Friday, September 9, 2016

CON BÙ NHÌN


Nguyễn Thị Thảo An


Tranh trẻ em

Tiếng chân chạy huỳnh huỵch trước nhà làm tôi tỉnh giấc. Nheo mắt qua khe sáo, ba đứa trẻ nhà bên đang chơi trò cút bắt. Hai đứa con gái: đứa lớn khoảng mười tuổi, đứa nhỏ chừng năm, sáu; thay phiên vây đứa con trai độ lên tám. Mỗi lần túng thế, thằng bé nhảy phóc qua lùm cherries sang sân tôi, rồi đứng lại vừa cười vừa thở dốc. Bên bờ giậu, hai con bé vừa nhứ tay vừa la ỏm tỏi. Tôi rửa mặt và thay áo. Pha một chút trà uống cho tỉnh táo, rồi bước ra ngoài. Mới dọn về tôi cũng nên chào hỏi láng giềng, sau nữa dặn bọn trẻ giữ yên tĩnh vì tôi làm ca đêm.

Bây giờ là đầu hè. Mặt trời dậy rất sớm. Ánh nắng chói chang dội từ trên cao xuống. Mọi vật như chìm trong biển nắng. Ban ngày, toàn khu trông cũ kỹ, tiêu điều. Nhà nào cũng xây một kiểu na ná như nhau: gạch đỏ, mái thấp, và một nhà xe nhỏ day mặt ra đường. Mỗi căn có một khoảnh sân vuông vức bằng nhau, được ngăn bởi những lùm cây cherries, hay loại chùm nụm rậm lá làm rào. Trong sân cũng giống nhau có một chút cỏ xanh, một vài cây hoa làm kiểng. Chỉ khác nhà có bóng mát, vài nhà không.

Bên kia sân, rượt nhau chán, bọn trẻ kéo nhau ngồi dưới mái hiên và nói chuyện rầm rì. Thỉnh thoảng chúng liếc sang, bất chợt gặp ánh mắt tôi, liền chùng mặt xuống. Hai bên yên lặng quan sát nhau. Một chốc sau, con bé lớn đứng lên nhích chiếc ghế vải sau lưng nó xoay nghiêng phía trước. Xong, nó ngồi xuống cầm cuốn sách mỏng phe phẩy quạt cho một người nằm trên ghế. Bây giờ thì tôi mới để ý. Đó là người đàn bà đang nằm ngủ. Một chiếc nón vải rộng vành úp mặt để che ánh sáng. Cái áo đầm dài tay bằng vải jean xanh trùm quá gối. Chân mang sandals có vớ. Thân hình đẫy và thấp, so với cái ghế hơi nhỏ. Người đàn bà đánh một giấc say sưa bên cạnh những đứa con ngoan.

Buổi sáng, tôi thường không ngon giấc vì tiếng trẻ nô đùa. Vào sở với đôi mắt cay sè, thật khó chịu. Tôi chờ, có dịp tôi sẽ nói với mẹ chúng. Ý định này khiến tôi cứ nhìn qua sân nhà họ. Ngẫu nhiên, tôi phát giác ra nhiều điều kỳ lạ. Người đàn bà lúc nào cũng ngủ. Mùa hè, bà ta cứ mặc những loại váy dài tay và lưng trùm quá gối. Loại vải dầy và toàn là mầu đậm. Chân luôn mang vớ. Đặc biệt, bà ta cứ thích ngủ dưới hiên.

Một hôm, trong lúc đuổi nhau, con bé nhỏ vấp té kêu khóc inh ỏi. Hai đứa kia xúm vào dỗ em. Mặc chúng nó, bà vẫn nằm ngủ ngon lành. Tôi mang một chút ác cảm với bà, từ đấy.

Có một ngày nghỉ lễ, tôi mang những gốc hồng mới mua ra trồng. Mấy đứa trẻ cũng chạy ra xem tôi đào đất. Xắn mỏi tay mà vẫn còn nông, làm tôi ngao ngán. Hơi ngượng với lũ trẻ, tôi gắng gượng đào. Bỗng, thằng bé chỏ mồm vào nhà gọi mẹ. Một người đàn bà bước ra. Tôi kinh ngạc. Mẹ chúng trẻ. Vóc người gầy trong chiếc áo hở tay. Đôi chân dài như chân sếu ló ra từ chiếc quần short trắng. Mái tóc dài vàng hoe, lơ thơ vài cọng phủ trán. Gương mặt trẻ, dễ gây cảm tình. Cô mỉm cười, chào ” Hi”, rồi ngỏ ý giúp tôi đào đất. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ. Cô năng động, bặt thiệp. Thoáng chốc, mươi gốc hồng đã vùi xong. Bọn trẻ cũng xúm xít giúp tôi tưới nước, rồi gom lá vào một chỗ. Không khí sân nhà bỗng vui hẳn, nhưng lòng tôi vẫn loáng thoáng nhớ người đàn bà mặc váy xanh nằm ngủ. Bà ta là ai, cứ vừa ngủ vừa trông lũ trẻ. Mới quen, tôi không tiện hỏi. Nhỡ là điều cấm kỵ của họ, thêm phiền.

Dần dà qua câu chuyện tôi biết, cô có hai đời chồng. Sau khi ly dị, họ mất tăm. Một mình cô phải nuôi ba đứa trẻ. Căn nhà đang ở là nhà thuê. Cảnh sống bốn mẹ con thanh bạch, tằn tiện Ngoài việc làm thường ngày, cuối tuần cô còn làm thâu ngân ở trạm xăng đầu đường. Thời giờ dành cho lũ trẻ thật hiếm hoi.

Từ đó, tôi có thói quen thường hé màn nhìn qua nhà bên cạnh. Bọn trẻ hết nô đùa, lại chụm đầu vào nhau đọc sách. Trời vào trưa oi ả. Mấy con chim chuyền cành líu lo. Tôi khệ nệ bưng bình nước đá chanh mới khuấy và mớ ly giấy sang làm quà cho tụi nhỏ. Một cơn gió bất chợt tốc qua. Mấy cái ly giấy vuột khỏi tầm tay xoáy theo cơn gió. Ba đứa nhỏ thích chí hò hét đuổi theo sang tận bên kia đường. Tôi xoay người, định bước lên hàng hiên đặt bình nước xuống, rồi kêu chúng trở lại.

Bất ngờ, tôi thấy cái nón vải bị gió bật nằm dưới chân. Ngẩng lên, tôi nhìn mặt người đàn bà trong khoảng cách thật gần. Gương mặt đẹp hồng hào, đôi mắt mở lớn nhìn lên trần vô hồn: gương mặt của một người giả làm bằng plastic mà tôi vẫn thấy họ để trong các tủ kính. Thân hình mập vì bị độn nhiều thứ quần áo bên trong. Trong khi tôi còn trố mắt quan sát, thì con bé lớn đã dẫn hai em trở về. Nó ngượng ngập không nói gì. Tôi trao cho nó bình nước, rồi lẳng lặng trở về.

Từ khi biết chắc không có người lớn ở nhà, tôi càng để ý chúng nó. Bệnh tật, tai nạn, hỏa hoạn, trộm cướp… đều có thể xảy ra bởi những sự bất ngờ. Lúc này, đầu óc tôi tự dưng hay liên tưởng tới những hoàn cảnh xấu. Khu này toàn là nhà rẻ tiền. Dân tạp nhạp lui tới biết đâu lường. Có thể đó là lý do xe cảnh sát thường tuần tiễu quanh đây. Mỗi sáng, con bé lớn vẫn ì ạch kéo chiếc ghế vải và đặt con bù nhìn nằm ngủ. Thấy người lạ đi ngang, nó lại cầm cái bìa phe phẩy quạt cho con bù nhìn.

Những lúc tỉnh giấc sau này, tôi thường đem sách vở ra ngoài hàng hiên nằm đọc trên chiếc ghế vải. Đôi khi mệt mỏi, tôi cũng úp sách lên mặt và ngủ quên trong tiếng nô đùa của trẻ.

Có một hôm đang chìm trong một cơn mơ đẹp, những tiếng chân nặng huỳnh huỵch trong sân làm tôi tỉnh giấc. Bên kia sân, hai người cảnh sát: một người đang ẵm con bé nhỏ ra xe vỗ về, người khác dẫn hai đứa lớn lên chiếc xe van mầu trắng. Xong, họ quay lại ghim một tấm giấy màu vàng trên cánh cửa. Chiếc xe chạy ngang, tôi đọc bên hông xe hàng chữ “Family and Children Department Services”.

Quay vào nhà, theo thói quen tôi nhìn sang bên kia: chiếc sân vắng vẻ. Trên hàng hiên, con bù nhìn đã té xuống ghế tự bao giờ.
NTTA

No comments:

Post a Comment