Monday, April 17, 2017

MÙI NHỚ


Khuất Đẩu

Thiếu nữ. Tranh Nguyễn Trung

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
                                          Nguyễn Du

Mùi đầu tiên, ấy là mùi của mẹ. Không chỉ là mùi sữa tanh tanh nồng nồng mà còn là mùi thịt da ngọt bùi,  mùi của mồ hôi và mùi của nước mắt. Ở mẹ còn có mùi bồ kết rịn rịn trong từng kẽ tóc, mùi bã trầu cay xè mỗi khi mẹ ôm tôi vào lòng nựng nịu. Rồi miếng cơm đầu đời do mẹ nhai đút vào miệng chưa có răng, nghe ra có mùi của nước bọt. Những mùi không hợp vệ sinh ấy chẳng những đã không làm hại mà còn nuôi tôi phổng phao bụ bẫm.

Khi biết ăn biết chơi, thích nhất vẫn là mùi của những món quà quê mùa. Bánh ú gói lá chuối mở ra thơm ngậy mùi đậu, bánh ít đen bóng thơm mùi lá gai, bánh thuẫn vàng rực thơm mùi trứng, cốm bắp trộn đường thơm mùi mật và bánh xèo kêu xèo xèo thơm mùi mỡ.
Cây trái, thì mùa nào thức ấy, mùi ổi chín thơm ngầy ngậy, mùi xoài tượng thơm như tẩm mật ong, còn mùi mít thì đố ai mà giấu nổi.

Hoa, thì hoa bưởi hoa chanh thơm như là nước hoa hảo hạng. Còn hoa cau, thì hương của nó như hương của đất trời. Có lẽ vì tỏa hương từ ngọn cây cao vút, nên chẳng những nó trong suốt như khí trời mà còn mênh mang lồng lộng, nhất là trong những đêm trăng sáng. Cũng có thể bảo, những đêm ấy trăng trong vườn rất thơm.

Lớn hơn một chút, cảm nhận được cái mùi rất xôn xao trong những ngày giỗ chạp. Đó là mùi hoa vạn thọ hăng hăng trên bàn thờ, mùi chuối chín trên cỗ bồng, mùi chiên xào thơm đến ngạt mũi, mùi nhang trầm huyền ảo, mùi rượu đế lênh đênh…
Đến khi xa quê, lạc bước vào phố thị ồn ào, thì cái mùi tôi nhớ nhất, ấy là mùi nước mưa. Không phải mùi của mặt đất khê nồng khi cơn mưa bắt đầu. Mà là mùi của những giọt nước trên mái tranh còn tí tách rơi trên thềm nhà trong khi mưa đã tạnh, mùi của cây lá trong vườn vừa được tắm gội, mùi của không khí trong veo, mùi của sự yên bình, mùi của nhịp đời đi rất chậm.
Đó là mùi của tuổi thơ tôi, một tuổi thơ lấm lem, nghịch phá, nhưng đáng yêu xiết bao, giờ đã thành mùi nhớ đôi lúc đến nôn nao cồn cào.

Còn đây là mùi nhớ của một cô bé.
Cô ấy gọi là “Bùa Hương”.
“Thứ hương gì một lần cảm nhận đến ngỡ ngàng, để rồi mỗi lần cảm xúc dấy lên là Nó lại ùa về sống động rủ rê mình tan theo? Nó đến, Nó ở, Nó theo như một thứ bùa ấm áp, như có bầu có bạn, làm mình thật hạnh phúc lẫn bâng khuâng. Làm mình bay bổng. Lơ lửng. Hay quay chong chóng. Nghĩa là một kẻ bị bỏ bùa.”
Cái “Bùa Hương” ấy là “phút này đây…nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội…hương nồng của sân gạch đỏ sau cơn mưa bất chợt mùa Hạ, không biết nắng thơm hay mưa thơm hay mùi gạch đỏ đẩy đưa mình ngào ngạt thế…và mênh mang hồ sen của một ngôi chùa sư nữ ở cạnh nhà thời thơ ấu chắp cho tâm linh ta đôi cánh …đã để mình tan ra trong mùi hương rằm…cái mùi hương vô nhiễm ấy…hương nắng lẫn hương xuân thì nhẹ lòng những phôi phai…mùi sum vầy của những ánh đèn hắt ra từ những ô cửa sổ…nghe hương lá tre khô quê nội, ngồi bên thềm nhà hít hà cái mùi nắng…buổi sáng hớp một ngụm cà phê nóng, nắng vàng vương trên ly theo vào lưỡi, mm…”
 Còn có một mùi bỏ bùa cô nữa, ấy là mùi nước giếng cổ đóng đầy rêu trong đêm trăng: “ chị Bích ơi, em biết sẽ có ngày chị em mình lại về nhà nội và tắm khuya bên bờ giếng ấy, phải là đêm có trăng để em thấy được những mảnh trăng sáng bắn tung tóe từ người chị…” Cái mùi của nước thẳm sâu từ trong lòng đất ấy chan rưới trên thịt da của tuổi “em tuy mới mười lăm/ mà đã lắm người thăm”* nó mát rượi đến tận tuổi bảy mươi. Cái mùi ấy, đúng là mùi hương thời gian của Đoàn Phú Tứ, một mùi hương không nồng mà thanh thanh.
Cô bé ấy không giống với các cô gái tân thời mà rất giống với cô gái đi chùa Hương cách đây gần 100 năm của Nguyễn Nhược Pháp. Nghĩa là rất trong sáng, rất tinh tế và cũng rất nhiều mộng mơ. Và vì vậy, dường như suốt đời, ngay cả lúc đau bệnh nằm một chỗ, cô cũng chỉ biết có mỗi một việc rất tiền định là làm thơ.

Cô bé ngày xưa ấy giờ là nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Thơ của cô thì nhiều người “khen hay, hay quá! Ai nghe mà (chẳng) ngẩn ngơ”*. Tôi chỉ muốn nói đôi điều về quê nội của cô (cũng là quê ngoại của các con tôi). Cái ấn tượng đầu tiên để lại trong tôi, chính là những hàng cau trong ánh hoàng hôn khi xe lửa vừa qua khỏi ga Ninh Hòa,  những ngọn cau bỗng sáng bừng lên như những cây nến khổng lồ.
Đẹp và buồn lạ lùng.
Khi đọc những trang đầu tập tản văn Bóng Bay Gió Ơi, tôi kêu thầm, sao mà giống quê mình quá vậy. Cũng có hoa trâm trâm, có đồng lúa chín vàng, có những con mương nhỏ và cái giếng gạch nước trong và mát, có những giọt mưa rơi trên thềm nhà, có bà có mẹ…Thế nên, dù cách nhau một đại dương bao la, tôi vẫn thấy rất gần, hay nói đúng hơn tôi cũng bị cái mùi hương tuổi nhỏ của cô bỏ bùa.
Cô viết “theo cảm xúc mà đi”, và cảm xúc của cô mênh mang bất tận. Rất nhiều hương, rất nhiều màu, rất nhiều tiếng chim và tiếng người.
Tôi đang “ăn theo” xúc cảm của cô, nên xin thú thực rằng, có được bài viết này là nhờ đọc những trang thơ xuôi của cô, những trang thơ “thanh thanh tím ngát hương thời gian”.

Xin được cảm ơn cô dù rằng chính danh phải thưa “bà”.

Ninh Hòa, 18/4/2017
Khuất Đẩu

*mượn thơ Nguyễn Nhược Pháp

No comments:

Post a Comment