Tuesday, April 19, 2016

LỘC TRỜI



Nguyễn Âu Hồng


Tác phẩm Lộc Trời

Tôi có một đứa em kết nghĩa trên trời rơi xuống. “Trên trời rơi xuống” theo nghĩa dân gian là bỗng dưng mà hưởng được lộc trời, được của.
Tôi quen Hà, tên đứa em, trong chuyến đi câu trên tiểu bang Idaho. Chúng tôi cùng cắm trại trên một bãi sỏi pha cát bên bờ tây sông Snake. Thấy bọn tôi cứ câu mãi catfish, Hà góp ý:  “Đi đường xa đến đây mà chỉ câu cá catfish không thì phí lắm, sao các anh không câu cá bass, cá trout cao cấp hơn? Catfish bán đầy chợ, rẻ rề”. Tôi nói: “Lâu nay tụi này lên đây toàn câu catfish không hà, có thấy cá bass, cá trout gì đâu.” Qua trao đổi mới biết, chúng tôi câu mồi trùn nên chỉ được cá catfish. Muốn được cá cao cấp hơn phải câu mồi dế và phải bôi kem dùng cho từng loại. Hà mau mắn nhường cho chúng tôi mấy chục dế kèm mấy ống kem, mấy hộp lưỡi câu chuyên dụng. Qua hai ngày sinh hoạt chung trên một bến sông, buổi chiều trước khi dọn về, Hà có sáng kiến tổ chức bữa rượu chia tay. Và như vậy, để bảo đảm an toàn, cả hai nhóm đều không dọn trại, nhậu say ngủ, sáng hôm sau mới về. Sau đêm đó, Hà trở thành đứa em kết nghĩa của tôi; lúc đầu tưởng giỡn chơi, càng về sau càng thân thiết như anh em ruột. Nói tình thiệt, tôi chưa từng được người anh em nào, ruột cũng như nối ruột, quan tâm và thương yêu chăm sóc như Hà. Phần tôi, tôi coi Hà như đứa em út trong nhà. (Nó sinh năm 1960, nhỏ hơn tôi 15 tuổi). Chúng tôi đều côi cút từ nhỏ; riêng Hà hẩm hiu đến nỗi anh em, dòng họ không còn một ai. Trận lở núi kinh khiếp chưa từng thấy đã xảy ra ở huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Tín (năm 1965) đã vùi chôn nhiều vùng dân cư trong đó có hai làng nội ngoại của Hà. Cậu bé Hà,   sống sót nhờ đêm xảy ra trận thiên tai đã theo người anh cả xuống quận ngủ nhờ. Người anh, sau đó đi lính nghĩa quân rồi tử trận chưa kịp có vợ con, khi Hà mới bảy tuổi.  Hà thương tôi vì, như nó nói, tôi trông rất giống người anh này của nó.
 “Làm sao anh biết được nỗi bơ vơ của một kẻ tứ cố vô thân, khi đêm về không biết đi đâu về đâu; làm sao anh biết được nỗi hoang vu khi không một ai, không một người nào biết mình là ai, trôi sông lạc chợ không ai biết, sống chết không ai hay, đừng nói chi có một bàn tay đưa ra, đừng nói chi có một mái nhà cho mình chui đụt”.
Khi đã thân nhau, tôi và Hà thường đi đây đi đó trong thành phố bằng xe bus. Một hôm trên xe có một người Mỹ cao niên, đàn ông, râu tóc gọn gàng ăn mặc sạch sẽ, kẹp nách tấm bảng: “Cựu chiến binh Việt Nam - Cần giúp đỡ”. Hà đến ngồi bên người cựu chiến binh, kín đáo nhét vào tay ông ta tờ giấy mười đô. Sau đó hai người rù rì trò chuyện một chặp lâu, rồi bỗng ôm nhau cùng khóc nức nở.
Quay lại thời chiến tranh Việt Nam: Trung úy John đang nghe báo tình hình và đang ghi tọa độ qua máy bộ đàm thì tiếng Over bị tắt phụt. Theo kinh nghiệm của sĩ quan trực Trung tâm Chiến thuật Hành quân, ông biết người lính truyền tin ngoài mặt trận đã bị trúng đạn. Ông đang chọn chiến thuật yểm trợ, thì từ ống liên hợp phát ra tiếng nói: “G.I. sặc máu đí đi mau. Bố-ku Victor Charly”. Đó là giọng nói của một bé trai có nghĩa là “Lính Mỹ bị chết. Việt Cộng nhiều lắm”. Trung úy John chuyển ống liên hợp cho người thông dịch viên. Cậu bé Việt Nam ngoài chiến trường tiếp tục liên lạc và kỳ lạ thay, em đã điều chỉnh pháo yểm trợ cách thành thạo, pháo yểm bắn hiệu quả, giúp những G.I còn lại cầm cự đến khi trời sáng.
 Em bé lạc loài sống với Đội TQLC Mỹ lưu động đêm đó chính là Hà và một trong những G.I là người cựu chiến binh ngồi trên xe bus, nách kẹp tấm bảng.
Trong cuộc họp mặt nhân Ngày Cựu chiến binh, ông Davis - tên người cựu chiến binh - đã lên diễn đàn kể lại chuyện cũ và cho biết em bé Việt Nam mà đơn vị anh đã lượm nuôi năm xưa cùng người thông dịch viên trực Trung tâm Chiến thuật Hành quân đêm đó hiện đang có mặt tại hội  trường. Khi tôi và Hà vừa bước lên thì một người cựu chiến binh ngồi ở hàng ghế đầu bật dậy ôm chầm lấy hai chúng tôi. Ông ta chính là trung úy John, đã nghỉ hưu với cấp bậc đại tá và hiện là một trong năm trăm tỷ phú của nước Mỹ. Các sự kiện xảy ra dồn dập, nhưng tôi sửng sốt khi nghe nhà tỷ phú lặp lại câu nói của cậu bé Hà “G.I sặc máu đí đi mau. Bố-ku Victor Charly”. Việc lặp lại này, một lần nữa, xác nhận ông ta quả đúng là trung úy John trực hành quân đêm đó.
Từ đó về sau, cứ mỗi ba tháng, Davis, tôi và Hà mỗi người đều nhận được một tấm check với số tiền đủ để sống đạm bạc, khỏi phải cày cuốc vất vả. Lộc trời đương nhiên là từ trên trời rơi xuống, đúng không?
 Jan. 2015
NAH

No comments:

Post a Comment