Nguyễn
Đạt
Napoli Coffee. Photo Nguyễn Đạt
Đi
qua ngã ba Nguyễn Kim và 3 Tháng 2 - Trần Quốc Toản ngày trước - ở quận 10, có
lẽ cư dân Sài Gòn lứa tuổi chúng tôi ai cũng còn nhớ quán cà phê Năm Đường thuở
trước, tọa lạc tại góc hai con đường này. Quán cà phê Năm Đường hôm nay đã thay
hình đổi dạng, mang tên quán là Napoli Coffee. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng tới
đây uống cà phê, vừa để nhớ lại những chuyện ngày xưa, vừa thưởng thức cà phê
đích thực, và ngắm nhìn quang cảnh ngã ba đường phố vào những sớm mai những
hoàng hôn của Sài Gòn.
Napoli
Coffee, tức quán cà phê Năm Đường ngày xưa, ở quận 10, Sài Gòn.
Nhắc
tới cà phê Năm Đường thuở trước khiến chúng tôi nhớ luôn quán cà phê Năm Dưỡng,
ở một hẻm lớn của đường Nguyễn Thiện Thuật, gần khu Bàn Cờ. Sau 30 Tháng Tư,
1975, hầu hết quán cà phê nổi tiếng của Sài Gòn ngưng hoạt động. Quán Năm Dưỡng
còn hoạt động vài ba năm, rồi cũng thay hình đổi dạng, trở thành một khách sạn
nhỏ. Riêng quán cà phê Năm Đường vẫn tiếp tục mở cửa hoạt động, tuy thay đổi sửa
chữa hoàn toàn hàng quán, chuyển đổi từ quán bình dân thành hiện đại như đa số
quán cà phê tại Sài Gòn hiện nay.
Thuở
trước, khách uống cà phê tại quán Năm Đường là bà con lao động; khách uống cà
phê tại quán Năm Dưỡng là giới sinh viên học sinh. Lúc đầu, cả hai quán chuyên
pha cà phê bằng vợt, cũng gọi là “cà phê bít tất,” như các quán cà phê bình dân
khác tại Sài Gòn; và cả hai quán đã đi tiên phong trong việc pha chế cà phê bằng
cái phin lọc, tức cà phê phin.
Từ
lúc có doanh trại cảnh sát dã chiến thành lập ở đường Trần Quốc Toản - tức đường
3 Tháng 2 hiện nay - phía bên kia đường, đối diện quán, khách uống cà phê tại
quán Năm Đường tăng lên gấp bội, gồm đông đảo cảnh sát dã chiến. Chúng tôi
không nhớ rõ thời gian, nhưng vào khoảng năm 1967 - 68 gì đó, một vụ nổ lựu đạn
do đặc công Việt Cộng khủng bố đã xảy ra tại quán cà phê Năm Đường, làm thương
vong một số cảnh sát dã chiến và khách tại quán. Buổi sáng hôm ấy chúng tôi có
hẹn bạn, nhưng kẹt chuyện nên không tới. Người bạn của chúng tôi là anh Trần Công
Nhạc, may mắn không bị thương tích gì khi vụ nổ xảy ra.
Do
có bạn là anh Nhạc mỗi sáng đều uống cà phê tại quán, chúng tôi thường xuyên tới
quán cà phê Năm Đường. Anh Nhạc là cán bộ huấn luyện cảnh sát dã chiến tại Trại
Mát - Đà Lạt, về doanh trại cảnh sát dã chiến tại Sài Gòn công tác. Trần Công
Nhạc là cháu bác sĩ Trần Công Đăng, tốt nghiệp y khoa tại Pháp, về nước mở
phòng khám bệnh sớm nhất tại thị xã Gò Công. Trong gia đình bác sĩ Đăng cũng có
người mở quán cà phê pha phin đầu tiên tại thị xã. Anh Nhạc đã góp ý với chủ
nhân quán cà phê Năm Đường để pha chế cà phê sao cho thích hợp với “gout” cà
phê tinh tế của Pháp, là ngọn nguồn việc uống cà phê ở xứ ta.
Việc
uống cà phê tại Sài Gòn và trong cả nước từ lâu đã thay đổi. Cùng với nhịp sống
theo văn minh hiện đại ngày càng hối hả, việc uống cà phê hôm nay trở thành một
thói quen máy móc và chỉ mang tính thời thượng, không nhiều người còn quan tâm
thưởng thức cà phê đích thực như thuở trước. Sống nhanh - uống vội, nên những
thứ cà phê pha sẵn uống liền, cà phê túi “hai ba trong một”... đã và đang thịnh
hành.
Ông
Didier Corlou, một người Pháp sống nhiều năm tại Việt Nam, từng phụ trách ẩm thực
trong hệ thống khách sạn lớn bậc nhất của Hà Nội, bảo rằng điều tuyệt hảo nhất ở
Việt Nam là uống cà phê pha phin trong thời tiết mùa Đông Hà Nội. Cho vào vài cục
nước đá, uống trong thời tiết nóng bức cũng thật sảng khoái. Chất cà phê đậm
đà, hương thơm đặc biệt, thật thú vị như được uống cà phê tại chính xứ sở của
ông. Didier Corlou đã gọi cà phê ở Việt Nam là “hương gây mùi nhớ!” Cà phê Việt
Nam khiến ông nhớ nước Pháp.
Chính
người phụ trách quán cà phê Napoli Coffee hiện nay, con cháu của chủ nhân cà
phê Năm Đường xưa, đã giới thiệu với chúng tôi một bài viết của ông Didier
Corlou về việc uống cà phê tại Hà Nội - Đà Nẵng - Sài Gòn. Ông thừa nhận người
Việt Nam đã Việt hóa được một thức uống của văn hóa ẩm thực Pháp từ hàng trăm
năm nay. Thế nên khi ghé Sài Gòn, vào một số quán cà phê mà đối tượng khách uống
là giới trẻ thành phố, ông đã thất vọng. Giới trẻ Sài Gòn hôm nay có nhịp sống
gấp gáp, họ không có đủ kiên nhẫn để chờ từng giọt cà phê đậm đà nhỏ xuống ly
tách. Ông vô cùng tiếc khi giới trẻ ở đây chỉ cần uống thứ cà phê gọi là cà
phê, và có thể uống liền một ngụm lớn như mọi thức uống khác, với thứ cà phê được
pha chế sẵn. Ông ngạc nhiên sao giới trẻ bây giờ không quan tâm tới vị cà phê
đích thực, nhỏ xuống những giọt cô đọng qua chiếc phin lọc.
Uống
cà phê tại Napoli Coffee - Năm Đường xưa, chúng tôi nhớ lại hương ngày cũ, tại
các quán cà phê Sài Gòn thuở trước: Thu Hương ở Hai Bà Trưng - Hân ở Đinh Tiên
Hoàng - Vinh - Nhân cùng ở Lý Thái Tổ - Phong ở Nguyễn Thiện Thuật... Điều cần
nói tới là chất lượng cà phê, cà phê thật hay cà phê dỏm: Đây là chuyện của hôm
nay, ở đa số quán cà phê tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
NĐ
No comments:
Post a Comment