Tuesday, April 26, 2016

ĐỌC TÙY BÚT MAI THẢO…



nguyentruongtrunghuy


Huyvespa

Nhà văn Mai Thảo

Huy Vespa là bút hiệu của Nguyễn Trường Trung Huy, một bạn trẻ sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc 11 năm. Huy tự nhận là một kẻ mê đắm Sài Gòn. Em cho biết lý do: Saigon là một chốn tự-do-tự-thân, một nơi chốn dung nạp tất cả những ai đến với, thở cùng, sống lại, cho yêu, ra đi (và trở về)... Xét đến rốt ráo, Saigon là "một cõi ta bà, nơi mà nhà chùa nằm cạnh nhà thổ, trăm ngàn thứ chìm nổi, mặt tiền mặt hậu, đủ chủng tộc, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng, đủ giai tầng, đủ món ăn chơi, đủ lối chơi, đủ hẻm hóc, ánh sáng rất sáng, bóng tối rất tối, ánh sáng ngay giữa khuya... nghĩa là những đối cực tiếp giáp nhau, hoán vị nhau, bao hàm nhau, nghĩa là những cực điểm sẽ không còn là những cực điểm vì phải thể nhập vào cái rộn ràng chung và hóa thân..." (Trích "Sài Gòn của Bửu Ý)
Chính thế, chỉ có Sài Gòn mới khiến thốt lên "chỉ nhớ người thôi đủ hết đời" (Trích thơ Du Tử Lê).

“Em đã đến với văn chương miền Nam thời chiến và sưu tầm để đưa trên trang blog của em [1] bắt đầu bằng nghe những bài nhạc "xưa", từ những tape nhạc "Lê Uyên Phương" mà bố mẹ thườngnghe, và suy nghĩ, sao có một thời âm nhạc đẹp và mê say như thế, còn những lĩnh vực nghệ thuật khác thì sao? Và tình cờ em đọc được vài quyển TUỔI NGỌC... Từ đó, em lần mò đi tìm những tác giả, tác phẩm để thấy rằng không những âm nhạc mà các ngành nghệ thuật điển hình là văn chương… của một thời… của 20 năm... đã cố tình bị lãng quên, và hư vô hóa.... nhưng có sức sống rất bền bỉ và những giá trị của nó có thể sẽ không bao giờ còn được lặp lại trên mảnh đất Việt Nam này.”
(trích từ email của Huy. Thư Quán Bản Thảo 57)
[1] http://huyvespa.blogspot.com/

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của Huyvespa về văn chương Mai Thảo.
NGUYỄN & BẠN HỮU


“ Đọc Mai Thảo, không phải là đọc những gì ông viết mà là đọc cái cách ông viết ra những gì ông đã viết. Một căn nhà vùng nước mặn. Một chuyến tàu trên sông Hồng. Một bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời. Đó không phải là những cái truyện, những tên truyện. Đó là mảnh vỡ của những cuộc đời, long lanh hạnh phúc, ràn rụa nước mắt. Không kể lại được. Phải đọc từng dòng, từng chữ của Mai Thảo, để thấy ông nghĩ, ông viết thế nào về những truyện đó, chứ không phải những gì chất chứa trong những truyện đó” (Nguyễn Đình Toàn)

Đọc Mai Thảo, đặc biệt là những tùy bút dạt dào “nội dung siêu hình cùng những tâm thức lãng mạn, đớn đau..”… là có thể đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần va chạm vào một xao xuyến mới, tiệm cận với một rung động liền kề, hứng chịu một mê đắm từ những giọt mưa cường toan rát buốt sát thương hết những … phiền nhung gấm, mân mê một buốt tấy mê man từ vùng yêu thương còn tưởng như gần sát…

Mai Thảo đã thả cánh bướm Trang Tử trên những nhịp nhàng chữ nghĩa, trên những cuộn xoáy ảnh hình…tạo ra một cú sốc ngôn ngữ “mới” đối với người đọc (không những là trong 20 năm huy hoàng của văn học nghệ thuật miền Nam) mà còn là những độc giả “bây giờ”…để ta/ chúng ta…sửng sốt trước sự khai phóng đủ sức làm độc giả lạc lối trong một thế giới vừa thực vừa phi thực mà tác giả đã xây dựng…đọc Mai Thảo là đi tìm lại thời gian đã mất (hay cũng có thể..là chưa?!?), là ấp ủ một cái đẹp mong manh , là “để tưởng nhớ mùi hương”…

Là người của kỷ niệm, của dĩ vãng, của “căn nhà vùng nước mặn” chợ Cồn, Hải-hậu, Mai Thảo còn là người Hà-nội, người sông Hồng, người Sài-gòn… mà lại rất Paris, rất Camus, rất Sartre.

“Văn phong Mai Thảo dào dạt, mãnh liệt, đau đớn, thiết tha, đó là những chân dung: chân dung kỷ niệm, chân dung sao trời, chân dung Hà-nội, chân dung bạn văn, chân dung nụ hôn, chân dung ngọn cỏ, chân dung Cửu-long, chân dung sông Hồng, chân dung cuộc tình… Đó là những bức họa, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực ẩn hiện trong những điệu nhạc jazz trầm uất..”

Ngay từ những ngày đầu “đọc Mai Thảo”, tôi đã bị cuốn hút vào “những rừng từ chương và những biển suy tưởng”, những khai phóng “mở đường” (có thể) gây sốc thuở ban đầu nhưng sau vụt thoát thành một lấp lánh văn phong thấy thấp thoáng đâu đấy trong cách viết một vài tác giả, một phong cách maithảo – với rốt ráo tận cùng ngữ nghĩa của từ này trên danh xưng của một – mỹ tính từ…

Đó, trước hết, đến từ cách dùng chữ MỘT – khi thì là trạng từ, khi thì động từ. Nhưng nhiều nhất là tính từ và động từ. Với cách viết này, Mai Thảo loại bỏ hẳn một số từ khác thường đứng trước chúng. Thay vì “một cuộc lưu đày” thì là “một lưu đày”; thay vì “một nỗi nhớ nhà” thì “một nhớ nhà”; thay vì “một sự khuấy động” thì “một khuấy động”, vân vân. Ta gặp dài dài cách dùng đó trong văn Mai Thảo: một tình cờ, một trao phó, một bùng cháy, một bất ngờ, một vượt thoát, một mê đắm, một yếu đuối….Nhiều. Đã quen với cách viết đó, mà thú thật, đôi khi tôi cũng ngỡ ngàng khi gặp chữ một của Mai Thảo, nhất là khi ông thêm vào sau đó một tính từ nào đó (có khi là một cụm từ) có tính cách diễn tả: một lưu đày dịu dàng vào cô đơn, một lạnh buồn vô tận, một gần gụi diễm lệ…khiến cho câu văn đột nhiên mang một vóc dáng khác lạ, thú vị…

Những “MỘT” chơ vơ và tưởng-chừng-đơn-giản…đã là một đằm thắm rõ nét, một tịch liêu vây phủ…trong lòng độc giả (hay ít ra là trong lòng tôi)…

“- Rồi thì một lạnh buồn vô tận đấy nhỉ? Rồi thì là một nhớ nhà vô chùng đấy nhỉ? Khi, giữa một đêm quê người, một đêm ở Mỹ như đêm qua…”
– Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một im lặng lớn nằm giữa một lắng đọng đầy…”(Những tấm hình của chị Thời)
– …Chính ôm lấy người đàn bà. Người đàn bà của một gặp gỡ ngắn. Một tình cờ ngắn. Một hạnh phúc ngắn” (Hồng Kông ở dưới chân)
– Không có tiếng vang, không có một bùng cháy, một bất ngờ, một khuấy động nào nữa (Mười đêm ngà ngọc)
…”
Cái MỘT trơ trọi đó, phần nào, trong một thoáng nghĩ, tôi tin chắc đó là MỘT của một dáng hình, một trầm tư rất MAI THẢO mà trong những phác họa chân dung từ những văn hữu cùng thời, MAI THẢO là một hiển lộ của một cô đơn đến tận cùng … cũng như Mai Thảo đã từng viết “chết tận cùng đến điểm cuối cái chết”, “Tắt tới cái điểm le lói cuối cùng của lửa.”…

Đó là cô đơn của..

“Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy”

hay

“Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái gì đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy”

Nguyễn Trường Trung Huy

No comments:

Post a Comment