Thursday, April 28, 2016

CHIỀU QUA NGÕ BLUES



nguyễn xuân thiệp


Café La Ruche. NXT & Đinhờng

Café La Ruche. Đinh Cường. NXHồng. NXT

Ngõ blues

Chiều
georgetown
chiều của mây biển. tháng tư. và những cánh bướm
                              monarch. bay về trong trí nhớ
cùng với đinh cường
đi qua ngõ blues & jazz alley. gõ nhịp tim trên đá
tôi muốn nói. tôi muốn nói. với người nhạc công da
                   đen. đến từ new orleans
hãy thổi lên
trên chiếc kèn đồng
một tấu khúc
cho quê hương tôi một ngày của tháng tư
của đọa đày
nước mắt
của bông hướng dương tàn phai
người không dám nói với người
tiếng hàng cây kêu. bóng quạ
rạng đông. mặt trời bị treo cổ. trên bức tường nhà
                                                             hát lớn
người ca sỹ bỏ đi
người thi sỹ bỏ đi
vỉa hè đầy lá rụng
hãy tấu lên
khúc ly biệt
cho những người không về
giờ này
khóc trong quán cà phê la ruche
trên cầu longfellow
ở quảng trường times square
điệu kèn. của khúc elegy
cho tôi. cho nhiều người

chiều qua ngõ blues. hồn xanh xao
NXT

Bài thơ viết cách đây cũng đã dăm năm -khi cùng Đinh Cường, Nguyễn Xuân Hồng và Lê Khắc Huyền ngồi trong cà phê La Ruche ở Georgetown DC, vào một ngày của tháng Tư. Bầu trời hôm ấy nhiều mây và có cả những cánh bướm bay lạc vào ngõ quán Blues & Jazz Alley. Từ ngõ quán ấy, mình nghe vang lên điệu kèn thê thiết gợi nhớ ngày nào:

như một lời chia tay
tôi gởi lại
một góc phố rực lá vàng
quán cà phê mở cửa dưới dàn hoa giấy
tiếng chim. lúc mình hôn nhau
      A, mới đó mà đã ngoài hai mươi năm. Tạm dùng một hình ảnh sáo, cũ: hai mươi năm như nước chảy qua cầu. Ấy là chỉ nói kể từ ngày bước chân ra đi, chứ còn nói kể từ ngày đất nước đổi chủ thì tới đây là đã bốn mươi mốt năm. Ghê gớm thật. Thời gian như một vết chém đứt đôi cơ thể. Tới bây giờ còn vết máu đâu đó, trên những trang thơ và trong trí tưởng mù sương. Hỏi làm sao quên được.
      Làm sao quên được Tháng Tư khi mùa xuân gãy cánh. Làm sao quên được Sài Gòn, thành phố của ta. Vâng, không còn nữa vẻ đẹp của một bình minh mưa với màu phượng đỏ. Không còn nữa tiếng cười reo trong nắng sớm với những vẫy tay chào nhau khi chạy xe ngang qua. Cũng tắt rồi tiếng kèn trong điệu blues của ca khúc Đường Chiều và giọng hát Mai Hương:  Dừng trên hè phố / Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi / Lá rơi bên thềm nhà
     Em còn nhớ không, mưa Sài Gòn thời chúng ta yêu nhau. Mưa như một khúc nhạc vui trên đường phố. Mưa xối xả, âm vang. Những hàng sao hàng phượng trút lá tơi bời. Anh và em nép vào dưới một mái hiên nghe mưa chạy trên mái ngói. Tóc em ướt, áo em ướt và tiếng cười reo trong một khúc tremolos. Rồi mưa chợt tạnh, cũng bất ngờ như lúc bắt đầu. Người và xe lại hối hả băng băng trên đường phố. Nắng chợt ngời lên trên hàng cây. 
   Và rồi bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông một màu xám mọc lên trên thành phố. Mặt trời chỉ còn trong trí nhớ thất thanh.
   Có lẽ người dân Sài Gòn hiện phiêu bạt khắp nơi trên thế giới không ai quên được những cơn mưa ngày ấy. Mưa vào lúc hừng đông thành phố. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà những ảnh bóng của một thời chưa tan biến. Những cơn mưa của Sài Gòn năm ấy, mưa trái mùa, che khuất chân trời. Những trang thơ tình đẹp đẽ về một Sài Gòn áo lụa như mơ của Nguyên Sa đã khép lại. Vở kịch Giấc Mộng Đêm Hè của anh và em cũng đã hạ màn. Trong một tạp bút viết ở một thành phố ảo gần đây về những cơn mưa Sài Gòn, anh có nhắc đến một ý thơ của Jaques Prévert liên kết với hình ảnh đau đớn trước mắt: Mưa ở Sài Gòn như mưa xuống Brest ngày hôm ấy... Vở kịch đã hạ màn. Bây giờ là một vở tuồng khác, với một câu chuyện khác, những đào kép khác. Tấm màn nhung lại kéo lên với cảnh Thị Kính ngồi ru con trước hiên chùa. Bên ngoài trời đang mưa... Mưa rơi, mưa bây giờ rơi trên những trang kinh Địa Tạng.
   Thành phố lúc rạng đông, mưa. Em đi trong mưa, cúi đầu, nghiêng vai... Trần Dần đã viết như thế về những cơn mưa Hà Nội thời Nhân Văn Giai Phẩm. Và em nữa, em đã kể với tôi, ngày ấy khi thành phố vừa đổi chủ, đã cùng chàng đi mua ngay mấy cái túi cói và chiếc xe đạp, để lang thang kiếm sống ở chợ trời. Bây giờ là rạng đông, Sài Gòn của tôi đang mưa. Nhà nhà đóng cửa. Không ai dám nói lớn, cười lớn. Ở một góc quán nào đó, trong mưa, mường tượng thấy người ca sĩ mù hiện về ôm đàn gào lên những khúc đoạn rã rời, thảm thiết.
   Rạng đông trên một thành phố vừa đổi chủ. Không, không bao giờ chúng ta quên đươc. Và lịch sử cũng không quên. Những cơn mưa lúc hừng đông. Có những chiếc lá bay như muốn tìm lại màu xanh đời mình, có những người hướng mắt về cửa biển, có những đống rác cao như núi không người dọn đi.
   Thảm khốc hơn cả, như em đã từng đứng nhìn và khóc, là việc thiêu hủy hết dấu tích một thời. Có những đống lửa nhóm lên vội vàng ở chái sau ngôi nhà tổ phụ để đốt những hình ảnh, giấy tờ cũ. Có những đống lửa đốt sách. Tagore và Camus, Tolstoi, Trang Tử, Koestler, Hermann Hesse, Vũ Hoàng Chương , Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng... cùng bốc cháy. Qua ngọn khói tỏa lên, ta thấy bóng Lão Tử cưỡi trâu xanh về núi. Chính tay Nguyễn đã đem bộ Anh Em Nhà Karamazov, Giờ Thứ 25, Chúa đã Khước Từ, Zarathoustra Đã Nói Như Thế, cùng tất cả những tập thơ từng được yêu quý… cho vào bao bố, ném xuống lòng sông Thanh Đa. Trôi, trôi đi hết một thời để yêu và để nhớ, ôi màu của lãng quên, như ngày xưa em đã hát ở quán Thằng Bờm.
   Thành phố lúc rạng đông. Những chiếc lá dầu bay nghiêng trong mưa... Những bông sứ máu rụng trên vỉa hè bến cảng...  Và rồi đi học tập cải tạo. Tiếp theo, những đợt đổi tiền tàn khốc, khiến người dân bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay. Rồi lùa dân đi kinh tế mới. Rồi đánh tư sản mại bản. Ôi miền Nam như sau một trận thiên tai.
    Phải đi thôi, không sao ở nổi. Và rồi hàng ngàn, hang vạn người nối tiếp nhau đi, tỏa ra khắp bốn phương trời. Như Nguyễn và các bạn của anh chiều nay ở quán cà phê La Ruche và ngõ blues, gởi hồn theo tiếng kèn và cánh bướm của giấc mơ.
NXT


No comments:

Post a Comment