng xuống, thành cung bậc làm cho thăng hoa những suy tư , những liên cảm.
       Điệp khúc “Un jour, j’irai là bas” (Một ngày nào, tôi sẽ trở về nơi chốn đó) nhắc đi nhắc lại thật đã trong không gian chùng xuống những giây thần kinh rung động. Nghe đi nghe lại, vẫn chưa chán, mà đôi khi, còn làm kéo dài thêm cái giây phút của một người còn nuối tiếc một điều gì linh thiêng lắm mà nhất thời chưa định hình được. Lời nhạc lôi vào một cảnh thổ nào, tuy quen thuộc nhưng vẫn thấy hấp dẫn bởi những bất ngờ sẽ gặp, sẽ đến. Lãnh thổ của những người thích chơi vơi, phiêu lưu trong cái bềnh bồng của quá khứ lung linh trong tâm tư. Nghe Phạm Quỳnh Anh hát, tưởng như một người của một xứ nói tiếng Pháp hát, nếu không có chữ Việt Nam với phát âm nghe rõ dấu nặng của chữ Việt. Nhưng lại có một cảm giác xen vào, nếu nghe Phạm Quỳnh Anh, một cô bé sống và lớn lên ở xứ người mà hát được bằng ngôn ngữ Việt Nam thì hay biết bao! Dù rằng, cô bé ấy đã đi song hàng giữa hai nền văn hóa, giữa hai đời sống và hai ý niệm….

Marc Lavoine đã gửi gấm những điều gì trong nốt nhạc và ca từ của “Bonjour Viêt Nam”? Thực ra, từ hình ảnh, đến ngôn ngữ đều bình dị… Bản nhạc như thôi thúc một buổi trở về. Có một lời hứa hẹn. Tôi sẽ về. Sẽ về để thấy yêu vô vàn quê hương. Để thay người cha thắp nén nhang thơm lên bàn thờ Phật để nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất. Để thay lời người mẹ, ân cần nhắc nhở tới những thiếu phụ gập mình dười đồng sâu, khổ cực một đời. Câu văn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn còn âm vang: “Không có nơi nào đẹp bằng quê hương.” Dù rằng, quê hương ấy tả tơi vì bom đạn, vì khói lửa làm đen tối cả một khoảng trời. Chuyện chiến tranh bây giờ đã thành quá khứ, nhưng cái bóng đen ấy vẫn cón ám ảnh nhiều người. Vẫn còn những bi thảm tiếp tục. Vẫn còn những chia phân trong hồn người…

Riêng với tôi, cảm xúc đã tạo cho mình những câu tự vấn. Người đi? Người ở? Người về? Tôi có phải là người thật lòng yêu quê hương xứ sở không? hay chỉ là trong đầu môi chót lưỡi? Ai mà chẳng muốn về thăm quê nhà. Ai mà chẳng yêu đất nước và mong mỏi quốc gia hùng cường tân tiến? Thế mà, sao bây giờ, tôi chỉ tự hứa với mình. Sẽ có một ngày trở về. Còn bây giờ, thì chưa … (trích theo Nguyễn Mạnh Trinh)

Bây giờ chúng ta trở lại với Bonjour Vietnam

Hãy nói cho tôi nghe về màu da của tôi về mái tóc và đôi chân nhỏ
Đã mang tôi đi từ lúc tôi còn thơ
Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều tôi chưa biết
Về những phiên chợ nổi trên sông và những chiếc tam bản bằng gỗ.
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh
Một cuốn phim của Copolla và những chiếc trực thăng giận dữ

Và nghe Phạm Quỳnh Anh hát
NXT

No comments:

Post a Comment