Thursday, April 14, 2016

GIÓ SẼ MANG CHÚNG TA ĐI



Nguyễn Xuân Thiệp



In my night, so brief, alas
The wind is about to meet the leaves.
My night so brief is filled with devastating anguish
Hark! Do you hear the whisper of the shadows?..

Trong đêm quá sức ngắn ngủi của tôi. than ôi
ấy là lúc gió trời sẽ đến cùng những chiếc lá
và đêm. đêm phù du trôi. cùng với những muộn phiền
đau đớn
nhưng ô kìa. anh. anh có nghe. tiếng thì thầm của những cái bóng. quanh em
hạnh phúc này. thật quá đỗi xa lạ. em chưa từng biết tới
bởi chưng. từ lâu. em đã quen với niềm thất vọng
ô  anh. anh có nghe lời thì thầm của những cái bóng
kìa. trong đêm. có điều gì rất lạ
mặt trăng của màu đỏ âu lo
đong đưa trên mái nhà
tất cả sẽ đổ ập bất cứ lúc nào
còn những đám mây. những đám mây. như những đàn bà mang áo chùng. tang
vừa đi vừa than khóc
họ tất cả đang chờ cơn mưa. sẽ ra đời
rồi tan biến. trong khoảnh khắc
chẳng còn gì. chẳng còn gì
đằng sau khung cửa này
đêm. vẫn đêm. run rẩy
và trái đất ngừng quay
đằng sau khung cửa này
là một người khách lạ
đang lo âu cho anh và em
anh trong màu xanh biếc phủ
đặt bàn tay. ôi. những ký ức nóng bỏng
trên đôi tay dịu dàng của em
và anh. anh đặt đôi môi nồng nàn sự sống
trên đôi môi xinh đẹp của em
và gió sẽ mang chúng ta đi
mang chúng ta đi

(The wind will carry us – by Forough Farrokhzad)

   Chúng ta đã biết cuốn phim Hương Vị Anh Đào - A Taste of Cherry của đạo diễn người Iran- Abbas Kiarostami. Phim kể chuyện một người đàn ông chán sống lang thang trên chiếc xe hơi đi tìm kẻ chôn minh. Hôm nay, Nguyễn xin nói tới một cuốn phim khác cũng của đạo diễn này: Gió sẽ mang chúng ta đi -  The wind will carry us.

    Vâng, thưa các bạn, những diễn ngôn chính trị hay tôn giáo gần đây về Iran thường làm chúng ta e ngại rằng bom hạt nhân, luật lệ hà khắc sẽ tách biệt con người nơi đây khỏi thế giới, thậm chí người ta còn nhìn thấy ở đó mối đe dọa thường xuyên đối với sự sống vốn rất cần bình yên của nhân loại ngày nay.
   Thế nhưng nhìn sâu vào cuộc sống trên mảnh đất chập chùng đá núi này và nhất là tìm hiểu con người qua các tác phẩm văn học nghệ thuật của xứ này, ta còn thấy có một Iran khác, một Iran “hiểu mình hơn, tiến gần cuộc sống ước mơ hơn” như hình dung và cách làm của đạo diễn Abbas Kiarostami - người từng trải qua những biến động chính trị trên đất nước của Đạo Hồi và nhận ra cội nguồn văn hóa mới là cái bền vững, tiên quyết chứ không phải “Đông hoặc là Tây” như khẩu hiệu cứng rắn của nhà lãnh đạo.
   Bởi thế, không nên vội phê phán về những điều trông thấy ở hiện thực xung quanh mà hãy thấy đó là những gợi ý để đặt vấn đề và chiêm nghiệm trong tinh thần cảm thông, chia sẻ.
   Nhưng trước hết, Nguyễn xin nói về người đạo diễn phim: Abbas Kiarostami sinh ngày 22 tháng Sáu năm 1940 là một nhà đạo diễn, vừa là nhà biên kịch, quay phim vào hàng quốc tế. Là người làm phim đầy nhiệt tình kể từ năm 1970. Kiarostami được các nhà phê bình nhìn nhận tài năng qua các phim Koker Trilogy (1987-94), Taste of Cherry (1997), and The Wind Will Carry Us (1999).
   The Wind Will Carry Us được sản xuất năm 1999. Tựa đề của phim lấy từ bài thơ nổi tiếng của nhà thơ nữ Iran đương đại Forough Farrokhzad. Cũng trong năm 1999, Gió mang chúng ta đi nhận được giải Sư Tử Vàng ở LHĐA Venise cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

   Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh những đoàn xe dài rong ruổi trên những con đường ngoằn ngoèo qua những làng mạc của xứ Iran. Hành khách trên xe chuyện trò rời rạc cho qua thì giờ, tất cả đang hướng về một ngôi làng cách xa thủ đô Tehran tới 700 cây số, nằm gắn sát bên sườn núi đá. Nơi đây, có một người đàn bà già sắp từ trần và họ sẽ chứng kiến, ghi nhận những nghi thức cổ truyền về tang lễ của người đàn bà này. Kỹ sư Behzard có mặt trong đoàn người lũ lượt -anh chàng thành thị này phải đi từ ngỡ ngàng này sang thắc mắc khác. Cậu bé Fazard được làng giao phó nhiệm vụ dẫn đường liên tục giải đáp cho anh bằng một niềm tin rằng mọi thứ ở làng đều do ông bà tổ tiên đặt ra và nó chẳng thể hiểu hay giải thích thêm được.
   Behzard dần nhập cuộc dù lúng túng và đôi khi, thật hài hước và không kém mỉa mai, để liên lạc với thế giới văn minh của mình, anh lao lên chạy xuống ngọn đồi “tìm” sóng điện thoại. Những “va chạm văn hóa” nảy sinh một cách tự nhiên trong những lần đối thoại với người già nơi đây, khải thị cho Behzard về đời sống, về lẽ công bằng hay định mệnh...

   Nét dí dỏm, thông thái trong những đối thoại ấy xứng đáng là những châm ngôn hàm chứa nhiều suy tưởng, liên tưởng. Ngôi làng Kurd không còn hấp dẫn Behzard như một điểm du lịch mà gợi lên những rung cảm yêu mến xứ sở thật lòng. Behzard trở về thành phố khi những cánh đồng lúa mì vàng rực trải dài bát ngát và đầy gió, như sự mênh mông bất diệt của cõi sống trên mặt đất này.
   Quả thật không khó nhận ra ở bộ phim những ngụ ý về khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn, giữa cái gọi là tri thức sách vở và trí tuệ dân gian. Chúng là những thực thể luôn có mặt ở bất cứ đâu. Nhưng Kiarostami không hề lập thuyết, phức tạp hóa về nó. Mà như một người quan sát tinh tế và hiểu biết, ông gợi mở, dẫn dắt những rắc rối về với lẽ tự nhiên, giản dị và minh triết.
   Chúng ta chưa bao giờ mất đi quá khứ cũng như thật khó lòng để triệt tiêu cái già nua, bởi thế hiện tại hay hiện đại phải là một tinh thần sống bao dung, mở rộng và đối thoại. Điều đó trở nên thật giá trị vì nó bảo vệ con người, bảo vệ những lẽ phải của tâm hồn mà không có thứ quyền lực nào chia cắt được.

   Cuốn phim đưa ra một cái nhìn đậm chất thơ về những vấn đề phức tạp, như sống và chết, truyền thống và hiện đại, quê nhà và thế giới. Về chủ đề sống và chết, theo nhà báo Nam Phú: Trong bộ phim này, ý niệm sống và chết đúng là sự chuyển hóa, đan xen, đồng hiện và bước qua ranh giới giữa chúng, cũng là với thái độ bình tâm, nhẹ nhàng. Sau A taste of cherry (Hương vị anh đào, 1997), một lần nữa ở Gió sẽ mang chúng ta đi,  Kiarostami lại làm khán giả thán phục bởi chiều sâu triết học nhân sinh khi nhìn về vấn đề muôn thuở của sinh - tử. Gió sẽ mang chúng ta đi  quả đúng là một tuyệt tác mà phẩm tính thi ca đã bắt đầu từ nhan đề. Những góc máy diễn tả không gian rộng, màu sắc tràn căng, giọng điệu trữ tình trong lời thoại... càng tô đậm thứ ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt của Kiarostami - một thứ ngôn ngữ trong lành, tưới tắm hương vị tin yêu, lãng mạn - cho khung cảnh khô hạn, cho trần tục lắm hận nhiều thù. Kiarostami chỉ có thể tạo ảnh hưởng chứ không để ai trùng lặp. Bởi đơn giản ông là thi sĩ - điện ảnh gia của chính ông.
   Xét cho cùng, cuốn phim Gió sẽ đưa chúng ta đi không nói về gì hết mà nói về mọi thứ -sống và chết bao trùm lên tất cả và phẩm chất của ánh sang trên những ngọn đồi bụi phủ cũng là một giá trị. Xin hãy theo chân kỹ sư Behzad để cảm nhận chất thơ của đời sống: dần dần anh tỏ ra không mấy quan tâm những nghi thức tang lễ của bà lão miền quê, nhưng đặc biệt anh bị cuốn hút về những gì anh nhìn thấy và đọng lại trong tâm trí anh. Do đó, anh cứ đợi và thời gian cứ trôi qua. Trong lúc ấy, anh trò chuyện với người làng, với thằng bé dẫn đường Farzad, uống trà trong một quán trà dân dã, và đi tìm ít sữa cho ly trà của mình. Anh lái xe lên đồi tới chỗ cử hành tang lễ, gặp người phu đào huyệt Yossef. Anh chuyện trò với anh ta.  Yossef đặc biệt thấm nhuần truyền thống Iran về sự hiếu khách, đã mời Behzad tới lấy sữa từ người đàn bà của anh ta và ở đây Behzad đã có dịp chuyện trò với Zeynab trong lúc cô đang vắt sữa con bò trong chuồng… Trong lúc đó, Yossef gặp tai nạn khi đào huyệt và Behzad phải chạy đi tìm bác sĩ tới cấp cứu. Rồi anh chở bác sĩ đến một thị trấn gần đó để mua thuốc cho Yossef. Hai người lại bàn luận về sự sống và chết. Behzad nói là sau khi chết, người ta đi tới một nơi tốt đẹp hơn. Nhưng ông bác sĩ già cho biết không ai trở về lại từ cõi chết để xác nhận điều ấy, vậy thì chỉ còn cách là tận hưởng đời sống. Và ông nhắc lại lời thơ của Omar Khayyam:

Người ta bảo tôi là đời sống bên kia đẹp như nàng tiên thượng giới
Nhưng tôi thì nói rằng chất rượu nho còn ngon hơn thế nữa
Hãy yêu hiện tại và đừng nghe những lời hứa hão huyền
Cho dù tiếng trống êm đềm đang từ xa vọng lại…

(Tổng hợp tin Internet)
NXT

1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete