Saturday, April 30, 2016

THÁNG TƯ HOA TÍM



Lưu Na

Phượng tím

Phan Lạc Phúc

Năm nay hoa tím nở sớm.  Những cánh hoa be bé tím ngát cả bầu trời mang vào lòng nỗi buồn mênh mang.  Trời cuối tháng Tư chợt trở gió, hoa bay bay như vạn giọt nước mắt tím của người mình khóc một ngày dâu bể tuy đã xa mà vết thương lòng không bao giờ khép.  Nghe những bài tháng Tư lòng nát bươm như muôn cánh hoa tím nhòe nhoẹt dưới bước chân người.  Cuộc chiến đã tàn, lịch sử đã sang trang, lớp trẻ lớn lên lòng trong như nước ruột rỗng như những cọng rau muống xanh tươi.  Họ nhớ làm gì chuyện Quốc Cộng, biết làm gì lý lẽ phân tranh, bởi có ai đi ngược được dòng đời và có ai trả được mạng của người chết, xóa được nỗi khổ đau của kẻ còn …  Để cho những người đã có mặt trong chặng đời bể dâu ấy mỗi người phải mang lấy riêng mình một nỗi tang thương.  Đời càng dài nỗi tang thương càng ngấu càng đậm sâu, càng buồn hơn khi những chứng nhân còn sót lại của lịch sữ rồi cũng lần lượt như bụi lắng yên bên bờ sông lịch sử.  Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc rồi cũng đã đến bờ.

Nhìn lại, phải ngạc nhiên về cuộc đời rất dài của Phan Lạc Phúc.  Dài không vì tuổi thọ mà vì những chặng đường  ông đã đi qua.  Mười tám tuổi đi kháng chiến, sau 4 năm ra bưng chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh thấy ra “cuộc chiến này không phải của mình,” về thành lại bị động viên vào Quân Đội Quốc Gia, mà thực chất là “đi lính Tây.”  Lưu lạc vào Nam thành lính Cộng Hòa, từ “chiến binh lội ruộng” về tham mưu báo chí thành ký giả Lô Răng, từ sĩ quan cao cấp qua một ngày thành tù cải tạo “được thăng chức làm ‘phân cục trưởng’ chuyên môn đi gánh c…  Mười năm cải tạo 6 năm nín thở qua sông khốn khó cùng đất nước để sau cùng làm lưu dân trên đất Úc.  Cuộc đời đó nếu kèo thêm đôi chuyến vượt biên ở đảo thì kể như trọn một bộ trường thiên Cuốn Theo Chiều Gió, vẹn nghiệp chứng nhân của trăm năm nước Việt.

Trăm năm nước Việt, Phan Lạc Phúc mang theo mình những gì, gửi lại cho chúng ta những gì? 

Chỉ với Tuyển Tập Tạp Ghi là có thể thấy gần hết cuộc đời PLP, thấy những chấm phá sắc sảo của xã hội miền Bắc những năm tháng thanh bình với bờ ruộng lũy tre chợ búa thôn làng và những lễ tục in đậm vào lòng trẻ thơ, của những nẻo đường kháng chiến với tuổi đôi mươi mộng mơ đầy lý tưởng, của hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa văn nghệ thể thao văn hóa chính trị, của thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa trí thức không bằng cục phân…, của đời lưu vong cả ngày chỉ biết chỉ nghĩ về một quê hương đã mất.

Những cảm xúc, tâm tình, của PLP qua mỗi chặng đời mỗi kỷ niệm dường khơi mở trong lòng mình bao nỗi buồn vui, giải cho mình những thắc mắc nghi ngại, vẽ cho mình những khung cảnh xã hội chưa biết đến bao giờ.  Qua Tạp Ghi của Phan Lạc Phúc tôi tìm được những câu trả lời hết sức đơn giản về những chuyện phải đọc thiên kinh vạn quyển: lễ khai tâm thì có làm cho mình sáng dạ đâu?, chiến tranh Việt Nam sao bị gọi là chiến tranh ủy nhiệm?  Có lẽ điều quý nhất chính ở chỗ Phan Lạc Phúc là Ký giả Lô Răng, không phải nhà văn Phan Lạc Phúc, để tôi có thể tin mà không cần phải đắn đo về cái kiến thức mà Nguyễn Xuân Nghĩa gọi là uẩn súc.  Bên cạnh những nhận định đơn giản mạch lạc và chắc chắn về thế cuộc, PLP còn có những thẩm nhận tinh tế về văn hóa, con người.  Qua PLP, những bóng người đã một lần có mặt trong cuộc bể dâu hiện ra như phố đêm Sài gòn quanh co khuất nẻo, những uẩn khúc không ai biết đến nói lên can qua không chỉ trên đất nước mà còn trong nội tâm của tác giả, nơi hoàn cảnh mỗi gia đình, trong suy tư của người dân một đất nước. 

Đọc Phan Lạc Phúc cứ thấy hình ảnh một con người văn hóa, không phải một quân nhân, một chính trị gia, một nhà giáo, hay một nghệ sĩ.  Văn hóa nào làm nên con người ấy?  Văn hóa Việt hay văn hóa loài người, văn hóa xã hội hay văn hóa trường lớp, văn hóa chuyên môn hay văn hóa tổng quát?  Có lẽ là tất cả, nhào trộn thành một thứ mật tuôn chảy trong con người của ông, để đọc Tạp Ghi tôi thấy ra mình rỗng như cọng rau muống mà Phan Lạc Phúc là bể đời mênh mông, là nước Việt mênh mông. 

Định cư nơi đất Úc, Phan Lạc Phúc có lần nhìn hoa tím jacaranda mà nhớ cây xoan già nơi chốn cội nguội.  Giờ đây về với nguồn cội, biết trời Úc hoa có vì ai nở ngát phút này.  Nơi đây xin mượn cánh hoa be bé tiễn đưa một khuôn mặt của quê hương về với đất trong những ngày cuối tháng Tư hoa tím.

Vĩnh biệt, Phan Lạc Phúc.


Lưu Na
04292016

No comments:

Post a Comment