Nguyễn
Ước
Đọc
cuốn “The Refugees” của Nguyễn Thanh
Việt
Joyce
Carol Oates
Nguyễn Thanh Việt
The Refugees
Hãy xem xét những khác nhau của các
chữ “người tha hương”, “người di dân”, và “người tị nạn”. Chữ “người tha hương”
gợi lên tinh thần quốc tế và sự được cơ động sử dụng tài nguyên của mình; chữ
“người di dân” gợi lên một mức độ nhu cầu nào đó; chữ “người tị nạn”, do định
nghĩa của nó, cho thấy tính liều lĩnh liều mạng: y bị di chuyển khỏi quê nhà, bị
lâm vào tình huống không được nhà nước nào nhận là công dân [vô tổ quốc/không
quốc tịch], có đôi chút hoặc chẳng có chút tài nguyên nào. Người tha hương giữ
lại căn cước [bản sắc] khi y giữ lại quyền công dân cùng các ưu quyền của mình;
người tị nạn đánh mất căn cước của y trong tình trạng vô danh giữa những người
khác như y. Cũng giống như cách mà cụm từ “những người bị nô lệ” (the enslaved
persons) bị cắt cụt thành thuật ngữ “những người nô lệ” (the slaves) được xác định
bằng tình cảnh của họ, trong tự loại “người tị nạn” có sự đánh mất căn cước. Chữ
“người tị nạn” khi dùng để gọi người nào đó đi tìm chốn nương thân thì có vẻ
nhân tính và chính xác hơn danh hiệu rộng rãi “người chuyển đổi nơi ở” [người
di cư].
Dường như Nguyễn Thanh Việt (NTV), nhà
biên niên vĩ đại của chúng ta, người ghi chép các cuộc di cư, đã định giá chính
xác thuật ngữ “người tị nạn” đối với tính bạo liệt hung hãn được nó bộc lộ.
Chào đời năm 1971, và tự mô tả mình là một người tị nạn, ông kết hôn với một
người tị nạn, cũng là một đồng nghiệp văn, có tên Lan Dương. Nơi lời cảm tạ
trong cuốn “The Refugees” (Người tị nạn), Nxb Grove, tập truyện ngắn mới, hấp dẫn
và thương tâm, NTV nói về cậu con trai Ellison của mình rằng: “Tới lúc cuốn
sách này xuất bản, nó gần bằng tuổi tôi khi tôi trở thành người tị nạn”
Hẳn chẳng ngạc nhiên việc người tị nạn bị
ảm ảnh về bản sắc, cả tính cách cá nhân lẫn sắc tộc. Có khả năng rằng y nhạy cảm
cao độ đối với sự thông giải của người khác về y và về nền văn hoá “thiểu số” của
y. Như thế, qui chế ngoại vi của y ban cho y các lợi thế nhất định vì y đang ở
vị trí trông thấy những cái người khác không trông thấy. Như NTV kể lại nơi lời
bạt trong cuốn tiểu thuyết ra mắt đầu tiên của ông, “The Sympathizer” (Cảm tình
viên): “Xem phim ‘Apocalypse Now’, (Ngày tận thế), tôi thấy các thủy thủ Mỹ tàn
sát chiếc thuyền tam bản chở đầy thường dân, và tài tử Martin Sheen lạnh lùng bắn
một phụ nữ đang bị thương. Xem phim ‘Platoon’ (Trung đội), tôi nghe khán giả hò
reo vỗ tay khi thấy người Mỹ giết bộ đội người Việt. Những cảnh tượng ấy để lại
trong tôi sự thịnh nộ run người.
Khai thác tính ly kỳ ở trình độ điêu luyện
chẳng kém loại truyện gián điệp gay cấn nào, “The Sympathizer” đoạt giải
Pulitzer, và được đánh giá là một trong các tiểu thuyết tuyệt tác về Chiến
tranh Việt Nam. Trong tác phẩm đó, người kể chuyện nói bằng giọng hậu hiện đại
táo bạo, vọng lại không chỉ Vladimir Nabokov và Ralph Ellison mà còn Dostoyeski
trong cuốn “Notes from the Underground” (Ghi từ lòng đất):
“Tôi
là điệp viên, kẻ nằm vùng, một ma quỷ, người hai mặt. Có lẽ chẳng chút ngạc
nhiên, tôi cũng là người có hai tâm trí. Tôi không là sinh vật đột biến nào đó
bị hiểu sai lạc từ một cuốn sách hoạt hình hoặc từ một cuốn phim kinh dị, dù
vài nhân vật đó ứng xử giống như tôi. Đơn giản, tôi có thể trông thấy bất cứ vấn
đề nào từ cả hai phía. Đôi khi tôi tự nịnh bợ mình rằng đó là một tài nghệ, và
đó cũng là tài nghệ duy nhất tôi sở hữu.”
Quả thật người nói ra lời ấy là một
điệp viên; tại Việt Nam Cộng hòa, hắn là một gián điệp Cộng sản trong bộ tư lệnh
của một viên tướng Nam Việt Nam trước khi di tản khỏi Sài Gòn sang sống ở Hoa Kỳ
thời sau chiến tranh Việt Nam.
Lời tự thú của hắn đầy mỉa mai, và câu
chuyện của hắn có tính bi hài kịch. Không như những người tị nạn trong “The
Refugees”, hắn tự xem lại mình với những khoảng cách tự ghê tởm bản thân, vì
trong khi tuân lệnh trên, hắn đã dự phần vào những cuộc ám sát. Bị ám ảnh bởi các
câu hỏi “phổ quát và phi thời gian”, hắn là hình ảnh thu nhỏ của con người thế
kỷ hai mươi: người cách mạng làm gì khi cuộc cách mạng thắng lợi: tại sao kẻ
kêu gọi độc lập và tự do lại lấy đi độc lập và tự do của người khác? Và có tỉnh
táo hoặc mất trí không khi chẳng tin vào cái gì cả, như có quá nhiều người
chung quanh chúng ta rõ ràng là đang làm.
Các câu truyện trong “The Refugees” cũng
thế, chúng làm rõ nét những nhân vật chính, bị treo lơ lửng giữa một quá khứ
tàn phá (Việt Nam) và một xứ sở giàu có bảo dưỡng họ (Hoa Kỳ). Cuốn truyện ngắn
này lấy một khổ thơ trong bài “A German
Requiem” (Kinh cầu hồn Đức) của James Fenton làm trích dẫn:
Không phải những hồi ức của ngươi ám ngươi.
Không phải những gì
ngươi từng ghi.
Không phải những gì
ngươi quên, những gì ngươi phải quên.
Những gì ngươi suốt đời phải
tiếp tục quên.
Sống sót, đối với người tị nạn, là bị xô
đẩy thô bạo giữa sự dằn vặt tràn đầy phiền muộn khi nhớ lại những mất mát nơi
quê nhà và sự dằn vặt mang tính tự bảo vệ để “quên đi”, một nỗ lực sẽ rất lớn
lao và kéo dài trọn đời.
Đối với sự ám-ảnh-kẻ-chết thì cuộc hiện
sinh bình thường bị các hồn ma cư trú. Nó không là những ý tưởng về các hồn ma
hoặc những ẩn dụ thi ca. Nó là những hồn ma để lại đằng sau chiếc chiếu ẩm ướt
và quần áo mặn chát lúc bị đắm đuối khi vượt trốn khỏi quê hương tả tơi hai chục
năm trước. Chúng là những hồn ma thân thuộc, thí dụ, cậu bé mười lăm tuổi đã
trang trải sinh mạng mình để cứu mạng người chị bị hải tặc đe dọa bắt cóc và
hãm hiếp. Chúng ta đọc thấy trong truyện ngắn mở đầu “Black-Eyes Women” (Những người đàn bà mắt huyền) đầy xúc động và gần
như không chịu đựng nổi: “Các ngư phủ gân
guốc và nâu sậm ấy tập trung chúng tôi, những người cha và người anh em lại;
chúng chỉ việc huơ mã tấu và súng máy.”
Bản thân người kể câu truyện ấy là một
“nhà văn nữ viết thuê” (ghost writer), xúc tiến các dự án không bao giờ gắn tên
mình vào. Như bà mẹ tị nạn của cô đã cảnh cáo: “Tại quê nhà chúng ta… từng có phóng viên nói rằng chính quyền tra tấn
nhân dân trong nhà giam. Thế nên chính quyền đối xử với anh ta đúng chính xác
cái họ đã làm với những người khác… Đó là cái xảy ra cho nhà văn khi họ ghi tên
mình nơi bài họ viết.” Ngay cả tại Hoa Kỳ, cũng có nỗi sợ hãi trong cộng đồng
tị nạn, sợ các thanh niên đang sống giữa họ “những
kẻ lúc lớn lên trong thời chiến đã học biết về bạo động.” Ngoái lại nhìn,
nhà văn viết thuê ấy có thể thấy rằng Việt Nam, nơi cô đã trải qua thời thơ ấu,
là một “xứ sở bị ám”, mà cả thời trưởng thành tại Hoa Kỳ của cô cũng bị ám với “những
câu chuyện thống khổ.”
Trong “War Years” (Những năm chiến tranh) lấy bối cảnh một cộng đồng người
Việt tị nạn thành thị tại Hoa Kỳ năm 1983, nơi phúc lợi của một gia đình không
bị đe dọa bởi người Mỹ da trắng mà bởi các đồng bào tị nạn quyết liệt chống Cộng;
họ đòi hỏi người Việt buôn bán “hiến tặng” tiền bạc cho một nguyên cớ rõ ràng là
đã mất: cuộc nổi dậy tại Việt Nam. Tuy vậy, nó mang tính điển hình của NTV một
cách tinh tế, rằng hành động giả định là tống tiền đó lấy danh nghĩa việc làm
ăn mạo hiểm chân chất, nếu không là khinh suất, liên quan tới việc may quân phục
cho binh sĩ Nam Việt Nam. Người may là bà Hoa, bị thống khổ tới loạn trí vì mất
người chồng và hai con trai trong cuộc chiến đã kết thúc một thập niên trước.
“Kích
cỡ Mỹ quá lớn so với người Việt, với các tỷ lệ không ổn.
Thêm nữa, những ngườì Việt ấy còn muốn được khâu họ tên cùng với cấp bậc và đơn
vị của mình.” Bà Hoa thò tay xuống gầm bàn máy may, lôi ra một thùng các-tông
mà khi chúng tôi chồm người qua bàn may, nhìn vào đó thì thấy những túi
ny-lông, loại đựng bánh xăng-uých, chứa phù hiệu quân hàm và binh chủng đầy màu
sắc của người lính Nam Việt Nam.”
Người kể chuyện nhớ lại một cách sống động
bà Hoa cuồng tín đó: “Trong khi một số
người đang sống bị kẻ chết ám, thì những kẻ khác lại bỉ kẻ đang sống ám.”
Trong khúc bi thương dịu dàng “I’d Love You to Want Me” (Em yêu thích
anh muốn em), một cuộc hôn nhân ngày càng hư hoại bởi hồi ức của một ông giáo
sư vật lý người Việt mắc bệnh mất ngủ vì quá trằn trọc. Dễ bị ảnh hưởng do ngẫu
nhiên, có lẽ bởi những hồi tưởng lầm lạc nhưng đầy sức mạnh phát sinh từ quá khứ,
ông giáo sư ngày nay đang sống cuộc sống thoải mái của một người dân Mỹ ở ngoại
ô, đã bắt đầu lẫn lộn bà vợ lâu năm của mình với một người đàn bà khác tên Yen
[Yến? – ND]. Chưa từng nghe tới tên Yến, bà vợ phẫn uất ấy cảm thấy mình không
chỉ khóc thương cho sự tàn tệ ký ức của ông chồng mà còn bị sỉ nhục bởi một loại
tò mò về sự không chung thủy, trong khi ông chồng ngày càng thành kẻ xa lạ với
bà.
“Và
em là ai?” Bà hỏi cho ra. “Em là cái gì?”
“Ông hé mắt nhìn bà: “Đương nhiên là
Yến.”
Bà nhớ lại lần bà và ông giáo sư viếng
thăm Sài Gòn mấy năm trước, khi họ khó nhọc tìm cho ra ngôi nhà của mình trên
đường phố nay đã đổi tên. Đó là một thế giới mà tên họ và bản sắc không cố định,
dễ bị đánh mất. Dù ông giáo sư tới lúc nhận ra rằng tâm trí mình đang ngày càng
lẫn, những hồi tưởng của ông về một Yến kỳ bí ngày càng trở nên ám ảnh. Trong sự
đảo ngược đầy mỉa mai, bà vợ kinh ngạc khi phát hiện ông giáo sư giữ cuốn sổ
ghi về bà:
“Sự
việc càng ngày càng tệ. Hôm nay bà ấy cứ nhất quyết rằng tôi gọi bà bằng tên của
một người đàn bà khác. Phải để mắt trông chừng bà kỹ hơn… vì bà có thể không biết
bà là ai nữa.”
Có một dòng chữ buốt nhói và tuyệt vời về
việc ấy: “rất chầm chậm, cuốn sách cuộc đời
bà khép lại.” Nơi nhà văn khác có thể kết thúc câu chuyện của mình bằng nốt
nhạc duyên dáng mà ảm đạm thì NTV chuyển thành một âm đoạn cuối trong đó bà vợ
quyết định buông bỏ căn cước của mình, chấp nhận ảo giác của ông giáo sư: “Đúng là em… Là Yến.” Tận hiến mình cho
ông chồng suy nhược, bà sẽ đọc cho ông nghe truyện sách, đủ ngắn để nó khớp với
khẩu độ chú tâm đang rạn gãy của ông: “Bà
sẽ đọc lớn tiếng như đếm từng mẫu tự, từng trang một, từng chữ một.”
Nó là chủ đề tái diễn trong cuốn “The
Refugees” rằng cá nhân chấn thương phải tìm lấy lối của mình, một cách chậm rãi,
từng chữ một. Lối kể chuyện của NTV – hạn chế, bao dung, tránh ẩn dụ hoặc điêu
luyện cú pháp khi phô diễn ở từng khổ văn (paragraph) trong cuốn “The
Sympathizer” – cũng rất thích hợp trong
việc phản ánh những trạng thái trải nghiệm. Các nhân vật của ông là người đang
dưỡng thương đầy xúc động – có thể dẫn đưa kẻ sống sót tới việc am hiểu sự chấn
thương của mình. “Viết là nhập vào thế giới
sương mù, cảm giác lối đi của tôi tới con đường từ thế giới này sang thế giới
siêu phàm của các con chữ, một con đường tìm thấy dễ dàng hơn người khác,”
người kể chuyện ấy thấy như thế, trong “Black-Eyed
Women.”
Tự quán sát nội tâm một cách thú vị và
không chồn bước – một triệu chứng khác của ý thức “tị nạn” – có thể dẫn đưa kẻ
sống sót tới việc nhận ra những sự thật khắc nghiệt về bản thân, như trong câu
truyện “The Other Man” (Người khác),
khi một người tị nạn mười tám tuổi được vào sống trong một gia đình dư dả ở San
Francisco:
“Cậu
cố quên những người rướn mình hớp không khí khi họ bị rớt xuống sông, vài người
bị đánh gục khi giành nhau leo lên, vài người bị bắn vào lưng bởi lính tráng
hoang loạn dọn đường đào thoát cho chính họ. Cậu cố quên những gì mình đã khám
phá, những cuộc đời khác ít có giá trị biết bao đối với cuộc đời đang lâm nguy
của chính cậu.”
Sự
thật về những kẻ khác không còn có tính an ủi. Ở bất cứ lúc nào, người tị nạn
đó như thể đang bị đương đầu, một cách bực bội, bởi sự thiển cận của những kẻ
không phải là người Việt. Trong “The
Transplant” (Cấy ghép), Arthur, người thụ hưởng lá gan của một người Việt
hiến tặng, gặp rối rắm khi phân biệt quốc tịch này nọ của các tên họ Á đông, đồng
thời cũng khổ sở với sự hoa mắt tương ứng và thông dụng trong đó mọi người Á
đông đều có diện mạo giống như nhau. Trong “Fatherland”
(Đất tổ), một thiếu nữ Việt phục vụ trong một tiệm ăn hạng sang ở Sài Gòn nghe
lỏm du khách nói với nhau về phụ nữ Việt “thanh
tú và nhỏ nhắn”, những kẻ mặc như khâu [vải] liền vào thân mình. Một hướng
dẫn viên du lịch người Việt giải khuây đám khách Mỹ cả tin “có sao làm vậy” rằng:
“Chúng tôi đều giống như họ – nhỏ nhắn, hấp
dẫn và dễ quên.” Như người kể chuyện
có đôi mắt sắc sảo của “The Sympathizer” nói với chúng ta rằng, “Đặc tính toàn Mỹ" không phải là sự thông cảm hay lòng
quảng đại mà là sự hoang tưởng chủng tộc. Tại
Hoa Kỳ, khi đi tới vấn đề chủng tộc thì hoặc là tất cả hoặc chẳng là gì. Bạn là
hoặc không là da trắng, thế thôi.” Dĩ nhiên cái bạn là,
có thể là vấn đề bối cảnh. Trong “Fatherland”,
một thiếu nữ Mỹ gốc Việt đi Sài Gòn thăm các con cha mình có với bà vợ sau: những
người em cùng cha khác mẹ. (Mẹ của Vivien cùng các con bay đi Mỹ khi chiến
tranh kết thúc). Đối với gia đình ấy. cuộc thăm viếng của Vivien là một cơ hội
lớn. Cô tặng họ những món quà đắt tiền, đối xử hào phóng với họ, đem họ đi ăn
loại nhà hàng mà cư dân địa phương không trang trải nổi. Cách riêng, cô em dị
bào của Vivien, kém chị bảy tuổi, kính sợ sức mê hoặc của chị, háo hức mường tượng
việc sang Mỹ sống với chị và ganh đua với cái mà cô tin là sự thành công của
Vivien làm bác sĩ ở Chicago. Ảo vọng đó tan biến khi cô em phát hiện Vivien
không phải bác sĩ, mà là một tiếp viên thất nghiệp với các viễn ảnh hạn chế chẳng
kém gì mình. Sau khi người chị dị bào ấy ra đi, cô em cùng cha khác mẹ người Việt
đốt các bức ảnh hai chị em chụp chung: các đường nét của Vivien tan chảy trước
mắt cô em; khuôn mặt họ biến mất trong lửa. Hình ảnh cuối cùng của cuốn “The
Refugees” là tro tàn thổi tung bay trong bầu trời bên trên Sài Gòn.
Dù mãi tới nay mới được cùng xuất bản
trong dạng một cuốn sách, các truyện ngắn mang tính qui ước tương đối, nhiệt
tình, chân thật và bộc trực của cuốn “The Refugees” có lẽ đã được viết ra trước
cuốn “The Sympathizer” đầy kinh nghiệm và có văn phong. Thế nhưng toàn bộ hư cấu
của NTV cũng thấm đẫm một cường độ thị lực bằng việc chạm mạnh những nhận thức
bồng bềnh như tro than bị thổi tung bay trong gió. Với kết cuộc của “The
Sympathizer”, chúng ta đột ngột quay lại cái khởi đầu có tính chủ đề của nó,
khi người kể chuyện mà lúc này là kẻ sống sót qua cuộc hành hạ trong trại cải tạo
của Cộng sản, trở thành người tị nạn, thêm lần nữa giữa những “thuyền dân” vô
danh – được người kể chuyện ghi làm danh hiệu – đánh thẳng vào sự chiếu cố mang
tính nhân loại học, gợi lên một nhánh bị quên lãng nào đó của gia đình loài người.
NTV để lại cho chúng ta một cái nhìn rất
đau đớn của những tấn thảm kịch thời chiến đang trải rộng, và những lừa dối đạo
đức mà chúng ta có khả năng có. “The Sympathizer” kết thúc với tuyên bố rằng sẽ
hoạt động, cũng như đối với người Việt di cư trong “The Refugees” rằng: “Chúng tôi sẽ sống!”
NGUYỄN
ƯỚC.
Ghi
chú của người dịch:
1. Joyce Carol Oates
(1938–) Nhà văn Mỹ; Giáo sư thỉnh giảng Anh ngữ tại Đại học Berkeley,
California. Tác phẩm đầu ra mắt năm 1963; ngoài hơn 43 tiểu thuyết đã xuất bản,
còn có các cuốn kịch, thơ, truyện ngắn, biên khảo… Bà được trao nhiều giải thưởng
văn học danh tiếng. Tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt có: Muốn làm gì tôi thì
làm (bộ 2 cuốn); Đây là mùa; Người tự sát, v.v.
2. Bài này dịch toàn
văn bài điểm sách “Not All There” đăng trong tuần san The New Yorker, số Feb.
13&20, 2017, tt. 93-95. Có thể tìm đọc bản tiếng Anh ở
http://vietnguyen.info/2017/new-yorker-refugees-america
3. Tại Bắc Mỹ, các nhà
xuất bản thường khuyến khích nhà văn in cuốn đầu tay là tiểu thuyết, trước khi
cho in tuyển tập truyện ngắn.
No comments:
Post a Comment