Friday, April 28, 2017

HỒN CÂY XƯƠNG LÁ*


Lưu Na

Hình minh họa của Lưu Na

Tám Sề tung chăn, ra bếp.  Trời đã tối, mắt mụ cay sè vì đã chơi game hơn hai tiếng đồng hồ.  Mụ thèm ăn phở xào dòn nhưng quá lười ra phố, thôi, lại mì tô Đại hàn cho qua bữa.  Mụ thầm rủa xả mình, đồ đàn bà thối thây, nhưng có hạ bao nhiêu quyết tâm thì mụ vẫn thấy trên đời chỉ còn thú chơi game trên điện thoại là đáng kể.
Tám Sề mở tủ bếp lấy cái ly.  Rầm, cửa tủ tuột tay sập lại.  Mở gói cà phê trộn sẵn đổ ra ly, bụi cà phê rơi đầy mặt bàn bếp.  Ra phòng ăn bấm nút lấy nước sôi, lóng cóng nước nhiễu xuống sàn, lại phải lau.  Bây giờ mụ thấm cái lụi cụi của mẹ mà mụ đã không tiếc lời càm ràm cằn nhằn cửi nhửi khi bà cụ còn ở nhà.  Tối như vầy, chắc bà đã ngủ yên nơi nhà dưỡng lão.  Mụ thở phào.  Chẳng phải mụ muốn vậy, nhưng nhờ vậy mà mụ không phải trả lời câu hỏi “thằng Tư đâu?” của mẹ. 
Mụ nói sao, bởi ai bỏ ai thì vẫn là gẫy đổ, mà gẫy đổ vì cái gì cũng lại không nói được cho rành.  Tám Sề bắt gặp mình lại nghĩ đến Tư đục, đến người chồng mà mụ phải nghiến răng rẫy bỏ.  Giờ này ngoài vùng cận sa mạc chắc lão cũng đã lên đèn.  Lão có ra sân hút thuốc và ngó mông trời đất?  Cái vùng nắng gió khô cằn ấy là địa ngục cho dân phố thị như mụ, như lão - nhưng là lão của một kiếp xưa nào – cái kiếp đã tạm xa khi bước vào đời lính, và chôn vùi hẳn khi cuộc chiến đã tàn.  Tư đục bước ra khỏi trại cải tạo chỉ còn một dúm xương da, quờ quạng như đã mấy đời ở xứ Chắc Cà Đao.  Nhưng lão rõ ràng hẳn hoi là một con người, bởi ẩn chứa sau cái chậm chạp rúm ró lừ đừ là một ý chí dứt khoát: không khuất phục.

Đem hết cái ý chí đó, lão đã mặc chiếc áo sơ mi sạch sẽ nhất có thể có với tấm quần jean bạc thếch đến gặp bà cụ, gặp 20 con mắt để xin cưới mụ!  Cũng còn may bà cụ đã lịch sự cám ơn và xin khất vài ngày suy nghĩ.  Suy nghĩ, là mụ phải suy nghĩ, chứ cụ bà đã hỏi vào mặt mụ một câu ngắn gọn – mày ăn súp nước lã mà sống có được không?  Mụ đã băm mấy tuổi đầu đâu còn thơ dại mà mộng mơ, nhưng lấy lão dù gần 50 còn hơn lấy cán bộ.  Mụ giã gia đình vác gói theo lão ra vùng núi đá gần Nha Trang sinh sống.  Nắng cháy bỏng da, núi đá hắt ánh nắng chói chang vào mắt, lão cứ lầm lũi đục.  Đi làm cả ngày với thợ đá chưa đủ, tối về buông chén cơm muộn ra lão lại đục dưới ánh đèn vàng võ.  Mụ thường tần ngần ngó lão, lòng băn khoăn không biết phải làm sao cho lão rời tay.  Mụ thương lão phận đời thất lạc, nhưng dường như không lời nói nào thay được tiếng lạch cạch chan chát ngày đêm vang lên như những tiếng gầm gừ uất hận thở than.  Lại có những khi lão không làm gì cả, cáo bịnh ở nhà suốt ngày thơ thẩn.  Đó là những khi mưa.  Đáy mắt lão như ươn ướt, ánh mắt mông lung vắng lạnh.  Lão có thể nắm tay mụ đứng bên cửa sổ hằng giờ, cho đến khi mụ rút tay ra tìm chỗ ngồi xuống cho đỡ mỏi.  Lão buông những tiếng thở dài ngăn ngắn, tắc lưỡi chép miệng như sốt ruột như xót thương nhưng lại chỉ lắc đầu khi mụ hỏi “chuyện gì?”

Tình vợ chồng của mụ gọn gàng dứt khoát như những nhát đục chan chát: hãy chấp nhận nhau, đừng hỏi vì sao.
Nhưng mụ không thể không thương lão, và lão cũng thương mụ không kém.  Những khi mụ bịnh vì không quen với phong thổ, mà mãi vẫn không quen, lão mang đến cho mụ từng ly nước, muỗng cháo, lau cho mụ từng giọt mồ hôi.  Những lúc đó lão lại là người của kiếp xưa, cái kiếp hào hoa vui sống yêu đời.  Lão hát cho mụ nghe nhạc Pháp, nhạc tiền chiến; lão ra chợ mua về một bó hoa bí cắm trong cái ly thủy tinh cho đến chiều thì đem nấu canh tôm khô cho mụ húp mát ruột.  Lời yêu của lão chỉ là những ngón tay thô nhám vuốt sợi tóc mai, quệt ngang má rồi nắm nhẹ trái tai.  Tình của lão nằm gọn trong khối đá vân trắng khắc đầu tượng của mụ với mái tóc chấm vai và đôi khoen tai lão đã phải làm lụng trong sáu tháng mới để dành đủ tiền mua tặng mụ ngày cưới – nghĩa là cái ngày lão được đến nhà mụ thắp ba nén nhang lạy tổ tiên, uống miếng nước trà ăn vài ba cái bánh pa tê sô rồi dẫn mụ về chòi. 
Cứ như vậy lão và mụ sống cận kề trong im lặng, cái im lặng nhức buốt tâm can bởi mụ không thể nào san sẻ nỗi sầu thất lạc trong lão.  Những đêm trăng sáng ngồi hút thuốc nơi sân trước, bên cạnh bếp lửa nhỏ mụ nấu nồi chè đậu đen với gừng, lão kể những chuyện không đầu không đuôi của những cái tên không nguồn không gốc với những tai ương mất tay chân mất mạng mất răng mất ngón mất vợ mất con mất bè bạn, những giọt nước mắt khô và những tủi cực không bờ không bến.  Những lúc đó lão như thây ma trong quan tài vụt sống dậy chứ không như tấm thể xác không hồn của mỗi ngày.
Núi đá đục muôn năm chắc vẫn còn, mụ cam sống cuộc sống nhọc nhằn chỉ mong lão tìm được chút bình yên nơi công việc vất vả ồn ào ấy hầu lấp đầy cõi lòng khốn khổ tuyệt vọng với cuộc đời.  Cho đến khi lão được xuất cảnh diện H.O. 

Cái tình vợ chồng im ắng cũ bỗng chốc như bụi đá tan trong gió.  Nơi đây quá sạch quá êm.  Nơi đây không phải đổ mồi hôi sôi máu mắt vẫn đủ sống.  Mụ chưa tới 40 tuổi đầu nên dễ dàng lao vào đời sống mới, nhưng Tư đục bỗng phải về vườn.  Ta làm gì cho hết nửa đời sau?  Lão lẩm nhẩm câu đó từ một cuốn thơ.  Đọc sách chùi nhà nấu cơm rửa bát bắt xe buýt đi chợ, những ngày tháng đó lão bao biện mọi việc để mụ có thể vừa làm vừa học cho khỏi phí quãng đời đứt đoạn vừa qua.  Khi mụ học xong mảnh bằng cũng chợt nhận ra Tư đục bắt đầu đục vào quãng không và cái tiếng chan chát giờ lại ầm ĩ vang vang trong tai mụ.  Cuộc đời đẩy mụ tới trước, tới nỗi không còn có thể nắm tay lão để đứng hằng giờ trong thinh lặng như xưa.  Mọi giao tiếp với người chung quanh giờ tắt lịm, bởi lão như gớm ghiếc cuộc sống gớm ghiếc con người. Mụ ngoảnh mặt cùng bè bạn đồng nghiệp chỉ vội vội để về bên lão.  Về nhà để thấy rất gần lại rất xa.  Mụ càng với càng thất lạc lão, càng ân cần hỏi han chăm sóc lão càng thống khổ muộn phiền.  Mà nào phải mụ và lão không còn thương nhau.  Lão vẫn vuốt những sợi tóc mai của mụ lúc đêm về, lúc lão nghĩ rằng mụ đã ngủ, và mụ vẫn phải nắm tay lão mới có thể có giấc an bình.
Lần đầu khi lão vô thức đục đục vào quãng không mụ đã rúm cả người lại.  Anh Tư, anh Tư… mụ gọi, lão dường chỉ nghe được âm thanh mơ hồ.  Lâu dần mụ cũng nghe văng vẳng tiếng chan chát bên tai, rồi đến một lúc nào đó mụ nghe ra khi nào lão tách được một phiến đá vuông vức, khi nào khối vân thạch bị mẻ.  Những lúc đó mụ vội vàng nắm tay lão lôi ra xe chạy miết miết, chạy bất cứ con đường nào đưa mình xa thành phố để một lúc nào đó quay nhìn chỉ có mình và mênh mông ngàn cây nội cỏ.  Ra đồng hoang là Tư đục tỉnh cơn mộng dữ, mặt lão dãn ra và lần tìm bàn tay mụ nắm chặt trong suốt quãng đường mịt mờ.  Cái trò chồng đục vợ nghe hai ta cùng chạy đó ngày một thêm nhiều.
Cho đến một hôm mụ lạc vào vùng đồi núi khô cằn cận sa mạc.  Suốt mấy dặm đường ngoằn nghèo chỉ toàn băng ngang đồng hoang sỏi đá, vắng hoe.  Và một căn nhà nhỏ nằm chơ vơ xa tít gần bên núi trọc với tấm bảng rao bán cắm sát lề đường.  Mụ chưa kịp buông tiếng cười diễu “bán cho ma” thì bắt gặp lão đang nhìn đăm đăm căn nhà ấy.  Và mụ hiểu, mụ hiểu mình phải đành…

Pom, pum, pang pang, tiếng đập cửa dồn dập làm Tám sề giật bắn người, đánh rơi cái ly.  Cà phê và miểng thủy tinh văng tứ phía.  Mụ túm vội cây chùi nhà gom tạm mảnh vỡ và cà phê lại một chỗ rồi ra mở cửa. 
Thằng Cập ùa vào như bão lốc, hai tay lần lượt níu gót rút giầy quẳng qua một bên chỉ 30 giây, rồi lao tới ghế sa lông hạ mình cái huỵch.  Mụ tự hỏi cái ghế đó chịu nổi 100 ký của nó hay không.  Máu trong người mụ bắt đầu sôi.
-Ở Mỹ lâu chưa, có biết lịch sự là gì không?
-Mới gần chín giờ, bộ mụ tính đi ngủ sao?
-Già rồi, không quởn vác dái chạy rông.
-Tui chỉ qua nhà bà, không chạy rông đâu hết.  Tui đang ứa máu con vợ, bà để tui thở chút được không?
Mặt nó trơ như đá, hai mắt lạnh băng chứ không tinh nghịch như mọi bữa.  Mụ im lặng đợi chờ. 
-Tui về tới nhà thì ông già vợ đang ngủ nên tui cũng lên phòng, mà vừa chợp mắt thì “nó” lôi tui dậy để “tâm sự” với ổng.
-Thì ổng còn có năm ba tháng đời, thân ái được lúc nào hay lúc đó.  Chắc hắn thấy ông cụ thức dậy nên cũng kêu mi dậy.
-Đó, đó, vậy mới điên.  Ổng vẫn còn đang ngủ, nó đánh thức ổng và tui dậy để “hai người nói chuyện tâm tình!!!”  Tui đem hết chữ trong hắc thư của tui ra chửi nó một trận.  Nhưng tui vẫn còn muốn bóp cổ nó nên mới phải dông goa đây.
Thằng Cập vừa dứt lời thì điện thoại reo.  Nó mở phone rồi thì khói lửa đạn bom mù trời, súng uzi nổ không biết đâu mà đón.  Nó sổ từng tràng tiếng Ả rập đầy những ro ro khò khò khạc khạc cho tới khi tiếng khản đặc thì cúp phone cái rụp.  Nếu có ngọn núi lửa nào phun thì đó là lúc nó giận, mà nếu có ai vấp điều tuyệt vọng thì cũng là lúc nó lặng thinh mặt lạnh như tiền.
Bằng tiếng Anh giọng Pháp tốc độ Trung Đông, nó kể cho mụ nghe cái cuộc trao đổi hết sức “hữu nghị” giữa nó và “con vợ ngu xuẩn.”
Không đành chửi nó bất nhơn, mà cũng không thể bông lơn xúi nó gửi thư cho “dear Arby,”  Tám Sề làm thinh lau dọn sàn bếp.  Chỉ độ mươi phút mà thấy hết cả hơi, mụ chả buồn ừ hữ nữa cứ mặc cho thằng Cập lải nhải.
-Tui nói nãy giờ bà có nghe gì không?
-Nghe súng liên thanh nổ.
Cặp mắt nó trợn trắng nhìn mụ, in như khói phun ra từ lỗ mũi.  Mụ giả lả nói,
-Uống cái gì không?
-Cái chai đó của bà?  Mụ liếc mắt _ Cordon Rouge Grand Marnier.
-Chứ của ai.  Nó cười rộ,
-Đàn bà uống si rô thì phải rồi.
Mụ chẳng thèm trả lời trả vốn, chỉ đặt chai rượu và cái ly lên mặt bàn bếp.  Thằng Cập vồ cái chai đổ ra hai lóng tay ực một hơi.  Cũng được, mặt nó coi bộ đã nguôi ngoai.  Nó làm thêm vài cái “hai lóng tay” thì mụ lo mình sẽ mắc nạn.  Mụ dòm nó lom lom.
-Mi khôn ngoan hết mực, rất biết lòng thiên hạ, sao lại lâm cái cảnh cọ quẹt trống xuôi kèn ngược?
Nó dòm mụ lạnh lùng.  Nó biết mụ nói gì.  Bởi nó từng khoe khoang có thể nắm bắt tâm ý thiên hạ cỡ 99.9 phần trăm.  Chả biết thiệt hay không, nhưng dường như nó biết rõ tánh từng người ở cái sở 85 người đàn bà 15 người đàn ông này.  Nó biết ai đi xe gì đậu ở đâu, sở làm đặt cameras khi nào chỗ nào.  Nó biết nói chuyện diễu cỡ nào cho loại người nào, nó có cách nói chuyện cư xử mà xếp thường phản ứng đúng như nó toan tính.  Nó là ma, ma cà bông.  Không ai biết nhiều về nó mà ai cũng muốn lại gần – kẻ thích, thích nó vui tươi thông minh lanh lẹ; kẻ ghét, ghét nhưng vẫn cần nó bởi khả năng đoán xét tình hình tìm hiểu thông tin và cách đối phó hữu hiệu cho mọi tình huống.  Vậy, mà giờ nó đang trụ ở nhà mụ vì cái nửa “ngu xuẩn” kia.  Mụ muốn vạc vào mặt nó cái chuyện trớ trêu đáng đời đó, nhưng không nỡ.  Bởi nó từng tuyên bố, “tui không nghĩ chuyện bỏ ‘nó.’  Con cái cha mẹ họ hàng bè bạn nhà thờ, tui không thể mà cũng không muốn gì khác hơn là chấp nhận.  Khôn lắm cũng có một lần ngu, bà cứ tự nhiên mà cười… “
-Vợ không phải để yêu.
Nỗi chua chát và chán chường trong câu nói làm mụ sót lòng.  Nó bao nhiêu tuổi đầu để hạ những câu lý sự buồn tênh.  Vợ không phải để yêu, nhưng mụ còn trở thành gánh nặng khôn kham cho cuộc đời Tư đục.  Những khi mụ mua cho lão một tấm áo, rủ rê lão đi với mụ tới một nơi nào đó đều được một cái lắc đầu.  Tư đục lóng nghe từng tiếng chim sáng, tiếng gió đêm, mà chẳng thể nghe tiếng đời sống quanh mình.  Sự xa hoa, cho dẫu chỉ là một bộ quần áo tươm tất, như quá mức chịu đựng của một người đã bị đẩy về kiếp tiền sử ăn lông ở lỗ.  Ơn phúc của đất trời vô lượng, lão sống như khóm cây ngọn cỏ lăn lóc ở hang động cũng đủ một hơi thở, sao phải lòe loẹt điểm trang!  Lão như viên đá cuội lặng chìm dưới đáy  nước cuộc đời, mụ như nhánh rong cứ nấn ná quẩn quanh mà vẫn phải chịu trôi theo dòng im chảy. 
Ngày dọn về căn nhà chơ vơ ấy lão băn khoăn đi xuống đi lên.  Mụ tưởng lão yếu sức không thể xếp dọn đồ dùng nên lăn vào dành mọi chuyện.  Lão chỉ thở những hơi thở dài thầm lén.  Đêm xuống, khi bóng đêm che lấp những cách biệt của kiếp người, lão nằm xuống tấm phản tay mân mê lọn tóc mai của mụ.  Khi ấy, người lão dãn mềm như tấm bánh dầy mới vắt mùi nếp còn nhẹ nhàng ấm áp thoang thoảng trong gió đêm.  Và lão đã buông lời, những lời tha thiết tận đáy lòng để khuyên mụ nên trở về thành phố.  Buổi sáng trở dậy, mụ thu xếp những món riêng tư cần thiết.  Mụ không cam lòng rời bỏ người chồng yêu dấu, nhưng càng không cam lòng thấy Tư đục khổ đau trăn trở với trách nhiệm xã hội khi lão không còn có thể là người của xã hội.  Cuộc phong ba qua đã lâu rồi, nhưng không còn ai có thể tạo dựng lại những gì nó đã tàn phá.  Anh Tư, anh có biết em phải đành xa anh để anh có thế sống cuộc sống còn lại của đời anh…”
Những đêm nằm một mình mụ nhớ lão thảm thiết, nhớ tấm thân gầy như chiếc xương lá mục nằm dán sát trên tấm phản nơi căn nhà ở vùng đá sỏi.  Mất bao nhiêu triệu năm để hồn người vươn lên?  Mất bao nhiêu ngày tháng để xóa nhòa niềm yêu sống?  Nghĩ đến Tư đục, Tám Sề thấy thương nỗi hằn học đắng cay thất vọng của thằng Cập, thương luôn cả những hoang đàng chi địa ham vui háo thắng lăng nhăng của nó.  Con trai, hãy yêu, hãy sống, hãy khổ đau…  Đừng để nhịp đời cạn kiệt vì sẽ không bao giờ tìm lại được.  Chai rượu chỉ còn một nửa bên thằng Cập đang dòm mụ với nét cười cợt thách đố.  Hm, ranh con, mi nghĩ chỉ mình mi biết sống?  Mụ với lấy cái ly rót cho mình hai lóng tay.  Nó cười khà hân hoan như cành khô được tưới đẫm.  Nó lại mở máy.
-Con Monica mới text cho tui, bà biết nó nói gì không?
-Không muốn biết.
-Nó chửi tui ngu, chê tui không được như thằng Isaac.  Tui làm lơ không trả lời.  Nó hết gửi hình ngực trần giả bộ than có vấn đề để dụ, rồi thấy tui im thì lại so sánh tui với thằng khác để khiêu khích.
-Ủa, sao lại mèo chê mỡ?  Nè, đừng có nói mình ngoan đạo chung tình nghen.
-Không có đâu, nhưng tui muốn là được, mà không muốn thì chấp nó dở trò. 
-Ngon dữ.
-Không ngon gì, nhưng chắc chắn là không ngoắt đuôi khi nó búng tay.  Ở xứ tui thì bọn nó chẳng bao giờ có dịp để gặp tui.
-À há, ra là dân mi cũng có máu phân chia giai cấp, cũng chồng chúa vợ tôi ra gì.
-Kể ra văn hóa xứ tui cũng giống văn hóa xứ bà, nhưng dân tui không ăn gián.
-Thịt chó chứ?
_
_Phớ..ớ
Tám Sề thắng kịp.  Thằng Cập cười ngoặt ngẽo, “sao, sao, bà tính nói gì?”  Tám Sề làm lơ rót thêm hai lóng tay.  Gần mực thì đen.  Thuở mới đặt chân lên xứ này mụ thường thầm khinh những đứa trẻ mở miệng là chửi thề.  Bây giờ mụ nghe ra trong những cái thô bỉ ấy là tiếng đời mặn nồng nhưng trong trắng.  Mưa còn có tiếng đục tiếng trong.
Tám Sề làm thêm hai lóng tay.  Đêm chắc đã đêm hơn bởi mụ thấy căn phòng sáng rực ánh đèn vàng ấm.  Mặt thằng Cập rực ánh hồng, mắt long lanh.  Nó đang huyên thiên đến cái chuyện mấy con bồ cũ, đến những ngày vàng son thuở ăn nên làm ra tiền vào như nước, đến những cú làm ăn dễ như lấy tiền trong ví…  Ôi cuộc sống, mụ thèm biết bao nhiêu một miếng cuộc đời, mụ tiếc biết bao nhiêu những điều chưa biết, và, mụ muốn chết biết bao nhiêu vì có nghĩa gì đâu kiếp sống này.  Anh Tư, anh đang làm gì?  Mụ lại nghĩ đến Tư đục và không còn có thể đẩy hình ảnh ấy ra khỏi cái đầu dần mênh mông nhòe nhoẹt.

Lạnh, lạnh quá.  Tám Sề mở mắt nhưng chẳng thấy gì.  Mụ nghe xa xa mơ hồ có tiếng ri rỉ, rồi dần rõ ra tiếng xào xạc của đêm khuya.  Mụ ngồi tung dậy, căn nhà vắng lặng.  Hóa ra mụ đã ngủ lăn quay ở ghế sa lông với một đống gối gác tay chèn quanh và tấm mền nhỏ phủ ngang người.  Thằng Cập đã lẳng lặng ra về từ lúc nảo lúc nào chả rõ.  Một mình váng vất, Tám Sề vào giường.  Mụ nằm im nghe tiếng tim mình đập phập phồng trong lồng ngực, rồi mụ lại nhớ tới những hơi thở chầm chậm chán chường của chiếc xương lá mục nơi góc trời kia.  Anh Tư, có bao giờ em tìm lại được hồn cây xương lá?

LƯU NA
04262017

*Nguyễn Đình Toàn, Mưa Khuya

No comments:

Post a Comment