Hoàng Ngọc Biên
Chân dung Hoàng Ngọc Biên
Tranh Nguyễn Quỳnh, Đinh Cường, Đỗ Trung Quân
*
* *
Nghĩ buồn cười. Ta theo hắn đã hơn bảy mươi
năm. Làm những gì hắn bảo làm. Ăn những gì hắn bảo ăn. Giờ giấc học hành vui
chơi tắm rửa nhất nhất đều theo ý hắn. Yêu ai, cũng do hắn chỉ bảo.
Một
sáng nọ, trong một nhà sách đường Bonard, tay nắn nắn chỗ cái răng vừa được
nhổ, miệng kẹp chặt miếng bông gòn còn thấm máu giữa hai hàm, ta bắt gặp trên
kệ một ông Somerset Maugham bỏ túi, bị một cú sét không rõ tên, hắn bảo ta vác
đại về nhà cuốn Le fil
du rasoir.* Ta
nghe lời hắn, sau đó bỏ ăn bỏ uống thơ thẩn trước sân nhà -tay cầm cọ mà lòng
chỉ muốn đi ngay một chuyến bụi đời cho ra lẽ...
*
* *
Một
sáng thức dậy nhìn mặt mình trong hồ nước, thấy rõ từng chân những đốm mụn đỏ
hình dạng kích thước quái dị rõ ràng không theo một thứ trật tự nào, ta bẽn
lẽn, không phải vì thấy mình không xấu không đẹp, cũng chẳng phải còn quá trẻ,
nhưng trông người nhếch nhác ta vẫn phải tạm gác giấc mơ.
Thời
ấy, sưu tập ảnh Ava Gardner lớn nhỏ choán hết gần một ngăn tủ áo quần, mấy cái
chân dung đen trắng Marlon Brando khoác áo Marc Antoine chiếm trọn một góc vách
tường, Stalin chết đã được hơn một năm, trận đánh quanh lòng chảo kết thúc mấy
tháng. Đêm đêm lúc nào cũng cứ như cố thức để cùng với anh chị em trong nhà chờ
nghe tiếng xe mì gõ lóc cóc rao hàng. Mỗi sáng chủ nhật chải răng súc miệng
xong mở đài Hà Nội hai chân ta còn bước theo nhịp kéo pháo Điện Biên lạ hoắc.
Cha ta công chức ngày hai buổi ở Saigon, ta còn nhớ, hình như là người đánh
nhịp...
Saigon.
Trạm ôtô buýt gần như hôm nào cũng đông khách. Thằng bé nhỏ con ôm cuốn sách
mỏng đứng xếp hàng. Vé xe, khi mua khi không: nó chỉ việc nhảy xuống cửa trước
rồi leo lên cửa sau rối rít. Mấy câu Sơn nữ ca tha
thiết đi theo tiếng vỗ lốp đốp trên thùng ghita vang to từ đầu đến cuối xe,
giúp anh mù quá quen mặt đẩy đi hết mấy gói đậu phụng rang nguội ngắt. Bên này
là Bộ Cựu Chiến Binh, bên kia Tổng Nha Cảnh Sát, bên này là Bộ Lao Động, bên
kia Sở Cứu Hỏa Đô Thành, bên này là Cảnh Sát Công Lộ, bên kia trường tiểu học
Cầu Kho, bên này là Nhà thờ Tin Lành, bên kia Rạp hát Nguyễn Văn Hảo, rồi đến
Tour d’Argent, đi thêm chút nữa là trường Tôn Thọ Tường... Chiếc buýt qua khỏi
chiếc cổng vòm Dancing Văn Cảnh, thằng bé nhỏ con như thường lệ nhảy xuống trạm
xe trước Nhà sách Lê Phan.
*
* *
Cholon.
Đồng bạc xé đôi. Chuyến xe đêm lao đi giữa hai dòng đèn xanh đèn đỏ
Saigon-Cholon. Bên này là khu chợ Nancy sáng đèn — tiếng xe chạy qua ầm ĩ tưởng
có thể lấp những tiếng lao xao gọi ăn của thực khách ngoài trời, nhưng rõ ràng
không qua nổi tiếng xích lô máy rú ga khủng khiếp ở những ngã năm ngã bảy — rồi
đến Rạp Văn Cầm ngay ngã ba chạy qua cầu chữ Y, bên kia, sau mấy dãy tường
thành xám lỗ chỗ gạch đá che kín một khu đất rất giống một nghĩa trang, là mấy
căn phố lầu cũ mặt tiền vàng úa lấm chấm nhiều vệt nước lâu ngày có lẽ từ máng
xối chảy xuống, trước khi đến nhiều khu biệt thự với những vòm cửa sắt cổ kính
nửa tây nửa tàu, ban ngày nằm dưới những tán lá cắt rõ những mái ngói nâu đậm
trên một bầu trời xanh lơ, nhưng đêm, ngay cả những lúc đèn đuốc sáng rực,
dường như lúc nào cũng mang một vẻ bí ẩn lạnh lùng không rõ từ đâu đến.
*
* *
Cholon.
Quãng đường này mang tên Đồng Khánh tự khi nào, ít ai để ý. Các nhà nghiên cứu
tên đường Saigon sau đó nói năng lý giải lung tung vể khoản đổi thay này, nhưng
chẳng ai buồn để ý. Gọi tên đường mới riết, người ta thấy quen, tên ông vua ba
năm của nước Nam nổi tiếng là thích trang điểm không biết tự bao giờ đã đồng
nghĩa với những nhà hàng lớn nhỏ, những tiệc cưới, hay khôi hài hơn, là những
quầy thịt heo quay, và tiệm bánh kẹo... Năm 1953, thằng bé nhỏ con đã biết tận
dụng tốc lực của xe buýt trên con đường huyết mạch này để tìm cách trốn nhà, vù
vô — dù chỉ là vài chục phút nhích lên nhích xuống — tận nơi một trong những
căn cứ địa muôn màu của Bảy Viễn là Đại Thế Giới...
Nghĩ buồn cười. Ta theo hắn đã hơn bảy mươi
năm. Làm những gì hắn bảo làm. Ăn những gì hắn bảo ăn. Giờ giấc đọc sách nghe
nhạc vẽ vời vui chơi nhất nhất đều theo ý hắn. Yêu ai, hay ghét ai, cũng do hắn
chỉ bảo...
HNB
(theo Tiền Vệ)
*Nhiều năm sau có dịp đọc nguyên
bản tiếng Anh The
Razor’s Edge,
thú thật sự thích thú vẫn còn, nhưng... không thấy có gì mới mẻ.
No comments:
Post a Comment