Thursday, April 14, 2016

SÀI GÒN. ĐÓA QUỲ VÀNG TRONG TRÍ NHỚ



Hoàng Xuân Sơn


Sunflower. By Camille Engel

Đó là chủ đề số Phố Văn (báo giấy) đầu tiên cách đây 16 năm. Mười sáu năm, tưởng đã quên nó rồi, vậy mà hôm qua bạn Hoàng Xuân Sơn ở tận Canada gởi thư nhắc lại, và bạn còn gởi cho những câu hỏi phỏng vắn do Triều Hoa Đậi thực hiện kèm theo trả lời của Hoàng Xuân Sơn. Ôi, thật là quý. Vậy xin đăng lại dưới đây như một ghi dấu kỷ niệm.
PV


Triều Hoa Đại thực hiện phỏng vấn cho tập san Phố Văn số 1- tháng 5/2000

Câu hỏi gợi ý :
Anh/chị đã từng sống ở Sài Gòn, thành phố ấy bây giờ còn lại hình ảnh nào trong tâm tưởng của anh/chị?  Những ngày của Mùa Xuân Đen tháng tư 75 ấy anh/chị có mặt ở Sài Gòn không?  Cảm xúc và ý nghĩ của anh/chị khi xa Sài Gòn?
Anh/chị có bao giờ viết về thành phố ấy không, trong tác phẩm nào?
Nếu phải chọn một con đường có nhiều kỷ niệm nhất đối với anh chị (con đường tình sử) thì đó là con đường nào?

Phần trả lời của Hoàng Xuân Sơn :

Khi phải xa Huế để vào Sài Gòn trọ học, thì nỗi lòng người đi chỉ là sự thương nhớ ray rứt, da diết của đường thiên lý cách trở.  Xa mà vẫn biết có ngày sẽ trở về thăm quê cũ :
                        Anh chàng người Huế đi lang bạt
                   Vô tuốt Sài Gòn ở gác thuê
                    Chiều chiều ngó xuống đường xe cộ
                  Buồn nhớ chi mộ  Lạ rứa tề!
Nhưng khi phải xa Sài Gòn đi hẳn, đi biệt, muôn trùng ly cách, thì đấy chính là nỗi đau mất mát không cùng:  làm kẻ lưu đày biệt xứ, từ sau biến cố đau thương tháng 4-75.  Cho dù Sài Gòn là quê hương thứ hai, mất Sài Gòn là mất tất cả :  đất nước, xứ sở, quê hương . . . Người xưa có nói “nợ nước tình quê” thiệt là xác đáng! Xa quê thì luôn mang tình hoài vọng.  Nhưng mất nước là mối nợ canh cánh bên lòng.
Tháng tư đen 75, ngày 30 bi thảm, tôi có mặt ở Sài Gòn.  Hầu như mọi người đều mang tâm trạng giống nhau:  bàng hoàng, ngơ ngác vì sự mất mát quá lớn lao, chóng vánh khi nghe tổng thống sau cùng của miền Nam Việt Nam tuyên bố đầu hàng cộng sản Bắc Việt.  Có kẻ đau lặng người.  Có người bật khóc. Nức nở.  Tức tưởi.  Tàn tạ.  Tôi xin ghi lại một vài bút tích ở giờ phút đau thương, dẫy chết ấy :

                        . . .Tôi thức dậy hụt hơi
                        cái gì vừa đâm trí mạng vào sự thật
                        phải rồi tôi đang nghe tiếng gào la dậy đường
                        âm thanh man rợ thời khuyết sử
                        phải rồi tôi đang bơi ngược dòng tim óc
                        những khuôn mặt dị hình nói cười nham nhở
                        một nỗi đau chưa hịp thành hình
                        đã cuốn đời đi hung bạo. . .
                                                                        [Viễn Phố - Thơ Hoàng Xuân Sơn,
                                                                        Việt Chiến xuất bản 1988]

Và kẻ ở lại trong ngỡ ngàng tai biến, đã mang tâm thức lưu đày ngay chính trên phần đất quê hương mình đã thay hình đổi dạng [cho đến bây giờ đã biến chất hoàn toàn, ôi còn chi Sài Gòn xưa!!!] :

                        . . . Anh mất quê nhà ngay đêm nay
                        ngồi bên nhau tưởng xa bao ngày
                        anh biết mai này đi biệt xứ
                        hồn trở về không lúc rượu say?. . .
                                                                        [sách đã dẫn]

Giờ đây, cho dù sự đi /về đã có vẻ dễ dàng (?!); Sài Gòn trong tôi vẫn cứ là vết thương nhức nhối, đằng đẵng khôn nguôi hằng đau nhói.  Đau là vì thèm về mà chưa có thể về được.  Nhói là vì những đổi thay hằng hà người xưa cảnh cũ, toàn bộ đã thất tán rồi, đâu cứ là những con đường kỷ niệm đã được huyền thoại hóa trong thơ văn . . . Sài Gòn ơi, chỉ còn là Đóa Quỳ Vàng trong trí nhớ!
HXS


No comments:

Post a Comment