nguyễn xuân thiệp
Cẩm Nhân. Yên Bái. Hình Internet
Yên Bái.
Địa danh đó gợi lên nhiều điều trong lòng người viết hôm nay. Nó mang vẻ khốc
liệt của một loài hoa ác (ác hoa) một cơn mộng dữ (ác mộng). Khiến ta liên
tưởng đến hình ảnh một mặt trăng trên khu rừng cháy hay những cánh hoa đào sau
cơn động đất. Mời bạn đọc tiếp những dòng sau đây.
Yên Bái ngày xưa. Hôm qua đọc tin trên Người Việt Online, nghe Đinh
Quang Anh Thái nói chuyện với Ngô Nhân Dụng tức nhà thơ Đỗ Quý Toàn về “Những
nghi vấn trong vụ án Yên Bái”. Mở đầu nhà bình luận Ngô Nhân Dụng nhìn thấy ở
hai từ Yên Bái một cái gì đó của Hồn Thiêng Sông Núi, ông nghĩ đến 13 liệt sĩ
Quốc Dân Đảng bị xử tử tại đây và như còn nghe Nguyễn Thái Học hô to trên pháp
trường “Việt Nam Muôn Năm”. Với Nguyễn và những người cùng thế hệ cũng thế, khi
nghe tới cái tên linh thiêng Yên Bái là nghĩ tới anh hùng Nguyễn Thái Học và các
liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nguyễn cũng đã có viết một truyện ngắn lấy tên Tào Khê Nước Chảy nói về cuộc tình của
Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thái Học. Trong truyện ở phần cuối tả cảnh Nguyễn Thị
Giang đứng trên một ngọn đồi ở Yên Bái nhìn cảnh bọn lính Pháp dẫn Nguyễn Thái
Học và các liệt sĩ ra pháp trường dưới trời nắng lửa xử trảm và tiếng người yêu
trong phút cuối hô to tên Việt Nam trước lưỡi kiếm vung lên. Về tới nhà trong đêm
ấy, Nguyễn Thị Giang dùng cây trâm cài tóc của người yêu tặng đâm sâu vào lồng
ngực tự vẫn.
Với Nguyễn cái tên Yên
Bái còn gợi lên hình ảnh những năm tháng đi tù cải tạo bị đưa ra Miền Bắc. Đó là
vào năm 1976 từ trại Long Giao vào lúc nửa đêm xe molotova tới chở cả mấy trăm
người ra tân cảng Sài Gòn lùa xuống tàu Sông Hương. Từ đó trải qua ba ngày ba đêm
nín đái nín ỉa dưới hầm tàu mới ra tới bến Hạ Lý Hải Phòng. Sau vài ngày nằm
trong hangar ở Hạ Lý, một buổi chiều cả đoàn người bị lùa lên những toa xe lửa
chở thẳng lên núi rừng đất Bắc. Trải qua một đêm bị nhốt trong toa súc vật đóng
kín có người bị chết vì ngộp thở. Trưa hôm sau tàu đến Yên Bái. Dưới mắt những người tù
năm ấy Yên Bái chỉ là một thị trấn nhỏ bé. Đoàn tù được chia ra làm hai, một nửa
qua sông Hồng hướng về Sơn La, một nửa ngược lên Thác Bà qua phà đi về phía Cẩm
Nhân. Tới đây khởi đầu giai đoạn đầy ải, rừng thiêng nước độc. Trại Cẩm Nhân nằm
cạnh một con suối, trước mặt là dãy núi cao chớn chở, ngày ngày Nguyễn và các bạn
tù phải leo qua sườn núi, phá rừng làm rẫy. Bữa ăn chỉ có bát bo bo và mấy hạt
muối sống. Đi cầu thấy phân màu đỏ tím lẫn xác bo bo chưa tiêu hóa. Lên núi hái
thêm rau rừng để ăn thường là rau tàu bay. Đôi khi hái trộm bắp của trại, đốt lửa
nướng lên ăn. Ngày tháng xanh lướt rau rừng và tiếng chim “bắt cô trói cột”. Vậy
mà cũng có thơ. Khi hoàng hôn xuống, Nguyễn cùng Tô Thùy Yên thường ngồi nghỉ
chơi ở đầu lán trại. Thỉnh thoảng thấy trăng lên trên đỉnh núi, sáng tỏa rực rỡ
như có tiếng kêu. Tô Thùy Yên hứng khởi đọc Điểu Minh Giản (Khe chim kêu) của Vương
Duy thi nhân đời Đường, trong có câu Nguyệt
xuất kinh sơn điểu (trăng hiện lên khiến chim núi giật mình). Nhiều hôm rảnh
rỗi, Tô Thùy Yên cặm cụi chép bài thơ Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ của Trương Nhược
Hư đưa cho Nguyễn xem. Mùa đông đầu tiên ở Cẩm Nhân lạnh ơi là lạnh. Đêm tù phải
đốt lửa trong lán sưởi ấm và Nguyễn nghe được tiếng đàn của một nhà sư đi tù.
Do đó mà có bài Đốt Lửa Nghe Sư Đàn.
Lâm Chương lúc đó ở cùng trại đã ghi lại như sau trong bài tản văn Con Suối Và Chiếc Cầu Treo:
Nhà thơ Nguyễn Xuân
Thiệp có bài Đốt Lửa Nghe Sư Đàn. Đọc lên cứ nghe rờn rợn. Nó gợi lại trong tôi
một nơi chốn quen thuộc. Không gian, thời gian của những mùa đông rét mướt, áo
quần không đủ che thân. Đêm đông trong lán trại lợp bằng nứa, lạnh quá không ngủ
được, tù ngồi hơ tay bên đống lửa. Tiếng nói chuyện thầm thì như hơi gió. Tâm sự
tràn trong đêm khuya. Thỉnh thoảng nghe tiếng mang mển “béc” ngoài đồi tranh cô
quạnh, tiếng kêu buồn héo cả ruột gan.
Nguyễn Xuân Thiệp
thai ghén và làm bài thơ này từ năm 1977 đến năm 1988. Mười một năm ròng rã, dốc
hết tâm huyết cho một bài thơ đầy nội lực. Hèn nào đọc lên, tôi thấy như mình
đang sống trong căn lán ẩm thấp vào một mùa đông lạnh ướt xưa kia. Anh Thiệp
cho biết, đã từng ở trong cái trại có con suối chảy sát ngoài hàng rào. Trước cổng
trại, chếch về phía bên trái, sát chân núi có một ngôi nhà sàn. Nhà núp trong
cây. Những buổi sáng lành lạnh trời còn mù sương, đến thật gần mới thấy ngôi
nhà hiện ra trong làn sương đục. Cảnh đẹp như tranh, mơ hồ như ngôi nhà trong cổ
tích. Hóa ra, cái trại Nguyễn Xuân Thiêp mô tả, chính là trại Tô Thùy Yên và
tôi từng ở đó…
Trong Đốt Lửa Nghe Sư
Đàn, Nguyễn Xuân Thiệp có nhắc đến con suối, đốt lửa bên trong lán suối. Cuối
bài, kết thúc bằng trăng lên rồi. hổ xuống cẩm khê. Cẩm Khê là một địa danh thuộc
xã Cẩm Nhân. Xã ở miền cao, có nhiều suối mùa. Nhưng con suối thiết thân gần
gũi với chúng tôi ngày ấy là con suối Nguyễn Xuân Thiệp nói trong thơ. Bây giờ,
đọc thơ anh, tôi cảm giác như cái lạnh còn thấm tới xương, và còn mường tượng
được cái không khí u uất trùm lên lán trại vào những đêm khuya nghe cú rúc. Tiếng
cú như tiếng ma kêu sầu thảm, báo điềm có kẻ tử vong.(Lâm Chương)
Bài Đốt Lửa
Nghe Sư Đàn
nguyên văn như sau, xin ghi lại như một kỷ niệm thời đi tù Yên Bái:
ĐỐT LỬA NGHE SƯ ĐÀN
đốt lửa. chừng như người qua khe
mùa đông. tím những nương mưa
đốt lửa bên trong lán suối
mưa. mưa. trên con đường núi
có ai tìm vầng trăng mọc khuya
rét. đói. sầu miên. đất. đá. gỗ
đầm sấu hoang. lau thắp. bến chờ
lửa đã cháy. cháy trên củi ướt
tù ngồi hơ tay. nghe cổ tích
chuyện đường huyền trang đi thỉnh kinh
bỗng trong đêm. rộ tiếng ai đàn
lửa củi soi. nhà sư mặt ốm
kể từ sư rũ áo đi đày
cái tâm mây nổi. trăng thiền đạo
cuộn cuộn trường giang. sóng lục đầu
đầm cỏ. nước in. thân cò vạc
bắt cua. vồ nhái. ngày qua ngày
đêm đêm. ôm đàn trong xó tối
năm ngón tay gầy. tiếng thổ cầm
sư ngồi đàn. như cây trăm năm
lửa cháy. xèo xèo. mùi nhựa ngái
khói tỏa. mù khe. màu cỏ rối
dạo đàn. mưa thu rơi trong trăng
tiếng mau. chim bay qua mùa đông
đàn ánh thép xanh. gươm phạt trúc
gỗ nổi. đá lăn. trâu bứt gốc
hồn u. mả tối. đây là đây
rạng tiếng ngư dương. thơ quỷ đọc
lán sâu. bếp ảo. lửa đào lay
cây đàn gỗ xưa. như mặt trăng
năm ngón tay gầy. như chim ưng
bật dây. rỏ máu. hoàng hôn rừng
gọi những mùa đi không trở lại
đàn qua. tiếng buồn trong lau sậy
gió thu. đưa võng. ai chờ ai
đêm cẩm khê. đàn trong u độc
người nghe đàn. khơi lửa đỏ khuya
tóc râu tiền kiếp. đầm hơi mưa
bỗng thấy. sân nhà. cây sứ gãy
năm cửa ô quan. ngấn lệ mờ
những nẻo chiều sương. người rách rưới
những mái nhà. mưa xoi. nắng dọi
lọ rơi. sành vỡ. lục cục âm
khuya rồi. ai xẻ gỗ huỳnh đàn
ửng sắc hoa gầy. trên áo quan
sư bỗng ngừng đàn. nhìn đống lửa
gốc cây. cháy như đầu thiên cổ
huyễn huyễn. củi tàn. màu kinh xưa
mặt đất chừng qua cơn mộng dữ
nên ngón tay gầy. như ngó sen
hơi đàn trôi trong hương lá xanh
đàn ngân. cánh chim soi trên đầm
mùa hoa mơ nở. trắng non ngàn
từ trong động ấy. giờ trăng mọc
ánh trăng. chảy vàng trăm cửa sông
bếp rụi. lửa riu. âm đàn dứt
trăng lên rồi. hổ xuống cẩm khê
NXT
No comments:
Post a Comment